Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp

Việt Nga| 17/07/2016 07:12

(HNM) - Để chuẩn bị cho việc khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và các phần mềm dùng chung trên địa bàn thành phố, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã đầu tư đường truyền, trang thiết bị và đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, công chức quận, huyện, phường, xã... Đây là những việc cần thiết hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp.



Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội Phan Lan Tú để làm rõ hơn nội dung này.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội Phan Lan Tú. Ảnh: KHÁNH HUY

Chuẩn bị các điều kiện cần

- Thành phố đã thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư và phần mềm dùng chung tại quận Nam Từ Liêm và Long Biên. Từ việc thí điểm, có thể đánh giá kết quả thế nào?

- Quá trình triển khai thí điểm CSDL dân cư và phần mềm dùng chung tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm cho thấy, đường truyền phải có băng thông rộng, bảo đảm phục vụ yêu cầu của đơn vị cung cấp dịch vụ. Trung tâm Dữ liệu phải bảo đảm sự sẵn sàng của hệ thống máy chủ; máy tính trang bị cho cán bộ trực tiếp làm việc cần cấu hình cao, có công nghệ mới. Trong quá trình triển khai, phải xây dựng được tính liên thông giữa UBND cấp xã, phường (trong cấp giấy khai sinh), với công an phường, xã, quận, huyện (trong cấp hộ khẩu thường trú), hoặc với ngành bảo hiểm (trong cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi)… Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo UBND thành phố cho phép chính thức đưa vào sử dụng CSDL dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Đầu tháng 8, sẽ triển khai tại 10 quận.

- Trong quá trình triển khai ứng dụng phần mềm dùng chung có vướng mắc gì không? Chúng ta giải quyết như thế nào?

- Có thể ví dụ, trong triển khai phần mềm khai sinh của Bộ Tư pháp chỉ đáp ứng được một yêu cầu là cấp khai sinh mang mã số định danh. Trong khi, Hà Nội có sẵn CSDL dân cư, có thể khai thác các thông tin mà người dân đến làm thủ tục không cần mang theo nhiều giấy tờ. Khi làm thủ tục khai sinh, chỉ cần gõ dữ liệu là ra tên, tuổi của bố, mẹ; đặc biệt có thể điều chỉnh được nếu có sự nhầm lẫn tên, địa chỉ... Vì vậy, chúng tôi đã làm việc và thống nhất với Bộ Tư pháp tích hợp, trao đổi thông tin khai sinh giữa hệ thống DVCTT của thành phố và phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp để bảo đảm liên thông dữ liệu.

- Như vậy, CSDL dân cư giữ vai trò gắn kết với các phần mềm dùng chung khác?

- CSDL dân cư là nền tảng rất quan trọng để triển khai DVCTT, giải quyết các thủ tục hành chính và hình thành CSDL thông tin, dữ liệu liên quan đến công dân. Trước đây, việc tạo tài khoản công dân điện tử chưa được thực hiện tại Hà Nội, vì vậy, song song với khai thác CSDL dân cư, thành phố sẽ tạo lập tài khoản công dân, xác thực và lưu trữ thông tin cá nhân cho công dân. Thông tin, dữ liệu liên quan đến công dân sẽ được bổ sung dần trong quá trình làm các thủ tục hành chính. Với việc tạo tài khoản công dân điện tử và hình thành CSDL về hồ sơ công dân giúp cả công dân và chính quyền thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính như: Tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ công dân; cắt giảm kê khai đơn và các hồ sơ cần nộp.

- Ngày 22-4-2016, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2779/VPCP-KGVX về danh mục các DVCTT mức 3 và 4 phải triển khai năm 2016. Với những công việc mà TP Hà Nội đã triển khai vừa nêu, chúng ta có thể đạt được DVCTT ở mức độ nào?

- Sở Thông tin và Truyền thông đã trình thành phố ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND (ngày 26-5-2016) về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2016, trong đó có danh mục các DVCTT triển khai năm 2016 theo thông báo của Văn phòng Chính phủ. Để xác định lộ trình, thứ tự ưu tiên triển khai DVCTT năm 2016, Sở đã rà soát, khảo sát tại các đơn vị, đánh giá mức độ ưu tiên, tính khả thi cung cấp trực tuyến mức độ 3 trở lên. Việc triển khai các DVCTT mức độ 3 trong năm 2016 sẽ theo nguyên tắc: Ưu tiên dịch vụ có số lượng hồ sơ giao dịch lớn, thuộc lĩnh vực đang được quan tâm (đất đai, y tế…), các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết cấp quận, huyện, xã, phường; thành phần hồ sơ đơn giản; kế thừa các dịch vụ đã triển khai đang hoạt động hiệu quả.

