Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ trách nhiệm cá nhân để khắc phục những điểm nghẽn của sự phát triển

Vương Tuấn Anh| 14/12/2014 06:24

(HNM) - Năm 2014, lãnh đạo thành phố đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành nhiều chính sách đi vào cuộc sống nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN) trong đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Và trên thực tế, kinh tế của Thủ đô đã đạt được những kết quả khả quan. Hà Nội đã thu hút 16,7% tổng số dự án của cả nước. Ước tính 11 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.670 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 10.031 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ.


Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Những tín hiệu tích cực

- Sau những nỗ lực vượt bậc đã có thể thấy tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế Thủ đô. Theo ông, Hà Nội có những điểm nổi trội gì trong năm 2014?

- Một điểm mới nổi trội của nền kinh tế là sự phục hồi của thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân với mức giao dịch được thành công trong vòng 11 tháng tăng gấp đôi so với năm 2013. Động thái này không chỉ tạo động lực cho phát triển Hà Nội mà còn hâm nóng thị trường bất động sản của cả nước. FDI vào Hà Nội năm nay cũng phát triển khá, góp phần duy trì tăng trưởng chung. Đặc biệt, việc Hà Nội xây dựng hai khu công nghiệp (KCN) mới gồm khu công nghiệp phụ trợ phía Nam và khu công nghệ cao, cùng với việc tiếp tục xây dựng các KCN khác theo quy hoạch, chắc chắn sẽ tạo động lực mới về tái cơ cấu kinh tế Thủ đô.

Hà Nội là trung tâm tài chính có khả năng huy động và chuyển vốn đầu tư cho các địa phương khác. Năm 2014, khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn rất tốt và thị trường chứng khoán đã khởi sắc. Bên cạnh đó, năm 2014, thị trường nội địa Hà Nội vẫn tăng và tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Tình hình sản xuất vụ mùa năm 2014 tương đối thuận lợi, công tác phòng chống bệnh cho cây trồng tương đối tốt nên không xảy ra những ổ dịch lớn. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hà Nội đã mạnh dạn nhập khẩu và làm chủ được thiết bị, công nghệ hiện đại nhất thế giới về chọn lọc và nhân tạo giống thuần chủng, có thể tạo ra những sản phẩm về giống chất lượng cao theo yêu cầu khách hàng, cung cấp rộng rãi trong cả nước. Đây có thể coi là điểm mới tích cực của Hà Nội trong việc thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và phát huy vai trò trung tâm khoa học - công nghệ và giống nông nghiệp của Thủ đô…

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.


- Bên cạnh những mặt tích cực, nổi trội, Hà Nội có những điểm nghẽn nào cần khắc phục?

- Năm nay, Hà Nội có một điểm “mờ” đó là tỷ lệ nợ đọng thuế khá lớn, dù có giảm vào những tháng cuối. Tổng số nợ tính đến cuối tháng 11-2014 lên tới 17.893 tỷ đồng, tăng 30,8% so với số nợ thời điểm 31-12-2013, trong đó nợ thuế, phí 6.951 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định do nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán. Điều này phần nào cho thấy, công tác quản lý đất đai, quản lý thuế của Hà Nội vẫn còn những bất cập. Chưa kể những vấn đề trong liên kết khu vực. Việc liên kết và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của Hà Nội trong vùng Thủ đô là một trong những điểm lưu ý trong thời gian tới để phát triển bứt phá.

Năm 2014, kinh tế Hà Nội cũng mang màu sắc cùng với xu hướng chung của kinh tế Việt Nam. Du lịch là điểm sáng của Thủ đô, khách nội địa đến Hà Nội ước tính đến đầu tháng 11 đạt trên 14 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Hà Nội đạt trên 2 triệu lượt người, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước... Nhìn chung, kinh tế Hà Nội trong 11 tháng qua vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng gấp hơn 1,5 lần so với cả nước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ, chỉ số CPI giảm hơn so với mức của cả nước. Rõ ràng, kết quả này tiếp tục khẳng định những mặt tích cực, nổi trội của Hà Nội.

