Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng tăng trưởng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp

Thanh Nga| 01/10/2017 06:09

(HNM) - Tính đến hết tháng 8-2017, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11%, mức cao so với dự báo. Đáng chú ý, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép



Thuận lợi cho “nới” tăng trưởng tín dụng


- Câu chuyện có nên “nới” tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đang là đề tài được quan tâm, bàn luận trên các diễn đàn. Theo ông, với mức “nới” khoảng 20-21%, thậm chí là 22% thay vì 18% như kế hoạch từ đầu năm, mức áp dụng cho từng ngân hàng nên như thế nào?

- Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay. Dư nợ tín dụng cần được đẩy lên cao hơn hoặc bằng 20%, tăng trưởng tín dụng trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô. Nếu tăng trưởng tín dụng được “nới” lên 20%, dự kiến, dư nợ tín dụng tăng thêm khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.

Theo tôi, “room” tăng trưởng tín dụng cao thấp tùy thuộc vào quy mô ngân hàng lớn, nhỏ. Bởi, với những ngân hàng lớn, chỉ cần “nới” 1% tăng trưởng tín dụng có thể tương đương với 10% ở các ngân hàng nhỏ. Do vậy, với những ngân hàng lớn, tăng trưởng tín dụng có thể áp dụng mức hơn 18%, còn ngân hàng nhỏ hơn có thể ở mức 16-18%, để tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 18-20%.

- Cũng không phải không có lý khi nhiều người lo ngại nếu “nới” tăng trưởng tín dụng lên cao có thể đẩy nền kinh tế vào rủi ro, bởi những ám ảnh về nợ xấu vẫn chưa qua. Vậy, điều kiện kinh tế hiện nay có thuận lợi cho việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng không, thưa ông?

- Theo tôi được biết, cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh. Những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ. Những yếu tố thuận lợi này là điều kiện quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tính đến kịch bản mở thêm “room” tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Từ những ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)... đến nhiều ngân hàng quy mô nhỏ hơn đều có kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay khả quan, dư nợ tín dụng cũng gần đạt mức “room” Ngân hàng Nhà nước cho phép. Bản thân LienVietPostBank cũng đã đạt mức tín dụng cao trong 8 tháng năm 2017. Do đó, như những ngân hàng khác, LienVietPostBank cũng xin phép Ngân hàng Nhà nước được nới “room” tăng trưởng tín dụng.

Những điều kiện kinh tế hiện tại thuận lợi cho việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng nhằm tăng cung tiền tệ, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Đó là lạm phát liên tục ở mức dưới 2%, dự báo năm 2017 cũng chỉ khoảng 3%, trong khi lãi suất điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước đối với tái cấp vốn là 5%/năm, lãi suất trái phiếu chính phủ do Bộ Tài chính phát hành là 5%/năm, lãi suất trần ngắn hạn tiền gửi là khoảng 5%/năm.

Xử lý dứt điểm nợ xấu, giảm lãi suất cho vay

- Quay lại đề tài nợ xấu, dù không còn là vấn đề quá “nóng” nhưng chưa phải đã hết lo ngại vì tỷ lệ này vẫn cao. Với sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2017, theo ông, nợ xấu sẽ được xử lý triệt để?

- Trong hơn một năm qua, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu chỉ dưới 3%, gần đây là 2,46%, tương đương khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Dù các chuẩn mực phân loại nợ hiện đã ở mức độ cao hơn, sát thực hơn, nhưng rõ ràng, ai cũng thấy có phần nợ xấu còn nằm ở những nơi khác. Vấn đề là phải có cơ chế tháo gỡ để công khai minh bạch hơn, từ đó có con số chính xác hơn.

Nếu đi tìm thêm con số nợ xấu “lộ thiên”, đơn giản là cộng các khoản nợ xấu ở ngân hàng với nợ xấu chưa xử lý tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì vào khoảng 208 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,8%. Con số này là rõ ràng, nhưng chưa phải tất cả bởi có một khối lượng nợ đang tiềm ẩn là nợ xấu. Nếu cộng cả phần này, tổng nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống hiện không dưới 10% - đây là con số thực chất. Trước đây đã có nhiều biện pháp từng được áp dụng để xử lý nợ xấu. Chẳng hạn như khoảng bốn năm trước, một lượng lớn nợ đáng lẽ đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại, nên không bị tính là nợ xấu.

