Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để cạnh tranh

Đặng Loan - Nguyễn Lê| 05/04/2015 06:18

(HNM) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, được xem là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Việt Nam sẽ có thị trường 600 triệu dân, thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Vậy các doanh nghiệp đã chuẩn bị gì cho cuộc hội nhập lớn này?


Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng.

Cơ hội đi cùng thách thức

- Thời điểm AEC chính thức đi vào hoạt động đã rất gần. Xin ông đánh giá những thuận lợi và thách thức của Việt Nam trong AEC?

- Khối ASEAN thống nhất mở ra cơ hội to lớn về hợp tác và tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi về thương mại và đầu tư cho các quốc gia ASEAN. Chúng ta sẽ có thị trường được mở rộng với 600 triệu dân, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Dù vậy, khó khăn cũng không ít bởi thuận lợi của Việt Nam cũng là thuận lợi của các nước khác trong AEC. Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, trong khi tính sẵn sàng để cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) chúng ta còn thấp vì phần lớn các DN là vừa và nhỏ (DNVVN), vốn ít, thiết bị công nghệ kém, chủ yếu là gia công.

- DN Việt Nam phải làm gì để cạnh tranh trong hội nhập, thưa ông?

Để cạnh tranh thì trước tiên là phải có sản phẩm chất lượng tốt. Khi sản phẩm có chất lượng tốt thì chúng ta không chỉ có thị trường Việt Nam mà còn có cả thị trường ASEAN. Câu chuyện các công ty nhựa như Duy Tân, Đại Đồng Tiến sau khi đầu tư máy móc, cải tiến chất lượng sản phẩm đã chiếm lại thị trường nhựa bị mất vào tay DN Thái Lan cách đây mấy năm là minh chứng cho điều này. Để cạnh tranh, các DN cũng cần chủ động tham gia chuỗi giá trị như DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) đang làm. Khi các thương hiệu toàn cầu như Starbucks, Burger King và McDonald's vào Việt Nam thì nhiều người đã lo là các thương hiệu này sẽ bóp chết ngành thức ăn nhanh Việt Nam nhưng ABC Bakery lại gặt hái thành công. Công ty này đã chuyển sang làm bánh hamburger cung cấp cho các chuỗi thức ăn nhanh này, theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu mà các thương hiệu này đòi hỏi. Khi chọn một khâu và tham gia vào chuỗi giá trị, ABC đã tạo ra hiệu quả của riêng cho công ty.

- Những trường hợp thành công như DN ngành nhựa hay ABC Bakery chưa nhiều. Khó khăn của các DN còn lại là gì, do họ không đủ điều kiện để làm hay là họ chưa thấy điều đó là quan trọng?

- Nhiều DNVVN của chúng ta không đủ vốn để đầu tư sâu, đổi mới thiết bị máy móc công nghệ để tạo ra sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, nhiều DN của chúng ta cũng chưa quen với một nền sản xuất lớn, phân công lao động chuyên nghiệp mà còn duy trì cách sản xuất nhỏ, tính hợp tác chưa cao, thậm chí liên kết còn sợ bị ăn cắp nghề, công nghệ…

- DN Việt Nam hiện tại có đủ sức tham gia trong chuỗi giá trị của các sản phẩm của tập đoàn toàn cầu không, thưa ông?

- Một số DN Việt Nam vẫn đang tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng chưa nhiều. Việc tham gia chưa nhiều không chỉ là do không đủ năng lực, có nhiều DN đủ năng lực nhưng do thiếu sự kết nối thị trường nên DN chưa mạnh dạn sản xuất.

Cần phát triển công nghiệp hỗ trợ

- Một trong những định hướng tham gia chuỗi giá trị của chúng ta là phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo ông thì ngành CNHT của chúng ta đã phát triển được đến đâu?

- CNHT là ngành được ưu tiên phát triển. Hiện rất nhiều tập đoàn lớn của thế giới lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, và đây là cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT. Tuy nhiên sau nhiều năm thì CNHT của chúng ta vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam vẫn phải "kéo" theo các DN của họ để cung cấp các linh kiện, phụ kiện sản xuất. Các DN nước ngoài cho biết họ "ngại" sử dụng sản phẩm của các DN Việt Nam bởi chất lượng không ổn định. Muốn làm CNHT thì sản phẩm phải có chất lượng, và chất lượng phải ổn định.