Ngoài ra, trong việc đầu tư ngân sách nhà nước và phát triển công nghiệp chủ lực còn nhiều điểm chưa thật an tâm. Mặc dù ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng nhưng có tới 9/19 lĩnh vực sản xuất của ngành này giảm so cùng kỳ, giảm mạnh nhất là sản xuất kim loại (giảm 9,8%), tiếp đến là sản xuất phương tiện vận tải (giảm 5,8%)...

Tạo đòn bẩy cho nền kinh tế

- Chúng ta có cách nào để loại bỏ cơ chế xin - cho, để các DN không phải “bôi trơn”?

- “Bôi trơn” đối với Hà Nội có một phần do quán tính của cả cơ chế, thể chế, một phần do yếu tố khách quan về sự thiếu cân đối của cung - cầu. Hà Nội là trung tâm của các hoạt động đầu ra, đầu vào của DN nên bị quá tải công việc. Trong khi đó, bộ máy chưa có sự đổi mới đột phá. Vì vậy sẽ tạo ra tình huống phải xếp hàng, có những hành động chen ngang, “bôi trơn” gây nhiễu. Hà Nội cần ráo riết hơn trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, trách nhiệm cũng như có chế tài đối với đội ngũ công chức, nhất là đối với công chức trực tiếp làm việc với các DN và đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng cường áp dụng Chính phủ điện tử, giảm sự tiếp xúc của nhân viên công vụ với đối tượng được phục vụ sẽ bớt được tình trạng nhũng nhiễu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, điều này hoàn toàn chính xác, tức là áp dụng Chính phủ điện tử là một trong những hướng để cắt giảm các quy trình, thời gian thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời giảm bớt việc tiếp xúc giữa người với người, tránh trường hợp mặc cả chính sách, mặc cả thuế, gây nhiễu. Tức là các vấn đề được minh bạch và xử lý qua máy tính thì khâu can thiệp chủ quan sẽ giảm bớt. Thực hiện chủ trương này, Hà Nội đã có 80-90% số DN tham gia khai thuế điện tử. Tuy nhiên, để thuận tiện cho DN và người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trên internet cần phải đưa lên mạng bộ mẫu khai rõ nội dung, cụ thể hóa từng điểm khai, thống nhất hướng dẫn khai… để mọi người làm theo.

- Vậy, Hà Nội cần phải làm gì để tạo đòn bẩy cho nền kinh tế?

- Hà Nội vẫn có điểm nghẽn lớn, nhất là chất lượng bộ máy hành chính, trách nhiệm công chức và chế tài đối với công chức. Như tôi được biết có những quy trình thủ tục được công bố 3-5 ngày, nhưng có “đường dây” chỉ cần làm trong nửa ngày. Điều đó chứng tỏ, Hà Nội hoàn toàn có khả năng rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính nếu rạch ròi trách nhiệm, làm rõ chế tài và tăng cường công khai minh bạch, kiểm tra để “bắt lỗi”, xử lý kịp thời.

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

- Ông có thể nhận định về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thủ đô trong năm nay?

- Mặc dù luôn đạt điểm cao về các chỉ số thành phần PCI như: Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đào tạo lao động, kết cấu hạ tầng... nhưng trong bảng tổng sắp PCI cả nước hằng năm, Hà Nội thường có vị trí không cao. Năm 2013, PCI của Hà Nội xếp ở vị trí thứ 33/63 như năm 2009, trong đó chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin xếp thứ 13, chỉ số tiếp cận đất đai vẫn đội sổ... Các DN thường giữ quan điểm khá tiêu cực về chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; chi phí khởi sự DN, thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức... Năm nay, chỉ số PCI của Hà Nội sẽ được cải thiện tích cực và đây rõ ràng là kết quả hội tụ của một quá trình nỗ lực của lãnh đạo thành phố.

- Vậy đâu là rào cản kéo lùi chỉ số PCI của Hà Nội?

