Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có động cơ tiêu cực mới cản trở báo chí tác nghiệp

Hà Phong| 20/09/2015 06:03

(HNM) - Trên cơ sở Công ước quốc tế và Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ, Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.



Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay một số quy định bảo đảm quyền còn chưa được cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng đã dẫn đến những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xoay quanh vấn đề này, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc phải có chế tài thay đổi để hạn chế tối đa những bất cập nêu trên.

GS.TSKH Đào Trọng Thi.


Thay đổi tư duy để báo chí phát triển

- Thưa ông, vì sao trong kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 41 đang diễn ra, phía cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Báo chí sửa đổi - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại nêu quan điểm khai tử trang thông tin tổng hợp. Phải chăng đây là giải pháp gián tiếp giúp báo chí phát triển mạnh hơn?

- Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Nhiều quy định trong Luật Báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới.

Một bất cập nổi lên trong vài năm trở lại đây làm giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và số lượng phát hành báo in là các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất gần như báo điện tử (hiện đang được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ) xuất hiện thiếu sự kiểm soát. Người làm các trang này sẽ tự ý sao chép thông tin từ các báo, nhào nặn rồi đăng lại. Đây là một cách gián tiếp nối bản nên ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại bài vở của họ… Trong khi đó, dự thảo Luật Báo chí lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… (khoản 21, Điều 4). Quy định này vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền, từ không chính danh nay chính danh hóa các trang tin điện tử tổng hợp.

Tôi và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, với mặt lợi ít hại nhiều như hiện nay, “bị hại” là các cơ quan báo chí, không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong luật. Vì thực ra người làm trang mạng ấy không phải phóng viên, không được sáng tạo thông tin nên đã cắt xén, nối chỗ này chỗ kia thành một cái không trùng với bất cứ thông tin cụ thể nào của các báo khác, rất nguy hại...

- Thưa ông, không chỉ trang tin điện tử tổng hợp, cách quản lý mạng xã hội đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều thông tin “có hại, không chính thống” lại lan tỏa nhanh hơn báo chí?

- Mạng xã hội là nơi người ta bày tỏ ý kiến về những sự kiện và vấn đề quan tâm không phải hằng ngày mà hằng giờ, hằng phút... Một tòa soạn với số lượng phóng viên có hạn nên không thể nào nắm bắt ngay những thông tin nóng hổi diễn ra ở mọi nơi. Nhưng mạng xã hội thì lại làm được điều này do thành viên trong mạng xã hội rất đông đảo, nếu có một sự kiện quan trọng vừa mới xảy ra thì ngay tức khắc trên mạng xã hội đã có.

Do vậy, trong nhiều trường hợp, thông tin về sự kiện mới xảy ra xuất hiện trên mạng xã hội trước khi xuất hiện trên báo chí. Chúng ta phải chấp nhận. Song, phải bình tĩnh khi đối diện với những thông tin ấy. Vì các thông tin này mang tính chất nhật ký cá nhân, người ta tự tung lên mạng, không phải bảo đảm uy tín như của một tòa soạn báo, nơi mọi thông tin đều được kiểm chứng. Xã hội ta mới làm quen với mạng xã hội nên đôi khi có sự nhầm lẫn tưởng đó là thông tin đáng tin cậy. Nhưng khi đã thích nghi với môi trường mạng rồi thì tôi tin người dân có cách tiếp cận khác, tiếp nhận thông tin báo chí có sự kiểm định hơn là các thông tin không chính thống, trong đó có nhiều nội dung phịa, vô bổ, tục tĩu.

- Trong bối cảnh mạng xã hội nhanh hơn báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có những nghiên cứu về tự do báo chí, tự do ngôn luận, thể hiện trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Ông đánh giá những đổi mới này có giúp nhà báo tác nghiệp nhanh, hiệu quả hơn không?

- Tôi đánh giá đây là cách tiếp cận hợp xu hướng phát triển của báo chí. Thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay một số quy định bảo đảm quyền còn chưa được cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Song Điều 25 Hiến pháp còn quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”. Trong khi đó, dự thảo luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân.

Mặt khác, quyền tự do báo chí quá rộng nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này.

- Cụ thể, ông có gợi ý gì để công dân, nhà báo thực hiện quyền của mình hiệu quả?

- Tờ trình của Chính phủ lại trích dẫn Công ước quốc tế năm 1966 nêu quan điểm: Quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí. Trong khi đó, Hiến pháp quy định, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hai quyền này khác nhau, tuy có điểm trùng nhau. Tự do ngôn luận có thể là trên báo chí hoặc không trên báo chí mà là thể hiện quan điểm cá nhân tại cuộc mít tinh diễn thuyết cũng là tự do ngôn luận. Nếu hiểu như Ban soạn thảo thì hẹp hơn, tức là người dân có quyền phát biểu ý kiến của mình và được đề nghị báo chí công bố lên hoặc cung cấp cho báo chí đăng. Và như vậy đây chỉ là một phần của tự do ngôn luận thông qua báo chí thôi. Bởi vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

Quy hoạch để báo chí phát triển

- Có cách hiểu tự do ngôn luận theo hướng khác, tức là công dân hoặc đơn vị có tiềm lực được tự do lập ra một tờ báo để thực hiện quyền tự do ngôn luận. Trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất không có báo chí tư nhân. Quan điểm của ông về cách hiểu này?