Nếu không có quyết sách cho cơ cấu lại nợ, chắc chắn sẽ không có sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp, cũng như của nền kinh tế như hiện nay. Tại thời điểm đó, nếu bắt các doanh nghiệp và hệ thống các tổ chức tín dụng gánh trọn toàn bộ nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chắc chắn đã có nhiều ngân hàng thương mại sụp đổ, nhiều doanh nghiệp phá sản. Mặc dù phát huy tác dụng trong một thời gian dài, nhưng đến nay, giải pháp trên đã hết sứ mệnh, không thể tiếp tục lạm dụng. Bởi vậy, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15-8-2017 sẽ là những cơ chế, giải pháp mạnh để xử lý dứt điểm nợ xấu.

- Theo ông, mặt bằng lãi suất hiện nay đã hợp lý chưa? Liệu có còn dư địa để giảm lãi suất cho vay, bởi doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào động thái này từ các ngân hàng để có cơ hội vay vốn giá rẻ phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào cuối năm?


- Tôi cho rằng, nền kinh tế đang có những điều kiện tốt để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Khả năng giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%/năm so với mức hiện nay là hoàn toàn khả thi trong điều kiện nền kinh tế có nhiều yếu tố hỗ trợ. Đó là áp lực tăng tỷ giá không lớn, cộng với việc lạm phát được duy trì dưới mức thấp, có thể chưa đến 4% sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm.

Báo cáo tình hình kinh tế của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế cho việc giảm lãi suất những tháng cuối năm như áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn (đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%). Lạm phát nhiều khả năng dưới mục tiêu đề ra (4%); việc phát hành trái phiếu chính phủ những tháng còn lại của năm chỉ còn khoảng 20% kế hoạch, trong khi lợi suất các kỳ hạn đã giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 giúp giảm bớt áp lực với lãi suất… Tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực, ước tính hết tháng 8-2017 tăng hơn 11% so với cuối năm 2016 và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%), chiếm 45,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%); tín dụng trung, dài hạn ước tăng 8,8% (cùng kỳ năm ngoái tăng 11,1%) chiếm 54,1% tổng tín dụng.

Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định với tín dụng VNĐ chiếm chủ yếu trong tổng tín dụng (91,5%) trong khi tín dụng ngoại tệ là 8,5%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng 11,5%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (1,7%) và tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Tín dụng VNĐ ước tăng 11% so với cuối năm 2016.

Xét về cơ cấu tín dụng theo ngành nghề và lĩnh vực hầu như không thay đổi nhiều so với cuối năm trước. Tỷ trọng tín dụng với ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 31,2%; ngành dịch vụ khoảng 37,4%; các ngành nông, lâm, thủy sản và thương mại, vận tải, viễn thông vẫn duy trì ổn định.

- Riêng đối với LienVietPost Bank, ông có chia sẻ gì về những kế hoạch phát triển của ngân hàng trong tương lai?

- Trước mắt, ngân hàng sẽ tìm một số công ty để thành lập công ty tài chính vi mô kết hợp với mô hình tiết kiệm bưu điện, thậm chí sẽ xem xét đến các ngân hàng nhỏ, ngân hàng 0 đồng. Hiện nay, LienVietPostBank đang đứng ở vị trí 12/35 ngân hàng, nhưng mục tiêu mà LienVietPostBank hướng tới là vị trí thứ 5 hoặc thứ 6 sau 4 ngân hàng thương mại nhà nước, với giải pháp là mua bán - sáp nhập và thay đổi cơ cấu cổ đông với đối tượng trong nước và nước ngoài, đặc biệt hướng tới một số mô hình công ty.

Tuy nhiên, về cơ cấu cổ đông, LienVietPostBank sẽ giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này ở mức 5% vốn điều lệ thay vì mức 25% như quy định. Bởi, nếu mở rộng cửa là để cho nước ngoài chọn mình, còn khép bớt cửa để mình chọn nước ngoài. Do đó, nếu để “room” 30%, sẽ có rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài, còn khóa 25% lại, chỉ còn “room” 5% là để chọn một cổ đông nước ngoài thật lớn.

Ngân hàng cũng sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2017, với lãi suất cam kết 8%/năm, với giá phát hành bằng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và không hạn chế chuyển nhượng. LienVietPostBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nâng vốn lên 7.500 tỷ đồng, thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tăng trưởng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.