Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi giáo viên phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới

Vương Tuấn Anh| 12/04/2015 06:18

(HNM) - Chỉ còn chưa đầy hai tháng sẽ bế giảng năm học 2014-2015. Qua một năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta bắt đầu nhận thấy những tác động tích cực của việc đổi mới tại các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những khó khăn, nhất là việc đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy của giáo viên nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những học sinh phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.



Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Giáo chức Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Giáo chức Việt Nam.

Chuyển biến tích cực

- Thưa giáo sư, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã để lại những dấu ấn nhất định. Giáo sư có thể đánh giá về kết quả ngành giáo dục đã làm được trong năm qua?

- Theo tôi, cái được lớn nhất trong năm qua, đó là toàn ngành giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực, dần tạo được hướng đi mới theo tinh thần Nghị quyết. Đó là sự đổi mới cách dạy, cách học trong mỗi nhà trường. Nghị quyết được ban hành đã tác động không nhỏ về mặt nhận thức, chuyển từ nền giáo dục khép kín sang nền giáo dục mở. Cùng với đó, nhiều chủ trương, quyết sách đúng của ngành giáo dục ra đời như: Quyết định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; đổi mới việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ giúp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tuyển sinh; ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo nguyên tắc đánh giá sự tiến bộ toàn diện của học sinh; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; ban hành Điều lệ trường đại học…

- Theo giáo sư, sự đổi mới có tính đột phá trong năm qua nằm ở khâu nào?

- Qua một năm thực hiện đổi mới cho thấy, những thay đổi trong thi cử được chọn là khâu đột phá và là một trong nhiều việc mà ngành giáo dục đang làm. Từ việc tổ chức bốn đợt thi (tốt nghiệp THPT, đợt 1 và đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, kỳ thi tuyển sinh CĐ) nay giảm xuống còn một kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho xã hội mà còn đáp ứng các yêu cầu cơ bản, bảo đảm quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017 đã khuyến khích các trường xây dựng đề án tự chủ với mức học phí cao, chủ động xây dựng chương trình, ngành đào tạo chất lượng cao, thu học phí tương ứng. Với Nghị quyết 77, từ 4 trường ĐH đăng ký tự chủ ban đầu, đến nay đã có 11 trường xây dựng đề án xin tự chủ.

- Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét của giáo viên để tập trung hình thành động lực bên trong cho học sinh có tác động như thế nào, thưa giáo sư?

- Cách đánh giá này giúp giáo viên đổi mới cách dạy, giúp học sinh thích học và tiếp thu tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng việc thay đổi này khiến công việc của họ tăng lên quá nhiều, không đủ thời gian ghi lời phê, nhận xét cho từng học sinh. Bởi vậy, thay vì nhận xét bằng lời nói, chữ viết, không ít giáo viên đã có “sáng kiến” khắc các con dấu có chữ “cô khen”, “cần cẩn thận hơn”, “em cần rèn luyện thêm kỹ năng tính toán” để đóng dấu vào vở của học sinh.

Còn nhiều việc phải làm

- Có ý kiến cho rằng, việc đổi mới trong thi cử cho đến nay vẫn còn lúng túng gây tác động lớn đến xã hội. Giáo sư nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, chủ trương này có thể là tốt nhưng vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn như việc tổ chức cụm thi thế nào để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Bộ GD&ĐT nên đặt ra ngưỡng quãng đường học sinh phải đi, căn cứ vào đâu để nói một cụm thi chung cho hai tỉnh. Bộ cần xem xét mật độ học sinh lớp 12 phân bố như thế nào ở các tỉnh. Chỗ nào mật độ cao thì để nhiều cụm... Bên cạnh đó, chúng ta cần đổi mới cách thi đầu vào, bởi với cách đánh giá hiện nay chỉ mang tính thời điểm, học bao nhiêu năm cũng chỉ có thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học và ở đó xuất hiện độ may rủi rất lớn. Nếu đánh giá thường xuyên thì học sinh sẽ học thường xuyên tạo nên kết quả thực chất, thúc đẩy người học hơn.

- Những thay đổi trong thi cử chỉ là một trong nhiều việc mà ngành giáo dục cần làm. Theo giáo sư, những việc tiếp theo là gì?

