Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôi luôn luôn mong mỏi không có học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh nghèo khó

Thái Sơn| 22/11/2015 06:26

(HNM) - Quãng thời gian này năm trước, nhà giáo hưu trí Nguyễn Trà (trú tại Tổ 23B, Khu dân cư số 5, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong ba thầy cô giáo được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp "trồng người".

Cụ thể, suốt 23 năm qua, sau khi nghỉ hưu, nhà giáo Nguyễn Trà đã không quản công sức để tổ chức những lớp học Hướng thiện, cưu mang, dạy dỗ miễn phí cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, con em dân lao động không có điều kiện đến trường. Nhờ sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình của thầy, đến nay nhiều học sinh đã trưởng thành và tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với nhà giáo Nguyễn Trà để hiểu thêm suy nghĩ cùng những trăn trở, lo toan của một người đã có trên 60 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Nhà giáo Nguyễn Trà.


Hãy sống bằng tấm lòng của mình

- Từng là học trò của Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An), được vinh danh là "Cậu bé vàng" của Hà Nội khi được vua Bảo Đại tặng giải thưởng vì đã đạt thành tích xuất sắc trong môn học tiếng Pháp, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề dạy học?

- Truyền thống gia đình tôi là như thế. Nhà tôi đến thời điểm này đã trải qua 21 đời. Cụ đời thứ 7 nhà tôi từng được mời vào cung dạy học cho vua chúa, mở ra truyền thống gia đình là nghề dạy học. Tôi là đời thứ 15, giờ các con cháu tôi nhiều người vẫn lựa chọn nghề dạy học. Ngay mảnh đất anh em chúng tôi đang ở hiện nay cũng là đất được phong do tổ tiên để lại. Cũng vì lý do này mà sau khi học xong phổ thông, tôi theo học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa đầu tiên năm 1954 và gắn bó với nghiệp "gõ đầu trẻ" từ đó.

- Phải chăng vì là người Hà Nội gốc nên ông lựa chọn nghề này cho nó nhàn, đỡ phải đi xa, ngày ngày lên lớp, hết giờ dạy học trở về nhà?

- Không hẳn là như vậy, tôi từng nhận quyết định lên dạy học tại những địa phương thuộc Liên khu Việt Bắc, rồi về Trường Ngô Sỹ Liên ở Bắc Giang, tiếp đó chuyển sang Trường Hùng Vương ở Phú Thọ - trường đầu tiên có cấp 3 của vùng kháng chiến, năm nay kỷ niệm 70 năm thành lập. Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được Sở Giáo dục Hà Nội phân công vào TP Hồ Chí Minh làm công tác tiếp quản, dạy học ở Trường Cao đẳng Sư phạm. Trở về Hà Nội ít thời gian, tôi tiếp tục tham gia làm chuyên gia giáo dục tại Cônggô, rồi về nước dạy học ở các trường Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi cho tới khi về hưu. Nói chung, trong 35 năm công tác tôi đã được tham gia dạy học từ vùng tự do tới chiến khu, trong Nam, ngoài Bắc, cho tới đi nước ngoài giảng dạy…

- Dù nghề dạy học là truyền thống gia đình qua nhiều đời, song đây là nghề mà làm ăn chân chính thì khó có thể làm giàu. Ông có nghĩ tới điều đó?


- Đúng là như vậy, xưa các cụ nhà tôi nghèo lắm. Ngày trước, nơi tôi ở là một làng nghèo trong thành phố và nhà tôi cũng là một nhà nghèo trong làng. Tôi nhớ, hồi còn sống, bà nội tôi phải chẻ đôi que diêm ra để dùng hai lần. Tiết kiệm đến thế. Giỗ tết không bày vẽ nhiều, chỉ cần đĩa xôi, con gà. Ăn mặc cũng theo đúng kiểu "cơm ba bát, áo ba manh". Sống rất điều độ, chắt chiu, tần tảo. Ngành giáo là ngành nghèo, đến lượt tôi cũng thế thôi, nhưng cái chất trong mình là vậy. Hãy sống bằng những gì mình có, bằng tấm lòng của mình. Khi con người đã có một khái tính, hay nói văn vẻ là tự trọng thì không chịu được những gì xúc phạm, đặc biệt là giá trị đạo đức.

- Những người có bề dày về nghề dạy học như ông, nhiều người sẽ đảm nhận những cương vị nhất định trong công tác quản lý. Còn ông, dường như ông không muốn điều đó?

- Đây cũng là điều mà nhiều người đã từng gợi ý cho tôi nhưng tôi chỉ muốn chuyên tâm với nghề. Nói thực, làm nghề giỏi chưa chắc làm công tác quản lý đã giỏi. Nếu làm công tác quản lý, chắc chắn phải mất không ít thời gian cho chuyện họp hành, còn đâu thời gian cho cái nghề mà mình yêu thích. Lại nữa, không phải là tất cả nhưng với một số trường hợp việc đảm nhận công tác quản lý khiến người ta… hư người vì cái đức, cái tâm chưa thực sự trong sáng.

