Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng sức hút của "Kong: Skull Island" để làm du lịch

Lâm Vũ thực hiện| 19/03/2017 07:11

(HNM) -

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung.


Tuy nhiên, dường như ngành Du lịch vẫn chưa nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội quý giá. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những giải pháp của ngành Du lịch để tận dụng sức hút từ siêu phẩm này.

Cơ hội của ngành Du lịch

- Điều tuyệt vời là bối cảnh của bộ phim “Kong: Skull Island” được quay tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình của Việt Nam. Ông có cho rằng, đây là cơ hội tốt để chúng ta quảng bá hình ảnh cũng như phát triển du lịch?

- Bộ phim bom tấn do Hollywood tiến hành quay tại Việt Nam được đầu tư tới 190 triệu USD, trong đó 70% thời lượng được quay tại 3 địa danh có những phong cảnh độc đáo, nổi tiếng và đều là địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam. Bộ phim này được chính thức trình chiếu đồng loạt trên toàn thế giới vào ngày 10-3 và qua 2 ngày trình chiếu đầu tiên, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, tổng doanh thu đã đạt gần 150 triệu USD, riêng tại Việt Nam là 2 triệu USD.

Đây là doanh thu nằm ngoài mong đợi của nhà sản xuất và đạo diễn. Có thể nói, bộ phim “Kong: Skull Island” được quay trên đất nước chúng ta là cơ hội vàng để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam nói chung, cũng như du lịch Việt Nam nói riêng. Những ngày qua, truyền thông, báo giới trên toàn thế giới đã đồng loạt đưa tin về bộ phim này. Ông Jordan Vogt-Roberts, người đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL trao quyết định là Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020, cũng cho rằng, Việt Nam đang sở hữu những tạo vật tuyệt vời và đây là cơ hội rất tốt để ông ấy làm tròn sứ mệnh vinh dự của mình.

- Hiện có rất nhiều công ty lữ hành nước ngoài đã thực hiện tour du lịch ăn theo bộ phim với giá trị lớn, còn các công ty du lịch trong nước vẫn im ắng. Về phía các địa phương, mới chỉ có Quảng Bình khá nhạy bén trong việc tận dụng lợi thế từ hiệu ứng của bộ phim để thúc đẩy phát triển du lịch, còn Quảng Ninh vẫn dè dặt, Ninh Bình thì “án binh bất động”. Phải chăng, chúng ta thiếu nhanh nhạy trong việc nắm bắt các cơ hội để phát triển du lịch?

- Được biết, Công ty Lữ hành Exotic Voyages của Mỹ, Starlight của Thái Lan đã mở tour bán cho khách quốc tế đến địa danh đã quay phim; Vietravel của Việt Nam công bố tour “Theo dấu chân Kong cho khách nội địa”. Tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch cụ thể và dài hơi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với phim trường Kong. Các tuyến tham quan: Hệ thống hang động Tú Làn, động Thiên Đường…, trước đây chỉ đi đến động, nay sẽ có thêm điểm đến là nơi đoàn phim Kong đã quay để du khách có thể tham quan, chụp ảnh.

Trong tháng 4 tới, Quảng Bình sẽ đón những đoàn khách du lịch đầu tiên. Hiện tại, ở những điểm mà đoàn phim Kong từng thực hiện cảnh quay, các đoàn khách tự do đã đổ về khá đông. Sở Du lịch Quảng Bình đã giao cho hai doanh nghiệp đứng ra để khai thác thử nghiệm tour du lịch có ghé qua phim trường “Kong: Skull Island”. Quảng Bình cũng đang tích cực xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của du lịch Quảng Bình dựa theo bộ phim này. Nghĩa là, khi xem phim Kong, người ta nghĩ ngay đến Quảng Bình và khi đến Quảng Bình, là sẽ nghĩ ngay đến những cảnh trong phim.

Đặc biệt, Quảng Bình đang tăng cường các phương tiện để thu hút khách quốc tế như mở đường bay quốc tế từ Quảng Bình đi ChiengMai (Thái Lan), mở tuyến Đồng Hới - Cát Bi (Hải Phòng) và mở tuyến bay giá rẻ Đồng Hới - Hà Nội cũng như tăng tần suất các chuyến bay khác ở đường bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ninh Bình thì mới đặt mô hình 3D bộ phim khổ lớn tại khu nghỉ dưỡng Emeralda. Quảng Ninh chỉ có biển chỉ dẫn về nơi quay bộ phim...

Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa nhạy bén và có cách làm phù hợp để gắn kết điện ảnh với du lịch, thông qua điện ảnh quảng bá và định vị thương hiệu du lịch cũng như giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người. Sự khuếch trương, lan tỏa của bộ phim tại địa phương, từ đó phối hợp với đoàn làm phim ngay từ giai đoạn đang quay, làm hậu kỳ và cả khi công chiếu phim, chúng ta đều chưa có. Việc đầu tư hạ tầng và dịch vụ du lịch, sử dụng trường quay nơi đoàn làm phim sau khi quay xong, rút đi để biến nó thành sản phẩm du lịch chúng ta chưa làm được.

