Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có một mùa lễ hội an lành, kỷ cương - văn minh du lịch

Thanh Bình| 15/02/2015 06:06

(HNM) - Với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch", lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai mạc vào ngày 24-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi - 2015).

Đến nay, công tác chuẩn bị cho ngày khai hội đã cơ bản hoàn tất. Với việc thành lập 7 tiểu ban phục vụ cùng nhiều giải pháp được Ban tổ chức (BTC) triển khai một cách quyết liệt nhằm chấn chỉnh tồn tại, hạn chế mùa lễ hội trước, hy vọng sẽ làm hài lòng du khách. Tuy nhiên, để bảo đảm cho lễ hội lớn nhất của cả nước diễn ra ý nghĩa, rất cần sự góp sức của mỗi du khách khi hành hương về đất Phật.

Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương về công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội khu danh thắng "đẹp nhất trời Nam" này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu.

Hạn chế xuống mức thấp nhất bất cập

- Mặc dù đã có sự tiến bộ theo từng năm, nhưng du khách đến với lễ hội chùa Hương vẫn gặp đâu đó những hình ảnh chưa thật đẹp. Điều này càng đòi hỏi công tác tổ chức lễ hội năm nay cần đặc biệt tỷ mỷ, chu đáo, nếu không sẽ rất khó để có được một mùa xuân hội theo đúng chủ đề “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”, ông có nghĩ như vậy?

- Năm nào kết thúc mùa lễ hội, chúng tôi cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm để có những giải pháp tốt hơn phục vụ nhân dân về du xuân, trẩy hội năm tiếp theo. Chúng tôi luôn ý thức, với bất cứ lễ hội nào, công tác tổ chức là khâu then chốt, càng thực hiện tỷ mỷ, chu đáo thì lễ hội càng thành công. Thành công ở đây không chỉ là thu hút nhiều du khách mà lớn hơn là góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua lễ hội.

Với lễ hội chùa Hương, do thời gian diễn ra dài ngày, quy mô lớn, công tác tổ chức càng được coi trọng. Do vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo, BTC lễ hội, xây dựng kế hoạch tổng thể về tổ chức, quản lý, phục vụ lễ hội đã được huyện hoàn thiện từ cuối năm ngoái. Theo đó, 7 tiểu ban phục vụ cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... đã được thành lập. Các tiểu ban đều có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, kèm theo đó là các quy định nhằm bảo đảm lễ hội được tổ chức theo đúng quy định pháp luật cũng được ban hành. Bắt đầu từ mùng 2 Tết, toàn bộ lực lượng của huyện sẽ có mặt ở các vị trí được phân công để rà soát lại công việc lần cuối, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ.

- Trong những xuân hội gần đây, nhất là lễ hội năm 2014, công tác bảo đảm ANTT được du khách đánh giá tốt hơn. Vậy, năm nay nhiệm vụ này có gì mới, nhằm hạn chế tối đa những vấn đề bất cập?

- Công tác bảo đảm ANTT đã được BTC giao lực lượng công an huyện lên kế hoạch từ rất sớm. Năm nay, CATP sẽ tăng cường hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm ANTT tại lễ hội và phân luồng giao thông. Những vấn đề nổi cộm các cơ quan truyền thông và dư luận phản ánh như, nạn đeo bám khách từ xa, “chặt chém” khách du lịch, đổi tiền lẻ... sẽ được giải quyết dứt điểm. Toàn bộ lực lượng chia thành 15 chốt trạm, mỗi chốt trạm có bàn trực ban 24/24 giờ. Vấn đề phát sinh tại chốt trạm nào thì chốt trạm đó có trách nhiệm xử lý kịp thời, triệt để. Ngoài những phương án “cứng” như mọi năm, năm nay lực lượng CATP, Công an huyện Mỹ Đức sẽ triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn nạn đeo bám du khách. Theo đó, sẽ có các tổ trinh sát hóa trang làm khách du lịch liên tục kiểm tra các tuyến đường đi vào khu di tích - danh thắng Hương Sơn để xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, CATP cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Hòa Bình, Hà Nam tổ chức phân luồng giao thông, giữ gìn ANTT tại các tuyến đường liên tỉnh vào chùa Hương… Chúng tôi cũng yêu cầu chủ 4.500 xuồng ký cam kết chở khách vào ra đúng bến, neo đậu gọn gàng; trên xuồng phải bố trí phao và tại các điểm nước sâu cũng neo phao thông báo, bảo đảm an toàn cho du khách.

- Ngoài ANTT, du khách còn đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. BTC có phương án tối ưu nào cho vấn đề này, thưa ông?

