Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển nhanh, bền vững

Hồng Sơn thực hiện| 20/08/2017 07:35

(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản về Chương trình triển khai kế hoạch điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.


Cụ thể hóa kế hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của Chương trình triển khai kế hoạch điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành?

- Cuối năm 2016, tại Hà Nội, lãnh đạo UBND của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đã thông qua kế hoạch điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020. Đây là nội dung quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng KTTĐ Bắc Bộ nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Vì thế, mục đích của chương trình vừa ban hành là cụ thể hóa, phân công các sở, ngành của thành phố thực hiện các nội dung đã ký kết; định kỳ theo dõi, đánh giá kết quả đạt được, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ Bắc Bộ. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị của các địa phương trong vùng, chủ động báo cáo xin ý kiến cấp trên khi có khó khăn, vướng mắc.

- Hà Nội và các địa phương cũng đã có nhiều chương trình hợp tác phát triển hiệu quả trên các lĩnh vực. Vậy, ông có thể đánh giá khái quát những thuận lợi, khó khăn khi triển khai kế hoạch điều phối phát triển vùng?

- Việc triển khai kế hoạch trên sẽ góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Các địa phương trong vùng đều có trình độ phát triển ở thứ hạng cao trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đáng kể, nhất là giao thông với trục kết nối chính gồm: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 18 và quốc lộ 10...; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi; Cảng biển Hải Phòng, Lạch Huyện, Cái Lân; có nhiều tuyến đường sắt, đường sông kết nối đến các vùng khác trong nước và quốc tế… Tốc độ đô thị hóa của vùng cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước, tạo sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng là nơi có ưu thế lớn về nguồn nhân lực trình độ cao, đào tạo bài bản, tỷ lệ sinh viên trên đầu người cao nhất cả nước.

Thời gian qua, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2015-2016, đồng thời là "đầu tàu" kinh tế khu vực phía Bắc, Hà Nội đã chủ động triển khai các hoạt động, chương trình cụ thể trong một số lĩnh vực (vận tải, thương mại, du lịch, nông nghiệp...) để tạo sự gắn kết, phát triển vùng kinh tế năng động này.

Tuy nhiên, sự liên kết giữa các địa phương còn rời rạc, chưa có bước đột phá. Vùng KTTĐ Bắc Bộ đã có mức tăng trưởng cao trong thời gian qua nhưng hoạt động hợp tác chủ yếu mới dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ đào tạo cán bộ, chưa có các dự án, đề án cụ thể, tạo động lực mạnh cho sự phát triển của vùng. Đặc biệt, chưa có cơ chế điều phối liên kết rõ ràng giữa các địa phương; thiếu quy hoạch phát triển vùng mang tính chiến lược; chưa xác định hết thế mạnh của từng địa phương, tiểu vùng. Từng địa phương còn lập những quy hoạch riêng lẻ, chưa rõ sự liên kết, bổ sung lẫn nhau.

Để khắc phục khó khăn trên cần sự vào cuộc tích cực, đồng thuận của các địa phương; cụ thể hóa mục tiêu phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ; cụ thể hóa nhiệm vụ của từng địa phương thành viên.

Quảng bá du lịch, văn hóa Bắc Bộ tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm

- Vậy, nội dung chính của chương trình hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương là gì, thưa ông?

- TP Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ Bắc Bộ triển khai các dự án, đề án do Bộ Công Thương chủ trì; thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương trong vùng; phát triển hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001 cho các doanh nghiệp trọng điểm; nâng cao năng suất, chất lượng của các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ các đơn vị ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh…

Giao Sở Du lịch tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ Bắc Bộ triển khai các thỏa thuận, kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực du lịch; liên kết quảng bá du lịch Vùng KTTĐ Bắc Bộ, quảng bá hình ảnh Thủ đô và các địa phương. Trao đổi khách du lịch giữa Hà Nội và các địa phương bạn thông qua kết nối các doanh nghiệp lữ hành; quảng bá du lịch kết hợp với hoạt động văn hóa, thương mại, ẩm thực của các địa phương tại không gian tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Kiểm tra, quản lý hoạt động đầu tư, khai thác phát triển du lịch ở các vùng giáp ranh; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung trao đổi thông tin, kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y và thủy sản, cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thú y và thực phẩm; giới thiệu các mô hình, địa chỉ, nhu cầu mua bán nông sản của các tỉnh, thành phố trong vùng trên hệ thống thông tin của ngành; quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các tỉnh giáp ranh... Hà Nội và các địa phương cũng chủ động phối hợp để khắc phục những tồn tại trong quản lý sông, đê điều, phối hợp kiểm tra, bảo vệ công trình thủy lợi gắn với bảo vệ môi trường...