- Hiện Nhà nước đang có nhiều chương trình hỗ trợ ngành CNHT phát triển. Ông có thể đánh giá tính hiệu quả của các chính sách này?

- Chính phủ đã ban hành các chính sách cho ngành CNHT như Quyết định 12 về "Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ"; Quyết định 1483 về "Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển" và đã ban hành Nghị định về phát triển CNHT, theo đó sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, đào tạo nhân lực, thuế thu nhập DN cũng như các quy định về đầu tư xây dựng cụm CNHT… TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung về mặt bằng đất đai và nguồn vốn cho CNHT, đặc biệt thành phố đã thành lập ban chỉ đạo để đẩy mạnh hoạt động này.

- Đã có DN CNHT nào trong Hiệp hội được hưởng các hỗ trợ này chưa, thưa ông?

- Các DN làm CNHT hầu hết là các DNVVN. Từ trước đến nay TP Hồ Chí Minh có nhiều chương trình hỗ trợ cho DNVVN như Quỹ kích cầu đầu tư, Quỹ bảo lãnh tín dụng, các chương trình hỗ trợ cho các vườn ươm khoa học công nghệ… nên các DNVVN làm CNHT cũng được hưởng các hỗ trợ này. Tuy nhiên mức độ hỗ trợ này là chưa đủ, các DN này cần được hỗ trợ bằng những chính sách trực tiếp cho CNHT.


- Trong năm 2015, Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh có những chương trình gì hỗ trợ cho DN của mình, thưa ông?

- TP Hồ Chí Minh đang giao Hiệp hội thực hiện chương trình đào tạo cho DN về kỹ năng, khởi nghiệp, quản trị DN đến các chuyên đề… Thành phố hỗ trợ 50% chi phí, DN chịu 50% chi phí còn lại. Riêng Hiệp hội cũng sẽ thực hiện hai chương trình hỗ trợ cho DN của mình. Thứ nhất là kết nối với các DN của Việt Nam vào chuỗi sản xuất lớn bằng cách tổ chức các cuộc kết nối giữa các DN nước ngoài và các DN sản xuất CNHT trong nước để cung - cầu gặp nhau. Thứ hai là xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Hiện rất nhiều DN của chúng ta đang làm gia công, chưa có sản phẩm cạnh tranh, hầu hết sản phẩm xuất khẩu là xuất thô, kể cả những sản phẩm thế mạnh như cà phê, cá, gạo… Đây là những chương trình hỗ trợ thiết thực, còn lại DN phải tự đánh giá lại sức khỏe của mình, phân tích thị trường kỹ lưỡng để tìm một chiến lược kinh doanh hợp lý, từ đó tái cấu trúc lại DN để cạnh tranh.

- Khó khăn lớn nhất của các DNVVN là vốn. Trong năm 2015 vốn cho DNVVN như thế nào?

- Trong năm 2015 nguồn vốn cho DN sẽ thuận lợi hơn vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp, là cơ sở để lãi suất có thể thấp xuống nữa. Tuy vậy nhiều DN vẫn gặp khó khăn không vay được tiền. Các DN này tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn khó vì không có tài sản thế chấp; xây dựng phương án, chiến lược hoạt động không rõ ràng; báo cáo tài chính cũng không rõ ràng do đó ngân hàng không cho vay. Riêng TP Hồ Chí Minh thì có chương trình hỗ trợ cho DN bằng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối hai bên lại với nhau để cùng đạt được mục đích của hai bên và được vay với lãi suất thấp. Dù vậy các DN muốn vay ngân hàng cũng phải bảo đảm các tiêu chí của ngân hàng.

- Các DN đang kỳ vọng mức lãi suất bao nhiêu, thưa ông?

- Hiện có DN vay với lãi suất 9 - 9,5%/năm nhưng nhiều DN nhỏ còn phải vay tới 13 - 13,5%/năm. Đối với lãi suất trung và dài hạn, DN mong muốn được vay trong khoảng 9%/năm, cao nhất là 10%/năm.

Phải lấy chất lượng làm đầu

- Có một thực tế là thương hiệu Việt Nam thường không bền, một số DN đã tạo dựng được thương hiệu nhưng không giữ nổi, bị mất đi. Điều này là do đâu, thưa ông?

