Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy “nói không” với dịch vụ ăn uống phản văn hóa!

Hà Hiền| 22/01/2017 06:53

(HNM) - Sự phong phú, tinh tế của ẩm thực Hà Nội là một trong những yếu tố bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống đường phố phát triển ồ ạt, ít nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Để khắc phục tình trạng này, mới đây Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Hà Nội phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động xung quanh vấn đề này.


Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động.


Góp phần bồi đắp văn hóa Thăng Long - Hà Nội

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về yếu tố văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Hà Nội xưa và nay?

- Hà Nội - chốn bốn phương hội tụ nên quy tụ nhiều giá trị tốt đẹp, trong đó có văn hóa ẩm thực. Hà Nội không chỉ có những món ăn nổi tiếng mang hương vị đặc trưng như chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng, bánh chưng Tranh Khúc, phở, bún chả, nem…, mà còn tập hợp các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng trong nước, quốc tế. Ngoài chất lượng, hương vị của món ăn, phong cách phục vụ nhẹ nhàng, khéo léo, tôn trọng thực khách của người bán hàng đã tạo nên “hương vị” riêng cho những món ăn Hà Nội. Bởi thế, ẩm thực Hà Nội luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với người dân Thủ đô và du khách. Nói cách khác, ẩm thực Hà Nội và lối ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đã và đang góp phần xây dựng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực…

- Như vậy, những quán “bún mắng”, “cháo chửi”, “ốc lắm mồm”… không phải là phổ biến, thưa ông?

- Đúng vậy! Tôi thấy buồn về một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa chuẩn mực như dư luận phản ánh. Dù chỉ là hạt sạn rất nhỏ, mới xuất hiện trong thời gian gần đây, nhưng đã ảnh hưởng xấu đến cả lĩnh vực kinh doanh rất phổ biến, phát triển nhanh ở Thủ đô. Dưới góc độ văn hóa, thái độ, hành vi kinh doanh thiếu tôn trọng khách hàng khó có thể chấp nhận được. Về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp chấn chỉnh, nhằm bảo đảm sự tồn tại, phát triển của loại hình kinh doanh này theo hướng văn minh, hiện đại.

- Theo ông, nguyên nhân nào khiến những cơ sở kinh doanh dạng này vẫn tồn tại, thậm chí đông khách?

- Như chúng ta đã biết, văn hóa là những giá trị tích tụ, lắng đọng, bồi đắp qua nhiều thế hệ mới đơm hoa kết trái, không thể có trong “một sớm, một chiều”, không thể “tiền trao, cháo múc”. Đáng tiếc, có nơi, có thời điểm chú trọng đến sự phát triển kinh tế hơn xây dựng, phát triển văn hóa, con người, dẫn đến một bộ phận người dân khi kinh doanh thường coi trọng lợi nhuận hơn là việc làm thế nào để vừa lòng khách hàng. Một bộ phận vì tò mò, hành động theo đám đông, theo phong trào, nên dù biết một vài cơ sở kinh doanh chưa tôn trọng thực khách vẫn muốn “thử một lần cho biết”. Suy nghĩ và hành động xa rời các chuẩn mực như vậy rất nguy hại cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

- Rất nhiều món ngon ở Hà Nội được kinh doanh trên những gánh hàng rong… len lỏi khắp phố phường, ngõ ngách, tràn trên vỉa hè. Nhiều người đánh giá, hình thức kinh doanh này vừa khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị; song cũng có những ý kiến cho rằng, những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong là hình ảnh đẹp, riêng có của Hà Nội. Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng, món ăn đường phố trên gánh hàng rong, xe đẩy… đẹp do được miêu tả bằng ngôn ngữ của thi ca, nhạc họa, nhiếp ảnh... Ở góc độ nào đó, những hình ảnh này là nét riêng, nét thơ của Hà Nội, được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thì rõ ràng ai cũng có thể nhận thấy hình thức kinh doanh này có nhiều bất cập, hạn chế. Việc ăn uống tràn lan, rồi xả rác xuống vỉa hè, lòng đường đã và đang ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị, đến hành lang an toàn giao thông. Đáng nói hơn, chất lượng món ăn, việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” (Quy chế - PV).

Hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại

- Theo ông, Quy chế này được xây dựng như thế nào, gồm những nội dung gì?

- Với trách nhiệm quản lý nhà nước về văn hóa, UBND TP Hà Nội giao Sở VH-TT phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế xây dựng Quy chế trình UBND thành phố xem xét ban hành. Đây là vấn đề mới, khó và thực sự cần thiết để quản lý các nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn Hà Nội, nên quy trình xây dựng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học.