- Hiến pháp đã khẳng định các quyền có thể bị hạn chế bởi lý do quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, hơn nữa quyền tự do của người này không xâm phạm lợi ích của người khác. Nếu ai, đơn vị nào cũng mở tờ báo thì khác nào diệt nhau, xung đột về lợi ích. Trong trường hợp này, quy hoạch chính là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, đặc biệt kinh tế báo chí, làm cho báo chí ngày càng phát triển, mạnh lên, chất lượng hơn. Trên cơ sở nguyên tắc này, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp thật cần thiết, chỉ từ những lý do đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và phải được quy định tại văn bản luật.

- Nhưng điều dư luận xã hội lo ngại là nếu cho doanh nghiệp thành lập cơ quan báo chí sẽ không bình đẳng trong kinh doanh?

- Về vấn đề này, trong quy định về những cơ sở khoa học, giáo dục, y tế, kinh tế được thành lập cơ quan báo chí đã có sự phân biệt đối xử giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập, giữa các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước. Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, các cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học, bệnh viện lớn không phân biệt công lập hay ngoài công lập, đều cần được thành lập tạp chí khoa học. Đây là nguyện vọng chính đáng để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học của mình, chứ không được thành lập tờ báo để bàn những chuyện khác hoặc quảng cáo để thu tiền.

Còn với các doanh nghiệp kinh tế, nếu anh nào có cơ quan báo chí thì có lợi thế về tuyên truyền quảng bá cho hoạt động. Như vậy sẽ không công bằng về bình đẳng trong kinh doanh. Vì thế đây là vấn đề “mở cửa” cần thận trọng. Theo tôi, doanh nghiệp muốn quảng cáo thì quảng cáo qua các cơ quan báo chí khác mới bình đẳng về kinh doanh.

Ghi nhận vị trí của Hội Nhà báo để có thêm cơ sở bảo vệ quyền lợi hội viên

- Thưa ông, hiện nay đang gia tăng tình trạng gây khó dễ cho phóng viên trong quá trình tiếp cận thông tin hoặc gây cản trở phóng viên tác nghiệp bằng cách hành hung, xúc phạm danh dự, phá hoại phương tiện tác nghiệp... Ý kiến của ông về thực tế này?

- Tôi khẳng định Luật Báo chí sửa đổi đã cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013. Nếu được thực thi một cách nghiêm túc về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành luật như chị vừa nêu. Thực tế có chuyện cản trở báo chí tác nghiệp vì không phải ai, tổ chức nào cũng hiểu luật báo chí, nguy hại hơn là cản trở do có mục đích tiêu cực. Đáng lẽ khi nhà báo đã thực hiện đúng chức năng của họ thì phải tạo điều kiện. Việc này chỉ có lợi cho xã hội. Người cản trở phóng viên chính là người không muốn thông tin ấy được công khai. Chỉ những kẻ tiêu cực mới bất chấp từ tính mạng của nhà báo cho tới pháp luật để thực hiện bằng được việc che đạy, bưng bít các hoạt động tiêu cực, trái pháp luật của mình. Các cơ quan báo chí và nhà báo đi đầu, dấn thân trong cuộc đấu tranh này rất cần được bảo vệ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu báo chí lợi dụng quyền báo chí, quyền ưu tiên để thực hiện những vấn đề không trong nghiệp vụ cũng sẽ phải trả giá đắt.

- Thế nhưng trong nhiều trường hợp cản trở báo chí tác nghiệp, chúng ta mới nắm được “tóc” người thừa hành. Ông có cho rằng, để giúp báo chí tác nghiệp hiệu quả, các quy định hiện hành cần sửa đổi đồng bộ thế nào?

- Đây là nhóm đối tượng xếp bảo gì thì làm, nếu không thực hiện không trả lương hoặc đuổi việc. Chúng tôi đang nghiên cứu ghi nhận vị trí, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong Luật Báo chí sửa đổi, yêu cầu Hội Nhà báo phải ban hành quy chế đạo đức nghề nghiệp và để cơ quan này đứng ra bảo vệ quyền lợi hội viên.

Với quy định hiện hành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên (chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát việc điều tra, thực hiện luật pháp tố tụng trong hoạt động tư pháp), có quyền yêu cầu báo chí phải cung cấp những thông tin liên quan. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa nhóm cán bộ được hưởng quyền này, nhưng chúng tôi không ủng hộ. Thủ trưởng cơ quan điều tra cũng không được quyền này để hạn chế tối đa trường hợp vì muốn điều tra nhanh có thể vi phạm, chánh án tòa án cũng không được.

Tôi tin có Luật Báo chí sửa đổi và kiên định hướng đi trên, nhà báo có hành lang pháp lý tác nghiệp tốt hơn. Ngược lại, với những nội dung và hành vi báo chí bị cấm, cần bổ sung cả việc đưa tin, bài, hình ảnh có nội dung không phù hợp với tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em. Cũng cần nhìn nhận, việc này cần phải quy định cụ thể, minh bạch. Ban soạn thảo đề xuất: Ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật là không phù hợp. Cần rà soát lại các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết; những nội dung hạn chế quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí phải được đối chiếu với quy định của Hiến pháp về các trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân theo hiến định và phải được quy định ngay trong luật.

- Cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi! 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có động cơ tiêu cực mới cản trở báo chí tác nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.