Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sống hài hòa với thiên nhiên

Kim Nhuệ thực hiện| 04/06/2017 07:03

(HNM) - Ô nhiễm, công tác quản lý môi trường còn bất cập, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp… là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Làm cách nào hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường để sống hài hòa với thiên nhiên? Nhân ngày Môi trường thế giới 5-6, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng về vấn đề này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng.


Nhiều tác động đến môi trường 

- Ông có thể cho biết môi trường nước ta hiện đang bị ảnh hưởng bởi những nguồn thải nào?

- Như chúng ta đã biết, vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và đô thị là mối lo điển hình. Cả nước hiện có hơn 900 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và gần 800 đô thị mỗi ngày phát thải hàng triệu mét khối nước nhưng số lượng xử lý đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn rất thấp, còn lại xả trực tiếp ra môi trường. Công tác quản lý môi trường ở khu vực này chưa được quan tâm đúng mức.

Ô nhiễm môi trường bụi và khí thải tại các khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hoạt động giao thông vận tải cũng là một trong những vấn đề đáng báo động. Với hơn 45 triệu xe mô tô và ô tô đang lưu hành, môi trường không khí ở nước ta đang bị ô nhiễm nặng nề, nhất là các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Ngoài ra, trên địa bàn cả nước còn hơn 300 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh; hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ có nguy cơ phát sinh khí thải độc hại… Đó là những nguồn thải tác động rất lớn đến môi trường nước, đất, không khí ở nước ta.

- Công tác bảo vệ môi trường hiện nay gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Khối lượng công việc chuyên môn trong công tác bảo vệ môi trường khá nhiều nhưng nguồn nhân lực cho công tác quản lý về vấn đề này ở cơ sở còn bất cập. Ví dụ, cấp xã là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý môi trường nhưng hiện nay cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế... Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường… nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại. Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức và đặt ra vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý.

- Ông có thể chỉ rõ hơn một vài thách thức?

- Đơn cử trong hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, giảm hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản.

Ở nông thôn, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Hiện mỗi năm nông dân sử dụng khoảng 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, nhưng khoảng 80% lượng thuốc sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt từ 25% đến 60%; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng. Nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường như tái chế nhựa, kim loại, ắc quy chì, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy...

Vấn đề quan ngại là sự cố môi trường tiếp tục có xu hướng gia tăng về số vụ và mức độ thiệt hại, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Mỗi năm trên biển thường xảy ra từ 5 đến 6 vụ tràn dầu lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do va chạm, sự cố trong quá trình bốc dỡ hàng hóa hoặc đắm tàu gây ra. Cùng với đó là tình trạng xả chất thải công nghiệp ra môi trường, điển hình là vi phạm của Nhà máy Mía đường Hòa Bình gây ô nhiễm sông Bưởi (tỉnh Thanh Hóa), Nhà máy Yến sào Khánh Hòa và Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh gây ô nhiễm sông Cạn (tỉnh Khánh Hòa)… Đặc biệt, trong tháng 4-2016 tại khu vực biển miền Trung xảy ra sự cố do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, đã để lại hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài, đồng thời gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc trong nhân dân...

- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

- Trước hết là do nước ta đang trong giai đoạn phát triển nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực cho môi trường. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp thêm các vấn đề về môi trường… Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường (BVMT) của chủ đầu tư, một số ngành, các cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác BVMT còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư.

Việc sử dụng các công cụ thuế, phí, ký quỹ, đặt cọc hoàn trả chưa hiệu quả, chưa tạo được nguồn thu tương xứng để đầu tư trở lại cho công tác BVMT, chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền, trả đúng, trả đủ”, “người hưởng lợi về môi trường phải chi trả”. Ngoài ra, tại nhiều địa phương hiện chưa phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực BVMT và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp...

Không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế


- Vậy ngành Tài nguyên và Môi trường làm gì để khắc phục tình trạng trên?

- Để BVMT giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng 10 nhóm giải pháp trước mắt và 6 nhóm giải pháp lâu dài. Về giải pháp trước mắt, Bộ đang khẩn trương xây dựng Quy hoạch BVMT quốc gia; ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững... Về giải pháp lâu dài, các giải pháp gồm: Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT; rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về BVMT; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng; hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.

Từ năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đánh giá, xếp hạng công tác BVMT của các địa phương. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền thông qua hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động Vì môi trường…

- Thông thường, sức ép phát triển kinh tế sẽ tác động lớn đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Thực tế đã có những thời điểm tại nhiều địa phương, vì sức ép phát triển kinh tế mà quên nhiệm vụ BVMT. Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện cam kết không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Để làm được việc đó, chúng tôi cần sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp, cộng đồng cũng như các cơ quan báo chí. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lập danh sách cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ra ô nhiễm để từ đó rà soát lại, cùng các địa phương, doanh nghiệp có biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát, trao đổi, tọa đàm, đề ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Nếu công việc này được thực hiện thường xuyên sẽ giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Theo ông, cần thực hiện biện pháp nào để không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế?

- Tôi nghĩ rằng có nhiều biện pháp. Biện pháp đầu tiên là tuyên truyền để thay đổi nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến các doanh nghiệp, cộng đồng, không vì phát triển kinh tế mà quên nhiệm vụ BVMT. Thứ hai là, chủ động hơn trong công tác BVMT, đặc biệt là làm tốt công tác phòng ngừa để giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn. Các địa phương không nên để xảy ra ô nhiễm hay sự cố môi trường rồi mới tính đến các biện pháp khắc phục, giải quyết.

Thứ ba, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện các biện pháp kỹ thuật (quan trắc tự động), rà soát các hoạt động tư vấn xây dựng kế hoạch, đánh giá tác động môi trường trong các dự án đầu tư, tránh tình trạng đủ thủ tục nhưng không chấp hành quy định pháp luật. Thứ tư, doanh nghiệp phải thực sự quan tâm đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất, đặc biệt là công tác BVMT. Điều này vừa giúp doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu…

- Năm nay chủ đề của Ngày Môi trường thế giới là “Sống hài hòa với thiên nhiên”. Thông qua chủ đề này, Liên hợp quốc muốn nhấn mạnh điều gì, thưa ông?

- Thông qua chủ đề này, Liên hợp quốc và các quốc gia muốn nói đến giá trị của thiên nhiên như đại dương, đất, nước, không khí, rừng… Thiên nhiên là tài nguyên quý, là nơi duy trì sự sống của hành tinh, vì vậy, chúng ta phải biết giá trị của thiên nhiên để sống hài hòa với nó. Hơn nữa, mỗi con người là một thành viên của thiên nhiên nên không thể vì lợi ích của một nhóm người mà hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại môi trường. Thực tế, các mức độ ô nhiễm đều ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, vì vậy, “sống hài hòa với thiên nhiên” là thông điệp mạnh mẽ rất đúng và trúng trong hoạt động BVMT...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sống hài hòa với thiên nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.