Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần cải cách phải “thấm” đến từng cán bộ, công chức

Vương Tuấn Anh| 19/06/2016 07:22

(HNM) - Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của Chính phủ đã đưa ra những chế định rất quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, công cuộc CCHC còn nhiều việc phải làm và đang đặt ra những yêu cầu mới, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.


Để Nghị quyết đi vào cuộc sống

- Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo bước đột phá trong công tác CCTTHC. Ông nhận định thế nào về việc triển khai Nghị quyết này?

- Báo cáo kết quả hoạt động chương trình phối hợp giám sát thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy: Chương trình đã đưa ra được những đánh giá khách quan và độc lập, góp phần thúc đẩy quá trình CCTTHC trong lĩnh vực này.

Qua đó đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình CCTTHC, có sự thay đổi từ tư duy Nhà nước quản lý sang tư duy cung cấp dịch vụ công, Nhà nước phục vụ..., được cộng đồng DN đánh giá cao. Dù vậy, công tác CCTTHC vẫn còn nhiều việc phải làm, cần lắng nghe ý kiến đóng góp của DN hơn để điều chỉnh và sửa đổi những bất cập, vướng mắc liên quan tới từng ngành thì mới đáp ứng được yêu cầu của DN.

- Thời gian gần đây, VCCI đã làm gì để góp phần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ?

- Trong năm 2015, VCCI đã phối hợp với các đơn vị thành viên tiến hành một cuộc điều tra xã hội học đối với các hiệp hội DN, liên minh hợp tác xã (HTX) nhằm thu thập đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 và đã nhận được phản hồi của 153 hiệp hội, 27 liên minh HTX và 59/63 đại diện tỉnh, thành phố. Cùng với đó, VCCI đã tổ chức một chương trình giám sát thực tế tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Nam, An Giang để làm việc với 6 chi cục thuế, hải quan, khảo sát thực tế tại 14 DN, tổ chức 3 cuộc tọa đàm đối thoại trực tuyến với trên 100 đại diện đến từ các hiệp hội, HTX và DN. Từ kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và VCCI chủ trì phối hợp với các thành viên trong chương trình phối hợp xây dựng báo cáo kết quả giám sát, kiến nghị đối với cộng đồng DN; đồng thời, đề xuất kiến nghị về cơ chế, giải pháp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

- Mặc dù những kết quả đạt được là rất tích cực nhưng việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn không ít khó khăn. Ông có thể cho biết rõ hơn về những “rào cản” cần phải tháo gỡ trong quá trình CCHC?

- Sự thiếu kết nối giữa các cơ quan là một lực cản đối với công cuộc CCTTHC. Chúng ta yêu cầu các DN phải liên kết để tạo thành chuỗi giá trị, nhưng các cơ quan của nhiều bộ, ngành và địa phương lại thiếu sự kết nối, thậm chí có những cơ quan như những “ốc đảo”... Mặt khác, càng xuống cấp dưới, sức lan tỏa của Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh càng không được như mong đợi. Một số chính sách chưa có sự đồng bộ giữa các đơn vị, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN để thực hiện hiệu quả công việc.

- Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những “rào cản” trên là gì?

- Tôi cho rằng, những khó khăn nêu trên một phần xuất phát từ hàng trăm văn bản chuyên ngành hiện tại, trong đó có những văn bản không nhất quán, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả. Thủ tục hành chính chỉ là các quy định “vô tri” trên giấy, còn người giải quyết lại là một hoặc vài người cụ thể. Vấn đề cốt lõi để CCHC là cải cách phong cách, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính. Con người vẫn đóng vai trò quan trọng nhất.

- Kết quả khảo sát 180 tổ chức là đại diện cộng đồng DN trên toàn quốc do VCCI thực hiện cho thấy, có đến 80% đơn vị cho rằng kỹ năng, trình độ giao tiếp của cán bộ, công chức ở nhiều nơi chưa đạt được kỳ vọng của DN. Ông đánh giá thế nào?

- Trong khi 23% đơn vị đánh giá ở mức tốt và rất tốt với chỉ tiêu cán bộ thuế không hách dịch, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà thì tỷ lệ đánh giá kém và rất kém vẫn lên tới 27%; chỉ tiêu tận tình, chu đáo của cán bộ thuế được 19% đánh giá là tốt và rất tốt nhưng 27% vẫn có đánh giá là kém và rất kém. Với ngành Hải quan, 21% đơn vị cho biết cán bộ lắng nghe ý kiến của DN ở mức tốt và 26% đơn vị vẫn đánh giá cán bộ hải quan còn thiếu sự tận tình khi hướng dẫn giải quyết công việc... Bên cạnh đó là tình trạng DN phải “lót tay” cho cán bộ thuế. 55% đơn vị bày tỏ đồng tình quan điểm nếu không chi thêm, DN sẽ bị phân biệt đối xử. Tương tự với cán bộ ngành Hải quan, 64% đồng tình sẽ bị phân biệt đối xử nếu không “lót tay”… Một số thủ tục vẫn bị đánh giá còn nhiều trở ngại, đầu bảng là nhóm thanh tra, kiểm tra thuế, tiếp đến là nhóm hoàn thuế và miễn giảm thuế. Với ngành Hải quan, những nhóm thủ tục gây phiền hà tập trung ở khâu giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan...

