Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa nếp sống văn minh trong việc cưới

Minh Ngọc| 21/05/2017 07:13

(HNM) - Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”, nếp sống văn minh trong việc cưới đã được định hình, lan tỏa.

Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì việc nhân rộng mô hình cưới văn minh, tiết kiệm là cần thiết.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội - cơ quan Thường trực triển khai các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh của thành phố.


Ông Nguyễn Khắc Lợi.Ảnh: Nhật Nam


Đã lan tỏa nếp sống văn minh...

- Thưa ông, Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội” (Chỉ thị 11) đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua?

- Qua nhiều đợt kiểm tra thực tế để xem xét công nhận các danh hiệu văn hóa từ thành phố tới cơ sở, chúng tôi nhận thấy Chỉ thị 11 đã và đang được đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. 5 năm qua, Chỉ thị 11 được các ngành, địa phương triển khai song song, lồng ghép với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làng, tổ dân phố văn hóa.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã thành lập ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh, với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Nhiều xã, phường, thị trấn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc cưới và triển khai đến các tầng lớp nhân dân. Tại nhiều chi bộ Đảng, đảng viên đã ký cam kết với chi bộ sẽ tổ chức việc cưới văn minh…

Ở không ít địa phương, trước khi các gia đình tổ chức đám cưới, thành viên ban vận động cấp cơ sở đến thăm hỏi, vận động tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm. Cá nhân, gia đình nào nghiêm túc thực hiện sẽ được nêu gương, vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc phê bình. Nhờ đó, hình thức tổ chức tiệc cưới vui tươi, trang trọng, tiết kiệm với lượng khách mời không quá 300 người/đám cưới, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, không mời khách ăn cỗ trong giờ làm việc theo tinh thần Chỉ thị 11 ngày càng lan tỏa.

- Ông có thể nói rõ hơn những kết quả đạt được, đặc biệt là những mô hình hiệu quả tại các địa phương?

- Những năm trước, công đoạn chuẩn bị cho việc cưới của các gia đình thường rất cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của. Đa số đám cưới được tổ chức kéo dài từ 1 đến 2 ngày với số lượng cỗ lên đến hàng trăm mâm. Hiện nay, các thủ tục rườm rà trong lễ cưới cơ bản được loại bỏ. Thống kê cho thấy, hơn 90% số đám cưới trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện theo nếp sống văn minh; số đám cưới tổ chức ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí còn không đáng kể.

Cụ thể, ở quận Hà Đông duy trì tốt mô hình cưới từ 40 đến 50 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người), không mời thuốc lá, không bắc rạp dài quá 15m, không mở loa đài công suất lớn trước 5h và sau 22h. Cán bộ, đảng viên không sử dụng xe công đi ăn cưới, phục vụ đám cưới. Quận Ba Đình, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây, huyện Ứng Hòa… đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức được nhiều đám cưới tập thể cho thanh niên. Tại Đan Phượng, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện khuyến khích hội viên tổ chức “đám cưới điểm” theo tinh thần Chỉ thị 11. Các gia đình tổ chức “đám cưới điểm” nhận được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ từ lúc chuẩn bị đến khi tổ chức. Mô hình “đám cưới điểm” ở huyện Đan Phượng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2013, toàn huyện Đan Phượng chỉ có hơn 10 “đám cưới điểm”, nhưng đến nay đã tăng lên hơn 1.000 đám. Để khuyến khích người dân tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, xã Đại Thắng (Phú Xuyên) tặng mỗi gia đình theo hình thức này 500 nghìn đồng. Ngược lại, gia đình nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt tiền. Xã Hồng Dương (Thanh Oai) và nhiều xã khác ở khu vực ngoại thành đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp uyên ương...

... nhưng cưới tiệc ngọt, tiệc trà vẫn chưa phổ biến

- Chỉ thị 11 khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức cưới trang trọng, tiết kiệm. Thế nhưng thực tế cho thấy, những mô hình cưới tập thể, tiệc ngọt, tiệc trà, báo hỷ… vẫn chưa phổ biến, vì sao thưa ông?

- Có thể nhận thấy, các đám cưới tiệc ngọt, tiệc trà, cưới tập thể được tổ chức ở nhiều nơi, hầu như địa phương nào cũng có. Tiếc rằng, những đám cưới này mới mang tính thí điểm, thường do Đoàn Thanh niên hoặc ban, ngành, đoàn thể nào đó đứng ra tổ chức, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Đối tượng hưởng ứng thường là đảng viên trẻ hoặc hội viên các ban, ngành, đoàn thể. Sau mỗi đợt thí điểm rầm rộ, hình thức cưới này chưa thực sự được quan tâm duy trì và nhân rộng. Bởi thế, mô hình cưới theo nếp sống văn minh là gì, tổ chức như thế nào vẫn được hiểu chung chung, chưa hình thành rõ nét. Người dân tự giác tổ chức cưới tiệc ngọt, tiệc trà, đăng ký cưới tập thể chưa nhiều. Người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng chưa nhiệt tình hưởng ứng.