- Chúng ta đang có những thương hiệu lớn như Vinamilk, Kinh Đô, Saigon Food, Vissan, Cầu Tre… không chỉ đứng vững trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, dù vậy thời gian qua cũng có nhiều thương hiệu bị mất đi. Có nhiều lý do để một thương hiệu bị mất đi, nhưng cơ bản là chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa sản xuất theo quy trình, chưa có hệ thống quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu là một quá trình liên tục và không có điểm kết thúc thì một số DN sau khi xây dựng được thương hiệu rồi thì an tâm tập trung vào việc khai thác để tạo ra càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Điều đó tất yếu dẫn đến sự thất bại của thương hiệu.

- Hiện nhiều sản phẩm tiêu dùng nhanh trong siêu thị hầu hết của các DN nước ngoài. Một số thương hiệu Việt nổi tiếng trước đây cũng mất dần và các DN Việt có nguy cơ đi làm thuê cho DN nước ngoài có phải là một phần của câu chuyện mở cửa không, thưa ông?

- Đầu tiên cần khẳng định rằng sản phẩm của các tập đoàn lớn, tập đoàn toàn cầu như Unilever hay P&G thì chúng ta có thể thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Còn câu chuyện thương hiệu Việt mất dần vào tay DN nước ngoài, trên thực tế có những thương hiệu không đủ vốn cạnh tranh nên bị mất dần thị phần, và cũng có những thương hiệu thực hiện tái cấu trúc để tham gia vào lĩnh vực khác như Kinh Đô. Bên cạnh câu chuyện giữ thương hiệu, đối với các DN còn là hiệu quả kinh doanh. Còn quan niệm làm thuê cho người nước ngoài, theo tôi cũng phải xem lại, chẳng hạn không thể nói ABC Bakery làm thuê mà là họ đang tham gia chuỗi giá trị, bởi vì họ quyết định việc của mình. Điều đáng lo hơn khi mở cửa, theo tôi, đó là hệ thống phân phối đang rơi dần vào tay các DN nước ngoài.

- Hệ lụy của việc hệ thống phân phối rơi vào tay DN nước ngoài là gì, thưa ông?

- Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chúng ta đã cam kết mở cửa bán lẻ có lộ trình, và đến năm 2015 mới mở cửa hoàn toàn. Đây là thời gian để các DN Việt Nam có thời gian chuẩn bị. Thế nhưng không nhiều DN Việt Nam tận dụng lợi thế này, trừ một vài đơn vị đầu tư mở thêm nhiều điểm bán lẻ như SaigonCo.op. Trong khi đó, các DN nước ngoài cứ từng bước tìm "kẽ hở" của chúng ta mà chiếm dần thị phần phân phối. Các DN nước ngoài liên tục mua các hệ thống phân phối, mở rộng hệ thống phân phối nhỏ, đó là nền tảng để hàng hóa của họ xâm nhập thị trường. Khi đã nắm trong tay hệ thống phân phối họ sẽ có nhiều quyền hơn để quyết định lựa chọn hàng hóa nào, và gần như là họ sẽ ưu tiên hàng hóa của nước họ. Rõ ràng khi hệ thống nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối thì chúng ta sẽ khó khăn khi chiếm lĩnh thị trường.

- Khi gia nhập WTO vào năm 2007, nhiều người đã kỳ vọng chúng ta sẽ có bước phát triển kinh tế nhảy vọt nhờ vào sự hội nhập này. Nhưng thời gian qua cho thấy chúng ta vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội trong WTO. Vậy liệu sự kỳ vọng đối với AEC có lặp lại những gì đã xảy ra như với WTO?

- Khi chúng ta vừa gia nhập WTO thì gặp sự biến động mạnh về kinh tế toàn cầu. Chúng ta hội nhập sâu trong điều kiện chưa đủ mạnh mà đã gặp phải sự khủng hoảng về kinh tế nên không lợi dụng được cơ chế. Nhưng dù vậy, gia nhập WTO cũng có nhiều điểm thuận lợi, ít nhất là nếu không hội nhập sâu thì chúng ta cũng chưa rõ chúng ta khó khăn tới cỡ nào. Còn đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN thì dù nhiều DN chưa có sự chuẩn bị kỹ, nhưng những năm qua các DN Việt Nam cũng đã làm việc, có khách hàng ký kết hợp đồng giao thương hàng hóa với các nước như: Thái Lan, Myanmar, Lào…. Sản phẩm của chúng ta hiện diện ở các nước trong khu vực cũng nhiều nên khi AEC mở ra, hàng rào thuế quan bỏ đi thì hàng hóa của chúng ta sẽ tận dụng được ngay cơ hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.