Trước hết, Sở VH-TT Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, tiến hành khảo sát nhằm nhận diện chính xác thực trạng giao tiếp ứng xử trong các nhà hàng, quán ăn; đồng thời đánh giá mức độ quan tâm của xã hội đối với việc xây dựng, ban hành Quy chế tại các địa bàn trung tâm của Hà Nội. Trên cơ sở các kết quả khảo sát, kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu liên quan, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo xin ý kiến và tiến hành xây dựng dự thảo Quy chế. Nội dung Quy chế có thể sẽ bao gồm một số vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như: Giao tiếp ứng xử trong nhà hàng, quán ăn dành cho cả chủ hàng và khách hàng; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà hàng và trên hè phố, bao gồm công khai chứng nhận an toàn thực phẩm và các điều kiện liên quan đến dịch vụ ăn uống…

Dự thảo Quy chế tổng hợp cô đọng, súc tích nhằm giới thiệu và cụ thể hóa các nội dung cơ bản của các văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh ăn uống hè phố, giúp người dân dễ ghi nhớ, dễ đi vào cuộc sống. Đó là Nghị định của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố; Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội… Dự thảo sẽ được lấy ý kiến góp ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ý kiến của các chủ thể kinh doanh dịch vụ ăn uống; các nhà quản lý trật tự đô thị, an toàn, vệ sinh thực phẩm; các chuyên gia pháp chế, chuyên gia quản lý văn hóa...

- Ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng Quy chế?

- Thủ đô là nơi quy tụ rất nhiều sắc thái văn hóa của mọi vùng miền trong cả nước và nước ngoài; là nơi tập trung nhiều loại hình kinh doanh, trong đó kinh doanh dịch vụ ăn uống có số lượng lớn, nhiều chủ thể, đối tượng tham gia nên việc xây dựng Quy chế phù hợp với các nhóm đối tượng là điều không dễ. Tuy nhiên, vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của thành phố, nhân dân và công luận, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng Quy chế sao cho vừa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, vừa điều chỉnh những vấn đề pháp luật còn bỏ ngỏ, hướng tới việc xây dựng nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.

- Trên thực tế, có những quy định mang tính quy phạm pháp luật, khi triển khai cũng ít khả thi. Theo ông, làm thế nào để Quy chế đi vào cuộc sống?

- Các quy định hiện hành ít nhiều đã đề cập đến hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng còn chung chung nên đa số chủ nhà hàng, quán ăn, khách hàng vẫn hiểu mơ hồ về những quy định này. Việc xây dựng Quy chế dù gấp gáp, chúng tôi vẫn tiến hành thận trọng theo quy trình chặt chẽ, nội dung điều chỉnh mang tính bao quát trên nguyên tắc không hạn chế, tôn trọng quyền tự do của mọi chủ thể trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, quảng bá được vẻ đẹp, nét tinh túy, phong cách ẩm thực của truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội và xứ Đoài. Khi Quy chế được ban hành, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa những nội dung hợp lý vào các tiêu chí xét, công nhận các mô hình văn hóa. Dự kiến, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể về thực hiện Quy chế này trong quá trình kiểm tra, bình xét, công nhận các mô hình văn hóa.

Như trên tôi đã trao đổi, văn hóa là sự kết tinh, lan tỏa các giá trị nhân bản, hình thành trong quá trình phát triển của toàn bộ đời sống xã hội, do hoạt động của con người và sự tác động của các quy luật tự nhiên. Những hành vi đi ngược dòng chảy của sự tiến bộ xã hội, chắc chắn sẽ bị đào thải. Song, tiến trình đào thải đó diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào thái độ ứng xử, hành động của tất cả chúng ta.

Kinh doanh muốn tồn tại phải có khách hàng. Do đó, chế tài mạnh nhất, hiệu quả nhất chính là thái độ tẩy chay bất cứ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nào trái luật, phản nhân văn, đi ngược truyền thống đạo lý dân tộc, văn minh nhân loại. Chúng tôi mong muốn các phương tiện truyền thông đại chúng cùng các tầng lớp nhân dân đồng lòng với chúng tôi, “nói không” với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa chuẩn mực về văn hóa, cùng vun đắp môi trường văn hóa Hà Nội lành mạnh, phong phú, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội và xứ Đoài, truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy “nói không” với dịch vụ ăn uống phản văn hóa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.