Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn tăng thu nhập phải tăng năng suất lao động và cải cách tiền lương

Vương Tuấn Anh thực hiện| 19/07/2015 06:15

(HNM) - Những năm qua, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động.


Tuy nhiên, việc tăng lương sẽ thêm gánh nặng chi phí, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động thì điều kiện tiên quyết vẫn là tăng năng suất lao động và đổi mới chính sách tiền lương. Mặc dù thời gian qua năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng nhưng so với các nước trong khu vực còn rất thấp. Trong khi đó, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích người lao động nên rất cần được cải cách. Để làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Lương tăng nhưng thu nhập vẫn thấp

- Thưa ông, thực trạng tiền lương của người lao động ở nước ta hiện nay như thế nào?

- Chính sách tiền lương ở Việt Nam hiện nay thực chất dựa trên nền tảng cải cách chính sách tiền lương được quy định tạm thời từ năm 1993. Quá trình tiếp tục thực hiện cải cách chỉ chủ yếu điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, mở rộng quan hệ tiền lương, bỏ bớt số bậc lương trong một ngạch, quy định thêm các chế độ phụ cấp lương, tách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực chi

từ ngân sách. Từ năm 2003 đến 2011, Nhà nước tiếp tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhưng so với chế độ tiền lương năm 1993, không có thay đổi gì lớn. Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức từ 210.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng và sau đó là 1.150.000 đồng/tháng, tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố.

Đối với khu vực doanh nghiệp, kể từ ngày 1-1-2015, lương tối thiểu của 4 vùng lần lượt là 3,1 triệu đồng, 2,75 triệu đồng, 2,4 triệu đồng và 2,15 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản của người lao động, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Thu nhập của lao động Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng 45% mức tiền lương tối thiểu trung bình của khu vực ASEAN.

TS Bùi Sỹ Lợi.


- Liệu có xảy ra trường hợp lương tối thiểu tăng nhưng thu nhập của người lao động không tăng mà thậm chí còn giảm?

- Bộ luật Lao động 2012 cũng bỏ quy định về mức lương tối thiểu chung, chỉ còn quy định mức lương tối thiểu vùng, ngành và được Chính phủ công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hội đồng Tiền lương ra đời nhằm thay thế cơ chế tham vấn gián tiếp giữa các bên với Chính phủ trước đây sang tham vấn trực tiếp qua Hội đồng nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường đồng thuận trong việc xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, áp dụng trong doanh nghiệp cho phù hợp trình Chính phủ.

Đây là một cơ chế mới xây dựng mức lương tối thiểu vùng, áp dụng trong khối doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hợp tác, hài hòa; thu hút đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Lương tối thiểu bình quân hiện nay là 2,3-2,5 triệu đồng/tháng, người lao động đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào mức lương này. Nhưng kể từ ngày 1-1-2018 trở đi, mức tính đóng bảo hiểm căn cứ vào thu nhập thực tế của người lao động từ lương và các khoản có tính chất tương tự lương, bình quân ở mức 3,8-4,2 triệu đồng/tháng, nên thu nhập thực tế của một bộ phận người lao động có thể bị giảm. Số tiền giảm chính là khoản tiết kiệm khi họ còn sức khỏe, còn lao động để đến khi nghỉ hưu có nguồn thu nhập tốt hơn…

- Vậy lộ trình tăng lương được đề ra trong thời gian tới có bảo đảm được đời sống của người lao động hay không?

- Do ngân sách nhà nước mấy năm qua rất khó khăn nên việc tăng lương vẫn phải thực hiện theo lộ trình. Tại kỳ họp thứ tám cuối năm 2014, Quốc hội đã thảo luận, quyết định chi cho nhiều việc, trong đó cũng dành khoảng 10.000 tỷ đồng chuyển sang năm 2015 để giải quyết tăng 8% lương hưu và lương cho nhóm cán bộ công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,34. Còn khu vực doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 2, Điều 91 Bộ luật Lao động, hằng năm Chính phủ công bố mức tiền lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Mục tiêu của điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu là phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Với mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu. Vì thế cần phải điều chỉnh lương tối thiểu như thế nào để bảo đảm lộ trình lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu, đây cũng là bài toán khó cho Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Năng suất lao động là yếu tố quyết định

- Ông có thể cho biết vì sao tiền lương bình quân của lao động Việt Nam không thể tăng lên ngang bằng với nhiều nước trong khu vực và thế giới?


- Việc điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu và lương cơ sở cần căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hay năng suất lao động và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động tăng lên làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tiền lương. Trong đó, chỉ số CPI trong thời gian qua biến động không lớn, còn kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay đạt mức 6,28% nhưng chưa đủ điều kiện để tăng lương. Bởi nguyên tắc tăng tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng lương bình quân thì mới giữ được chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, muốn tăng được thu nhập khi lương tối thiểu tăng chỉ có cách duy nhất là tăng năng suất lao động.

Vấn đề này không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được ngay mà cần có thời gian vì năng suất lao động phụ thuộc vào kỹ năng của người lao động; dây chuyền sản xuất, công nghệ, máy móc, thiết bị; trình độ tổ chức, quản trị doanh nghiệp; cơ cấu lao động trong từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực. Năng suất lao động của Việt Nam trong mấy năm gần đây tuy vẫn tăng nhưng vẫn rất thấp. Năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 3.515 USD/người/năm nhưng chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, 1/6 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan, Trung Quốc…

- Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực là gì, thưa ông?