Hướng tới những điều tốt đẹp

- Thưa ông, có nhiều nhà giáo sau khi nghỉ hưu (thậm chí cả những người còn đang công tác) thường lựa chọn việc đi dạy thêm ở những trung tâm luyện thi để cải thiện đời sống. Hoàn cảnh gia đình ông cũng không phải dư dả. Và quan trọng là ông yêu nghề. Vậy tại sao ông lựa chọn việc mở những lớp học Hướng thiện cho trẻ em nghèo và các học sinh không có điều kiện đến trường?

- Đó là vì tôi luôn ghi nhớ lời căn dặn của mẹ tôi. Nhà mẹ tôi nghèo lắm. Mẹ tôi 12 tuổi thì ông ngoại mất. Bà ngoại nuôi 3 con. Mẹ tôi là chị cả, đang lớp 3 thì phải nghỉ học. Mẹ tôi kể, hôm đầu tiên không được đi học, mẹ nhìn ra ngoài thấy các bạn đi học mà rớt nước mắt. Mẹ tôi thất học vì nhà nghèo. Hình ảnh ấy theo tôi mãi. Nhìn các cháu có hoàn cảnh tương tự, tôi lại thấy hình ảnh của mẹ tôi ngày xưa. Mẹ tôi đã nói: Nếu con làm ngành gì cũng phải thương lấy người nghèo vì chính hoàn cảnh của mẹ đã như thế.

Ban đầu mở lớp ngay tại nhà mình, vợ tôi cũng lo nghĩ nhiều lắm, kinh tế để duy trì lớp học chỉ là một phần, phần nhiều hơn là sức khỏe của tôi - một người đang bị u xơ tiền liệt tuyến và đã phải cắt 2/3 dạ dày. Nhưng tôi nói với vợ tôi, mình học nhiều, biết nhiều, giờ để góc nhà, chỉ cho riêng mình thì phí quá…

- Vậy là những lớp học vẫn đều đặn hoạt động suốt 23 năm qua?

- Thực tế không phải tới năm 1992 tôi mới mở những lớp học miễn phí. Từ năm 1954, khi theo học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã nhận dạy kèm cho bà con trong xóm. Hồi đó là một nhóm gồm 7 người, giờ chỉ còn một người trong nhóm đó, có những người tôi từng kèm chuyện học hành như ông Ba Lịch, năm nay nếu còn cũng phải trên 100 tuổi rồi. Ở làng này, với một số gia đình, tôi là thầy giáo của nhiều thế hệ.

- Với những lớp học được tổ chức ở nhà ông, có thời gian tổ chức ngoài đình làng hoặc mượn tạm những địa điểm khác, khi ngồi bên giảng giải, phân tích cho những học sinh đặc biệt ấy, ông thường có suy nghĩ như thế nào?

- Các cháu ấy từ khi sinh ra đã thiếu thốn đủ thứ, mình có chút kiến thức, kinh nghiệm thì nên bày lại cho các cháu, biết đâu sau này tương lai các cháu sẽ tốt đẹp hơn. Cùng với đó, tôi còn cho rằng, khi con người có tri thức, sẽ nhận biết được lẽ phải, việc cần làm trong cuộc sống và chính điều đó sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tôi nhớ trong số học sinh có một cháu gái, bố mất sớm, mẹ bệnh nặng nên không được đến trường, biết tin có lớp Hướng thiện nên đã xin tôi vào học. Cháu ấy nhà nghèo nhưng học rất giỏi và rất biết vượt lên số phận. Giờ cháu đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và ra dạy rồi…

- Tại sao ông lại đặt tên là lớp học Hướng thiện?

- Gọi là lớp học Hướng thiện, nghĩa là thầy và trò đến lớp đều phải tu dưỡng. Thầy tu đức, lòng nhân ái, còn trò học đạo làm người, hướng đến những điều tốt đẹp.

- Vâng! Cha ông đã dạy "ấu bất học, lão hà vi", nghĩa là "trẻ không học, già biết gì" và "nhân bất học, bất tri lý", nghĩa là "người không học, không biết lẽ đời".

Vấn đề phải chăng là ở cách làm?

- Thưa ông, trở về một vấn đề rất thời sự trong những ngày gần đây. Đó là Bộ GD-ĐT dự kiến đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn, hoặc tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến triển khai từ năm học 2018-2019). Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Tôi xin nhắc lại một câu đã đăng trên Báo Hànộimới: Những người trẻ không quan tâm tới môn Lịch sử hoặc xa rời môn học Lịch sử sẽ là một "thảm họa" đối với dân tộc. Lịch sử là một môn khoa học không chỉ hàm chứa tri thức của nhân loại, trong đó có quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước mình, dân tộc mình. Việc giáo dục cội nguồn còn giúp cho người học bồi đắp nhân cách, tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc để từ đó xây dựng tương lai. Tôi cho rằng, môn Lịch sử có nhiệm vụ, chức năng riêng mà không môn nào thay thế được. Do đó không thể có chuyện tích hợp, nói cách khác là lồng ghép vào các môn học khác để giảng dạy.

