Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bổ sung nguồn, nâng chất lượng cấp nước sạch

Dạ Khánh| 21/10/2018 07:03

(HNM) - Theo Kế hoạch 131/KH-UBND (ngày 11-6-2018) của UBND TP Hà Nội về triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố, đến năm 2020, 100% người dân khu vực đô thị và nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng.


Cùng với đó, thành phố bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại, bảo đảm chất lượng nước cấp đạt tiêu chuẩn uống tại vòi. Thế nào là nước sạch uống được tại vòi? Cần đầu tư như thế nào để nhân rộng việc cấp nguồn nước này?

Nhân việc Nhà máy Nước mặt sông Đuống vừa khánh thành giai đoạn I và khởi công giai đoạn II với mục tiêu cung cấp nguồn nước sạch đạt chất lượng tiêu chuẩn cho 1/3 dân số Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Bổ sung nguồn nước sạch cho Thủ đô

- Nhà máy Nước mặt sông Đuống vừa khánh thành có ý nghĩa như thế nào trong tình hình cấp nước sạch hiện nay?

- Khi chưa có nguồn nước mặt sông Đuống bổ sung, nguồn nước cung cấp cho TP Hà Nội vào khoảng 950.000-1.000.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho khu vực đô thị. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu nước sạch trong mùa hè luôn thường trực, cộng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số cơ học, thành phố cần bổ sung 70.000-100.000m3 nước/ngày đêm.

Trong khi nguồn nước ngầm sụt giảm, tuyến cấp nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đà thường trực nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đường ống, thì việc tìm hướng tăng thêm nguồn cấp nước là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, thành phố rất quan tâm vấn đề cấp nước cho cả khu vực nông thôn, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng một tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cho cả hai khu vực đô thị và nông thôn.

Việc đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy Nước mặt sông Đuống công suất 150.000m3/ngày đêm tại thời điểm này là rất quan trọng và kịp thời, góp phần bổ sung nguồn cấp nước cho toàn bộ 5 huyện ở phía Đông Bắc thành phố và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn ở phía Nam thành phố.

- Được biết, tỷ lệ cấp nước đô thị Hà Nội hiện đạt gần 100%. Song, tại khu vực nông thôn, người dân tiếp cận nguồn nước sạch mới đạt gần 52%. Để đến năm 2020, 100% người dân đều được sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn, Hà Nội đã có kế hoạch như thế nào?

- Trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, TP Hà Nội đã xác định phát triển hệ thống nước sạch là một khâu ưu tiên, đột phá. Để bổ sung nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân cả khu vực đô thị và nông thôn, năm 2018, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương cho 20 nhà đầu tư thực hiện 31 dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, với mật độ phủ mạng lưới cấp nước đạt 88%.

Đồng thời, UBND thành phố cũng đã giao các nhà đầu tư triển khai 5 dự án phát triển nguồn, gồm Dự án xây dựng Trạm cấp nước Dương Nội (Hà Đông) công suất 30.000m3/ngày đêm; Dự án cải tạo nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì (huyện Đông Anh) đạt công suất 150.000m3/ngày đêm; Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn II do Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà thực hiện, nâng công suất cấp cho Hà Nội từ 220.000m3/ngày đêm lên 300.000m3/ngày đêm; Dự án xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm do Công ty CP Nước mặt sông Hồng thực hiện; Dự án xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống giai đoạn 1 công suất 150.000m3/ngày đêm do Công ty CP Nước mặt sông Đuống thực hiện. Trong các dự án này, như đã biết, Nhà máy Nước mặt sông Đuống vừa được khánh thành giai đoạn I, khởi công giai đoạn II.

Dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì cũng đã được Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - chủ đầu tư dự án hoàn thành.

- Được biết, Nhà máy Nước mặt sông Đuống bảo đảm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn uống tại vòi. Vậy tiêu chuẩn nước sạch uống tại vòi là như thế nào, thưa ông?


- Hiện quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại Việt Nam đang được áp dụng theo 3 quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành. Thứ nhất là QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng (109 chỉ tiêu) đối với nước dùng để ăn uống, nước dùng cho các cơ sở để chế biến thực phẩm. Thứ hai là QCVN 02: 2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng (14 chỉ tiêu) đối với nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường. Thứ ba là QCVN 6-1: 2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai.

