Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dành nhiều nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách, người có công

Nguyên Hoa| 24/07/2016 06:42

(HNM) - Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội có hơn 800.000 người có công (NCC) với cách mạng, bằng 10% cả nước về số lượng NCC và chiếm 12,5% dân số toàn thành phố. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn dành nhiều tình cảm, thể hiện trách nhiệm đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với nước. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành đã trao đổi với Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành.



Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

- Thời gian vừa qua, các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như thế nào, thưa ông?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những NCC với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên, bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nỗ lực để NCC có đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách. TP Hà Nội luôn ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho công tác chăm sóc NCC bằng nhiều việc làm thiết thực. Những phong trào sinh động thể hiện ý thức tự giác, tinh thần hăng hái của cả cộng đồng đối với việc “Đền ơn đáp nghĩa” xuất hiện ngày càng nhiều và luôn được chú trọng nhân rộng những cách làm mới, thiết thực, hiệu quả.

- Là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố về lĩnh vực này, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã làm gì để bảo đảm thực hiện tốt các chính sách đối với NCC?

- Hà Nội có khoảng 800.000 NCC, trong đó gần 98.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Để thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC và thân nhân của họ, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các chính sách khác về kinh tế - xã hội đối với NCC. Đồng thời, Sở phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực, trách nhiệm cao trong công việc, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý nghiêm những vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách ở cơ sở, góp phần tạo sự công bằng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

- Như vậy, việc thực hiện chính sách dành cho NCC luôn nhận được sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm cao trong toàn thành phố. Ông có thể nêu những dẫn chứng cụ thể?

- Tôi lấy ví dụ, tính từ năm 2011 đến 2015, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã giải quyết chế độ, chính sách kịp thời cho đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp đỡ nước bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là 98,18% số đối tượng đã được thụ hưởng. Trong hai năm 2014, 2015, Ủy ban MTTQ thành phố đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm điểm toàn quốc về rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC. Qua rà soát, 99,86% NCC của TP Hà Nội được hưởng đúng chính sách. Sở LĐ-TB&XH cũng đã điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng, giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho hàng chục nghìn trường hợp. Ngoài ra, còn rất nhiều việc làm kịp thời, có ý nghĩa của các ngành, địa phương dành cho NCC.

Việc làm thường xuyên của các cấp, ngành

- Chính sách luôn không theo kịp thực tế cuộc sống, vậy những việc làm ý nghĩa như ông vừa nói đã góp phần cụ thể ra sao trong chăm sóc cuộc sống NCC, thưa ông?

- Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, ưu đãi của Nhà nước, Thành ủy, UBND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, cùng tham gia quan tâm chăm lo cho đối tượng chính sách. Rất mừng là công tác xã hội hóa việc chăm sóc NCC ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia. Qua đó tạo thêm nguồn lực giúp cải thiện đời sống của các gia đình chính sách trên địa bàn. Từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 5.000 ngôi nhà được sửa chữa và xây mới cho NCC với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; tặng hơn 36.000 sổ tiết kiệm cho NCC; hơn 200.000 lượt NCC được điều dưỡng luân phiên và vận động được trên 200 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tổ chức, đơn vị phụng dưỡng với mức tiền từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng...

- Mức sống của NCC trên địa bàn thành phố hiện đã đạt tiêu chí đề ra là bằng với mức sống của người dân nơi cư trú chưa, thưa ông?

- Với việc thực hiện tốt các chính sách như đã nêu, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đều được công nhận là làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC theo tiêu chí mà Bộ LĐ-TB&XH đề ra. Các phong trào này đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong việc xã hội hóa các chương trình chăm sóc NCC, lồng ghép với nhiều chương trình khác như cho vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện sản xuất...

Cũng phải nói thêm, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng; các đối tượng, gia đình NCC rất nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, về với đời thường, nhiều cựu chiến binh đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị được giao. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có nhiều tấm gương thương binh vượt khó làm giàu, giúp đỡ người khác cùng vươn lên hoặc tham gia cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự địa bàn... Đến nay, 100% hộ gia đình NCC của Hà Nội có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân nơi cư trú.

- Hà Nội đã có những điều chỉnh về chính sách chăm sóc NCC, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho phù hợp với thực tế. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?


