Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràm chim Tháp Mười

ANHTHU| 05/07/2008 06:35

(HNM) - Mặc dù đi từ sớm, lúc chúng tôi đến Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thì mặt trời đã lên được một con sào. Văn phòng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nhộn nhịp khách vào ra. Mùa này, mùa sếu bay về cũng là mùa du khách tấp nập đến với Tràm Chim...

Đàn sếu đầu đỏ trên đồng cỏ Vườn Quốc gia Tràm Chim.

(HNM) - Mặc dù đi từ sớm, lúc chúng tôi đến Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thì mặt trời đã lên được một con sào. Văn phòng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nhộn nhịp khách vào ra. Mùa này, mùa sếu bay về cũng là mùa du khách tấp nập đến với Tràm Chim...

Chiếc xuồng máy rẽ nước đưa chúng tôi đến một địa điểm có thể quan sát một góc “cánh đồng hoang” mà sếu đầu đỏ đang về kiếm ăn. Dọc theo con kênh, tiếng phành phạch của chiếc xuồng máy khiến từng đàn cò, đàn chim vụt bay tán loạn. Thi vị nhất là khi chạy qua những đoạn kênh sen mọc dầy đặc, hương thơm ngan ngát... Tôi hỏi anh Lê Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường của vườn: “Năm nay sếu đầu đỏ về được bao nhiêu rồi anh?” Anh Tâm trả lời: “Được hơn 60 con rồi anh ạ!”. “Năm sếu về nhiều nhất thì được bao nhiêu?”. “Hằng năm, cứ từ tháng 1 sếu đầu đỏ về Tam Nông kiếm ăn, năm ngoái về nhiều hơn cả, chúng tôi đếm được 225 con”.

Chúng tôi dừng xuồng leo lên một bờ mương. Đứng ở đây có thể quan sát được cánh đồng mênh mông trước mặt. Đó là cánh đồng đã được tháo cạn nước làm bãi đáp cho sếu kiếm ăn. Từng đàn cò trắng, gà nước thấy người, ào ạt bay lên, trả lại sự yên tĩnh cho cánh đồng. Giám đốc Tâm chỉ tay về phía xa xa nói: “Các anh thấy chưa, sếu đầu đỏ kia kìa!” Anh giải thích: “Cứ 3 con cụm lại kiếm ăn với nhau. Đó là gia đình nhà sếu”. Được biết, ở Tràm Chim này anh Tâm là một “cuốn từ điển sống” về loài sếu, hỏi đâu anh nói đó, toàn những điều bất ngờ với du khách về loài sếu đầu đỏ. Anh lần lượt đưa ống nhòm cho mọi người quan sát. Qua ống kính máy ảnh, tôi nhìn rõ mồn một những “gia đình” sếu đang cần mẫn kiếm ăn, cụm lại 3 con một!

Theo các nhà khoa học thì loài sếu đầu đỏ đã xuất hiện trên trái đất tròn 60 triệu năm, cùng thời với loài bò sát khổng lồ. Nó có mặt ở mọi châu lục. Sếu Canada là loài chim hiện tại cổ nhất trong các loài chim và nó không thay đổi gì trong vòng 9 triệu năm. Rất nhiều loài chim trên thế giới có chân dài, cổ dài, mỏ dài như diệc, cò, giang sen nhưng không phải là sếu. Cái khác nhau là cò lớn, diệc, và cò trắng có ngón chân sau dài, làm tổ trên cây, có khi trên nóc nhà! Còn sếu đầu đỏ và các loài sếu khác có ngón chân út ngắn và cao hơn những ngón khác, vì thế chúng không thể đỗ trên cây. Tổ của chúng luôn ở trên mặt đất và chúng làm tổ đơn độc. Sếu con nở ra sau vài giờ là có thể đi kiếm ăn một mình. Sếu có một tình yêu rất chung thủy, chúng “kết hôn” cả đời. Nếu chẳng may một trong hai con chết, con kia mới... đi bước nữa! Khi mùa xuân đến, chúng nhảy múa để ghép đôi. Điệu múa này được diễn ra ở tất cả các đôi. Khi bay, cổ và chân sếu duỗi thẳng, người ta dễ nhận ra một đàn sếu đang bay. Nó còn được nhận biết vì tiếng kêu to và vang xa hàng 2-3 cây số. Tiếng kêu độc đáo này do khí quản đặc biệt dài tạo nên hiện tượng cộng hưởng âm thanh, giống như những ống xoắn của kèn trompet.

Ở Đồng Tháp Mười như Tràm Chim (Tam Nông), sếu kiếm ăn từ ếch nhái, côn trùng, củ năn mọc trên bãi đã cạn, sau đó tìm đến các đầm nước để uống và tắm. Vì thế, nhất thiết phải có những khu ngập nước rộng lớn mới có thể nhử sếu về được! Ở Tràm Chim hiện nay, khu ngập nước hoang hóa được quy hoạch là hơn 7.000 héc ta! Người có công gây dựng Vườn Quốc gia Tràm Chim này bác Mười Nhẹ (Nguyễn Xuân Trường). Lớn lên ở vùng Đồng Tháp, tuổi nhỏ bác Mười đã say mê những đàn sếu, giang sen, già đẫy, bồ nông, cồng cộc... của Tháp Mười hoang sơ. Chính bác đã từng bắt được sếu non đưa về nhà nuôi. Trong 2 cuộc chiến tranh ác liệt, lăn lộn tại Đồng Tháp, bác Mười đã nghĩ đến ngày đất nước độc lập sẽ khôi phục lại Tràm Chim để dụ sếu về quê hương! Đến năm 1989, Vườn Quốc gia Tràm Chim ra đời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhờ công đầu của bác Mười. Vì thế bà con Đồng Tháp gọi bác là “Ông Mười sếu”! Và cũng từ đó, khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài, biết đến Tràm Chim. Hiện nay hằng năm có 5-6 ngàn du khách đến tham quan Tràm Chim, trong đó 30% là khách quốc tế. Giám đốc Tâm cho tôi hay, năm 2007 vừa qua có 26 đoàn quốc tế đến làm việc, chủ yếu là các nhà khoa học môi trường và sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, đến để nghiên cứu, tìm hiểu và... thích thú!

Lê Phú Khải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràm chim Tháp Mười

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.