Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Linh Nhi| 27/11/2016 06:50

(HNM) - Chăm lo, giúp đỡ người nghèo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Với vai trò đoàn kết, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động ''Ngày vì người nghèo''. Ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đã trở thành hoạt động truyền thống đầy ý nghĩa



Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh.


Chung tay hỗ trợ

- Công tác xóa đói, giảm nghèo được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm. Xin đồng chí cho biết, Ủy ban MTTQ thành phố đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo như thế nào?

- Xác định tham gia giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng của công tác Mặt trận, 16 năm qua, Ủy ban MTTQ thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân cùng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2000. Hằng năm, MTTQ thành phố đều xây dựng kế hoạch vận động và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” triển khai đến các quận, huyện, thị xã và cơ sở. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ thành phố và UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng cao điểm Vì người nghèo trên toàn thành phố. Đồng thời, người đứng đầu UBND và Ủy ban MTTQ thành phố có thư kêu gọi vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” gửi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các doanh nhân, nhà hảo tâm; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung, mục đích của Quỹ “Vì người nghèo”... Do đó, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” hằng năm đã nhận được sự quan tâm đông đảo của các cấp, ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tham gia.

Thông qua các hoạt động trên, MTTQ Việt Nam các cấp không chỉ kêu gọi được những tấm lòng tình cảm, sự đóng góp thiết thực, giúp đỡ người nghèo mà còn tăng cường thêm các thành viên, các tổ chức, cá nhân hiểu biết hơn về Mặt trận, gắn bó với Mặt trận, cùng nhau tập hợp đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư và Thủ đô nói chung.

- Truyền thống “Tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân” thời gian qua đã được nhân dân Thủ đô phát huy cao độ, dưới sự vận động của MTTQ các cấp, góp phần tạo thêm nguồn lực giúp đỡ người nghèo. Xin đồng chí cho biết cụ thể những hình thức hỗ trợ giảm nghèo hiện nay?

- Nhân dân Thủ đô vốn có truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái” và Ủy ban MTTQ TP Hà Nội là một trong những đơn vị khơi dậy truyền thống ấy thông qua việc vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động. Do cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” hợp với ý Đảng và lòng dân nên đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần tạo thêm nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo xây, sửa chữa nhà; giới thiệu việc làm mới; hỗ trợ giống, vốn, vật tư phát triển sản xuất; khám chữa bệnh; giúp con hộ nghèo được đi học; thăm tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết và hỗ trợ đột xuất khác… Có nhiều đơn vị làm tốt công tác này như Ủy ban MTTQ các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên, Đống Đa, huyện Gia Lâm, Ba Vì...

Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững

- Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng cao điểm Vì người nghèo” và chương trình “Nối vòng tay lớn” là những điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nhằm tăng nguồn lực giúp người nghèo. Ở Hà Nội, hoạt động này được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Có thể nói, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã trở thành thương hiệu, nhiệm vụ thường niên của Mặt trận và có sức lan tỏa mạnh mẽ từ các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, doanh nghiệp, trường học đến các khu dân cư, hộ gia đình, đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, người lao động…, tô thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc, tạo nên nguồn lực giúp người nghèo. 16 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” ba cấp đã vận động được trên 412 tỷ đồng, hỗ trợ xây, sửa chữa 33 nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết, trị giá 219 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 57 nghìn hộ nghèo về giống, vốn, vật tư sản xuất trị giá 33,182 tỷ đồng. Chưa kể còn hỗ trợ 33 nghìn người nghèo khám bệnh trị giá 11,46 tỷ đồng, hỗ trợ 71 nghìn học sinh nghèo đi học trị giá 19,27 tỷ đồng, thăm tặng quà nhân dịp lễ, Tết và đột xuất,… trị giá 122 tỷ đồng.

Quỹ “Vì người nghèo” ở nhiều địa phương đã thực sự trở thành nguồn lực giúp đỡ, động viên, khuyến khích để người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đỡ nghèo, tạo dựng cuộc sống tốt hơn.

- Vậy, nguồn Quỹ “Vì người nghèo” ba cấp của thành phố đã được sử dụng như thế nào nhằm đến đúng địa chỉ cần thiết?

- Thực hiện theo quy chế xây dựng và quản lý Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định tại Quyết định số 901/QĐ-MTTQ ngày 25-4-2011, Quỹ “Vì người nghèo” được xây dựng và sử dụng ở ba cấp, thành phố, quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Quỹ cấp nào vận động được thì sử dụng ở cấp đó. Hằng năm, Quỹ được triển khai vận động ngay từ đầu năm và đặc biệt là trong Tháng cao điểm “Ngày vì người nghèo” từ ngày 17-10 đến 18-11. Để phát huy hiệu quả của Quỹ “Vì người nghèo”, thực hiện đúng nội dung, mục đích, ý nghĩa của Quỹ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố cũng như Ủy ban MTTQ các quận, huyện và ở cơ sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ngành LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương để rà soát, phân loại hộ nghèo và có hỗ trợ đúng mục đích, đối tượng, không xảy ra sai sót, thất thoát nguồn Quỹ.

