Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Lâm Vũ| 25/09/2016 06:46

(HNM) - Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và sở hữu tài nguyên phong phú, độc đáo, song Ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhân Ngày Du lịch thế giới (27-9), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam về khó khăn, thách thức cũng như giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới.


Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung.


Tiềm năng lớn, nhưng hạn chế nhiều

- Ông có thể cho biết những tiềm năng của du lịch Việt Nam và kết quả đạt được của Ngành Du lịch trong thời gian qua?

- So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, hấp dẫn. Chúng ta có hệ thống di sản văn hóa độc đáo, người dân Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Việt Nam có tới 24 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, 72 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.300 di tích cấp quốc gia... Việt Nam cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bờ biển dài trên 3.200km với những vịnh, bãi biển và đảo ven bờ được nhiều tổ chức bình chọn là đẹp hàng đầu thế giới như: Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Năm 2015, Ngành Du lịch đã phục vụ hơn 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,6% GDP. Trong 9 tháng năm 2016, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,265 triệu lượt, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2015; lượng khách du lịch nội địa đạt 48,8 triệu lượt và tổng thu từ khách du lịch đạt 297.161 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn về du lịch để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ hơn.

- Ông có thể nói rõ những rào cản mà Ngành Du lịch cần phải vượt qua?

- Ngành Du lịch còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn. Thứ nhất là hiệu quả xúc tiến, quảng bá chưa cao. Khách du lịch, nhất là khách quốc tế thiếu thông tin về du lịch Việt Nam, nhưng có rất nhiều thông tin về các điểm đến cạnh tranh với Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia. Hình ảnh nhận diện du lịch Việt Nam tại các thị trường chưa thống nhất, việc phân bổ nguồn lực cho các hoạt động còn chưa hợp lý, marketing điện tử chưa hiệu quả. Thứ hai là chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế do chất lượng lao động nghề chưa cao. Hiện Ngành Du lịch đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Liên minh Châu Âu cùng hệ thống trung tâm đào tạo, trung tâm thẩm định đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn này chưa được công nhận chính thức để áp dụng rộng rãi, đồng bộ với các hệ thống của quốc tế. Thứ ba là chúng ta thiếu sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có sức cạnh tranh cao. Dựa trên các lợi thế so sánh, du lịch Việt Nam đã xác định 4 dòng sản phẩm chính, gồm: Du lịch văn hóa; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái và du lịch thành phố. Song, thương hiệu, điểm đến, sản phẩm nổi trội chưa được định hình rõ nét nên sức cạnh tranh và khả năng nhận diện so với các điểm đến khác trong khu vực còn thấp. Ngoài các sản phẩm du lịch đại chúng, các sản phẩm đặc thù theo chuyên đề như du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe và chữa bệnh, du lịch hội nghị, hội thảo... chưa thực sự được quan tâm. Thứ tư là mức độ mở cửa quốc tế còn thấp. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh Ngành Du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2015, Việt Nam xếp hạng 89 về mức độ mở cửa quốc tế, yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, xếp sau hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Myanmar.

Đẩy mạnh liên kết vùng

- Để khắc phục hạn chế trên, ngành đã có định hướng phát triển thế nào, thưa ông?

- Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển Ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch. Trong thời gian tới, Ngành Du lịch chú trọng các nội dung: Phát triển du lịch với tư cách là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch theo định hướng có trọng tâm, trọng điểm; phát triển du lịch chất lượng cao, thương hiệu mạnh, theo chiều sâu và hiệu quả.

Ngành Du lịch phấn đấu đến năm 2020 thu hút 14-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Về các chỉ tiêu kinh tế, đến năm 2020, mục tiêu của ngành là đóng góp 9-10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD; tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có 1,02 triệu việc làm trực tiếp.

- Ông nghĩ thế nào về sản phẩm du lịch trong tương lai?

- Trên cơ sở Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành đã tập trung khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên 4 dòng sản phẩm chủ đạo. Trong thời gian tới, Ngành Du lịch chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo, mang tính đặc thù ở các vùng, địa phương gắn với các giá trị cốt lõi, tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Chúng ta sẽ lựa chọn một số địa phương trọng điểm du lịch để hỗ trợ xây dựng thương hiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ đặc thù, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao; hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Ngành Du lịch cũng sẽ tập trung phát triển hệ thống quà tặng lưu niệm, sản vật địa phương gắn với hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Việt, đặc biệt là gắn với các nghề thủ công truyền thống, gắn với công tác quảng bá và xúc tiến du lịch.