- Trong từng thời kỳ, lãnh đạo thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, giúp đỡ NCC và điều chỉnh chính sách ưu đãi NCC theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để NCC được thụ hưởng chính sách tốt nhất. Ví dụ, năm 2012, thành phố có Nghị quyết về hỗ trợ công tác điều dưỡng luân phiên đối với NCC từ 5 năm/lần xuống 2 năm/lần; mức phụng dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được điều chỉnh tăng từ 400.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng và hiện nay đã tăng lên mức từ 700.000 đồng/tháng đến 1 triệu đồng/tháng. Ngày 7-6-2016, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND về “Thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng giai đoạn 2016-2020” với mục đích: Tăng cường việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, đáp ứng nguyện vọng của NCC và toàn xã hội. Hà Nội cũng sẽ tập trung giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng để bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng một cách tối đa.

Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

- Được biết, ngay từ đầu năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho thành phố ban hành Kế hoạch số 55 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Vậy NCC trên địa bàn thành phố sẽ được hưởng ưu đãi gì từ kế hoạch này?

- Kế hoạch 55/KH-UBND ngày 9-3-2016 của UBND thành phố nhằm thực hiện chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong năm nay và năm sau. Theo đó, năm nay thành phố sẽ trích ngân sách gần 55 tỷ đồng để thăm, tặng quà gần 130.000 đối tượng chính sách, NCC, trung tâm điều dưỡng NCC của thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã vận động ủng hộ được 10.000/16.000 triệu đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ kinh phí sửa chữa và xây mới được 179/324 nhà ở cho hộ NCC; tặng 629/3.103 sổ tiết kiệm tình nghĩa; điều dưỡng luân phiên 7.751/12.630 lượt NCC được điều dưỡng tập trung tại các trung tâm; tu sửa và nâng cấp 12 công trình ghi công liệt sĩ. Ngày 20-7 vừa qua, thành phố đã khai trương Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân chất độc da cam/dioxin với 60 cháu là con nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đầu tiên được nhận vào đây. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập được trung tâm này nên chúng tôi hy vọng từ nay những người nhiễm chất độc da cam/ dioxin sẽ được chăm sóc tốt hơn.

- Ông vừa nhắc đến việc xây, sửa nhà ở cho gia đình NCC, đây là vấn đề được rất nhiều NCC trên địa bàn Thủ đô quan tâm. Vậy, với những hộ đủ tiêu chuẩn xây sửa nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được hỗ trợ tiền thì sẽ được giải quyết như thế nào?

- Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở”, qua rà soát, toàn thành phố có 9.916 hộ gia đình NCC với cách mạng thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà, trong đó 4.423 hộ cần xây mới, 5.493 hộ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ là 286,8 tỷ đồng. Năm 2014, Trung ương và thành phố đã hỗ trợ 551 đối tượng chính sách, NCC xây và sửa chữa nhà với tổng kinh phí là hơn 15 tỷ đồng. Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, sau khi rà soát lại, hiện còn 8.871 hộ đang đề nghị thành phố hỗ trợ với tổng kinh phí là hơn 258 tỷ đồng. Để giải quyết những trường hợp trên, ngày 1-7-2016, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 3621/KH-UBND về theo dõi tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho NCC trên địa bàn. UBND thành phố đã giao Sở LĐ-TB&XH tham mưu xây dựng kế hoạch cải tạo, xây mới nhà ở cho NCC trình UBND thành phố vào tháng 8 tới, trên tinh thần phấn đấu giải quyết cơ bản chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC trong năm 2017 bằng 3 nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách thành phố và nguồn từ xã hội hóa.

- Để thực hiện tốt hơn nữa chế độ, chính sách đối với NCC, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho thành phố tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Kế hoạch số 109/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng giai đoạn 2016-2020 đã chỉ rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác này. Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách cho đối tượng là NCC với cách mạng, bảo đảm tất cả NCC được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách đúng quy định. Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể chăm lo đời sống NCC, không để tái nghèo theo chuẩn mới, phấn đấu các hộ gia đình chính sách NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú và tiếp tục hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với NCC.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các đoàn thể thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trên địa bàn thành phố. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đối với NCC với cách mạng và thân nhân của họ; tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”… Tất cả nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong việc động viên, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC với cách mạng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dành nhiều nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách, người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.