Có những kinh nghiệm rút ra trong hoạt động rất đáng trân trọng này, đó là việc xây dựng Quỹ cần có sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể. Cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp tham gia; thường xuyên thông tin về kết quả vận động, công khai số tiền vận động được và số tiền sử dụng phân bổ, bảo đảm Quỹ đến tận tay hộ nghèo là rất quan trọng, tạo niềm tin đối với các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ…

- “Cho cần câu hơn cho con cá” - Ủy ban MTTQ thành phố đã vận dụng phương châm này như thế nào trong quá trình giúp đỡ các hộ nghèo, thưa đồng chí?

- Mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ của thành phố nói chung và của Quỹ “Vì người nghèo” - Ủy ban MTTQ các cấp nói riêng. Vì vậy, trong những năm qua, cùng với việc vận dụng nhiều phương pháp, cách thức nhằm thu hút sự quan tâm ủng hộ Quỹ để có nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, MTTQ thành phố luôn khuyến khích hộ nghèo tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo. Với phương châm “Cho cần câu hơn cho con cá”, MTTQ thành phố đã và đang chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang cho hộ nghèo vay vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” được ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội không lấy lãi; chuyển dần từ cho không sang khuyến khích người nghèo phát huy tính tự lực vươn lên tích cực học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Ủy ban MTTQ thành phố và một số quận, huyện cũng đã trích trên 14 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho hộ nghèo vay vốn và có nhiều sự hỗ trợ trực tiếp như mua xe máy cho người nghèo làm phương tiện đi lại, phục vụ buôn bán, kinh doanh chở khách; hỗ trợ mua máy khâu giúp hộ nghèo may mặc tại nhà; hỗ trợ bò sinh sản để hộ nghèo nuôi, tăng thêm thu nhập; hỗ trợ xây dựng nhà thành hai tầng để hộ nghèo cho thuê; hỗ trợ vốn mở cửa hàng kinh doanh… Những cách hỗ trợ này thực sự giúp ích cho hộ nghèo.

Nhân lên những tấm lòng nhân ái

- Hằng ngày, ở Thủ đô có nhiều câu chuyện hết sức xúc động về lòng nhân ái. Đó là những em nhỏ nhịn ăn quà sáng để dành tiền ủng hộ bạn nghèo hay những cụ ông, cụ bà trực tiếp đến phòng tiếp dân của Ủy ban MTTQ thành phố góp chút lương hưu ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”… Theo đồng chí, làm thế nào để ngày càng có nhiều hành động đẹp như thế?

- Đây là những tình cảm đáng trân trọng, không chỉ có ở Thủ đô mà ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta. Tôi luôn có lòng tin rằng, những hình ảnh đó vẫn đang diễn ra và tiếp tục nhân rộng xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, để có ngày càng nhiều hành động đẹp như thế, Ủy ban MTTQ các cấp, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp cần đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, giúp đỡ người nghèo. Các hoạt động ngày càng phải tích cực, hiệu quả hơn, hỗ trợ đúng đối tượng, mục đích, quản lý chặt chẽ, không làm thất thoát nguồn Quỹ, nhất là phải công khai kết quả vận động ủng hộ Quỹ và những địa chỉ hộ nghèo được hỗ trợ từ Quỹ. Từ đó, nhân dân càng tin tưởng, gửi gắm số tiền ủng hộ cho người nghèo nhiều hơn thông qua Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ thành phố để đến với những người nghèo thực sự cần được hỗ trợ.

- Mặc dù MTTQ các cấp đã rất nỗ lực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nhưng đâu đó vẫn có “con sâu làm rầu nồi canh”... Đồng chí có thể chia sẻ ý kiến về vấn đề này?

- Trong 16 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ các cấp trong thành phố quản lý hằng năm đều tiến hành kiểm tra Quỹ ở tất cả ba cấp, với phương châm tự kiểm tra, quỹ cấp trên kiểm tra quỹ cấp dưới, quỹ cấp dưới báo cáo lên cấp trên. Kết quả tổng hợp toàn thành phố chưa phát hiện ra việc làm sai, hỗ trợ chưa đúng đối tượng, làm thất thoát nguồn Quỹ. Tuy nhiên, để phòng ngừa hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, MTTQ thành phố luôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ đúng quy định.

- Xin đồng chí cho biết các giải pháp của MTTQ thành phố trong thời gian tới để góp phần giảm nghèo?

- Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 7-10-2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố về mục tiêu giảm nghèo, Ủy ban MTTQ thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục rà soát, nắm chắc số hộ, phân loại nguyên nhân nghèo để từ đó xây dựng chương trình hỗ trợ theo đúng đối tượng. Thứ hai, tiếp tục ủy thác Quỹ “Vì người nghèo” sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn sản xuất không lấy lãi, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thứ ba, Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì vận động nhân dân xây dựng các mô hình hộ gia đình vượt khó vươn lên thoát nghèo; khu dân cư, xã, phường, thị trấn giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo phương thức mỗi tổ chức thành viên nhận giúp và hỗ trợ hộ thoát nghèo ở địa phương để nhân rộng.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.