Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lập lại trật tự đô thị là việc không thể chần chừ, lùi bước!

Võ Lâm| 12/03/2017 06:06

(HNM) - Là một trong những địa phương đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, quận Thanh Xuân đã xác định lập lại trật tự đô thị là việc không thể chần chừ, không thể lùi bước, đặc biệt phải thực hiện kiên trì, bài bản nhằm đạt kết quả bền vững.


Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Vũ Cao Minh.


Thiếu kiểm tra, đôn đốc là tái vi phạm

- Ngày 4-3 vừa qua diễn ra hội nghị triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, ngay sáng hôm sau (ngày 5-3), Thanh Xuân đã tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Vì sao quận lại vào cuộc với tinh thần khẩn trương như vậy, thưa đồng chí?

- Có lẽ không riêng gì Thanh Xuân, rất nhiều quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều đã nhận thức sâu sắc về tính cấp thiết phải lập lại TTĐT trên địa bàn, thấy được quyết tâm chính trị từ trung ương đến thành phố, hiểu được mong muốn của người dân về diện mạo Thủ đô. Tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này, để lập lại TTĐT, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho người tham gia giao thông, chúng ta không thể chần chừ được nữa.

- Điều này có phải còn xuất phát từ thực tiễn quản lý TTĐT trên địa bàn quận chưa đạt yêu cầu?

- Đúng vậy, thời gian qua, chúng tôi đã làm được nhiều việc, thu được một số kết quả tích cực. Ví dụ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhiều nơi đã được đầu tư nâng cấp đáng kể, nhất là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập quận. Nhiều tuyến đường mới được mở ra, thí điểm xây dựng thành công tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thành phố - phố Lê Trọng Tấn. Quận đã xây dựng những điểm quảng cáo rao vặt miễn phí; lắp đặt 180 camera giám sát ở những điểm nhạy cảm về TTĐT tại 11 phường; bố trí 30 bốt tuần tra di động; xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng; xóa điểm chân rác; xóa chợ cóc, sắp xếp lại chợ dân sinh; tổ chức tự quản phân luồng giao thông; tổ chức chợ đêm Nguyễn Quý Đức… Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để bảo đảm những kết quả đó được duy trì một cách bền vững. Thực tế cho thấy, chúng ta tổ chức ra quân, làm tập trung là có hiệu quả ngay, nhưng hễ thiếu kiểm tra, đôn đốc thì ngay lập tức lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn. Ngay như tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, chỉ cần lơ là, buông lỏng, vi phạm sẽ xảy ra.

- Ngoài ý thức của người dân chưa tốt, theo đồng chí, vì sao lại xảy ra tình trạng, ra quân được một thời gian, sau đó đâu lại vào đấy?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân là vì trên địa bàn quận đang có nhiều dự án, công trình xây dựng đang được triển khai hoặc dự án, công trình “treo” đã và đang ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Thêm vào đó, công tác quy hoạch, xây dựng cũng chưa đồng bộ; nhiều tuyến phố đoạn có hè, đoạn không, chỗ rộng, chỗ hẹp. Trong khi đó, lực lượng duy trì TTĐT còn mỏng; lương tháng 2,5 triệu đồng/người thì rất khó “giữ chân” cán bộ. Chưa kể, quy trình xử lý vi phạm quá phức tạp. Đơn cử như để đập bục bệ vi phạm ở vỉa hè, lực lượng chức năng cần phải lập phương án, làm các thủ tục rất mất thời gian…

- Với những trường hợp cán bộ chủ chốt không thực hiện nghiêm, Quận ủy có xem xét và xử lý không, thưa đồng chí?

- Chúng tôi đã xử lý nghiêm, luân chuyển sang làm công tác khác. Gần đây nhất, quận đã xử lý trách nhiệm đối với một đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường.

Phép thử năng lực lãnh đạo, quản lý

- Chủ tịch UBND thành phố đã nêu rõ, lần này Hà Nội phải có cách làm riêng trong việc lập lại TTĐT. Cụ thể là không làm ồn ào mà phải kiên trì, bài bản theo đúng 3 bước: Tuyên truyền đi trước, sau đó là kiểm tra, cuối cùng mới là xử lý. Quan điểm của đồng chí về cách làm này?

- Tôi hoàn toàn nhất trí với chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố. Theo tôi, chúng ta vừa phải có giải pháp tổng thể chiến lược, vừa phải có biện pháp kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra. Trong chỉ đạo, Quận ủy Thanh Xuân xác định, phải đồng bộ cả cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cùng tham gia; đặc biệt chú trọng vai trò người đứng đầu. Bí thư, Chủ tịch và Trưởng Công an phường phải chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trên mỗi địa bàn, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt…

- Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn cách làm của quận?

- Thứ nhất, Quận ủy chỉ đạo chính quyền địa phương khảo sát từng hộ có nhà mặt phố để nắm rõ tình trạng tự kinh doanh hay cho thuê. Thứ hai, quận tuyên truyền đến từng hộ, yêu cầu ký cam kết bảo đảm trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường. Trong đó tuyên truyền để cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước và vận động người thân thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, quận sẽ thống kê những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, sau đó phân loại, tổ chức giải quyết theo thẩm quyền của quận, phường. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, quận sẽ kiến nghị thành phố giải quyết. Trước đây chúng ta mới giải quyết sự vụ, đơn lẻ. Còn nay thì phải xem xét và giải quyết vấn đề với giải pháp tổng thể.

- Vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện là, cần bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn TTĐT. Quận Thanh Xuân có tính đến yếu tố này?

- Chúng tôi đã tính đến yếu tố này. Cụ thể là sau khi rà soát, thống kê, phân loại, các cơ quan liên quan sẽ đề xuất các giải pháp cho từng trường hợp. Chẳng hạn, nếu người ở trong độ tuổi lao động, quận sẽ tổ chức dạy nghề miễn phí, liên hệ với doanh nghiệp để tạo điều kiện có việc làm; đối với một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi có thể ưu tiên bố trí một số điểm kinh doanh với mức giá thuê thấp tại chợ đêm Nguyễn Quý Đức… Để có giải pháp khả thi thì trước hết chúng ta phải rà soát, thống kê, sau đó mới triển khai trong thực tế.

- Quận sẽ giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông tĩnh thế nào để tránh tình trạng dẹp chỗ này, nảy sinh vi phạm ở chỗ khác?

- Chúng tôi sẽ rà soát những khu vực đất trống, những dự án “treo” trên địa bàn, từ đó đưa ra phương án tổ chức xây dựng hoặc kiến nghị thành phố cho xây dựng tạm những bãi đỗ ô tô, xe máy. Quận cũng sẽ kiến nghị thành phố sớm có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các bãi đỗ xe tại các dự án, công trình bị “treo”. Đây là giải pháp cấp bách trong lúc này.

- Khó nhất vẫn là duy trì kết quả. Thanh Xuân có cách gì để không lặp lại tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”?

- Chúng tôi xác định là phải kiên trì tuyên truyền, kiên quyết trong thực hiện, tránh hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động kết hợp với xử lý để răn đe. Bên cạnh đó, để duy trì lâu dài thì quận nhất định phải xử lý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và xã hội. Lợi ích của Nhà nước là phải quản lý TTĐT tốt hơn, lợi ích của xã hội là đi lại thuận lợi, đường thông, hè thoáng. Còn lợi ích người dân, nhờ hạ tầng được cải thiện, vệ sinh môi trường được bảo đảm, đô thị văn minh hiện đại… nên giá trị bất động sản tăng lên, buôn bán thuận lợi… Chúng ta xóa bỏ “kinh tế vỉa hè”, nhưng phải quan tâm đến “kinh tế mặt phố”, người dân có nhà mặt phố phải thấy được lợi ích của họ khi chung tay với chính quyền giữ gìn trật tự, xây dựng văn minh đô thị.

Thực tế, không có chính quyền phường nào với cơ cấu 25 biên chế lại đủ sức duy trì TTĐT được. Nên cùng với mô hình tự quản, tới đây chúng tôi sẽ xây dựng mô hình khoán quản. Nghĩa là thay vì chi theo đầu việc, khối lượng công việc, chúng tôi sẽ chi “một lần” cho đơn vị, lực lượng miễn sao tuyến đường, khu vực được giao khoán bảo đảm các tiêu chí văn minh đô thị.

- Thanh Xuân sẽ sớm có tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn thứ hai, thưa đồng chí?

- Chúng tôi đang tiến hành các bước xây dựng tuyến đường ven sông Tô Lịch đi qua 6 phường trên địa bàn quận thành tuyến phố văn minh theo hình mẫu tuyến phố Lê Trọng Tấn. Hiện tại, quận đã làm xong khâu khảo sát; hệ thống thoát nước, hạ tầng các nhà mặt phố tuyến này cũng đã được chỉnh trang một bước, dự kiến sẽ hoàn thành tuyến mẫu vào quý III năm nay. Như đã nói ở trên, chúng tôi đang hướng tới làm sao để huy động được tối đa sự tự giác của các hộ dân trong việc tham gia xây dựng, giữ gìn trật tự văn minh đô thị trên tuyến phố này. Muốn vậy phải bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, hộ có nhà mặt phố và xã hội.

- Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ có hiện tượng “chống lưng” cho việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh. Ở Thanh Xuân có tình trạng này không, thưa đồng chí?

- Tôi nghĩ là có. Để ngăn chặn những hiện tượng như vậy, từ đầu năm 2016, Quận ủy Thanh Xuân đã ban hành Công văn số 66-CV/QU chỉ đạo nghiêm cấm các quận ủy viên, trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận can thiệp, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ việc về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý TTĐT, quản lý hành chính… Nhưng trong quá trình theo dõi, chúng tôi cảm nhận là vẫn còn. Tuy nhiên, có thể khẳng định cá nhân tôi và đồng chí Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận không “chống lưng” hay can thiệp cho bất kỳ điểm trông giữ xe hay vấn đề đô thị nào ở trên địa bàn quận Thanh Xuân.

- Nếu phát hiện cán bộ “chống lưng” hoặc không làm hết chức trách nhiệm vụ để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Quận ủy sẽ xử lý thế nào?

- Chúng tôi sẽ thực hiện luân chuyển ngay. Đối với những trường hợp phát hiện vi phạm rõ ràng, sẽ xử lý trách nhiệm đảng viên trước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sau đó xử lý theo Luật Cán bộ, công chức. Nhưng trước tiên, Quận ủy sẽ tăng cường đánh giá cán bộ, coi kết quả thực tế là thước đo năng lực, trình độ. Chúng tôi coi nhiệm vụ lần này như là bài kiểm tra, phép thử về tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ, hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập lại trật tự đô thị là việc không thể chần chừ, lùi bước!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.