- Ở các chương trình hợp tác trước đây, liên kết giữa các địa phương còn rời rạc, chưa có sự phát triển đột phá. Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Thành phố ban hành Chương trình triển khai kế hoạch điều phối phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020, trong đó có rất nhiều nội dung quan trọng về các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường... Việc triển khai phối hợp, ngoài các địa phương còn cần sự điều phối của Chính phủ, các bộ, ngành. Về phía mình, Hà Nội đã chỉ đạo tập trung triển khai trên một số lĩnh vực quan trọng, như công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông - vận tải, quản lý khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Tôi cho rằng, sự tham gia, đóng góp của TP Hà Nội đối với Vùng KTTĐ Bắc Bộ rất quan trọng. Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ cùng các địa phương trong vùng phối hợp rà soát các quy hoạch, bảo đảm tính kết nối; cùng giải quyết các vấn đề chung của vùng, như phát triển hạ tầng; phát triển công nghiệp có lợi thế, hàm lượng kỹ thuật cao; tạo nên các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của cả nước, cũng như tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu; bảo vệ môi trường, phòng, chống tệ nạn, giữ gìn an ninh trật tự…

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Hà Nội còn cần đến sự đồng thuận của các địa phương trong vùng; làm sao cụ thể hóa nhiệm vụ từng địa phương, tránh tình trạng dàn hàng ngang, thiếu trọng tâm trọng điểm.

Việc ban hành chương trình nói trên, với mục tiêu khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương và toàn vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng, cùng khai thác các lợi thế so sánh của vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung, là bước đi quan trọng. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của Vùng KTTĐ Bắc Bộ là một trong những vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững.

- Việc hợp tác triển khai trên nhiều lĩnh vực và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của Thủ đô cũng như các địa phương bạn. Thông qua chương trình này, Hà Nội sẽ làm gì để giới thiệu, khai thác thế mạnh của mình?

- So với cả nước, quy mô diện tích toàn Vùng KTTĐ Bắc Bộ chiếm 4,7%, dân số chiếm 17,1% nhưng quy mô tổng thu nhập trên địa bàn chiếm 29,4%, đóng góp giá trị xuất khẩu 30,3%, đóng góp ngân sách quốc gia 31,8%. Riêng Hà Nội đóng góp 52,4% tổng thu nhập, 24,4% kim ngạch xuất khẩu, 51,1% thu ngân sách nhà nước của toàn vùng. Với vai trò là "đầu tàu", Hà Nội đã chủ trì tổ chức thành công hội nghị hợp tác nói trên. Đến nay, nhiều lĩnh vực đạt được kết quả khá nổi bật, như kết nối hạ tầng giao thông vận tải, liên kết phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch...

Để khai thác thế mạnh của mình, thời gian tới, Hà Nội đặc biệt tập trung đổi mới công tác kế hoạch, xây dựng quy hoạch theo hướng chất lượng, sát thực và hiệu quả; từ đó đưa ra giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích liên kết đầu tư trong vùng. Công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển tổng thể của vùng được coi là yếu tố quan trọng để định hướng liên kết, liên doanh phát triển trong vùng, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp địa phương. Sớm hình thành khung thể chế để theo dõi, đánh giá việc lập, thực hiện kế hoạch hằng năm và 5 năm, cũng như các quy hoạch phát triển khác trong giai đoạn 2016-2020.

Cũng rất cần đôn đốc thực hiện kế hoạch, đánh giá kết quả và hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị trong thời gian vừa qua; xây dựng kế hoạch hoàn thành các dự án trọng điểm; xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng cho giai đoạn 2016-2020; ưu tiên hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường...

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.