- Thực tế cũng cho thấy, kỳ vọng cải thiện PCI gặp không ít lực cản khách quan và chủ quan, nổi bật là: Hà Nội dễ gặp sự quá tải cả về cơ sở hạ tầng và bộ máy hành chính do số DN tập trung cao, trong khi biên chế và chức năng bộ máy công vụ vẫn như các nơi khác. Sự chậm trễ cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử và chất lượng đội ngũ công chức trong bộ máy các cấp càng tô đậm sự quá tải này. Hai là, Hà Nội tuy mở rộng địa giới, song vẫn thuộc diện “đất chật, người đông”; giá bất động sản thuộc loại cao nhất cả nước, có tới trên 90% DN trên địa bàn Thủ đô gặp khó về mặt bằng kinh doanh. Ba là, quy hoạch và yêu cầu phát triển Hà Nội có tính loại trừ cao với nhiều ngành, nghề và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các hoạt động đòi hỏi nhiều lao động giản đơn, mặt bằng sản xuất... Bốn là, Hà Nội chưa có nhiều sáng kiến đổi mới chính sách và phổ biến công khai chính sách. Tính năng động và trách nhiệm công chức trong quản lý DN của Hà Nội cũng không được xếp hạng cao. Tệ nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền gắn với cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm và cá nhân đâu đó vẫn tồn tại.

Ngoài ra, điểm thấp trong xếp hạng PCI của Hà Nội còn một phần do hạn chế trong sự liên kết, liên doanh giữa các DN và phát huy vai trò động lực kinh tế của Thủ đô.

- Để cải thiện chỉ số PCI của Hà Nội, lãnh đạo thành phố không né tránh hay che giấu khuyết điểm mà rất cầu thị, tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc. Theo ông, Hà Nội cần phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?

- Trước mắt, Hà Nội cần tiếp tục phát huy những lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ DN và độ mở của nền kinh tế; đồng thời nâng cao chất lượng và công khai, minh bạch các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các kế hoạch và dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mới; các bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chính sách ưu đãi đầu tư; các quy định về thuế, dữ liệu các DN đã đăng ký kinh doanh; các mẫu giấy tờ, quy trình, thủ tục hành chính; các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận “một cửa”... Bên cạnh đó là việc thúc đẩy đồng bộ các thể chế thị trường tạo thuận lợi đăng ký kinh doanh, hải quan, đăng ký đầu tư, kê khai thuế trực tuyến; tăng cường các cuộc tiếp xúc với công dân, DN thông qua các cuộc đối thoại, đường dây nóng, phương tiện thông tin đại chúng và các hiệp hội...

- Quan điểm của ông về chính sách sử dụng cán bộ nhằm giảm bớt những nhũng nhiễu, “bôi trơn”?

- Tôi cho rằng, Hà Nội cần có đột phá trong chính sách tuyển dụng, đồng thời loại bỏ các đầu mối, công đoạn, cán bộ cũng như công chức thừa hành kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm; trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cao, có tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm công vụ và thái độ tích cực... Việc siết lại đội ngũ, tăng cường phân công trách nhiệm, rõ ràng quy trình, thời hạn thực hiện cũng như cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân của người thực hiện là mấu chốt giúp Hà Nội khắc phục những điểm nghẽn của sự phát triển. Quy trình càng công khai, càng rõ trách nhiệm, thời hạn thì việc “bắt lỗi” xử lý sẽ dễ dàng hơn; đồng thời tránh được tình trạng đùn đẩy kiểu “tranh công - đổ tội”. Theo tôi, bên cạnh việc cắt giảm, tối ưu hóa thủ tục hành chính, giải pháp đột phá trong thời gian tới của Hà Nội là tăng cường thanh tra giám sát, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các ban, ngành để từ đó làm rõ trách nhiệm của các cán bộ.

- Muốn giải quyết được những vấn đề nêu trên một cách có hiệu quả chắc chắn cần phải có một “nhạc trưởng”?

- Để chỉ đạo thống nhất, Hà Nội cần thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của thành phố; duy trì mô hình “Tổ công tác liên ngành” để tiếp tục làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của từng cán bộ, công chức các cấp; phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN nhằm tăng cường sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách thích ứng với yêu cầu phát triển...

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rõ trách nhiệm cá nhân để khắc phục những điểm nghẽn của sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.