- Nhưng thực tế các dịch vụ có mức độ giao dịch nhiều ít rất khác nhau. Nếu triển khai kiểu “đổ đồng” thì sẽ không hợp lý...

- Đúng vậy. Một số dịch vụ do đặc thù tại Hà Nội có số lượng hồ sơ giao dịch quá ít, thậm chí không có giao dịch thì tạm chưa triển khai. Thay vào đó, chúng ta sẽ triển khai một số thủ tục thiết thực với người dân (dự kiến khối sở có 7 thủ tục, nhóm thủ tục; khối quận, huyện 3 thủ tục, nhóm thủ tục; khối xã, phường 4 thủ tục, nhóm thủ tục). Đồng thời, thành phố sẽ hình thành Cổng DVCTT thành phố (egov.hanoi.gov.vn) để cung cấp các dịch vụ công mức 3 và 4, tích hợp với phần mềm “một cửa” dùng chung các cấp. Đây sẽ là cổng duy nhất, giúp công dân, tổ chức thuận tiện trong giao dịch DVCTT với thành phố. Đồng thời, trên cổng sẽ hình thành kênh tiếp nhận góp ý, chuyên mục hỏi - đáp trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.

Cán bộ, công chức phải thành thạo CNTT

- Có thể thấy, hạ tầng CNTT được đầu tư khá tốt, nhưng dù phần mềm điều hành có thông minh đến mấy mà cán bộ không sử dụng được, thì không thể triển khai các ứng dụng cho người dân. Thành phố đã tính đến việc này ra sao, thưa bà?

- Song song với đầu tư hạ tầng, khâu đào tạo về CNTT cho cán bộ cơ sở được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm thông qua việc giao cho Sở Thông tin và Truyền thông mở các lớp đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và tổ chức thi cấp chứng chỉ. Tính đến hết tháng 6-2016, Sở đã tổ chức đào tạo được 97/308 lớp với tỷ lệ đi học thấp. Đáng chú ý, sau khi thành phố ban hành quy định, gắn việc đi học về CNTT với mức độ hoàn thành nhiệm vụ là tiêu chí đánh giá cán bộ - vẫn có quận, huyện cử cán bộ đi học không đạt cả về số lượng và chất lượng. Có thể nhận thức về vấn đề này chưa được đầy đủ. Tôi cũng được biết còn có nơi lãnh đạo chưa tạo điều kiện để cán bộ đi học.

- Vậy phải có biện pháp gì để khắc phục hiện tượng này?

- Tôi đã yêu cầu Trung tâm Đào tạo CNTT - Truyền thông, hằng tuần báo cáo đánh giá về các lớp học. Đồng thời, là cơ quan được UBND thành phố giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra các lớp học. Trước khi triệu tập, Sở sẽ có công văn thông báo kế hoạch đào tạo, danh sách triệu tập để quận, huyện chủ động bố trí, sắp xếp công việc... Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí của thành phố theo dõi, phản ánh và nêu rõ những quận, huyện làm chưa tốt, để lãnh đạo quận, huyện biết và cùng vào cuộc.


- Từng có học viên phản ánh không được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện đi học, phải chăng đơn vị đó chưa quan tâm đến ứng dụng CNTT?

- Đúng là trong giai đoạn trước, còn hiện tượng một số đơn vị chưa quan tâm tới việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chưa khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung được triển khai. Song, từ đầu năm 2016, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo việc ứng dụng CNTT, với chương trình hành động cụ thể. Việc UBND thành phố quy định gắn việc đi học về CNTT với mức độ hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá cán bộ, một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của thành phố. Do vậy, không còn đơn vị không quan tâm đến ứng dụng CNTT. Về phản ánh của học viên, tôi cho rằng, nếu cơ quan, đơn vị có cán bộ đi học không bảo đảm quy định, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

- Thành phố đã có thống kê về mức độ thực hiện các giao dịch qua mạng?

- Các giao dịch trên mạng chưa cao và không đồng đều, chủ yếu tập trung ở một số sở, ngành, lĩnh vực, như: Đăng ký thủ tục cấp, đổi hộ chiếu, khai báo tạm trú, tạm vắng (của Công an thành phố); một số lĩnh vực của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và Thông tin và Truyền thông; trong đó lượng hồ sơ giao dịch qua mạng tại Sở Thông tin và Truyền thông chiếm tới 80%. Để nâng cao tỷ lệ này, nhất là sắp tới chúng ta đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công tới xã, phường, tôi cho rằng cần tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, đồng thời, tại các cơ quan hành chính phải sẵn sàng thiết bị máy tính, đường truyền và cán bộ hướng dẫn nhân dân khai báo thông tin tại chỗ. Cuối cùng là áp dụng biện pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp đăng ký trực tuyến, như nếu giải quyết thủ tục hồ sơ trực tiếp thì trong vòng 15 ngày, nhưng qua mạng chỉ 10 ngày. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang áp dụng biện pháp này.