- Xung quanh việc học môn Lịch sử, tại một số kỳ thi quốc gia đã có hàng nghìn bài thi 0 điểm cùng những câu trả lời của học sinh về lịch sử khiến người đọc cười ra nước mắt. Việc đổi mới cách dạy và cách học cũng là nhằm giải quyết thực trạng trên. Không ủng hộ việc đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn, hoặc tích hợp, vậy theo ông để học sinh tiếp thu tốt kiến thức lịch sử thì cần phải làm gì?

- Tôi cho rằng chương trình và cách giảng dạy đều phải thay đổi. Cụ thể phải tìm được chính xác những con người có đạo đức, có tài năng, đủ năng lực "cầm cờ", như vậy mới tập hợp được một đội ngũ thật đúng đắn, ngay ngắn. Khi chúng ta đưa ra một vấn đề nhằm cải cách giáo dục thì phải nhìn thật khách quan, công tâm, không thể dùng cảm tính mà suy đoán sự việc; nói cách khác là phải dùng luận lý học để giải quyết sự việc trong thực tế, đủ lý lẽ bảo vệ việc triển khai là tốt, mang lại hiệu quả, chứ không thể cứ mang ra để thí điểm. Làm khoa học, 2+2 bằng 4 chứ không phải coi như là 4 được. Thiết kế chương trình, xây dựng sách giáo khoa phải nhìn nhận trên quan điểm đó. Còn về cách dạy, người đứng trên bục giảng phải đọc sách, am hiểu và "tiêu hóa" được kiến thức thì hãy dạy, đừng nguyên văn sách mà dạy. Ngày xưa tôi rất thích môn Lịch sử vì thầy lịch sử biết cuốn hút mình bằng nội dung, lời nói thích hợp. Bây giờ các thầy cô dạy môn Lịch sử khô khan, cứng nhắc nên học sinh không muốn học và cũng khó tiếp thu đầy đủ kiến thức…

- Có một vấn đề thường được những người làm công tác quản lý đề cập, đó là kinh phí ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa đạt yêu cầu đề ra. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến đó?

- Có lẽ trước khi đề cập tới việc đó hãy xem lại những đồng tiền bỏ ra để đầu tư cho giáo dục - đào tạo đã thu được hiệu quả như thế nào, đổi mới được những gì, việc dạy và học đã tốt hơn chưa… Có thể thấy, điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của chúng ta hiện nay là tốt hơn trước rất nhiều, vấn đề phải chăng là ở cách thức tổ chức thực hiện? Tôi nói như vậy vì chúng ta không thiếu những thầy cô giáo giỏi, học sinh của chúng ta có truyền thống hiếu học và tiếp thu kiến thức rất tốt, vậy tại sao chất lượng giáo dục - đào tạo chưa như mong muốn? Theo tôi, đó là do những người làm nghề của chúng ta chưa mang hết khả năng của mình ra để xây dựng nền giáo dục cho hoàn chỉnh, tồn tại điều đó có vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý và ở một khía cạnh nhất định, có thể thấy họ chưa tập hợp được những người có tài năng thực sự. Đây là những vấn đề mà có cấp kinh phí cũng không giải quyết được. Những người có khả năng, tâm huyết và mong muốn cống hiến cho ngành Giáo dục, cho đất nước, cho dân tộc thì người ta không đòi hỏi về lợi ích vật chất đâu.

- Là một ông giáo nghèo nhưng giờ này ông có một thứ tài sản vô giá đó là bà vợ luôn nhiệt tình, ủng hộ ông trong mọi suy nghĩ, việc làm cùng 3 người con và 7 cháu nội, ngoại đều học giỏi và thành đạt ở nhiều lĩnh vực. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được hỏi, mong muốn lớn nhất của ông ở cái tuổi 83 này là gì?

- Đó là nhận được sự ủng hộ chung của toàn xã hội để có thật nhiều lớp học như tôi đã tổ chức, giúp những trẻ em nghèo, điều kiện khó khăn biết đến con chữ và kiến thức để các em có thể thay đổi số phận, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Điều tôi mong mỏi nhất là trên đời này không có đứa trẻ nào vì hoàn cảnh nghèo khó mà phải bỏ học. Giờ tôi tuổi cao, sức yếu nên các con, các cháu của tôi đều tham gia truyền đạt kiến thức cho học sinh, rồi cả những cháu từng theo học nhiều năm ở lớp Hướng thiện cùng nhiều bạn già trong phường như ông Nguyễn Xuân Hòe, bà Lã Thị Ngọc Viên, ông Nguyễn Văn Đôn… cũng rất tích cực hưởng ứng. Mỗi khi nghe tin học sinh đậu vào đại học, trường nghề, có em đến báo đã xin được việc làm hay đi xuất khẩu lao động, tôi vui đến rơi nước mắt. Sự trưởng thành của các em chính là động lực giúp tôi cần mẫn làm công việc này.

- Xin cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tôi luôn luôn mong mỏi không có học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh nghèo khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.