Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tiếp tục giám sát hậu chất vấn đối với các "tư lệnh" ngành

Vương Tuấn Anh thực hiện| 29/11/2015 06:42

(HNM) - Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành chương trình nghị sự với nhiều quyết sách lớn liên quan đến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn theo tinh thần đổi mới.

Ông Lê Như Tiến


Những thay đổi về phương thức chất vấn đã tạo ra được môi trường thuận lợi hơn để các đại biểu có thể phản ánh nhiều vấn đề bức xúc của cử tri tới nghị trường. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng phần trả lời của một số "tư lệnh" ngành còn dàn trải, chưa làm rõ trách nhiệm và nhiều lời hứa chưa được thực hiện. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến về vấn đề này.

Đổi mới phương thức chất vấn

- So với các kỳ họp trước, kỳ họp Quốc hội lần thứ mười được đánh giá là có nhiều đổi mới. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, một trong những đổi mới của kỳ họp Quốc hội lần này là tạo được dấu ấn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Khác những kỳ họp trước, ở kỳ họp này nội dung chất vấn phong phú hơn, có tính tổng hợp, đánh giá hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tôi đánh giá cao sự cải tiến của Quốc hội trong phiên chất vấn lần này nhằm đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội và giải quyết các vấn đề đã được chất vấn. Qua đó cho thấy, việc ban hành các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề đã bám sát tình hình thực tế, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội được cử tri đồng tình, đánh giá cao. Việc trả lời của các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành đã đáp ứng được nội dung câu hỏi đặt ra của các đại biểu. Tuy vậy, nếu câu trả lời trực diện, trúng hơn nữa, giảm báo cáo thành tích, công việc của ngành mình thì tốt hơn. Việc truy trách nhiệm đến cùng chưa thực sự rõ, vì chất vấn không phải để tìm hiểu thông tin, càng không phải để biết mà suy cho cùng là quy trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan bộ, ngành mà Quốc hội đã bầu hoặc phê chuẩn.

- Qua hoạt động chất vấn, vai trò của các vị đại biểu Quốc hội đã có tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

- Tiếng nói của đại biểu Quốc hội thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực, tác động đến quá trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành. Ví dụ như một bộ phận biệt thự công, nhà công vụ đã được thu hồi; khắc phục được tình trạng nhiều luật, văn bản dưới luật vừa khai sinh đã bị khai tử, vấn đề thu phí đường bộ đối với xe mô tô; sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính đối với người cai nghiện; hủy quy định chỉ được phép bán thịt sống trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ, ưu tiên cộng điểm thi đại học đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội… Chất vấn là cơ hội đánh giá, giám sát hoạt động của Chính phủ nhưng đồng thời cũng là dịp để cử tri giám sát đánh giá các đại biểu. Rõ ràng, các đại biểu Quốc hội không thể đứng ngoài, làm ngơ trước những bức xúc, những vấn đề của đời sống liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân, mà phải vì dân, lắng nghe, thấu hiểu nỗi lòng của dân. Có những chất vấn là lời cảnh báo để những người có trách nhiệm lưu ý như: “Hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, “đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”... 

- Trách nhiệm của các vị “tư lệnh” ngành trong giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, dù còn một ngày đang công tác thì các vị “tư lệnh” ngành cũng phải hoàn thành trách nhiệm, chức trách của mình. Còn phần nào chuyển tiếp do cận kề thời gian thì chuyển cho người kế nhiệm. Như thế mới đúng bổn phận, chức trách và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đối với quan chức có hành vi “chạy nước rút” để thực hiện “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”, chúng ta cần có giải pháp cụ thể hơn. Ví dụ như quy định từ 3 đến 6 tháng trước khi về hưu, anh không được bổ nhiệm, đề bạt người thân, hoặc không ký dự án lớn mà dự án đó thuộc nhiệm kỳ sau. Quy định cụ thể để tất cả quan chức muốn tham nhũng cũng không thể thực hiện được. Cùng với đó là tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và theo dõi sát hơn với những người sắp hết nhiệm kỳ; phát huy tai mắt của quần chúng ở nơi cán bộ công tác và cư trú.

Phải giám sát lời hứa

- Hiện nay, cử tri rất quan tâm đến việc thực hiện lời hứa của các vị “tư lệnh” ngành sau chất vấn. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Mặc dù nhiều bộ, ngành có quan tâm việc thực hiện lời hứa, nhưng chuyển biến chưa nhiều, chưa tạo ấn tượng hậu chất vấn. Thậm chí, có những ngành còn để tình trạng tệ hơn nhưng các cơ quan của Quốc hội và đại biểu vẫn chưa đeo bám đến cùng để truy vấn. Kỳ họp nào cũng nêu lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm, an toàn giao thông, được mùa mất giá, được giá mất mùa, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy công quyền... nhưng đến nay các giải pháp thực hiện chưa mạnh. Sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn chuyển chưa biến nhiều. Các bộ trưởng khi hứa tại Quốc hội rất tâm huyết, nhưng hình như lực bất tòng tâm. Trách nhiệm thì có, nhưng thể hiện bằng chương trình hành động để quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thì chưa rõ. Nghị quyết thì có nhưng không có chế tài nên không thể “xử lý” được các “tư lệnh” ngành không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, việc kỷ cương để buộc các “tư lệnh” phải tập trung thực hiện đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết không thực hiện được. 

- Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế phân cấp, phân quyền chịu trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương của chúng ta chưa rõ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Khi nghe báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi tán thành với báo cáo đã nêu cụ thể tất cả vấn đề “nóng” của quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân các thành viên Chính phủ, không phải trách nhiệm tập thể; đâu là trách nhiệm của Trung ương, đâu là của địa phương. Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cần làm rõ và khẳng định nguyên tắc tự quyết, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, tất cả nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; phải phân định đâu là trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, chủ yếu, thứ yếu...

- Sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Chúng ta phải làm gì để các vấn đề bức xúc của người dân đề cập trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được giải quyết triệt để?

- Tôi cho rằng, nhằm giải quyết triệt để những bức xúc của người dân, ngoài việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong luật, chúng ta phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành của các cơ quan, bộ máy nhà nước thông qua chất vấn. Chất vấn là một trong những hình thức giám sát rất hiệu quả và có “sức mạnh” của Quốc hội. Mục đích cuối cùng của chất vấn là giải quyết những khúc mắc của cử tri, nhận diện rõ thực trạng, làm rõ trách nhiệm cá nhân nhằm khắc phục và tìm ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển. Điều tôi quan tâm nhiều nhất là hậu chất vấn. Nếu chất vấn là quá trình nhận ra, nhận thấy, nhận thức, nhận biết thì hậu chất vấn phải là hành động và chuyển động. Hành động và chuyển động của các bộ, ngành, người đứng đầu các lĩnh vực và kết quả cuối cùng là các “giá trị gia tăng” mới là quan trọng nhất. Sau mỗi cuộc chất vấn thì các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu cần tiếp tục giám sát hậu chất vấn xem những vấn đề được đặt ra, những giải pháp được đề cập, những lời hứa có được thực hiện không (?) Cùng với việc đổi mới cách thức thực hiện chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện nghị quyết sau chất vấn theo tinh thần nói đi đôi với làm. Nếu “tư lệnh” ngành nhận khuyết điểm mà không sửa chữa, hứa mà không làm thì Quốc hội phải xem xét trách nhiệm pháp lý của họ. 

Hướng tới hoạt động chuyên nghiệp

- Quốc hội là cơ quan lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy, làm thế nào để Quốc hội phát huy được vai trò và thực thi đầy đủ quyền lực của mình?

- Tôi cho rằng, muốn hoạt động hiệu quả thì Quốc hội cần phải hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên như một số nước phát triển. Hiện nay, chúng ta có 70% các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, mà đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì chỉ dành 30% thời gian cho hoạt động Quốc hội, còn 70% phải làm các việc theo nhiệm vụ chính của họ. 30% thời gian dành cho các kỳ họp là vừa hết, nên khó có thể đi sâu vào một việc nào đó để giám sát và có ý kiến. Hơn nữa, nhiều đại biểu ở nước ta được bầu theo cơ cấu nên khó có điều kiện để theo đuổi đến cùng các vấn đề mà mình quan tâm. Đã là đại biểu thì phải tác động được lên nghị trường, lên chính sách vĩ mô. Chính vì thế cần phải đào tạo, nâng cao năng lực cho các đại biểu và phải có bộ máy giúp việc giỏi, tập trung được những chuyên gia hiểu biết về cách thức vận hành nghị viện, có thể phân tích chính sách một cách sâu sắc. Ngoài ra, để Quốc hội có thể giám sát được thì các đại biểu phải có vị thế độc lập, tránh sự xung đột lợi ích giữa người làm chức năng giám sát và người bị giám sát. Nếu người làm chức năng giám sát là cấp dưới của người bị giám sát thì họ sẽ “khó” nói, không giám sát được.

- Theo ông, Quốc hội cần phải có những cải cách gì để hội nhập với thế giới trong thời gian tới?

- Để hội nhập quốc tế thì các đại biểu cần phải chuyên nghiệp hóa để xử lý tốt các vấn đề đặt ra cho Quốc hội. Quy trình thủ tục hoạt động Quốc hội phải theo quy định chuẩn mực chung của quốc tế. Theo đó, cần phải xác lập mối quan hệ đúng đắn giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Hai quyền này phải tương tác liên tục với nhau để thúc đẩy nền quản trị quốc gia. Việc xác lập quan hệ của các đại biểu với các cử tri phải rất rõ và chặt chẽ. Ở Quốc hội các nước, mỗi đại biểu đều có văn phòng riêng tại nơi bầu cử để thường xuyên giữ mối liên hệ với các cử tri.

- Vậy công tác tiếp xúc cử tri cần phải đổi mới như thế nào để tránh hình thức và đi vào thực chất hơn, thưa ông?

- Thông thường, những cử tri đến tiếp xúc với đại biểu chủ yếu là “đại cử tri”, tức là những người đại diện, những cán bộ chủ chốt của phường, xã như cấp ủy, đoàn thanh niên; các cán bộ tại các ban, ngành trong quận, huyện… Nếu thực hiện như vậy thì chỉ có những người “đại diện” cử tri mới được trao đổi, kiến nghị, còn những người dân chịu tác động trực tiếp của chính sách thì rất ít khi được tiếp xúc với đại biểu. Vì vậy theo tôi, ngoài việc tiếp xúc với cử tri theo đơn vị hành chính và các cán bộ chủ chốt, đại biểu Quốc hội nên tiếp xúc với cử tri theo các đối tượng, các ngành, các giới khác nhau để nắm bắt, thấu hiểu được đời sống của họ khó khăn, thuận lợi như thế nào.

Bên cạnh đó, thời gian tiếp xúc cử tri không nhất thiết vào giờ hành chính, cũng có thể tiếp xúc vào buổi tối, khi công việc đồng áng, lao động sản xuất của họ đã xong thì bà con yên tâm hơn… Mỗi đại biểu có thể tiếp xúc ở nơi mình ứng cử và tại địa phương khác mà mình quan tâm; cần tăng cường tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác vì đây chính là nơi đại biểu Quốc hội thường xuyên gắn bó với cử tri và cũng tạo điều kiện để cử tri giám sát đại biểu Quốc hội.

- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp tục giám sát hậu chất vấn đối với các "tư lệnh" ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.