- Về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, chúng tôi không quá lo lắng vì ý thức của du khách ngày càng được nâng lên. Trên các xuồng, đò đều có thùng đựng rác nhỏ, các chủ đò đã được tập huấn và nhắc nhở du khách thường xuyên. Rác thải hằng ngày được thu gom, xử lý triệt để; riêng trên suối Yến có 4 thuyền đảm nhận nhiệm vụ vớt rác. Nhiều du khách đã gọi điện thoại cho tôi (số điện thoại công khai 0912588905) hỏi lý do không sử dụng thùng rác kín. Chúng tôi đã giải thích, do không gian danh thắng rộng, đông người, nếu để thùng rác kín, sẽ rất ít người chịu dừng chân lâu để mở nắp thùng bỏ rác vào nên bố trí thùng rác hở tiện lợi hơn, hạn chế tình trạng xả rác ra bừa bãi. Khu vực vệ sinh cũng được chuẩn bị đầy đủ, đúng quy cách.

Xóa “vấn nạn” treo thịt tươi sống, đổi tiền lẻ

- Mùa lễ hội năm ngoái, mặc dù như ông nói, BTC đã rất cố gắng để phục vụ lễ hội, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng lộn xộn, Chủ tịch UBND thành phố đã nghiêm túc phê bình và yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức tăng cường công tác quản lý lễ hội. Năm nay, BTC lễ hội có biện pháp gì để chuyện cũ không tái diễn?

- Những yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố đối với mùa lễ hội trước như, sắp xếp lại các hàng quán, trong khu vực 1 của di tích chùa Hương không kinh doanh dịch vụ ăn uống; chấm dứt tình trạng treo bán động vật không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm; xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt khách du lịch, ăn xin, bói toán, cờ bạc, trộm cắp, bảo đảm trật tự, văn minh tại lễ hội... thì năm nay chúng tôi đã quán triệt đến mọi lực lượng. Quyết tâm của chúng tôi là thực hiện triệt để, không để tái diễn tình trạng như mùa lễ hội trước. Chính vì vậy, chúng tôi đã xác định chủ đề của năm nay là: “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”. Theo đó, điểm mới nhất là kiên quyết không để bất kỳ hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nào treo thịt tươi sống, gây phản cảm; thực phẩm sau khi sơ chế phải đặt lên đĩa và để trong tủ kính mờ. Những sản phẩm thịt tươi sống nhập từ địa phương khác về như hươu nuôi ở Nghệ An, đà điểu nuôi ở huyện Ba Vì (Hà Nội), thịt nhím nuôi, lợn mán... phải có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 100% nhân viên trực tiếp chế biến đồ ăn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được kiểm tra sức khỏe, tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm… Để khắc phục tình trạng hiện tượng “chặt chém” hy hữu một ấm chè giá 300 nghìn đồng như năm ngoái, BTC yêu cầu các hộ kinh doanh niêm yết giá, đồng thời thành lập các đội kiểm tra liên ngành tăng cường giám sát đột xuất, cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý, mức độ nặng nhất là đóng cửa.

- Thế còn “vấn nạn” đổi tiền lẻ, ăn xin, bói toán, thưa ông?

- Hiện nay, BTC lễ hội chùa Hương đã yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không đổi tiền lẻ, trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu tiền, niêm phong, kết thúc 3 tháng xuân hội mới giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng băn khoăn vì chưa có chế tài xử phạt nên nói “cấm” với dân là rất khó. Hơn nữa, lễ hội kéo dài, khách thập phương đông, nhận thức mỗi người mỗi khác nên công tác tuyên truyền không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Vậy nên, BTC đã cho lắp nhiều bảng, biển tuyên truyền, vận động du khách đặt tiền giọt dầu đúng nơi quy định, nhà chùa cũng sẽ bố trí người thường xuyên hướng dẫn du khách đặt lễ đúng và không thắp quá nhiều hương trong chùa, không tung muối, gạo ra không gian văn hóa chung mà để vào đúng nơi quy định.

Còn về tình trạng ăn xin, xóc thẻ dư luận hay phản ánh, BTC xin khẳng định nhiều năm nay 18 ngôi chùa, hang động trong toàn xã Hương Sơn (Mỹ Đức) không có tình trạng bói toán, xóc thẻ trong các chùa. Nếu còn hiện tượng trên ở bên ngoài các chùa thì lực lượng an ninh đã xử lý triệt để. Từ ngày 4-2, các sư trụ trì trên địa bàn toàn xã Hương Sơn đã được quán triệt kế hoạch của BTC lễ hội. Việc đốt đồ mã, lễ chín ở chùa Hương đã chấm dứt từ lâu, song năm nay, nhà chùa vẫn bố trí lực lượng chấp tác đứng trước các ban thờ lớn để kịp thời nhắc nhở người dân và du khách nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh. Cũng như vậy, hiện tượng ăn xin từ lâu đã không còn xuất hiện ở chùa Hương, có chăng chỉ còn một số trường hợp người bị thiểu năng trí tuệ gây phiền tới du khách. Cả mùa lễ hội năm trước, theo phản ánh của du khách, lực lượng chức năng đã đưa 4 người thiểu năng trí tuệ về Trung tâm Bảo trợ 2 của thành phố để nuôi dưỡng.

