Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chúng tôi khát vọng xây dựng quận Nam Từ Liêm trở thành “đô thị đáng sống”

Vũ Thủy - Hoàng Thu Vân| 05/07/2015 06:38

(HNM) - Tiếp xúc với chúng tôi, cảm nhận đầu tiên về Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải là con người không thỏa mãn những gì đã làm được, luôn trăn trở khát vọng đổi mới, tìm tòi những ý tưởng có sự khác biệt, để cùng với tập thể Quận ủy lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm đưa quận Nam Từ Liêm trở thành

Trước thềm Đại hội Đảng bộ quận Nam Từ Liêm lần thứ nhất, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cởi mở với đồng chí Nguyễn Văn Hải xung quanh khái niệm "đô thị đáng sống". Đặc biệt là mối liên hệ của khái niệm này với mục tiêu địa phương đặt ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng và phát triển quận Nam Từ Liêm cơ bản trở thành trung tâm mới của Thủ đô đúng theo đồ án quy hoạch Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, có môi trường sống, làm việc an toàn, trong sạch, nhiều tiện nghi, môi trường đầu tư hấp dẫn; kinh tế phát triển nhanh và bền vững...

Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm - TS Nguyễn Văn Hải.



Tìm sự khác biệt…

- Nguyên là Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ về quận Nam Từ Liêm từ ngày 1-4-2014, làm công tác Đảng trên cương vị Bí thư Quận ủy, đồng chí cảm nhận như thế nào về công việc mới?

- Quả thực là vất vả hơn nhiều so với công việc thuần túy chuyên môn của tôi trước đây. Nam Từ Liêm là quận non trẻ, bắt đầu đi vào hoạt động, do đó rất nhiều vấn đề mới đặt ra cùng hàng loạt việc cần làm. Ví dụ sau khi thành lập, công việc đầu tiên là kiện toàn bộ máy từ Đảng, chính quyền, MTTQ, đến các đoàn thể. Mọi thủ tục, quy trình chuẩn bị thực hiện như một nhiệm kỳ, phải rà soát, tổ chức hội họp, tuyên truyền vận động tổ chức kiện toàn, bầu bổ sung đại biểu HĐND, sau đó mới bầu bộ máy chính quyền mới từ cấp phường đến cấp quận. Nhưng với sự quyết tâm cao, chỉ trong hai tháng chúng tôi kiện toàn xong bộ máy, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ... Tóm lại, trở thành quận, mô hình hoạt động, quản lý khác với cấp huyện và tương tự cấp cơ sở từ xã trở thành phường, mô hình hoạt động, quản lý cũng khác. Công việc nhiều, song chúng tôi đã quyết tâm thực hiện xong trong thời gian ngắn, bảo đảm chất lượng, đúng quy trình, thủ tục. Đây là thành công lớn nhất trong năm 2014 và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm trước, Nam Từ Liêm là một trong số ít những quận có tốc độ phát triển nhanh.

- Từng làm “tư lệnh” một ngành, là “Kiến trúc sư trưởng” thành phố và hiện là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đó có phải là lợi thế của đồng chí trên vị trí công tác mới?

- Tôi rất thành thạo về quy hoạch đô thị của cả thành phố chứ không riêng địa bàn Từ Liêm. Lúc đó, nhìn bức tranh tổng thể phát triển đô thị một cách sâu sắc của toàn thành phố, bản thân tôi cũng xác định được thế mạnh và điểm yếu của Nam Từ Liêm - một địa phương còn làng, còn xã, mà chỉ sau một đêm đã thành phố, thành phường của một đô thị. Vào thời điểm quận Nam Từ Liêm thành lập và đi vào hoạt động, một số quận trẻ khác trong thành phố cũng trỗi dậy mạnh mẽ với những thành tựu rất ấn tượng.
Mong muốn của tôi là cùng tập thể Quận ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để quận Nam Từ Liêm trở thành đô thị phát triển, “đô thị đáng sống” như trong nghề quy hoạch kiến trúc vẫn thường nói. Đây là tiêu chí rất cao mà hiện một số đô thị trên thế giới đã đạt được.