- Trên thực tế, thay vì nêu những tấm gương sáng, ngợi ca tập thể, cá nhân làm tốt, một số trang mạng, mạng xã hội lại tung hô rầm rộ những đám cưới xa hoa, tiêu tốn tiền tỷ. Nhìn vào những hình ảnh đó, lớp trẻ khó có thể hiểu được ý nghĩa của việc cưới trang trọng, tiết kiệm. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Ngoài sự cá biệt trong tổ chức đám cưới xa hoa, linh đình của một số cá nhân cũng như cách thông tin trên mạng xã hội, theo tôi, trước hết là do công tác tuyên truyền có chỗ, có nơi chưa hợp lý nên chủ trương cưới trang trọng, tiết kiệm chưa đủ “thấm” sâu rộng vào trong đời sống xã hội. Ở đây có nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chưa thực sự quan tâm đến phong trào; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong thực hiện. Nguyên nhân khác được nhiều địa phương phản ánh là do đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, bố mẹ có ít con nên muốn tổ chức sự kiện quan trọng của đời người cho các con thật chu đáo. Tôi đã từng chứng kiến một vài trường hợp con cái xin phép bố mẹ tổ chức cưới đơn giản, nhưng không được đồng ý. Còn với thế hệ trẻ, tâm lý “đời người chỉ cưới một lần, cố gắng tổ chức sao cho thật đáng nhớ, cho bạn bè ngưỡng mộ” vẫn khá phổ biến.

Đáng nói hơn, sau gần 20 năm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 11, cơ chế tài chính khuyến khích tổ chức cưới theo nếp sống văn minh vẫn chưa có. Trong việc tang, cơ chế này rất rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó các ngành, địa phương dễ dàng triển khai. Với những đám cưới tập thể đã diễn ra, các ngành, địa phương phải chủ động bố trí kinh phí để tổ chức. Không có kinh phí, dù muốn, các cơ quan, đơn vị cũng không thể triển khai hoặc nhân rộng.

Cần có “nhạc trưởng”

- Trước hàng loạt nguyên nhân như vừa nêu, theo ông, để nếp sống văn minh trong việc cưới lan tỏa sâu rộng, chúng ta cần làm gì?

- Tôi cho rằng, khó khăn, vướng mắc, bất cập từ đâu chúng ta nên tháo gỡ từ đó. Hiện công tác xử lý vi phạm trong việc cưới còn bị buông lỏng, cần được siết lại. Ngoài ra, thành phố nên xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương chủ động thực hiện.

Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu; các ngành, đoàn thể cần “bắt tay” chặt chẽ hơn trong quá trình triển khai. Đã đến lúc ngành Văn hóa, Liên đoàn Lao động, Thành đoàn Hà Nội… nên ký kết chương trình hợp tác, phối hợp hành động. Trong đó, Thành đoàn Hà Nội là “nhạc trưởng”, chủ trì việc xây dựng mô hình cưới văn minh phù hợp với đặc thù của Thủ đô Hà Nội; đồng thời đứng ra tổ chức, vận động thanh niên, đoàn viên hưởng ứng. Liên đoàn Lao động từng bước tác động tới người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất về ý nghĩa, tác dụng của việc cưới theo nếp sống văn minh. Nếu người lao động có nhu cầu tổ chức đám cưới tập thể, tiệc ngọt, tiệc trà, Liên đoàn Lao động phối hợp với Thành đoàn giúp họ tổ chức. Ngành Văn hóa triển khai mô hình cưới văn minh, tiết kiệm thông qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

- Nếu mô hình cưới văn minh được nhân rộng, phát triển, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố liệu có đáp ứng được nhu cầu tổ chức của người dân không, thưa ông?

- Tôi khẳng định, hệ thống thiết chế văn hóa hiện có hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tổ chức việc cưới đa dạng của người dân. Người lao động ở các khu công nghiệp chưa có nhà văn hóa, có thể liên hệ với địa phương gần đó để thuê hoặc mượn làm địa điểm tổ chức. Với những đám cưới tập thể đông người tham gia, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa thành phố, Công viên Thống Nhất, Công viên Hòa Bình, Công viên Yên Sở… là những điểm tổ chức lý tưởng.

Dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện cho người dân tổ chức tiệc cưới cho con, em tại nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố. Trong dự thảo Đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ thành phố đến cơ sở”, Sở VH-TT Hà Nội cũng định hướng cho các địa phương sử dụng nhà văn hóa phục vụ lợi ích xã hội và cộng đồng, không ngoại trừ việc cho mượn, cho thuê để tổ chức đám cưới. Người dân tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với các trung tâm tổ chức tiệc cưới.

Nhân đây tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, tổ chức đám cưới to không tỷ lệ thuận với hạnh phúc gia đình. Những người tổ chức cưới tiệc ngọt, tiệc trà không có nghĩa là họ coi nhẹ hạnh phúc. Bởi vậy, tổ chức cưới sao cho trang trọng, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và những giá trị chuẩn mực của xã hội nên được cả xã hội quan tâm, thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nếp sống văn minh trong việc cưới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.