Không thương mại hóa lễ hội

- Có không ít lễ hội được tổ chức khá tốn kém, truyền thông rầm rộ nhưng không dễ cuốn hút du khách thập phương quay trở lại lần thứ hai. Vậy, theo ông, chúng ta cần làm gì để lễ hội chùa Hương luôn là sự lựa chọn đầu tiên của du khách mỗi độ Tết đến, Xuân về?

- Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, hiện nay có không ít lễ hội đã bị thương mại hóa. Ở những lễ hội đó, họ có một lực lượng làm công tác truyền thông khá bài bản, vì thế phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc. Vậy nên, du khách khi tham gia các lễ hội đó đều ít, nhiều phải “có trách nhiệm” mất tiền cho các khâu dịch vụ. Với lễ hội chùa Hương thì khác hẳn. Quan điểm nhất quán của BTC là tuyệt đối không thương mại hóa lễ hội. Để thu hút du khách quay trở lại chùa Hương mỗi độ Tết đến, Xuân về không gì khả quan hơn là chúng tôi phải thực hiện quản lý tốt khâu tổ chức lễ hội, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách. Hơn nữa, du khách về với lễ hội chùa Hương là về với đất Phật, nên khâu tổ chức càng chu đáo, tỷ mỷ bao nhiêu càng khiến du khách hài lòng bấy nhiêu. Không nhất thiết phải đầu tư thật nhiều tiền cho khâu tổ chức “hoành tráng” mà quan trọng hơn là chúng ta phải làm sao để lễ hội ngày càng trở về với truyền thống, giữ gìn được truyền thống dân tộc, gần gũi với người dân lao động, do chính người dân bản địa làm chủ thể lễ hội. Cũng có lẽ vì vậy mà BTC lễ hội chúng tôi luôn tự hào bởi du khách năm sau luôn tăng so với năm trước. Chúng tôi có thể tự tin khẳng định, trong hàng triệu du khách có nhiều người không chỉ một lần đến chùa Hương. Đó là niềm tự hào mà không phải nơi đâu cũng có được, điều này càng khiến BTC và nhân dân huyện Mỹ Đức phải nỗ lực hơn nữa để tổ chức thật tốt lễ hội chùa Hương.

- Để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi thì không thể nói suông mà cần có những việc làm cụ thể, ông có thể cho độc giả rõ hơn những việc làm đó?

- Năm 2014, chúng tôi đón 1,4 triệu lượt khách, trong đó có 20,5 nghìn lượt khách nước ngoài, doanh thu đạt 104 tỷ đồng. Dự kiến năm nay chúng tôi sẽ đón hơn 1,5 triệu lượt khách. Quan điểm của BTC rất rõ, tuyệt đối không được thương mại hóa lễ hội mà điều quan trọng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước để ngày càng có nhiều du khách được biết đến “Nam thiên đệ nhất động”. Vì thế, các cháu học sinh đến chùa Hương được miễn không phải mua vé thắng cảnh. Đặc biệt, năm nay, thực hiện Quyết định 88 của UBND TP Hà Nội, mọi du khách về tham quan di tích danh thắng Hương Sơn được miễn vé tham quan, vãng cảnh (50 nghìn đồng) trong ba ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi là 30 tháng Chạp, mùng một, mùng 2 Tết, chỉ phải trả vé xuồng, đò.

Từ nay đến ngày khai hội và kết thúc lễ hội sau ba tháng nữa, BTC lễ hội chùa Hương sẽ tập trung thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm tuyệt đối ANTT, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, không để dịch bệnh, ngộ độc xảy ra. Cùng với sự cố gắng của BTC, chúng tôi rất mong du khách đồng hành cùng chính quyền, nhân dân địa phương trong việc tuân thủ nghiêm các quy định, không bỏ rác bừa bãi, không bói toán, thực hiện đúng nghi lễ của đạo Phật khi cầu an... Được như vậy, mùa lễ hội năm nay sẽ thực sự là “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch” đầy ý nghĩa.

- Trân trọng cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để có một mùa lễ hội an lành, kỷ cương - văn minh du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.