- Có lẽ chưa nhiều người hiểu về cụm từ “đô thị đáng sống”, đâu là những nét đặc trưng của khái niệm này?

- Hiện nay, trên thế giới có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa về “đô thị đáng sống” (Liveable City), nhưng tựu trung lại thì “đô thị đáng sống” là một đô thị an toàn, lành mạnh, thân thiện, thuận tiện trong sinh hoạt, nhiều tiện nghi và có chất lượng cuộc sống cao.

- Phải chăng mục tiêu xây dựng “đô thị đáng sống” là một nấc phát triển cao hơn của “đô thị văn minh, hiện đại”?

- Đúng là như vậy bởi xây dựng “đô thị đáng sống” là phải xem xét toàn bộ những yếu tố nhằm cải thiện môi trường cư trú ở đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân như môi trường làm việc, môi trường sống nhiều tiện nghi, không gian, cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa bảo đảm…

- Điều đó có mâu thuẫn không khi xuất phát điểm của Nam Từ Liêm là một quận mới thành lập, cơ sở hạ tầng chắp vá và thiếu đồng bộ, dân trí chưa đồng đều, mặt bằng thu nhập của người dân chưa cao… ?

- Tôi cho rằng, không có việc gì là dễ dàng, thuận lợi, cái chính là chúng ta cần có quyết tâm, khát vọng đổi mới để tìm ra cách làm phù hợp, vượt qua khó khăn, trở ngại.

… để có những cách làm sáng tạo

- Với địa bàn cụ thể của quận Nam Từ Liêm, theo đồng chí, sự khác biệt, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương?

- Là quận mới thành lập nên điều đó sẽ quyết định toàn diện cho kế hoạch phát triển trong tương lai. Nếu không có tư tưởng, cách thức chỉ đạo khác biệt, đổi mới thì nó sẽ bị “đồng hóa”, hay nói cách khác là thói quen cũ sẽ lấn át tất cả. Nếu không có tư duy đổi mới, không đề xuất được cái mới, nếp cũ sẽ vẫn tồn tại, lâu dài sẽ bị trì trệ. Vì cái cũ đã quen rồi, cảm thấy dễ làm, không khó khăn gì và khi cân đo lại kết quả, gói gọn trong câu “cũng được” thì quận sẽ chậm phát triển. Theo tôi, nếu hai từ “cũng được” áp dụng trong tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo sẽ chỉ đưa quận thụt lùi, chứ không thể phát triển, đừng nói phát triển nhanh.

- Trong quá trình thực hiện, có gặp phải những trở ngại phát sinh không, thưa đồng chí?

- Dù đã định lượng, hình dung ra những khó khăn, phức tạp nhưng đến khi bắt tay vào làm thực tế mới phát sinh trở ngại, nhất là khi chuẩn bị cho công tác bầu cử sau khi quận thành lập. Sau một đêm, cả xã trở thành phường, cả huyện trở thành quận; đang từ nông thôn, trở thành thành thị; từ nông dân làm nông nghiệp, quan hệ họ hàng, làng xã nay trở thành tổ dân phố của phường, của quận. Tư tưởng cục bộ, từ “họ nhà tôi phải có “suất” làm cán bộ phường” đến “thôn tôi phải có một đồng chí làm lãnh đạo, tham gia BCH Đảng bộ, hay Thường trực HĐND”… cho dù tiêu chuẩn cán bộ chưa đạt. Lúc đó, tập thể BTV Quận ủy đánh giá, chính tư tưởng này là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cần phải kiên quyết xóa bỏ.

- Các đồng chí xử lý thế nào trong những tình huống đó?

