Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải luôn chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai

Kim Nhuệ| 20/05/2018 06:24

(HNM) - Những năm qua, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân không được chủ quan, phải luôn chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội Chu Phú Mỹ.


Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

- Thiên tai diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nặng nề nếu không có phương án chủ động phòng, chống. Xin ông cho biết năng lực công trình phòng, chống thiên tai hiện nay, nhất là hệ thống đê điều của thành phố?

- Hà Nội có 20 tuyến đê chính dài gần 627km, trong đó hơn 37km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp I, 45km đê cấp II… Ngoài ra, Hà Nội còn 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km chưa được phân cấp. Dọc các tuyến đê có 144 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài gần 172km; 190 cống qua đê, 279 giếng giảm áp, 234 cửa khẩu, 367 điếm canh đê, 75 kho bãi vật tư phòng, chống lụt bão... Nhìn chung, hệ thống đê chống lũ thường xuyên và hệ thống đê phân lũ đều đáp ứng đủ khả năng chống lũ theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế.

Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, vật liệu không đồng nhất, nhiều năm không được thử thách với lũ lớn… nên hệ thống đê điều của TP Hà Nội tiềm ẩn nhiều hiểm họa; khi xảy ra mưa lớn, lũ lớn, đã xuất hiện nhiều sự cố. Năm 2017, mưa lũ đã gây ra 61 sự cố cho hệ thống đê điều của TP Hà Nội. Đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội xác định, trên các tuyến đê của thành phố còn 16 vị trí trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra sự cố khi phải ứng phó với lũ lớn, dài ngày.

- Ngoài nguyên nhân khách quan, như ông phân tích, năng lực của hệ thống công trình phòng, chống lũ lụt, úng ngập bị suy giảm còn do sự chủ quan của con người?


- Đúng vậy. Hiện nay, sự chủ quan của con người thể hiện trong cách “ứng xử” với các công trình phòng, chống thiên tai. Thực tế trên địa bàn thành phố còn tồn đọng hàng nghìn trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi. Các hành vi xây dựng nhà ở, lều lán, tập kết vật liệu xây dựng… trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi hoặc xả rác thải vào hệ thống kênh mương, cống tiêu, thoát nước… không chỉ làm suy giảm năng lực chống lũ lụt, ngập úng mà còn gây ra các sự cố, hư hỏng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm quy định bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, như: Quy định pháp luật về quản lý, xử lý vi phạm còn bất cập; ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm bảo vệ công trình chống lũ lụt, úng ngập của một số người dân và chính quyền cấp cơ sở chưa cao…

- Thành phố luôn coi trọng công tác phòng, chống thiên tai, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra. Theo ông, ngoài sự bất thường của thời tiết, còn có những hạn chế gì trong công tác này?

- Nghiêm túc đánh giá công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong những năm qua, nhất là năm 2017, tôi cho rằng những thiệt hại không hoàn toàn do yếu tố bất thường của thời tiết mà còn do chính con người. Điều này biểu hiện ở chỗ, một số địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ rừng ngang, sạt lở đất. Một số địa phương chưa tổ chức tập huấn, diễn tập, trang bị kỹ năng, kiến thức tự phòng, chống thiên tai cho nhân dân; chưa quyết liệt ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi... Ngoài ra, còn có sự chủ quan do nhiều năm nay khu vực TP Hà Nội chưa xảy ra lũ lớn; các đơn vị, địa phương chưa phải ứng phó với tình huống thiên tai bất thường.

Chủ động phương án phòng ngừa

- Ông nhận định như thế nào về diễn biến thời tiết năm nay? Thành phố đã có phương án gì để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, thưa ông?

- Theo cơ quan Khí tượng thủy văn, năm 2018, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra nhiều trận mưa lớn, diện rộng. Thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường. Vì vậy, công tác phòng, chống lũ lụt của thành phố sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Chống úng ngập cho khu vực nội thành và ngoại thành; chống úng trong sản xuất nông nghiệp; bảo đảm an toàn đê điều, chống lũ ở các sông trên địa bàn thành phố...

Đối với hệ thống đê điều, trong những năm qua, thành phố đã tập trung củng cố, nâng cấp, tu bổ, làm kè chống sạt lở, cứng hóa mặt đê, làm đường hành lang chân đê, trồng tre chắn sóng ở những điểm xung yếu. Từ năm 2017 đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư gần 505 tỷ đồng xử lý cấp bách 19 công trình, cải tạo, nâng cấp 5,37km đường hành lang đê, 5 kho vật tư chống lụt bão, gia cố kết cấu hơn 12km đê, xử lý tổ mối trên 10,465km đê; cải tạo, nâng cấp 30 điếm canh đê; chỉnh trang 2,815km mái đê.

Ngoài ra, thành phố cũng đã cho phép tiếp tục đầu tư, xử lý cấp bách 35 sự cố nghiêm trọng; yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, theo dõi 26 sự cố nhỏ; lập phương án bảo vệ 16 vị trí trọng điểm, xung yếu trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, Quy hoạch hệ thống đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được lập, đang xin ý kiến thỏa thuận của bộ, ngành trung ương. Theo đó, dự kiến tổng vốn đầu tư cho hệ thống đê điều, thoát lũ và các công trình khác vào khoảng 45.342 tỷ đồng.

Đối với hệ thống chống úng ngập trong nội thành, bước vào mùa mưa năm nay, thành phố cũng đã đầu tư, xóa được 5/18 điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn các quận: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình; đưa vào vận hành 3 trạm bơm thoát nước: Cổ Nhuế, công suất 12m3/s; Đồng Bông I, công suất 8m3/s và Đồng Bông II, công suất 9m3/s. Hệ thống kênh mương, cống tiêu thoát úng ngập được nạo vét, duy tu bảo đảm thông thoáng dòng chảy, đưa nước nhanh nhất về các trạm bơm tiêu, 100% các tuyến mương tiêu thoát nước chính được nạo vét; các cửa xả ra sông được vệ sinh...

- TP Hà Nội sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp nào để công tác phòng, chống thiên tai có tính chủ động, tích cực và hiệu quả bền vững, thưa ông?

- Để chủ động phòng ngừa, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải khắc phục ngay tư tưởng chủ quan: Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai sát thực tế, địa hình của địa phương; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai; tập trung, kiên quyết xử lý và có biện pháp ngăn ngừa phát sinh các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng kỹ năng ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố tiếp tục tham mưu, đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố phương án huy động các nguồn lực để thực hiện các quy hoạch đê điều, phòng, chống lũ trên các tuyến sông, xây dựng các trạm bơm Liên Mạc, Đông Mỹ, Yên Thái để hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội thành, bảo vệ sản xuất nông nghiệp…

- Ngày 22-5 hằng năm là “Ngày truyền thống Phòng, chống thiên tai của Việt Nam” để khẳng định phòng, chống thiên tại không chỉ là nhiệm vụ của các ngành, các cấp chính quyền mà còn là nhiệm vụ của toàn dân. Nhân dịp này, ông muốn gửi gắm điều gì?

- Thực tiễn 20 năm qua, mỗi năm thiên tai đã làm hơn 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Dự báo thời tiết có xu thế ngày càng cực đoan, bất thường, khốc liệt hơn... Vì vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, để Thủ đô phát triển bền vững, TP Hà Nội luôn xác định công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Cách đây 72 năm, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai ngày nay. Ngày 21-3-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 89/HĐBT lấy ngày 22-5 hằng năm là “Ngày truyền thống Phòng, chống thiên tai của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 cũng nêu rõ: Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải luôn chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.