Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Thống Nhất| 19/11/2017 06:39

(HNM) - Nhiều năm qua, những thành tựu của ngành Giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Kết quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017)...



Chuyển biến toàn diện

- Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục Thủ đô được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng Bằng khen. Kết quả đó thể hiện cụ thể thế nào, thưa ông?

- Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được kết quả toàn diện. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn. Công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp dần đi vào nền nếp, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Đây cũng là năm toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2016, vượt chỉ tiêu 26 trường, đạt 140% kế hoạch. Chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, bảo đảm chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm.

- Năm học 2017-2018, toàn ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với vai trò “đầu tàu”, ngành Giáo dục Thủ đô tập trung những công việc gì để tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

- Trên cơ sở 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; căn cứ chương trình công tác của thành phố, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục Thủ đô đề ra 9 nhiệm vụ, cũng là những giải pháp trọng tâm để tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TƯ và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phương hướng chung của toàn ngành là tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng học đi đôi với hành. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng

- Thưa ông, ngành Giáo dục Thủ đô có nhiều thuận lợi song cũng đối mặt với không ít khó khăn. Vậy, đâu là giải pháp ngành đang tập trung triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục?

- Việc tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục vừa được coi là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để tạo điều kiện thầy dạy tốt, trò học tốt. Trong đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của ngành trong những năm qua và những năm tiếp theo. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy hoạch, bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội thời gian qua đã huy động được sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và đạt kết quả khả quan với tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn ở mức 57%, cao nhất cả nước, tạo cho thầy và trò có điều kiện phát huy tối đa khả năng trong dạy và học. Những hạng mục thiết yếu trong nhà trường như nhà vệ sinh, hệ thống đèn, quạt, nước, cây xanh... cũng đang được tích cực đầu tư, cải tạo.

- Những hạn chế về cơ sở vật chất là một trong những tồn tại của ngành. Giải pháp nào sẽ được tập trung triển khai để giải quyết vấn đề này, nhất là trong bối cảnh quy mô học sinh ở Thủ đô đang ngày càng tăng?

- Trong những năm qua, dù đã nhận được sự quan tâm của thành phố và các địa phương, song cơ sở vật chất của nhiều trường học vẫn thiếu. Để bảo đảm tất cả học sinh có chỗ học, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc cải tạo, mở rộng, xây mới trường, lớp; phân tuyến tuyển sinh... Ngành Giáo dục đang rà soát hiện trạng mạng lưới trường học tại từng quận, huyện, thị xã, trên cơ sở đó xây dựng và trình UBND thành phố xem xét điều chỉnh “Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã phê duyệt năm 2012. Việc điều chỉnh nhằm tiếp tục xác định và bố trí quỹ đất dành cho trường học theo cơ cấu và loại hình, đồng thời cân đối, bảo đảm quỹ đất dành cho trường học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, hạn chế tình trạng quá tải. Trên cơ sở hiện trạng mạng lưới trường lớp tại từng khu vực, ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan sẽ có những đề xuất cụ thể trong việc điều chỉnh, bổ sung trường lớp nhằm bảo đảm quy định mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất một hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS công lập.

Đầu tư cho lực lượng chủ lực

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI xác định phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ngành Giáo dục Hà Nội phải làm gì?

- Ngành Giáo dục Hà Nội sẽ quyết liệt đổi mới toàn diện theo hướng sâu sát, hiệu quả; đi trước, đón đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục triển khai các mô hình đào tạo mở, tiên tiến; đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường đầu tư cho các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học; chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo gắn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.

- Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò chủ lực. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ triển khai ra sao, thưa ông?

- Ngành Giáo dục luôn xác định việc đầu tư cho đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Những năm qua, đội ngũ nhà giáo của Thủ đô không ngừng hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực; đẩy mạnh việc bồi dưỡng thường xuyên đến từng giáo viên; quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn...

- Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến triển khai trong 1-2 năm tới. Theo ông, đâu là những vấn đề mà nhà giáo của Thủ đô cần hoàn thiện?

- Ngoài yêu cầu về chuyên môn, đội ngũ nhà giáo cần tập trung phát triển kỹ năng nghề nghiệp, trong đó có việc lập kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện vùng, miền; bảo đảm sự tích hợp kiến thức trọng tâm theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc tính giáo dục địa phương. Đây là khâu yếu nhất của giáo viên hiện nay, đòi hỏi mỗi giáo viên phải tích cực, chủ động hơn nữa trong cập nhật các nội dung bồi dưỡng, đồng thời không ngừng tự học để hoàn thiện, trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Hà Nội đang tích cực mở rộng việc dạy chương trình song bằng tú tài, chương trình tin học quốc tế tại một số trường. Học xong chương trình tin học quốc tế tại các trường THPT, học sinh được cấp chứng chỉ MOS có giá trị tương đương với chứng chỉ tin học nâng cao theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, được một số trường đại học trong nước và quốc tế cho phép sử dụng thay môn tin học. Việc mở rộng chương trình này không chỉ góp phần đào tạo nguồn nhân lực có nhiều ưu thế đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế, mà còn là cơ hội để đội ngũ nhà giáo phát triển hơn.

- Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo - điều ông vừa nói có ý nghĩa như thế nào?

- Hà Nội là nơi khởi nguồn của nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua về xây dựng chất lượng đội ngũ, làm lan tỏa toàn ngành, trong đó có cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”... Đây là tiền đề để Hà Nội thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” trong suốt 10 năm qua. Nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào, cuộc vận động lớn như “Dạy tốt - Học tốt”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Đây là những cuộc vận động, phong trào mang tính nghề nghiệp sâu sắc, khích lệ mỗi nhà giáo không ngừng hoàn thiện, xứng đáng là những nhà giáo mẫu mực, là tấm gương sáng để học trò noi theo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.