Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực ứng phó với thời tiết bất lợi để giành vụ xuân thắng lợi

Đào Huyền thực hiện| 25/02/2018 07:10

(HNM) - Vụ xuân được coi là vụ sản xuất chính trong năm. Tuy nhiên, sản xuất vụ xuân năm 2018 đang đối diện với nhiều khó khăn của thời tiết, do rét đậm, rét hại kéo dài, đúng vào thời kỳ cao điểm gieo cấy lúa xuân.

Ông Nguyễn Xuân Đại.


Linh hoạt ứng phó với thời tiết

- Ông nhận định thế nào về những thách thức trong sản xuất vụ xuân năm 2018?

- Thời tiết vẫn là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp Hà Nội. Ngay từ đầu vụ, rét đậm, rét hại kéo dài, dự kiến rét có thể đến đầu tháng 4. Theo dự báo, tổng lượng mưa toàn mùa tại Bắc Bộ giảm từ 15 đến 20% so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, vụ xuân còn đối diện với nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, nhất là bệnh đạo ôn, rầy, bệnh lùn sọc đen tiềm ẩn từ vụ mùa, qua vụ đông trên cỏ lồng vực, lúa chét, ngô... có thể diễn biến phức tạp khó lường. Hệ thống thủy lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư sửa chữa nên năng lực tưới, tiêu của một số công trình còn hạn chế...

- So với các địa phương, Hà Nội có truyền thống gieo cấy lúa xuân muộn. Thời điểm gieo trồng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, liệu có ảnh hưởng đến khung thời vụ, thưa ông?

- Nhận định những khó khăn của sản xuất vụ xuân, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã sớm phối hợp với các địa phương để bàn giải pháp, trong đó chuẩn bị đầy đủ cơ cấu giống, vật tư, phân bón, thời vụ và các biện pháp, kỹ thuật thâm canh lúa xuân. Theo kế hoạch, toàn thành phố gieo trồng 120.000ha cây trồng vụ xuân, trong đó diện tích lúa là 97.870ha. Trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc làm đất đổ ải, tập trung gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ.

Trước đó, các địa phương cũng đã tổ chức ra quân làm thủy lợi mùa khô, nạo vét các cửa khẩu dẫn nước... bảo đảm cấp đủ nước cho cây trồng. Các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố cũng đã điều tiết hợp lý, tiết kiệm nước tưới, điều chỉnh phù hợp để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập trung lấy nước trữ vào kênh tiêu, hồ, đầm, ruộng trũng phục vụ tưới dưỡng, chống hạn vụ xuân. Đối với diện tích gặp khó khăn về nguồn nước, các địa phương đã chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn...

- Để giảm thiểu nguy cơ rủi ro do thời tiết, sâu bệnh gây ra, Sở NN&PTNT đã định hướng cơ cấu giống lúa gieo cấy vụ xuân như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, thưa ông?

- Nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, ngay từ đầu vụ xuân, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống cho từng loại cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện để tránh điều kiện bất lợi của thời tiết. Theo đó, cơ cấu giống lúa vụ xuân năm 2018 của thành phố gồm: 40% nhóm giống lúa năng suất, 45% giống chất lượng và 15% giống lúa lai. Còn giống cây rau, màu gồm: Rau cải, cải bắp, cà rốt, bầu, bí, đậu, ngô lai, ngô nếp chất lượng cao...

Trong cùng một trà, các giống có thời gian sinh trưởng dài hơn thì bố trí gieo trồng đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ. Đối với cây màu, tranh thủ đất có độ ẩm tiến hành gieo trồng sớm, tập trung trong tháng 2, đầu tháng 3. Vấn đề đặt ra, nông dân phải tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời cần thường xuyên thăm đồng để điều chỉnh lượng nước, phân bón phù hợp...

Chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

- Thưa ông, thời tiết diễn biến bất thường hiện nay gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp. Vậy ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có biện pháp gì để khắc phục?

- Tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm là những giải pháp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó, trong vụ xuân năm 2018, cùng với thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, lụt bão bảo vệ mùa màng, ngành Nông nghiệp Hà Nội chủ động tham mưu với thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu lại trồng trọt. Trọng tâm là rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất và có kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Cùng với đó, ưu tiên đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất. Tiếp đó là tổ chức sản xuất sản phẩm cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt...

Ngoài ra, Sở NN&PTNT quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt mối liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất giống lúa; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho cây rau chế biến, rau an toàn, hoa, cây ăn quả... Đồng thời, tạo ra các vùng nguyên liệu với quy mô lớn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mang lại lợi ích cho nông dân.

- Ông có thể nói rõ hơn mục tiêu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Hà Nội?


- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của toàn ngành Nông nghiệp Hà Nội. Mục tiêu, đến năm 2020, thành phố sẽ đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, sớm đưa vào hoạt động các khu sản xuất, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần rất nhiều yếu tố như cơ chế, chính sách phải sát thực tế và sự vào cuộc tích cực của cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp. Vốn, đất đai, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cũng là những điều kiện không thể thiếu. Trong chuỗi phát triển giá trị nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân giữ vai trò trung tâm để tạo ra sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển. Ðể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rất cần những người nông dân có kiến thức về sản xuất công nghệ cao. Họ chính là người tiếp thu công nghệ, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị cao và cũng là một trong những người được hưởng lợi từ thành quả của hoạt động này.

- Bên cạnh những thuận lợi, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Cũng giống nhiều địa phương của cả nước, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang gặp không ít khó khăn, thách thức khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đơn cử, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường trong các vùng, khu sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Đất nông nghiệp phần lớn đều do cá nhân, hộ gia đình quản lý có quy mô nhỏ nên khó đưa công nghệ cao vào sản xuất. Việc bố trí mặt bằng sạch để triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu. Nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng lãi suất còn cao, việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn, đồng thời cơ chế lựa chọn nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng chưa thật sự thông thoáng, nhiều thủ tục phức tạp nhất là yêu cầu về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2.000... Tất cả đòi hỏi ngành phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết những khó khăn trên.

- Thưa ông, thời điểm hiện tại, ngành Nông nghiệp Hà Nội có khuyến cáo gì đối với nông dân và các địa phương?

- Thông thường, sau Tết Nguyên đán thời tiết nắng ấm dần, đủ nước, đủ mạ, vật tư, phân bón, nông dân các địa phương cần tập trung gieo cấy trà xuân muộn. Dự kiến, thành phố sẽ gieo cấy xong lúa xuân trước ngày 10-3. Cùng với đó, tập trung cung cấp đủ nước tưới dưỡng cho cây lúa mới gieo cấy. Duy trì mực nước trong ruộng từ 2 đến 3cm để cây lúa đẻ nhánh thuận lợi và chống chịu với thời tiết rét đậm, rét hại có thể xảy ra. Bón đủ lượng phân bón để cây lúa đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển ổn định, không bón phân khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 15 độ C. Cần tăng cường bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ứng phó với thời tiết bất lợi để giành vụ xuân thắng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.