- Chúng tôi xác định cần phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tôi vẫn nói tại nhiều diễn đàn, đừng vì “cái bát” mà bỏ “cái mâm”, đừng vì cái nhỏ của thôn xóm, dòng họ mà quên quyền lợi của quận, của phường và thành phố. Phải nói rằng, năm 2014 quận phải đấu tranh quyết liệt giữa hai hệ tư tưởng. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện, đặc biệt BTV, Thường trực Quận ủy thống nhất cao trong chỉ đạo, nhận thức, quan điểm vì việc lớn, vì lợi ích chung phải được đặt lên hàng đầu.

- Và Nam Từ Liêm đã chọn cho mình hướng đi như thế nào?

- Tôi vẫn nói với anh em trong BTV, ngoài đường họ đi ô tô hết rồi, còn mình hôm trước là nông thôn, hôm nay thành đô thị, đi xe đạp rất chậm, đuổi theo họ rất khó. Vì thế, mình phải tìm cái gì mới, hay, khác đi. Theo định hướng quy hoạch chung, quận Nam Từ Liêm là trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội gồm các chức năng: Dịch vụ, thương mại, tài chính, văn hóa, giải trí, du lịch, TDTT cấp quốc gia và thành phố, nhà ở. Ngay từ bây giờ chúng tôi xác định làm thế nào để quận trở thành cực hút? Chúng tôi không dám nói cực hút về phát triển kinh tế vì địa bàn không phải là đầu tàu kinh tế, mà chỉ nói cực hút về đầu tư, dịch vụ, thương mại, văn hóa và về đầu tư.

- Đồng chí có thể dẫn chứng ví dụ cụ thể?

- Sau khi nghiên cứu, chỗ khác biệt của chúng tôi là có thể phát triển mạnh và ngay lập tức là về dịch vụ giáo dục chất lượng cao với hệ thống trường ngoài công lập như Đoàn Thị Điểm, Lômônôxốp, Olympia… Đây là những trường có thương hiệu, tiêu biểu cho thành phố và cả nước. Nhìn ra các nước như Singapore, Australia, Anh, Mỹ… nguồn thu dịch vụ giáo dục chiếm 20% nền kinh tế của họ. Vậy tại sao với tiềm năng về giáo dục, như vậy chúng ta không xây dựng những trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao? Từ đó, BTV Quận ủy đã có chuyên đề sâu, chỉ đạo đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo của quận, phù hợp với Nghị quyết của Trung ương và thành phố. Kết quả sau một năm, quận Nam Từ Liêm trở thành một trong những đơn vị thuộc tốp đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia và thành phố, đặc biệt đợt thi vào lớp 10 năm 2015, Trường THCS Nam Từ Liêm đứng thứ ba toàn thành phố.

- Là một quận non trẻ, Nam Từ Liêm sẽ làm gì để trở thành cực hút đầu tư?

- Chúng tôi cho rằng có hai việc quan trọng cần ưu tiên, đó là triển khai hệ thống hạ tầng tốt và tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đây là hai việc rất khó, đặc biệt là công tác GPMB. Nhưng khó cũng phải quyết tâm làm vì đây chính là cơ hội để tập thể Quận ủy vận hành bộ máy và chứng minh bằng hiệu quả hoạt động. Chúng tôi đã xác định trọng điểm năm 2015 là công tác GPMB. Đây là khâu khó nhất từ trước tới nay không chỉ riêng đối với Hà Nội mà chung trong cả nước. Ví dụ có những dự án mở đường giao thông trên địa bàn được triển khai đã 9 năm trời, chỉ còn 100m với 57 hộ dân mà ách tắc không thể thực hiện. Quận đã thành lập BCĐ, huy động mọi nguồn lực, vận dụng cơ chế, chính sách tối ưu nhất để thúc đẩy công tác GPMB, cốt lõi nhất vẫn là tìm cách tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Sau một tháng vận động, thuyết phục bằng mọi cách, các hộ đồng tình nhận tiền hỗ trợ, di dời tái định cư, sau đúng một năm thì quận thi công xong tuyến đường, đoạn từ Bến xe Mỹ Đình đến Khu đô thị Mỹ Đình 1, góp phần quan trọng giải tỏa ách tắc giao thông cho đường Hồ Tùng Mậu.