- Có một thực tế, với người dân, doanh nghiệp ở ngoại thành, việc thực hiện giao dịch qua mạng là một vấn đề, vì thói quen và cả do thiếu thiết bị? Như vậy, việc ứng dụng CNTT ở đây chỉ phát huy trong hoạt động nội bộ?

- Tạo thói quen sử dụng CNTT không đơn giản. Tôi cho rằng, trước hết phải cho họ thấy lợi ích thiết thực thì mới sử dụng. Phải có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đăng ký qua mạng; cùng với đó, phải có cán bộ hướng dẫn kê khai các thủ tục. Để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ qua mạng, cần phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa mà Nhà nước đã đầu tư ở các khu vực ngoại thành như máy tính, đường truyền ở các nhà văn hóa thôn, xã, bưu điện văn hóa xã, để người dân có thể sử dụng đăng ký qua mạng...

- Về lâu dài, vấn đề bình đẳng trong quyền tiếp cận với các dịch vụ công của người dân ngoại thành cũng là một bài toán không đơn giản...

- Đúng là vấn đề này không đơn giản khi không ít hộ dân nông thôn không có trang, thiết bị. Có nơi đường truyền internet mới về đến xã, chưa đến được thôn. Cùng với đó là vai trò của cán bộ cấp cơ sở trong hướng dẫn các dịch vụ công... Nói như vậy để thấy rằng, việc triển khai cung cấp dịch vụ công ở ngoại thành cũng phải có cách làm, kế hoạch cụ thể. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, 80% hộ gia đình có internet, để người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Sẽ có chính quyền điện tử thân thiện với người dân

- Vừa qua Đoàn công tác của thành phố đã sang Australia, trong đó có nội dung học tập kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Là thành viên của đoàn, bà có thể chia sẻ gì từ chuyến đi này?

- Chuyến công tác do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung dẫn đầu, đến bang Victoria (Australia) có nhiều nội dung làm việc, hợp tác về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, đào tạo... trong đó có việc học tập kinh nghiệm xây dựng CQĐT... Có thể nói chuyến đi rất thành công. Chúng tôi đã tham khảo được những kinh nghiệm của bang Victoria và thành phố Melbourne về cách thức xây dựng CQĐT, cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Đầu tiên muốn xây dựng CQĐT hay thành phố thông minh thì hạ tầng, công nghệ là khâu quan trọng, từ đó mới phát triển các tiện ích đồng bộ mang tính tập trung; tiếp đó, phải đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, phần mềm và nhân lực; cuối cùng là bảo mật trên hệ thống. Dựa trên nền tảng công nghệ, các ứng dụng thông minh được phát triển đồng bộ để phục vụ người dân, như: Bãi đỗ xe thông minh, công tơ điện thông minh, năng lượng thông minh... Các dịch vụ này được gắn với thiết bị di động để người dân có thể kiểm soát dịch vụ mà mình sử dụng. Tại các thành phố, chính quyền lắp hệ thống camera, từ đó theo dõi, cảnh báo và giúp xử lý an ninh trật tự... Việc cung cấp dịch vụ có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp tư nhân; hoặc chính quyền chọn hình thức thuê dịch vụ.

- Hà Nội của chúng ta dự kiến sẽ xây dựng các mô hình tương tự như vậy?

- Chúng tôi đã có báo cáo với lãnh đạo thành phố để ra quyết định cuối cùng. Song tôi được biết, thành phố dự kiến sẽ phát triển trung tâm dữ liệu (data center) hiện đại; mời các chuyên gia vào hợp tác phát triển phần mềm; đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà mạng triển khai công nghệ 4G, phục vụ hiện đại hóa hạ tầng viễn thông trên địa bàn. Trong chuyến đi này có lãnh đạo Tập đoàn Viettel và được biết họ dự kiến sẽ triển khai nhiều việc, như phát triển 4G, cung cấp thiết bị thông minh, bãi đỗ xe thông minh, trung tâm giám sát an ninh mạng, hệ thống camera an toàn, trung tâm phát triển phần mềm...

- Thế còn mô hình CQĐT TP Hà Nội sẽ như thế nào, thưa bà?

- Việc phê duyệt mô hình CQĐT sẽ do lãnh đạo UBND thành phố quyết định; và dự kiến trong năm nay phải xong mô hình này để còn triển khai. Lãnh đạo thành phố mong muốn sẽ xây dựng CQĐT đồng bộ, tập trung, dùng chung và thống nhất trên một nền tảng hiện đại, chia sẻ, liên thông kết nối. Sự liên thông kết nối trong hệ thống, giúp cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Mục tiêu sẽ là hình thành CQĐT làm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.