- Việc tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương, đặc biệt là Hà Nội với các tỉnh, thành phố nhằm thu hút khách về Hà Nội cũng như đưa khách quốc tế từ Hà Nội về các địa phương sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội nằm ở vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, là một trong những trung tâm gửi khách lớn nhất của cả nước, một trong 2 cửa ngõ giao thông hàng không chính của Việt Nam. Hà Nội có thế mạnh về du lịch di sản văn hóa nhờ sở hữu hơn 5.000 di tích lịch sử - văn hóa, nhiều di sản đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng... Hà Nội được nhiều tạp chí, trang mạng có uy tín về du lịch thế giới đánh giá là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á, điểm đến hấp dẫn thứ 8 thế giới... Chính vì vậy, Tổng cục Du lịch rất ủng hộ việc Hà Nội ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố khác: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng..., nhằm nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương. Bên cạnh đó, ngành sẽ hỗ trợ Hà Nội cũng như các địa phương xây dựng những tour, sản phẩm mới: Đối

với khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thì phát huy tour là thế mạnh của 3 địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên chất lượng phát triển mới của tam giác này. Đối với Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang..., ngành sẽ hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu với người dân Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô, từ đó kéo du khách đến với các địa phương. Cuối cùng, chúng ta cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau trong việc gửi khách cũng như quảng bá sản phẩm đặc sắc của từng khu vực, vùng miền.

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

- Theo ông, cần phải làm gì để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác tối đa tiềm năng du lịch của đất nước?

- Theo tôi cần có chính sách ưu đãi cụ thể về việc thuê đất và mặt nước như kéo dài thời gian thuê, miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở, ký túc xá cho người lao động, đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng... Về thuế, cần có sự ưu đãi về thuế hoặc miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị đặc chủng sử dụng trong Ngành Du lịch. Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch bằng giá điện sản xuất. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất động sản nghỉ dưỡng bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Về thị thực, có thể miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế tại một số khu vực; nhà đầu tư được phép cư trú lâu dài, cùng thời gian với dự án đầu tư. Về lĩnh vực đầu tư, cần ưu tiên các trung tâm thương mại, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí kết hợp với nâng cấp hạ tầng giao thông quy mô lớn nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; không hạn chế giờ mở cửa dịch vụ tại một số khu vực.

- Muốn nâng cao hiệu quả đầu tư cho du lịch và thu hút khách, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhưng rất tiếc như ông đã nói ở trên - công việc này hiệu quả còn chưa cao. Vậy chúng ta phải làm gì để khắc phục?

- Ngành Du lịch đang đề xuất trong xây dựng Luật Du lịch sửa đổi như: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong khi chưa thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; nghiên cứu thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng giải pháp marketing điện tử trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Chúng ta sẽ tập trung khai thác lượng khách du lịch quốc tế từ các thị trường và phân khúc thị trường có khả năng chi tiêu cao thông qua các biện pháp: Thực hiện công tác nghiên cứu thị trường một cách chuyên nghiệp; xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể phát triển thị trường du lịch, hướng tới các mục tiêu dài hạn; triển khai các chiến dịch marketing gắn với chiến lược sản phẩm, dịch vụ; phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch và vùng du lịch nổi bật để định vị điểm đến du lịch Việt Nam theo hướng tập trung, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực; phát triển và đổi mới sản phẩm để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn.

- Thế còn yếu tố con người thì sao, thưa ông?

- Tôi hiểu là nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến sự phát triển của Ngành Du lịch Việt Nam. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra là phát triển nhân lực du lịch bảo đảm chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ngành sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khu vực ASEAN; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể hiện trạng nguồn nhân lực du lịch, dự báo nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, khả năng đáp ứng nhu cầu của các cơ sở đào tạo và thống nhất giải pháp để bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cần có cho các giai đoạn phát triển tiếp theo...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.