Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường trong lành là nền tảng cho Thủ đô phát triển bền vững

Ngọc Quỳnh| 23/04/2017 06:29

(HNM) - Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tham mưu cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố thực hiện báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, góp ý về giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo...


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông.


Cần cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và cách thức triển khai

- Thưa ông, đâu là xuất phát điểm của việc Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội triển khai các giải pháp về tăng cường công tác bảo vệ môi trường?

- Đây là bước cần thiết để triển khai thực hiện những chương trình quan trọng của thành phố như: Chương trình 06-Ctr/TU ngày 26-7-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước, kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 30-12-2016 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” và Nghị quyết 06-NQ/TƯ về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 3-8-2016 của HĐND TP Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động số 44/CTr-UBND ngày 24-2-2017 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016-2021 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…

- Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong thời gian qua bộc lộ bất cập gì, thưa ông?

- Với áp lực phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, công tác bảo vệ môi trường đang đối mặt những thách thức to lớn như: Chất thải rắn ngày một gia tăng về lượng và mức độ nguy hại, trong khi các bãi chôn lấp sắp quá tải; rác thải tồn đọng khu vực nông thôn còn nhiều, xử lý chưa đúng quy trình. Một số sông thoát nước trong nội đô và hồ nội thành đang bị ô nhiễm nặng; quá trình đô thị hóa đã đẩy nhanh các hoạt động xây dựng cùng sự gia tăng dân số cơ học; số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh; việc xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa; quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ, đặc biệt là ô nhiễm do bụi và tiếng ồn; nhiều dự án xử lý nước thải chậm triển khai, đặc biệt là ở các làng nghề…

- Hiện nay, một số địa phương trong cả nước đang hướng tới mục tiêu xây dựng những mô hình sống chất lượng cao, trong đó đặc biệt đề cao yếu tố môi trường. Công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội có nét đặc thù gì, thưa ông?

- Đó không chỉ là việc tuyên truyền, vận động, mà còn là quảng bá mục tiêu hướng tới. Trong đề xuất, chúng tôi đã nêu rõ mục tiêu tổng quát; mục tiêu cụ thể đến năm 2020; những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với từng vấn đề trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ví dụ, trong 4 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường trên địa bàn Thủ đô có vấn đề xử lý nước thải, cải thiện và phục hồi môi trường. Với vấn đề này có 3 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, đó là: Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại; Xử lý nước mặt và nước ngầm; Xử lý môi trường không khí. Trong mỗi nhiệm vụ lại được chỉ rõ những công việc cần triển khai thực hiện. Cụ thể, việc xử lý đối với nước mặt, nước ngầm cần phải tăng cường cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô; xử lý nước thải công nghiệp, nước thải làng nghề, nước thải y tế, ô nhiễm nước ngầm...

Trong các việc cụ thể vừa nêu, sẽ xây dựng quy trình, công đoạn rõ ràng... Ví dụ như xử lý nước thải làng nghề, sẽ nhân rộng mô hình xây dựng quy ước bảo vệ môi trường làng nghề và mô hình sản xuất sạch của xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phùng Xá (Mỹ Đức) và 3 trạm xử lý nước thải có công suất từ 1.000 tới 8.000m3/ngày - đêm tại các xã: Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai). Bên cạnh đó, điều tra phân loại các làng nghề theo 8 loại hình sản xuất, thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có kế hoạch từng bước di chuyển các cơ sở, điểm sản xuất của hộ gia đình đang gây ô nhiễm môi trường hoạt động tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề; nhân rộng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung với hạ tầng đồng bộ về xử lý ô nhiễm môi trường... Tóm lại, từng công việc, nhiệm vụ nêu trong đề xuất đều hết sức cụ thể về cách thức triển khai, trách nhiệm thực hiện của tập thể, cá nhân, đích hướng tới, chứ không hô hào chung chung...

Nâng cao vai trò cộng đồng

- Thời gian qua, việc thực hiện các dự án bảo vệ môi trường chủ yếu dựa vào ngân sách vốn eo hẹp khiến đôi khi rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” vì thiếu kinh phí. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Chủ trương chung của thành phố là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ môi trường trên địa bàn; tăng cường việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Muốn vậy, rất cần cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, bảo đảm hài hòa quyền lợi của các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Như tôi đã nêu, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về bảo vệ môi trường, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới cơ chế, chính sách liên quan nhằm khuyến khích xã hội hóa; đa dạng hóa các hình thức đầu tư (BOT, BT, BLT, PPP) để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án được phê duyệt. Một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là cải cách thủ tục hành chính theo hướng khoa học, nhanh gọn, hiệu quả như rà soát cắt giảm về thành phần hồ sơ và giảm số ngày giải quyết thủ tục hành chính; triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4…

- Thực tế có những dự án khi triển khai không thu được hiệu quả như mong muốn, điển hình là một số trạm cấp nước sạch xây dựng ở khu vực nông thôn, tiền đầu tư lớn nhưng hầu như “tê liệt”... Cách nào để tránh tình trạng dàn trải, lãng phí như vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, trước hết, cần triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp; nâng cao chất lượng giám sát của cộng đồng đối với các vấn đề phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường... Khi thực hiện các dự án cần được tính toán kỹ lưỡng, cân bằng lợi ích của các bên tham gia. Chỉ có như vậy, những công việc triển khai mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tế...

Không chỉ dự án về nước sạch, các dự án khác cũng cần các yếu tố hài hòa và cách làm triệt để, chắc chắn... Ví dụ như việc quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại cần triển khai thực hiện quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung triển khai các dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện và liên huyện; các dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp thành phố đã được chấp thuận, theo hướng áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại; hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải cấp huyện phù hợp với đặc điểm của địa phương; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt tại: Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì), Đồng Ké, Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức)... Ngay từ công đoạn “đầu vào” cũng cần có biện pháp, chế tài trong việc phân loại rác thải tại nguồn theo hướng phân chia địa bàn, áp dụng phương thức phân loại, thu gom khoa học để thuận lợi cho xử lý “đầu cuối”...

- Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, nếu chỉ dựa vào chính quyền và các cơ quan chức năng có lẽ chưa đủ. Về điều này, giải pháp thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, vai trò của cộng đồng trong lĩnh vực này là hết sức quan trọng. Do đó, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về môi trường; xây dựng các chương trình truyền thông, tăng cường huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư... trong giữ gìn và bảo vệ môi trường. Một trong những điều tiên quyết, theo tôi chính là nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi công dân về tầm quan trọng của chất lượng môi trường đối với sức khỏe cộng đồng; đồng thời cần có chế tài thưởng - phạt nghiêm minh về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nên tạo cơ chế cụ thể nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng và khách du lịch quốc tế khi tham gia các hoạt động liên quan đến môi trường ở nước ta. Qua đó, hình thành tư duy, nếp sinh hoạt văn minh trong tương tác với môi trường sống theo hướng trong lành, thân thiện, góp phần quan trọng xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp - hiện đại - văn minh!

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Môi trường trong lành là nền tảng cho Thủ đô phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.