Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa Hà Nội trở thành điểm hấp dẫn về đầu tư, khởi nghiệp

Hồng Sơn| 23/10/2016 06:41

(HNM) - Trong 9 tháng qua, trên địa bàn Hà Nội có 17.600 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, bằng số lượng DN thành lập của cả năm 2015. Đây là con số ấn tượng, tiếp nối những chuyển biến trong cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng của chính quyền thành phố; đồng thời là nền tảng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế nói chung của Thủ đô trong tương lai.

Để làm rõ hơn kết quả ấn tượng này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Nguyễn Văn Tứ.


Khơi dậy tiềm năng trong dân

- Thực tế, Hà Nội luôn là địa phương đứng hàng đầu về số lượng DN thành lập mới và đang hoạt động, đóng góp cho ngân sách. Con số ấn tượng 17.600 DN thành lập mới trong 9 tháng qua bằng số lượng của cả năm 2015 là minh chứng rõ nét nhất. Theo ông, căn nguyên nào dẫn đến kết quả khả quan này?

- Trước hết, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và nhiều ngành dịch vụ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vốn sôi động, đa dạng và có đẳng cấp hàng đầu cả nước. Có thể nói, nhiều sản phẩm, hàng hóa của Hà Nội đã ghi dấu ấn, đạt uy tín cao đối với người tiêu dùng và xã hội. Tất nhiên, nguồn lực trong dân rất lớn, cần được huy động, phát huy để trở thành vật chất, đóng góp cho ngân sách, xã hội cũng như làm giàu cho bản thân người dân, gia đình của họ. Cũng cần nhấn mạnh thêm, người Hà Nội có tầm trí tuệ và sức sáng tạo, đội ngũ chuyên gia, lao động chất xám cùng nguồn nhân lực chất lượng khá cao so với cả nước, là điều kiện thuận lợi để phát huy trong công cuộc phát triển kinh tế. Nguồn lực, tiềm năng kinh tế của thành phố rất lớn, lý giải vì sao Thủ đô luôn đứng trong top đầu về mức đóng góp vào nguồn thu ngân sách toàn quốc…

- Hà Nội đang quyết tâm trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. Con số 17.600 DN có phải là tín hiệu tích cực cho quyết tâm này? Ông có thể chia sẻ thực tiễn xu hướng thành lập mới DN như thế nào?

- Có thể nói việc số lượng DN thành lập mới gia tăng ở mức đáng kể là một chuyển biến rất đáng khích lệ. Đúng như đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận xét, kết quả này tương đương với cả năm 2015, tạo ra sự phấn khởi và bước đầu có sự lan tỏa trong cộng đồng DN; đồng thời cũng báo hiệu phong trào khởi nghiệp đang từng bước hình thành trên diện rộng. Người Hà Nội ngày càng quan tâm, mong muốn phát huy thế mạnh sẵn có, nhất là nguồn vốn và những nguồn lực tổng hợp khác trong xã hội. Và Hà Nội có chủ trương xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp; quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ DN khởi nghiệp... Tôi cho rằng, niềm tin vào tương lai thị trường của người dân, DN đang được củng cố, nâng cao hơn so với thời gian trước. Với tốc độ hiện nay, số lượng DN đăng ký thành lập mới cả năm 2016 sẽ vượt con số 20.000, cao nhất trong 6 năm gần đây.

Tập trung cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh

- Từ đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội đã xác định, việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh luôn là mục tiêu tiên quyết. Ông có thể khái quát những kết quả đã đạt được?

- Thực tế cho thấy, việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu của UBND thành phố đã được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các phòng, ban chuyên môn thông suốt, tập trung triển khai từ nhiều năm qua. Kết quả đạt được khá vững chắc, diễn ra theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, Hà Nội xếp hạng 33 năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013, hạng 26 năm 2014 và hạng 24 năm 2015, tức là liên tục thăng tiến qua các năm. Tất nhiên, đó là sự tiến bộ của thành phố, trước hết nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng sự vào cuộc của các ban, ngành, DN đến từng đơn vị, cá nhân, người dân Thủ đô. Tinh thần quyết tâm và sự cầu thị đã tạo ra bước chuyển này, trở thành bệ đỡ cho phong trào khởi nghiệp ngày càng đi vào thực chất.

Như vậy, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã, đang và sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng những biện pháp, việc làm cụ thể và hướng tới những tiêu chí cụ thể; quyết tâm giảm thiểu thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các khâu liên quan đến hồ sơ thành lập DN. Thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN đã cắt giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc từ ngày 1-1-2015, sớm hơn 6 tháng so với quy định chung. Đó là sự chủ động đáp ứng những yêu cầu chính đáng của DN ngay từ khi gia nhập thị trường kịp thời, thỏa đáng. Chính quyền thành phố khẳng định, luôn đồng hành cùng DN, từng bước đưa Hà Nội trở thành điểm hấp dẫn đầu tư, khởi nghiệp xứng đáng cho cộng đồng DN.

- Và thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN sẽ còn tiếp tục cắt giảm nữa, thưa ông?

- Dự kiến, từ đầu năm 2017, chúng tôi sẽ phấn đấu giải quyết hồ sơ ngay trong ngày, thông qua hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng. Chúng tôi cũng chủ động mở rộng dịch vụ, khuyến khích người dân chủ động đăng ký DN qua mạng. Tất cả nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ DN một cách thiết thực.

Trách nhiệm hơn nữa trong thực thi công vụ

- Thưa ông, với số lượng DN thành lập mới tăng mạnh cũng có nghĩa là công việc hành chính sẽ tăng lên tương ứng. Vậy có thể mường tượng một ngày làm việc của các nhân viên tại các đầu mối đăng ký DN như thế nào?