Với việc cấp nước sạch đô thị tại Hà Nội, hiện các đơn vị cấp nước đều đáp ứng quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống, trong đó có Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, đây là nước tại nhà máy trước khi được bơm phân phối qua hệ thống tuyến ống truyền tải cho các khu vực dùng nước. Từ nhà máy đến nhà dân, chất lượng nước có thể thay đổi. Ví dụ như chất lượng đường ống truyền tải có thể bị nhiễm bẩn. Hoặc như nước trước khi tới các hộ tại nhà chung cư cao tầng, còn qua bể ngầm, bơm lên bể mái. Nếu các bể này không được thau rửa sạch, có thể khiến chất lượng nước khi tới người sử dụng không còn bảo đảm đủ 109 chỉ tiêu theo QCVN 01:2009/BYT.

Thực hiện tiêu chuẩn nước uống tại vòi theo Kế hoạch 131/KH-UBND, hiện UBND thành phố đang giao Sở Y tế hoàn thành báo cáo Bộ Y tế, Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn, ban hành tiêu chuẩn về nước sạch uống trực tiếp tại vòi và lộ trình thực hiện, làm cơ sở để các đơn vị cấp nước triển khai.

Nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch


- Là nhà máy cấp nước được đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị xử lý nước tiên tiến, xin ông cho biết giải pháp công nghệ mà Nhà máy Nước mặt sông Đuống sử dụng?


- Nhà máy Nước mặt sông Đuống là dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc, khi hoàn thành toàn bộ bảo đảm đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân). Các hạng mục nhà máy nước được thiết kế, vận hành tự động hóa hoàn toàn. Đó là nhờ chủ đầu tư dự án đã mua sắm, tiếp nhận và lắp đặt đồng bộ thiết bị dây chuyền xử lý nước mặt với công nghệ hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức với tiêu chuẩn của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.

Nước thô từ sông Đuống được bơm đưa về hồ sơ lắng rồi bơm lên dây chuyền xử lý nước, loại bỏ hoàn toàn hàm lượng cặn, sau đó được khử trùng và dẫn vào bể chứa nước sạch. Nước sau xử lý bảo đảm các yêu cầu theo QCVN 01:2009/BYT.

- Nâng cao chất lượng hệ thống cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn cùng một tiêu chuẩn là yêu cầu được thành phố đặt ra. Trong khi hiện tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn còn khá thấp so với đô thị, chất lượng nước lại chưa đồng đều. Hà Nội đã làm những gì để triển khai nhiệm vụ này, thưa ông?

- Hà Nội định hướng phát triển cấp nước cho thành phố là ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt (sông Đà, sông Đuống, sông Hồng) và dần thay thế nguồn nước ngầm. Tiếp đó là sự thay đổi trong cách làm. TP Hà Nội chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển cấp nước. Để hoàn thành mục tiêu cấp nước đến năm 2020 phấn đấu 100% khu vực nông thôn được đầu tư hệ thống nước sạch, đến nay thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã, khoảng 614.340 hộ với gần 2,5 triệu người.

Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên khoảng 94%. Đặc biệt, với sự điều chỉnh trong quản lý, Sở Xây dựng hiện là đầu mối duy nhất quản lý về nước sạch; từ đó bảo đảm sự thống nhất về chất lượng nước cùng một quy chuẩn; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước...

- Ông có thể đánh giá về thực trạng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội hiện nay? Cần thực hiện giải pháp nào để nâng cao chất lượng cấp nước, bảo đảm nước đạt tiêu chuẩn uống tại vòi?

- Việc cấp nước đang được giao cho 4 đơn vị là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) và Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). Hiện trạng các nhà máy nước được đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn với các tiêu chuẩn xây dựng khác nhau. Mạng lưới đường ống không đồng bộ ảnh hưởng đến chất lượng nước. Mặc dù những năm gần đây nhiều dự án đầu tư, cải tạo, lắp đặt tuyến ống được triển khai nhằm mục đích bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng cấp nước nhưng việc đầu tư chưa kịp thời, vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với cấp nước nông thôn, nhiều công trình cấp nước tập trung được hình thành từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên chất lượng nước không đồng đều. Tại một số nhà máy nước công nghệ xử lý đã lạc hậu, chất lượng nước nguồn suy giảm, có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng; thiếu trang thiết bị vận hành...

Thực hiện Kế hoạch 131/KH-UBND, UBND thành phố đang yêu cầu các đơn vị đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh các dự án theo tiến độ được duyệt; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung công nghệ lọc nước tiên tiến; xây dựng kế hoạch sản xuất nước, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước, kế hoạch thay thế đường ống đã xuống cấp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước của Bộ Y tế.

Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp trong đầu tư cấp nước trên địa bàn thành phố.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung nguồn, nâng chất lượng cấp nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.