Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa du lịch hành hương: Cảnh giác với các loại “cò”

Xuân Lộc| 22/02/2013 06:32

(HNM) - Sau Tết Nguyên đán, làn sóng du lịch hành hương, lễ hội bắt đầu tăng mạnh. Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp lữ hành đã nỗ lực thiết kế những hành trình mới mẻ, hấp dẫn để thu hút du khách.

Theo đánh giá chung của các đơn vị lữ hành, lượng khách đi tour hành hương trong dịp sau Tết chiếm tỷ lệ từ 40 đến 60% tổng số khách đăng ký. Dự kiến, mùa du lịch lễ hội năm nay sẽ có mức tăng trưởng đột biến. Thậm chí với các sự kiện lễ hội lớn như Yên Tử, chùa Hương, Bái Đính hay khám phá danh thắng và lễ hội ở vùng đất di sản miền Trung và Nam bộ có thể xảy ra hiện tượng "cháy" tour.

Du khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Bá Hoạt


Có thể thấy, khi đời sống kinh tế xã hội dần cải thiện thì hoạt động tâm linh, tín ngưỡng cũng tăng lên. Thêm vào đó, sự chuyên nghiệp hóa trong công tác tổ chức của các công ty du lịch khiến người dân cũng thay đổi thói quen. Nếu như trước đây, họ phải tự thuê xe và tự đứng ra tổ chức hành hương thì nay họ đã đặt tour qua các đơn vị lữ hành. Chính vì vậy, lượng khách đặt tour lễ hội trong những năm gần đây đã có sự thay đổi. Bà Nguyễn Thị Hồng Đào (Công ty Du lịch Vietravel) cho rằng, trong ba năm trở lại đây, cứ sau Tết Nguyên đán là nhu cầu du xuân lễ chùa lại tăng cao. Du lịch mùa lễ hội, không chỉ để cầu may mà còn là dịp để du khách trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo và khám phá cảnh sắc thiên nhiên ở mọi miền Tổ quốc. Những điểm đến thu hút đông đảo du khách là chùm tour hành hương miền Bắc hướng tới Yên Tử, Bái Đính kết hợp đi Hạ Long, Sa Pa, đền Đô. Xuôi về phương Nam, không thể bỏ qua Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Tây An cổ tự - điểm hành hương quan trọng của tỉnh An Giang và vùng lân cận.

Với loại hình du lịch hành hương, các tour thường được thiết kế từ một đến 2 ngày phù hợp với thời gian và mức chi phí của du khách. Tuy nhiên, cũng có những tour hành hương kéo dài tới hơn 10 ngày để đáp ứng nhu cầu của du khách ưa thích khám phá, thưởng ngoạn. Phổ biến là các tour như chùa Hương, đền Trần - Phủ Giầy, Yên Tử, Yên Tử - Hạ Long - Cửa Ông, Bái Đính - Tràng An, Tây Thiên, Lạng Sơn - Đền Mẫu. Riêng tại Vietravel, chùm tour hành hương 2013 đã nhận được những tín hiệu tích cực của thị trường. Nét nổi bật của chùm tour này chính là mức giá giảm đến 3 triệu đồng, dịch vụ khách sạn cao cấp từ 3 đến 4 sao, khởi hành đều đặn hằng tuần, thời gian từ 2 đến 6 ngày, phù hợp với yêu cầu của từng du khách. Saigontourist lại tiên phong triển khai chùm tour khám phá di sản Thành nhà Hồ với 2 chương trình đặc sắc: Thanh Hóa - Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng và Thanh Hóa - Ninh Bình - Hà Nội. Du khách có dịp khám phá những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ, nơi khởi phát nền văn hóa Đông Sơn. Chương trình này đang khá hấp dẫn du khách phương Nam với nhiều tuyến điểm mới.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp lữ hành, từ nay đến hết tháng hai âm lịch, tour hành hương, lễ hội sẽ chiếm chủ đạo với khách nội địa. Để không phải lo lắng về giá dịch vụ trong mùa cao điểm, du khách nên đăng ký tour trọn gói vì có thể yên tâm với việc ăn ở, đi lại và chuyên tâm cho chuyến hành hương đầu năm. Đi tour tự túc có thể rẻ hơn nhưng thực tế nhiều người đã gặp phải cảnh "dở khóc, dở cười" khi giá thuê xe, giá dịch vụ ăn uống, lưu trú bị "chặt chém" mà chất lượng lại không như ý.

Bà Nguyễn Thị Hồng Đào đưa ra lời khuyên, đây là mùa trẩy hội, vì vậy, lượng khách hành hương rất đông nên du khách cần lưu ý một số điều để chuyến đi thành công tốt đẹp, đạt được ước nguyện. Do phải đi bộ và leo núi nhiều nên du khách phải mang giày đế mềm, có độ bám tốt để tránh trơn trượt. Mặt khác, trang phục thoải mái, nhưng đồng thời phải lịch sự, kín đáo để hợp với đền chùa linh thiêng. Hầu hết các điểm hành hương đều tồn tại rất nhiều loại "cò" như: "cò" đò, "cò" xe, "cò" vé, "cò" nhà nghỉ, thậm chí cả "cò" ăn… Chính những đối tượng này sẽ gây cho du khách nhiều sự phiền toái không đáng có. Nếu thông qua "cò", không chỉ mất tiền, trả giá đắt hơn mà đôi khi du khách còn mất thời gian chờ đợi. Ngoài ra, du khách cũng nên cẩn thận khi sử dụng dịch vụ mang vác hành lý thuê để tránh bị mất cắp và chỉ sử dụng dịch vụ của những người có thẻ hành nghề do Ban quản lý di tích cấp. Đối với dịch vụ bán hàng rong, mỗi nơi bán một giá khác nhau, khách mua nên trả giá xuống 70%, nếu không mua phải kiên quyết từ chối nếu không muốn bị đeo bám đến cùng. Tại khuôn viên đền, chùa, không đổi tiền lẻ của những người mời chào vì sẽ mất phí. Tốt nhất là chuẩn bị sẵn tiền lẻ để bỏ thùng công đức. Tuyệt đối không chụp hình tại các gian thờ, tượng Phật. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, lượng khách đông nên mọi người khi đi hành hương không nên đeo túi to. Hãy đeo túi nhỏ đựng đồ dùng cần thiết ở phía trước, không đeo sau lưng vì dễ bị kẻ gian móc túi. Đối với những du khách ăn cơm chay, phải bổ sung thêm sữa để bảo đảm sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa du lịch hành hương: Cảnh giác với các loại “cò”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.