Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội quyết tâm tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Thu Trang thực hiện| 15/01/2017 07:17

(HNM) - Tết đến Xuân về, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tung ra thị trường.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền.


Vậy, công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán năm nay được các cơ quan chức năng triển khai như thế nào? Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo VSATTP TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền.

Không có chuyện “cưỡi ngựa xem hoa”

- Đã thành thông lệ, gần đến Tết Nguyên đán, nỗi lo của người tiêu dùng (NTD) về thực phẩm mất an toàn ngày càng lớn. Ông có thể đánh giá cụ thể nguy cơ này dịp Tết năm nay trên địa bàn thành phố?

- Trong những ngày Tết, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng tăng cao, vì vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn từ các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui”, hoặc những cơ sở ý thức chấp hành pháp luật không cao đưa ra thị trường là rất lớn. Các mặt hàng mứt Tết, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, giò chả… thường đưa ra thị trường vào những ngày cận Tết.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra gắt gao các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, khó loại trừ được hết các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất VSATTP ở ngay chính NTD, khi ý thức về vấn đề ATTP chưa cao. Chẳng hạn như việc ăn tiết canh sống, khi mua thực phẩm không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng…

- Theo kế hoạch, dịp Tết năm nay thành phố phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm và tăng 10% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy, điểm mới trong chiến dịch kiểm tra VSATTP trong dịp Tết năm nay là gì, thưa ông?


- Chúng tôi tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng. Một là: Giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh phải làm những gì, xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, công bố tiêu chuẩn như thế nào, ghi nhãn sản phẩm ra sao, nếu họ cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào để họ biết và thực hiện. Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là thanh tra, kiểm tra và giám sát.

Đợt này, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn, Hà Nội còn tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP trước, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2017. Thời gian kiểm tra diễn ra từ ngày 27-12-2016 đến ngày 25-3-2017 tại 30 quận, huyện, thị xã. Qua đó, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm; xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về VSATTP.

Điểm mới trong năm nay là Hà Nội đã đưa vào sử dụng 3 xe kiểm nghiệm ATTP chuyên dụng lưu động. Tại mỗi điểm kiểm tra, chúng tôi sẽ lấy mẫu tiến hành xét nghiệm nhanh thực phẩm để đưa ra những cảnh báo kịp thời tới người dân.

- Nguy cơ tiềm ẩn về VSATTP tại các làng nghề sản xuất bánh, mứt kẹo truyền thống, các mặt hàng phục vụ Tết là rất lớn, vậy việc kiểm tra ở đây tiến hành ra sao?

- Đúng vậy. Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc; cơ quan chức năng nơi có các làng nghề sản xuất bánh, mứt kẹo phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đảm bảo VSATTP. Đặc biệt, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu làm bánh, mứt Tết ở các làng nghề là rất quan trọng. Bởi lẽ, nguồn nguyên liệu như bột, đường, lạc không giữ được lâu, dễ bị hỏng. Nếu sử dụng nguồn nguyên liệu không bảo đảm để sản xuất, sẽ có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí là các vụ ngộ độc lớn.

- Mỗi dịp Tết, cơ quan chức năng lại rầm rộ ra quân kiểm tra, nhưng dường như chỉ là để… “cưỡi ngựa xem hoa”?

- Việc này không phải như vậy, dù thực tế cũng có một số đoàn kiểm tra chưa làm hết trách nhiệm, hoặc cũng có thể do thiếu phương tiện, trình độ chuyên môn nên họ không thể kiểm tra một cách toàn diện được, dẫn đến hiệu quả của công tác kiểm tra không cao. Tuy nhiên, Hà Nội đang quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP. Thời gian qua, việc triển khai thí điểm thanh tra ATTP tại một số quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Tới đây, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Xử phạt nghiêm minh, không bao che


- Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang kiểm soát VSATTP từ “ngọn”, dẫn tới cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn” không “đến nơi, đến chốn”. Ông nghĩ sao?

- Đúng là nếu không kiểm soát được quá trình nuôi trồng, mà chỉ kiểm soát bà bán thịt hay bán rau, thì tức là giải quyết vấn đề không từ “gốc”. Hà Nội là thành phố đông dân, có địa bàn rộng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, có nhiều cơ sở quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách VSATTP các tuyến còn thiếu, trình độ năng lực hạn chế.

Vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện VSATTP; một bộ phận không nhỏ NTD thiếu kiến thức về VSATTP, dẫn đến còn sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn... Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác kiểm soát việc thực hiện các quy định về VSATTP trên địa bàn. Hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP trên địa bàn thành phố đang được thực hiện quyết liệt, tập trung kiểm soát từ “gốc”, tức là kiểm tra và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Có như vậy, công tác quản lý ATTP mới phát huy hiệu quả.

- Tình hình vi phạm VSATTP vẫn còn phổ biến, phải chăng do việc xử phạt của chúng ta chưa nghiêm?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể kể đến một số nguyên nhân chủ quan như còn hạn chế về mặt tổ chức và biên chế bộ máy làm công tác VSATTP; hệ thống văn bản pháp luật do nhiều cơ quan ban hành, nhiều ngành quản lý, trách nhiệm lại không rõ ràng. Trong khi đó, lĩnh vực VSATTP lại có nhiều bộ, ngành tham gia; chất lượng VSATTP được hình thành qua nhiều khâu, mỗi khâu do một ngành quản lý, khả năng bảo đảm trên chuỗi thực phẩm lại không giống nhau. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như: Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, nhất là ngành trồng trọt, chăn nuôi; chế biến thực phẩm còn thủ công, lạc hậu, mang tính hộ gia đình, điều kiện VSATTP còn hạn chế. Chúng tôi cũng áp dụng những biện pháp xử phạt mạnh để các cơ sở tránh vi phạm và tái vi phạm. Và mức xử phạt đều căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật.

- Theo ông, các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng quản lý ATTP của Hà Nội đã đủ mạnh chưa? Và có cần thiết phải mạnh tay hơn nữa để kiên quyết tẩy chay thực phẩm “bẩn”?

- Lúc nào Hà Nội cũng chỉ đạo kiên quyết xử lý mạnh ở khung cao nhất có thể vận dụng. Có nhiều biện pháp như phạt tiền, đình chỉ sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã lấy mẫu những cơ sở sản xuất không tốt, sản phẩm sử dụng phụ gia vượt mức… Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là những cơ sở có quy mô nhỏ thì mức độ xử phạt được tính gấp 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm là khá nặng. Những sản phẩm không đạt sẽ bị thu hồi, tiêu hủy; thanh tra, kiểm tra xong rồi phúc tra. Những cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ ngay từ đợt thanh tra, kiểm tra đầu tiên. Đã xử phạt thì phải xử phạt nghiêm minh, không có chuyện bao che.

- Ông có lời khuyên gì dành cho NTD trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, giữ sức khỏe trong dịp Tết này?

- Chúng tôi khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, được cấp phép, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, chú ý ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Riêng đối với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo nên chọn những sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tránh mua những sản phẩm có màu sắc lòe loẹt. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, NTD cũng phải lưu ý trong việc bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình, tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm bảo quản trước khi ăn.

- Vậy, những cơ sở chưa được phép hoạt động mà vẫn kinh doanh thực phẩm mất an toàn thì thuộc trách nhiệm quản lý và kiểm tra của ai, hay chỉ kêu gọi người dân tìm đúng nơi “hợp pháp” để mua, thưa ông?

- Thứ nhất, những nơi chưa được phép kinh doanh là họ đã vi phạm pháp luật, trách nhiệm thuộc về chính quyền nơi đó. Người dân không nên mua thực phẩm ở những nơi này, vì nếu có chuyện gì xảy ra khó có thể khiếu nại hoặc đòi bồi thường. Thời gian qua, công tác quản lý ATTP ở Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhất là sự vào cuộc đồng bộ từ cấp xã, phường đến thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm Trưởng ban để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP của địa phương, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo. Cụ thể, giao trách nhiệm cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phụ trách công tác ATTP trực tiếp kiểm tra ATTP ít nhất 2 tuần/lần; đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần; đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 2 lần/tuần. Hà Nội quyết tâm giải quyết các tồn tại, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết tâm tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.