- Chúng ta cần thay đổi cách tuyển sinh vào ĐH, CĐ hiện nay theo hướng mở rộng đầu vào. Cụ thể là ngay từ khi còn học THPT đã nên hướng nghiệp cho học sinh vào các trường ĐH và trường chuyên nghiệp. Sau đó trong quá trình đào tạo cần chú trọng sàng lọc, giám sát chặt chẽ đầu ra. Tất cả nhằm mục đích tạo nên sản phẩm đầu ra cho xã hội là những người có thể làm nghề, mà không tốn kém chi phí. Việc cần làm nữa là cấu trúc lại hệ thống các trường đào tạo sư phạm, cấu trúc lại chương trình sư phạm để đào tạo ra giáo viên phục vụ được cải cách giáo dục khi họ ra trường...

- Một vấn đề được nhiều người quan tâm là sách giáo khoa. Đã có lúc, đại diện Bộ GD&ĐT đã đưa ra con số ước tính chi phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là 34.000 tỷ đồng. Giáo sư nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Đối với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, chúng ta cũng cần phải bàn kỹ để làm rõ thêm. Tôi được biết, mặc dù Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông nhưng Bộ vẫn trực tiếp chỉ đạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Qua đó, có thể thấy Bộ vẫn còn chưa dám mạnh dạn đổi mới. Theo tôi, trước hết cần phải đầu tư xây dựng chương trình thật tốt, làm rõ thế nào là tích hợp, thế nào là phân hóa (?), bởi chương trình có tính pháp lệnh, làm được chương trình tốt sẽ là cơ sở cho việc viết sách. Nếu Bộ GD&ĐT giao cho nhà xuất bản làm sách theo phương thức xã hội hóa thì sẽ có cuộc cạnh tranh công bằng giữa các nhà xuất bản. Về nội dung sách giáo khoa không nhất thiết phải viết lại từ đầu gây lãng phí lớn. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, chúng ta đánh giá môn nào cần thay thì thay ngay, môn chưa cần thay thì vẫn dạy. Nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, thiếu thì bổ sung, thừa thì loại bỏ, từ đó sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn. Trong khi đó, ta cứ để các tổ chức, cá nhân viết quyển sách khác, nếu thấy hay hơn sách hiện hành xã hội sẽ tự biết phải lựa chọn quyển nào.


Nhân tố quyết định

- Như vậy, muốn có sách giáo khoa tốt phải đổi mới chương trình nhưng trước hết vẫn phải là đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo giáo sư, để đổi mới phương pháp đòi hỏi đội ngũ giáo viên những phẩm chất gì?

- Để đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay, không đổi mới phương pháp giảng dạy thì chương trình hay đến mấy thì học sinh vẫn không phát triển được năng lực. Trong đó, đội ngũ thầy cô giáo trong nhà trường là nhân tố quyết định đến phương pháp giáo dục, mỗi giáo viên phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới. Do đó, muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đòi hỏi người giáo viên không chỉ có kiến thức tổng hợp, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, mà còn phải có nhân cách tốt… Muốn vậy, trước hết phải đổi mới công tác đào tạo ở trong các trường đại học sư phạm để giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới; thứ hai việc nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo phải được đưa ra thành các quy chế, các tiêu chí.

- Muốn nâng cao chất lượng giáo viên cần những yếu tố nào, thưa giáo sư?

- Theo tôi, trước hết là phải tập trung bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Điều này đòi hỏi các trường sư phạm phải dạy theo chương trình đổi mới trước. Những đề án tập huấn cho giáo viên phương pháp giảng dạy mới theo hướng tích hợp cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó cần phải xây dựng Luật Nhà giáo điều chỉnh các kiến thức; hành vi, đạo đức của nhà giáo; chế độ chính sách cho nhà giáo bao gồm chính sách thường xuyên nâng cao trình độ, luân chuyển, tiền lương, tiền thưởng... Nhà giáo phải có kiến thức như thế nào mới đủ trình độ, dạy tiểu học cũng phải có trình độ đại học, dạy đại học trình độ phải là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư chẳng hạn... Theo Luật Nhà giáo, nếu nhà giáo nào tư cách, đạo đức kém phải bị điều chỉnh, nếu không đủ nhân cách sẽ bị loại. Luật có thể không đi vào chi tiết nhưng ít nhất chúng ta cũng có khung đối chiếu khi xem xét từng hành vi của giáo viên như thế nào.

- Nhưng để bảo đảm nhà giáo vừa có kiến thức, vừa có phẩm chất đạo đức tốt để cống hiến lâu dài, chúng ta cần phải làm gì?