Hay với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chúng tôi đã có nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi, thống nhất cao nguyên tắc: “Doanh nghiệp là phương tiện nhanh nhất đưa quận Nam Từ Liêm cất cánh”. BTV xác định cùng đồng hành với doanh nghiệp ngay cả khi cùng với doanh nghiệp đi xin thành phố hay các ngành tháo gỡ cơ chế chính sách và chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu.

Lan tỏa tinh thần đổi mới

- Đồng chí luôn có khát vọng đổi mới, nhưng để lan tỏa điều đó trong tập thể lãnh đạo có khó không?

Phương châm của tôi là: Chủ động đổi mới, đổi mới liên tục; chỉ đạo quyết liệt; dứt điểm và hiệu quả. Hiện nay tinh thần đó đã lan tỏa từ quận xuống tới các phường. Tôi vẫn nói với các ủy viên BTV, thay vì ngồi chờ cơ sở báo cáo, các đồng chí phải chủ động xuống cơ sở, nắm bắt tình hình, xem có tồn tại, khúc mắc cần giải quyết thì cùng với lãnh đạo cấp cơ sở xem xét, giải quyết dứt điểm, hiệu quả. Sâu sát cơ sở, hướng về cơ sở là như vậy. Đó chính là đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm. Cũng với phương châm nêu trên, quá trình chỉ đạo đại hội Đảng cấp cơ sở của quận trong thời gian vừa qua đã thành công tốt đẹp và chúng tôi đã chuẩn bị xong các bước để tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ quận Nam Từ Liêm, nhiệm kỳ 2015-2020.

- Để tổ chức đại hội Đảng thành công có hai nội dung quan trọng nhất là văn kiện và nhân sự. Tại Đảng bộ quận Nam Từ Liêm, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2020, tinh thần đổi mới đã lan tỏa vào trong các nội dung quan trọng như thế nào, thưa đồng chí?

- Nói ngắn gọn là chúng tôi đã đáp ứng tất cả yêu cầu của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 126 của Thành ủy và Kế hoạch 16 của Quận ủy. Đặc biệt về phương án nhân sự, chúng tôi xây dựng cơ cấu lãnh đạo phường tham gia BTV Quận ủy. Điều này chưa có tiền lệ đối với các quận, huyện. Tuy nhiên, chúng tôi xác định: Phường là hạt nhân của quận, là cấp chính quyền cơ sở trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến đời sống dân sinh. Thứ hai, khi có Bí thư Đảng bộ phường tham gia BTV sẽ lĩnh hội được chỉ đạo của BTV, của Thường trực Quận ủy để lan tỏa thực hiện ở cấp cơ sở cũng như phản ánh chính xác những khó khăn mà cơ sở đang đối diện, đó là con đường ngắn nhất đưa nghị quyết vào cuộc sống. Thứ ba, khi vị trí, vai trò của phường được Quận ủy quan tâm, ghi nhận, bản thân mỗi cán bộ sẽ nhiệt huyết hơn, giải quyết được sự trì trệ về tư tưởng “trên làm theo cách của trên, dưới làm theo cách của dưới”. Và phương án nhân sự của chúng tôi đã được Thành ủy Hà Nội phê duyệt.

Để thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu xây dựng và phát triển quận Nam Từ Liêm 5 năm (2015-2020), chúng tôi xác định 3 khâu đột phá gồm: Xây dựng ngay “chính quyền điện tử” đồng bộ với CCHC; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, phẩm chất và chuyên nghiệp cao; nâng cao hiệu quả quản lý đô thị theo quy hoạch; ưu tiên xây dựng trước hạ tầng kỹ thuật và xã hội, và các tiện nghi đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đó là những yếu tố căn bản để xây dựng quận Nam Từ Liêm trở thành “đô thị đáng sống” như khát vọng đổi mới của tập thể lãnh đạo chúng tôi.

- Cảm ơn đồng chí về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi khát vọng xây dựng quận Nam Từ Liêm trở thành “đô thị đáng sống”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.