- Với tư cách là cơ quan quản lý, Tổng cục Du lịch đã có những chỉ đạo cụ thể gì đối với các địa phương được chọn làm bối cảnh bộ phim cũng như các đơn vị lữ hành trên cả nước?

- Ngay từ khi bộ phim vẫn đang trong quá trình bấm máy, Tổng cục Du lịch đã chủ động đề xuất với Bộ VH-TT&DL và trong thẩm quyền, trách nhiệm, chức năng của mình đã thực hiện một số công việc. Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn các địa phương được chọn làm trường quay của bộ phim cố gắng bảo vệ, quản lý thật tốt không gian trường quay để giữ tính nguyên vẹn, hoang sơ, sẵn sàng đón khách khi bộ phim được trình chiếu và tạo ra sức hút cho dòng khách về tham quan.

Chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét đầu tư, xây dựng những sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng các tour hành trình theo bước chân Kong kết nối với 3 địa danh trên để du khách có thể trải nghiệm con đường mà bộ phim đã quay.

Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn


- Việc tận dụng cơ hội để phát triển du lịch từ “Kong: Skull Island” đang gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Theo quy định của nhà sản xuất, các bối cảnh phải tháo bỏ hoàn toàn ngay sau khi đoàn phim rút khỏi hiện trường. Vì vấn đề bảo mật hình ảnh, trước khi phim ra rạp, các bối cảnh quay phim và các chi tiết hình ảnh của phim đều phải tuyệt đối bí mật. Trong một số trường hợp, sau khi phim ra mắt, các địa danh có thể đặt vấn đề xin lại bản vẽ bối cảnh và dựng lại, tất nhiên là có chi phí bản quyền. Với “Kong: Skull Island”, bối cảnh chính mà phim quay chủ yếu là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ độc đáo. Phim sử dụng nhiều kỹ xảo hậu trường và những bối cảnh đoàn phim xây dựng thật ở ngoài rất ít…, nên rất khó khăn cho chúng ta khi khai thác trường quay để làm du lịch.

- Chúng ta đã sử dụng hiệu ứng của phim để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới chưa, thưa ông?

- Từ cuối năm 2016, tại các hội chợ quốc tế, các cuộc tiếp xúc với truyền thông và báo giới quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa các thông tin về bộ phim bom tấn này được quay ở Việt Nam. Ngay tại Hội chợ Du lịch ITB Berlin (Đức) (diễn ra từ ngày 8 đến 12-3 vừa qua), những hình ảnh du lịch về bộ phim “Kong: Skull Island” tại các địa phương Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh đã được Tổng cục Du lịch giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ xây dựng những video clip ngắn liên quan đến bộ phim và khi tham gia các hội chợ quốc tế, roadshow, chúng tôi sẽ trình chiếu các video clip cho bạn bè, khách hàng, qua đó thu hút họ đến với Việt Nam. Thông qua hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội, chúng tôi cũng sẽ quảng bá hình ảnh này đến công chúng trên toàn thế giới để tạo ra một sự lan tỏa theo cấp số nhân hiệu quả của bộ phim với bạn bè thế giới, để họ biết đến Việt Nam không chỉ là đất nước có nền văn hóa lâu đời và độc đáo, mà còn là đất nước có phong cảnh tuyệt đẹp.

- Trong thời gian tới, các địa phương có điểm đến gắn với bộ phim và ngành Du lịch cần làm gì để tận dụng tốt nhất cơ hội?

- Địa danh nơi được chọn làm bối cảnh bộ phim mới chỉ là tài nguyên du lịch. Muốn khai thác được thì phải xây dựng sản phẩm du lịch thực sự. Chính vì vậy, việc đầu tiên là phải xây dựng sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở bối cảnh không gian trường quay cũng như địa danh, tài nguyên sẵn có, các địa phương này phải có chính sách mời các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, có tiềm năng, kinh nghiệm quản lý đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch, hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các điểm mua sắm để khi du khách đến đây được cung cấp hệ thống dịch vụ và sản phẩm du lịch tốt nhất.

Đặc biệt, các địa phương phải chú ý đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây hiện đang là khâu yếu của ngành Du lịch Việt Nam và “khách một đi không trở lại” cũng vì lý do này. Muốn khách ở lại dài ngày, chi tiêu nhiều, không cách nào khác, phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, phải làm thật tốt công tác bảo vệ phim trường để phục vụ cho việc tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm của du khách khi tham quan thực tế, tránh tình trạng quản lý không tốt, dẫn đến xâm hại cảnh quan, phá hoại môi trường và giữa hình ảnh trên phim, hình ảnh du khách trải nghiệm khác nhau, khiến du khách thất vọng.

Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ trở thành phim trường của nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng sức hút của "Kong: Skull Island" để làm du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.