- Muốn có thầy cô phổ thông giỏi phải có thầy cô ĐH chất lượng, muốn có thầy cô cả phổ thông lẫn ĐH chất lượng thì giáo viên phải bảo đảm thu nhập đủ sống mà không cần phải dạy thêm. Tôi cho rằng, trước hết Nhà nước cần có chế độ chính sách tốt đối với giáo viên. Hệ thống tiền lương cho nhà giáo phải thuộc loại cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp như nhiều nghị quyết Trung ương đã nhấn mạnh. Như vậy, lương giáo viên sẽ được tăng ít nhất là gấp đôi hiện nay; đồng thời cần phải có phụ cấp cho khu vực khó khăn, lớp đông học sinh, giáo viên phấn đấu học ngoại ngữ, tin học… Để đáp ứng được nhu cầu này chỉ có cách xã hội hóa giáo dục nhằm đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Hướng tới nền giáo dục mở

- Theo giáo sư, trên cơ sở đổi mới bước đầu, ngành giáo dục nên chú trọng đến những nội dung gì trong những năm tiếp theo?

- Tôi cho rằng, muốn đổi mới giáo dục thì trước hết phải đổi mới tư duy những người làm công tác quản lý hệ thống giáo dục. Chúng ta cần đào tạo được thế hệ trẻ là những công dân toàn cầu, thành những người phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất vừa dạy chữ, dạy người, dạy nghề vừa là con người đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Việc đổi mới giáo dục, đào tạo phải từ hệ thống giáo dục - chương trình - sách giáo khoa - phương pháp giảng dạy - kiểm tra đánh giá - quản lý giáo dục. Vấn đề quan trọng cần được thực hiện ở Việt Nam là xây dựng một xã hội học tập, mà ở đó người dân luôn có nhu cầu đi học để đáp ứng công việc là chính chứ không phải vì bằng cấp. Đẩy mạnh phương thức học tập từ xa, học suốt đời là rất cần thiết. Hiện nền giáo dục đang theo hướng mở, cơ chế mở, nên trước hết cần có các đơn vị kiểm định chất lượng độc lập để “chống” lại những kẽ hở phát sinh từ xu hướng đó. Hai là, phải làm rõ vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của các trường đại học ngoài công lập để có chính sách thuế phù hợp. Ba là, quan tâm đến những cơ chế, tạo sự bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập trong đào tạo từ trung cấp trở lên, có chính sách xã hội hóa về đất đai, thuế... Bốn là, triển khai một số giải pháp để thực hiện tự chủ của cơ sở đào tạo, quy định rõ tự chủ cái gì, như thế nào, làm sao để tự chủ được…

- Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm được các nhà khoa học cho là không phù hợp, cần rút ngắn. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và của địa phương. Chương trình mới, thay vì trình bày dàn trải kiến thức, chỉ cần tập trung giới thiệu giá trị cốt lõi, rồi chỉ ra phương pháp tiếp cận, cách tìm tài liệu, tự cập nhật kiến thức; tổ chức hoạt động học cho học sinh; cách giải quyết vấn đề, trong đó có giải quyết các tình huống cụ thể. Chương trình phổ thông nên theo cơ cấu “9+2” thay vì 12 năm rất lãng phí nhằm tạo điều kiện phân luồng sớm cho học sinh.

- Giáo sư có cho rằng chương trình đổi mới căn bản về giáo dục sẽ đạt được mục tiêu đề ra?

- Có thể nói, một năm qua chúng ta đã bắt đầu “nhúc nhích” thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Năm 2015, chúng ta phải nhanh chóng có chương trình khung, rồi đến chương trình cụ thể từng môn, phải xúc tiến được viết sách giáo khoa thì mới hy vọng thay sách được đúng tiến độ. Chúng ta cần làm những việc như: Mục tiêu của phổ thông là gì, học được gì, tri thức học đến đâu; về con người học đến đâu, học bao nhiêu phần trăm, rèn luyện nhân cách, thái độ ứng xử, trang bị kỹ năng lao động cần thiết cho học sinh thế nào… nhằm tạo điều kiện để “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đạt được kết quả tốt nhất. Tôi tin tưởng công cuộc đổi mới này sẽ thành công vì hướng đi phù hợp với quy luật. Trong đó, có thể nói đến hai vấn đề cốt lõi nhất là: Chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; chuyển từ nền giáo dục khép kín sang giáo dục mở, liên thông, thực học, thực nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư về những nội dung đã trao đổi!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi giáo viên phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.