- Năng suất lao động của các quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu lao động của các ngành kinh tế, vì năng suất lao động là thương số của tổng sản phẩm quốc dân (GDP) và tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Việt Nam hiện tại có hơn 24 triệu người làm việc trong khu vực nông nghiệp, năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng 38% năng suất lao động bình quân của toàn xã hội. Hơn nữa, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn rất thấp.

Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu trước hết là do cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm dẫn đến tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao (khoảng 47%). Thứ hai là, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng qua đào tạo chưa cao. Thứ ba là, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ lớn các doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo. Thứ tư là, trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

- Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức rất thấp trong số quốc gia được khảo sát tại Châu Á. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?


- Ngân hàng Thế giới đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng; thiếu năng động, sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp...

Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 19%. Khoảng cách khác biệt về tỷ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn khá cao. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ có trình độ chuyên môn kỹ thuật 20,4%, trong khi ở khu vực nông thôn 8,6%. Như vậy, tuy về trình độ văn hóa được đánh giá là khá nhưng trình độ nghề của lao động Việt Nam còn rất thấp.

Phải đổi mới chính sách tiền lương

- Thời gian qua, Nhà nước đã có chiến lược cải cách nền hành chính, xác định cải cách chế độ tiền lương là một mục tiêu quan trọng trong chương trình cải cách hành chính. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?


- Chúng ta đang trong quá trình phấn đấu hoàn thành công cuộc CNH - HĐH đất nước, chuẩn bị những bước tiếp theo cho sự phát triển của nền kinh tế tri thức và hòa nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới.

Rõ ràng thời gian không còn nhiều, tất cả đều đang ở giai đoạn nước rút, đòi hỏi Nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thành các mục tiêu đó. Việc cải cách tiền lương nhằm tạo ra được đội ngũ công chức hành chính đủ mạnh để quản lý đất nước là một điều rất cần thiết và cấp bách, trong đó tiền lương là một trong những giải pháp quan trọng, là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác.

- Hiện nay, trong nhiều trường hợp, sức hấp dẫn của nghề công chức không phải vì thu nhập từ lương mà là nhờ các kẽ hở của chính sách, cơ chế quản lý để sách nhiễu, làm giàu bất chính... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


- Sau hơn 20 năm với hai lần cải cách tiền lương (năm 1993 và 2004), mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song đời sống người hưởng lương, đặc biệt là công chức và công chức hành chính ít được cải thiện. Tiền lương của công chức hành chính và của công nhân viên chức chưa được xem như một kênh đầu tư hiệu quả cho sự phát triển của xã hội.

Họ không sống bằng lương mà bằng các nguồn thu nhập khác, điều đó dẫn đến hệ lụy là sự tha hóa của đội ngũ công chức hành chính làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước. Chính sách tiền lương hiện nay còn cào bằng giữa các địa phương, vùng miền nên chưa khuyến khích được sự tích cực trong cải cách hành chính. Tiền lương không được trả dựa trên nhiệm vụ được giao và mức độ hoàn thành công việc, do đó không tạo được động lực và áp lực làm việc cho công chức hành chính… Bên cạnh đó, cơ chế tạo nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương và quản lý tiền lương đã đề ra cách đây hơn 20 năm cơ bản không tạo chuyển biến lớn, thiếu căn cứ, dữ liệu cần thiết, không giải quyết được vấn đề từ gốc.

- Theo ông, chúng ta phải cải cách, đổi mới chính sách tiền lương như thế nào?

- Trên cơ sở khoa học và nghiên cứu thực tiễn chính sách tiền lương công chức hành chính qua các lần cải cách, tôi đề xuất một số kiến nghị.

Thứ nhất là, cần thiết phải có sự cải cách tiền lương một cách khoa học, vững chắc làm đòn bẩy kinh tế, sốc lại sức mạnh của đội ngũ công chức hành chính, xóa bỏ những nguy cơ có hại cho đất nước.

Hai là, tiếp tục coi việc tính đúng và tính đủ cho người lao động chính là sự đầu tư cho phát triển, có nghĩa là tiền lương phải được gắn với công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc.

Ba là, xây dựng tiền lương tối thiểu (nay gọi là lương cơ sở) của công chức hành chính để bảo đảm ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong khu vực thị trường.

Bốn là, cần có sự phân loại rõ ràng về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các loại công chức.

Năm là, thiết lập cơ chế tuyển dụng, đào thải công chức hành chính khoa học, chặt chẽ và nghiêm minh trên cơ sở những tiêu chuẩn cán bộ đã được xác lập. Trước hết, phải coi việc đào tạo nâng cao trình độ của công chức hành chính là một công việc hệ trọng đặc biệt.

Đồng thời, tuyển dụng những người có đức, có tài, thật sự tâm huyết với nghề nghiệp và kiên quyết đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất, thiếu đạo đức ra khỏi đội ngũ công chức. Công tác này phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch và dựa trên các tiêu chuẩn cũng như kết quả đánh giá khách quan.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn tăng thu nhập phải tăng năng suất lao động và cải cách tiền lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.