Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội

ANHTHU| 14/01/2008 08:55

(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội mang tên “Hà Nội-điểm hẹn của bạn”, dành cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.

Sinh viên mỹ thuật người Ô-xtrây-li-a ký họa phố Hàng Vải.Ảnh: Thảo Nguyên

(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội mang tên “Hà Nội-điểm hẹn của bạn”, dành cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.

Sau 7 năm tổ chức, cuộc thi đã trở thành nhịp cầu quảng bá hình ảnh của thủ đô Hà Nội nghìn năm tuổi qua các thời kỳ lịch sử với bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài; mở ra cơ hội đóng góp ý kiến với đông đảo người dự thi trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát triển các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hà Nội.

Năm 2007 vừa qua là năm thứ 7 liên tiếp cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội mang tên “Hà Nội-điểm hẹn của bạn” nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi năm một chủ đề, chủ đề cuộc thi năm 2007 là: “Tìm hiểu những dấu ấn lịch sử văn hóa Khu phố cổ Hà Nội”. Sau gần 7 tháng kể từ ngày phát động (1-3-2007), BTC đã nhận được 1.239 bài thi đến từ 42 quốc gia trên thế giới, bằng 6 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Nga, Quốc tế ngữ và tiếng Việt). Người dự thi ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Có những nhà nghiên cứu về di sản, văn hóa, lịch sử, địa lý; những người làm công tác xã hội, từ thiện, giáo viên, nhà khoa học... lại có những người tham gia dự thi liên tục trong nhiều năm.

“Thành phố Hà Nội cần hạn chế, tốt hơn hết là cấm các phương tiện giao thông (xe máy, xe buýt, ôtô..) hoạt động trong khu phố cổ. Để việc này không trở thành vấn đề nan giải, TP cần xây dựng một số bãi để xe ở ngoại vi TP, nơi khách du lịch và người dân địa phương có thể thuê xe đạp hay xích lô, nếu như không có khả năng thực hiện những cuộc đi bộ du ngoạn. Bên cạnh đó, nên hạn chế các phương tiện giao thông hoạt động trên các phố nằm trong khu phố cổ. Những dãy nhà cổ cần dành cho người đi bộ tham quam, khám phá, thưởng thức vẻ đẹp của khu phố cổ. Những địa điểm đặc biệt lý thú, nên đặt biển chỉ dẫn, những nơi có kỷ vật quan trọng nên gắn bảng chú giải ngắn...” - Đó là một trong 5 đề xuất của bạn Khô-va-ê-va Ê-ca-tơ-ri-na I-go-rơ-vơ-na, 15 tuổi, học sinh trường PTTH Nga, thuộc ĐSQ Liên bang Nga tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi mở “Bạn có ý tưởng nào đóng góp vào việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội ?”.

Là thí sinh đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi năm 2007, Khô-va-ê-va chia sẻ, đề tài về phố cổ mà BTC đề ra khiến cô suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là việc bảo tồn Khu phố cổ của Hà Nội trong tương lai. Cô viết bài dự thi này rất nhanh, chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, vì đây là đề tài cô đã ấp ủ từ lâu.Khô-va-ê-va cho biết, hai năm nữa khi trở về Nga, cô sẽ giới thiệu với các bạn mình về đất nước, lịch sử và con người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ông Sáp-lanh Phi-líp, 51 tuổi, Chủ tịch Liên đoàn di sản quốc gia, Phó Thị trưởng phụ trách về di sản của TP Buốc La Ren (Pháp), người đoạt giải Nhất cuộc thi năm nay lại đưa ra 36 đề xuất về Hà Nội 36 phố phường, trong đó tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là việc bảo vệ các di tích lịch sử, bảo vệ môi trường, phát triển khu phố cổ và phát triển các nguồn thu nhập khác cho TP. Trong khi đó, Lắc-mi-xa Rai, một nam sinh viên ấn Độ, người đã tham gia cuộc thi nhiều năm liền và đều đạt giải cao cho biết, trong những khía cạnh thuộc lịch sử của Hà Nội, việc bảo tồn và khôi phục những di tích của phố cổ là điều phức tạp và đầy thách thức. Vì thế những nhà khoa học phải làm thế nào giữ lại những giá trị lịch sử cùng với thời gian, để phố cổ Hà Nội, với những giá trị văn hóa và lịch sử của mình thực sự là một điểm du lịch cho tất cả mọi người khắp thế giới.

Theo bà Vũ Thị Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội, Đại diện BTC cuộc thi, thành công lớn nhất của cuộc thi là ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Từ mấy chục người tham gia trong những năm đầu, đến nay đã có hàng ngàn người thuộc gần 100 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc thi, đưa ra nhiều sáng kiến về bảo tồn, phát triển và tôn tạo những di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội.

Đình Hiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.