- Hiện, thành phố có 3 phòng đăng ký kinh doanh, với nhiệm vụ giải quyết, xử lý công đoạn thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến thành lập DN. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ làm việc tại các phòng hầu như không thay đổi, nhưng vẫn thường xuyên xử lý khối lượng công việc nhiều hơn hẳn so với các năm trước. Đây là một áp lực không nhỏ, liên tục đối với anh, chị em. Trường hợp làm thêm sau giờ hành chính đã trở thành chuyện bình thường, bởi cán bộ đều xác định rõ vai trò, chức năng của mình; tự giác làm việc với tinh thần “hết việc chứ không hết thời gian”.

Chúng tôi xác định, sự vất vả là một vấn đề thực tế, nhưng cao hơn và đáng mừng là trào lưu đầu tư, thành lập DN đang trên đà gia tăng; báo hiệu nhịp độ kinh doanh sẽ thêm phần sôi động. Đèn vẫn sáng trong các phòng làm việc sau giờ hành chính cho thấy sự mẫn cán, hết lòng với công việc của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, đây cũng là yêu cầu có tính nguyên tắc trong quá trình hình thành tác phong, lề lối làm việc mang tính chuyên nghiệp - điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của nền hành chính thân thiện, hiệu quả.

- Hà Nội đã có những bước cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một vài chỉ số ở mức thấp, chưa đạt yêu cầu. Theo ông, Hà Nội cần cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh như thế nào?

- Theo tôi, nếu không có ý thức và sự nỗ lực hành động liên tục, đúng hướng thì chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ tụt hậu. Điều này rất đáng ngại vì các tỉnh, thành bạn đều đang trong cuộc cải cách, phấn đấu không ngừng để cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tất nhiên, thành tựu và sự thụ hưởng của DN bao giờ cũng là kết quả của một quá trình cố gắng, với mục tiêu đúng đắn, nghiêm túc. Nhưng cũng cần biết rằng, con đường đi lên, hoàn thiện mình không bao giờ dễ dàng, đòi hỏi nhiều công sức, sự chỉ đạo từ thành phố cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị.

Hà Nội mang đặc thù riêng về hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên, địa lý cũng như yêu cầu thu hút đầu tư; cơ cấu kinh tế cũng khác so với một số địa phương. Đơn cử, công tác giải phóng mặt bằng thường gặp khó khăn bởi tính phức tạp, giá đền bù cao gây khó khăn cho việc triển khai các dự án nói chung. Về việc này, thành phố đã chỉ đạo, đưa ra mục tiêu cải thiện từng chỉ số.

- Là cơ quan đầu mối của thành phố làm việc trực tiếp với các DN, vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện những biện pháp gì để Hà Nội nhanh chóng đứng vào top dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh trong tương lai gần?

- Như đã nói, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện tốt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ DN. Có một số lĩnh vực, yêu cầu còn thực hiện cao hơn yêu cầu đặt ra. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Hà Nội năm 2016 phải thực hiện được từ 10 đến 15% số DN mới đăng ký thành lập qua mạng, nhưng thực tế tỷ lệ này đã đạt trên 50%, cao nhất cả nước.

Thời gian tới, Sở cùng các cơ quan hữu quan sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ DN kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, rút ngắn thời gian nộp thuế. Mỗi cán bộ làm việc tại Phòng Đăng ký kinh doanh cũng như các bộ phận khác đều phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; trực tiếp tham gia vào việc cải tiến quy trình thực thi công vụ, theo hướng đơn giản hóa, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo chất lượng công việc. Ngoài ra, chúng tôi sẽ kết hợp tăng cường tuyên truyền các quy định của Nhà nước để hỗ trợ DN tuân thủ, thực hiện. Tất cả nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, dễ hiểu và giàu sức cạnh tranh. Tất nhiên, vẫn còn những rào cản cần khắc phục. Đó là tình trạng tỷ lệ nhỏ hồ sơ xử lý chậm; sự chưa đồng đều về trình độ chuyên môn của cán bộ; lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu…

- Vẫn còn sự chưa đồng đều về trình độ chuyên môn giữa các cán bộ của Sở, đồng thời dư luận còn điều tiếng về tiêu cực trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính, vậy chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Việc đăng ký qua mạng là một tiến bộ, một giải pháp để khắc phục những bất cập trên, nên chúng ta phải khuyến khích thực hiện trên diện rộng. Nó có một số ưu điểm nổi bật như: Cho phép người dân tiết kiệm thời gian thực hiện, không phải đi lại, giảm chi phí liên quan khi làm thủ tục. Đặc biệt, cách làm này sẽ bảo đảm tính khách quan, trung thực và phòng chống được mầm mống phát sinh tiêu cực do các bên không gặp nhau trực tiếp trong quá trình thực hiện.

- Con số DN thành lập mới mà Hà Nội đang hướng tới là bao nhiêu, thưa ông?

- Hà Nội đang cùng cả nước bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, với những yêu cầu, đòi hỏi và mức độ phát triển cao hơn hẳn giai đoạn trước. Đó cũng là mục tiêu để phấn đấu, với sự quyết tâm, sức bền, sự huy động và phân bổ các nguồn lực, kết hợp với trí tuệ con người Thủ đô. Với nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, việc cải cách hành chính sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu và có tốc độ nhanh hơn. Mục tiêu, cũng là khát vọng của Hà Nội là bổ sung thêm khoảng 150-200 nghìn DN khi kết thúc năm 2020.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa Hà Nội trở thành điểm hấp dẫn về đầu tư, khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.