- Như vậy dư địa để CCTTHC trong thời gian tới vẫn còn nhiều, thưa ông?

- Với nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan có tác động rất lớn. Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý trung ương tính toán, nếu chúng ta giảm một ngày về việc thực hiện thủ tục này thì hằng năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD. Đây cũng là một trong những dư địa cần cải cách trong thời gian tới.

Ngành Thuế và Hải quan phải lắng nghe nghiêm túc góp ý của người dân và DN, coi họ là đối tác chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu cho đất nước. CCHC cần triệt để hơn, giám sát cũng cần quyết liệt hơn. Ban Chỉ đạo chương trình giám sát đã đề nghị cộng đồng DN cần mạnh dạn phát hiện, kiến nghị về những trường hợp sai phạm, những người có hành vi nhũng nhiễu, hạch sách, tiêu cực góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó, rất nhiều lĩnh vực hiện nay còn bất cập, gây khó khăn cho DN như vay vốn, tiếp cận đất đai, thuế đất… cũng cần phải được cải cách.

Xác định rõ người, rõ trách nhiệm

- Thời gian gần đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt tạo sự chuyển biến mạnh về CCHC và cải thiện môi trường đầu tư. Ông đánh giá như thế nào?

- Khảo sát của VCCI cho thấy, các DN đánh giá môi trường kinh doanh của Hà Nội trong thời gian gần đây có nhiều điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Nổi bật là việc Hà Nội nỗ lực CCTTHC, cải thiện về chất lượng lao động, dịch vụ hỗ trợ DN... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã gia tăng đáng kể từ năm 2012 (53,4 điểm, thứ hạng 51/63) đến năm 2015 (59 điểm, thứ hạng 24/63). Với tinh thần quyết tâm cao, trong 5 năm qua cũng như giai đoạn 5 năm tới, Hà Nội đều chọn CCHC là một trong những khâu đột phá. Đầu tháng 6, thành phố đã tổ chức hội nghị lớn với DN, đưa ra cam kết sẽ trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện hỗ trợ DN phát triển. Trong đó, ấn tượng nhất là việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và DN là đối tượng để phục vụ”.

- Mặc dù vậy nhưng trước những đòi hỏi từ thực tiễn, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường đầu tư và CCTTHC?

- Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, công tác CCHC của Hà Nội vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nghĩa là lãnh đạo cấp thành phố thì quyết liệt, nhưng càng xuống cấp dưới thì càng “nguội” dần, thậm chí có cán bộ, công chức còn biểu hiện thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm. DN vẫn kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi của chính quyền thành phố. Theo điều tra của VCCI, những nguyên nhân dẫn đến vị trí xếp hạng PCI chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô là phiền hà trong thủ tục hành chính vẫn còn, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai. Việc đăng ký thành lập DN cũng có những hạn chế; một số cán bộ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông còn yếu về năng lực nên không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết dẫn đến thời gian giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn dài. Đáng lo ngại là chi phí không chính thức còn cao.

- Từ góc độ DN, theo ông, Hà Nội cần phải làm gì trong thời gian tới để tháo gỡ những “rào cản” trên?

- Theo tôi, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Điều này sẽ giúp DN tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, giảm tiêu cực... Thành phố cần nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, giảm chi phí không chính thức, minh bạch và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN… Bên cạnh đó cần khơi thông việc tiếp cận vốn cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa; đồng thời tăng cường thông tin về hội nhập, phổ biến pháp luật tới các DN... Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính “xin - cho” sang nền hành chính phục vụ.

- Vậy đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức cần được thực hiện như thế nào?

- Để công cuộc CCHC đạt được mục tiêu đề ra trong quá trình hội nhập, đầu tiên là phải có những giải pháp để tinh thần cải cách “thấm” đến từng cán bộ, công chức. Bên cạnh đó là chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và DN; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và tác phong ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Hy vọng rằng, với những quyết tâm, đột phá trong CCTTHC, xúc tiến đầu tư..., môi trường đầu tư của thành phố sẽ được cải thiện tốt hơn và sớm trở thành trung tâm khởi nghiệp quốc gia theo hướng sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần cải cách phải “thấm” đến từng cán bộ, công chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.