Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán

Thanh Hiền| 30/10/2016 06:27

(HNM) - Chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội luôn là "cuộc chiến" nóng bỏng, với hơn 17.000 vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, trong đó có 178 vụ khởi tố hình sự trong 10 tháng qua. Đặc biệt, thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại thường có chiều hướng gia tăng.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389), Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Ông Chu Xuân Kiên.


Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng phức tạp

- Với lượng hàng hóa lưu chuyển lớn, Hà Nội được đánh giá là địa bàn phức tạp, “điểm đến” của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- TP Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 13 khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn, 55 khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, chưa kể các đầu mối bến xe, nhà ga... Kèm theo đó là quy mô dân số, cùng các điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội tăng nhanh đã tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý thị trường (QLTT). Hằng ngày, hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm... từ biên giới phía Bắc thẩm lậu vào tập kết tại Hà Nội để tiêu thụ và trung chuyển tới các địa phương khác. Các đối tượng buôn lậu hình thành đường dây có tổ chức, câu kết chặt chẽ giữa chủ đầu nậu khu vực biên giới và trong nội địa, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng. Thủ đoạn sử dụng hóa đơn quay vòng, ghi giá trị hàng thấp vẫn phổ biến, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Gần đây lại nổi lên tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Mười tháng qua, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 37.219 vụ, xử lý 17.008 vụ, khởi tố hình sự 178 vụ, với 211 bị can cho thấy, mặt trận chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ hết nóng.

- Ninh Hiệp, Ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, Sân bay Nội Bài… là những “điểm nóng” về hàng nhập lậu, hàng giả. Lực lượng chức năng Hà Nội đã có biện pháp xử lý triệt để vụ việc tại những tụ điểm trên?

- Các điểm trung chuyển hàng hóa như: Ninh Hiệp, Ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, Sân bay Nội Bài… là những địa bàn trọng điểm mà Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội bám sát, yêu cầu các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, phải nói rằng, các đối tượng làm ăn phi pháp thường bất chấp pháp luật, lợi dụng tình hình thị trường để buôn lậu và gian lận thương mại. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn trên địa bàn và lĩnh vực phụ trách, phải chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh hiệu quả; bên cạnh tập trung kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kho hàng thường vận chuyển, tập kết hàng lậu, sẽ tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại để đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

- Các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố và Chi cục QLTT Hà Nội được coi là lực lượng chủ công trong điều tra, khám phá, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm lớn. Tuy nhiên, những vụ việc có tính chất cấu kết thành đường dây, ổ nhóm bị đấu tranh, triệt phá chưa nhiều. Vậy đâu là nguyên do? Để tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

- Thời gian qua, công tác nhận định, dự báo, đánh giá tình hình thị trường, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số vụ việc và thời điểm chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời dẫn đến việc xử lý các vụ việc có tính chất đường dây, ổ nhóm chưa nhiều. Công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội với các tỉnh lân cận còn chưa chặt chẽ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm. Để công tác phối hợp giữa các lực lượng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 sẽ xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân rõ trách nhiệm cụ thể, cơ chế phối hợp của từng cấp giữa các đơn vị trực thuộc Sở Công Thương và Công an thành phố. Các đơn vị cũng sẽ duy trì chế độ giao ban định kỳ giữa hai lực lượng, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo tình hình, kết quả công tác phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm.

Chủ động kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán

- Thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán lượng hàng hóa từ khắp nơi sẽ đổ về Hà Nội. Buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gia tăng. Với vai trò cơ quan tham mưu cho UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 có những giải pháp gì để kiểm soát, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng?

- Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động, vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm thị trường ổn định, lành mạnh, bảo đảm an sinh xã hội cũng như quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các thành phần kinh tế và người tiêu dùng. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội là Chi cục QLTT Hà Nội chủ động lập kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Một số lĩnh vực, mặt hàng được yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý là: Pháo nổ, hàng cấm, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, đồ chơi không bảo đảm an toàn, các sản phẩm gia súc - gia cầm nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các loại nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến hàng công nghiệp thực phẩm...

Để người dân Thủ đô yên tâm vui đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hội chợ hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Các lực lượng chức năng sẽ kiểm soát, ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng tại các hội chợ xuân và mùa lễ hội đầu năm 2017.

- Còn hiện tượng đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao để thu lợi bất chính thì sao, thưa ông?

- Những năm gần đây, hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao để thu lợi bất chính trong thời điểm cuối năm đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 đã yêu cầu các lực lượng kiểm soát chặt các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ cuối cùng của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, nhằm kịp thời phát hiện những hành vi nâng giá bất hợp lý; chú trọng những doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện chủ trương bình ổn giá. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tại các điểm kinh doanh bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm phân phối hàng bình ổn giá, chợ truyền thống, nhất là đối với các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trong các dịp Tết. Các đối tượng có biểu hiện đẩy giá bán lẻ lên cao hơn so với giá quy định hoặc mua gom, đầu cơ thu lợi bất chính, tạo khan hiếm giả, gây bất ổn thị trường làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng sẽ bị xử lý nghiêm.

- Những thông tin liên quan đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Với chức năng quản lý và bảo vệ thị trường, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ thực hiện những biện pháp gì nhằm góp phần duy trì một thị trường thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô?

- Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, cơ sở đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở thức ăn đường phố... Trong đó, đặc biệt tập trung kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đồng thời, kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết, như thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các chốt kiểm dịch, tránh kiểm soát hình thức. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu ngành nào cấp giấy chứng nhận hậu kiểm thì ngành đó phải chủ động kiểm soát chặt an toàn thực phẩm lĩnh vực được phân công. Một giải pháp quan trọng nữa là công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nhận biết thực phẩm sạch và tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực phẩm nhập lậu, hàng hóa tiêu dùng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn phải tiêu hủy theo quy định.

Ngoài ra, các đội QLTT sẽ tập trung kiểm tra theo phân công quản lý địa bàn, đặc biệt là các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm tập trung, như: Làng sản xuất bánh kẹo Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức); các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các khu - cụm công nghiệp tập trung, chợ đầu mối nông - thủy - hải sản Đền Lừ (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ rau hoa quả Hải Bối (huyện Đông Anh), các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm... Tập trung kiểm tra hàng hóa vi phạm nhãn hiệu, xuất xứ... thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng biết và tránh sử dụng.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.