Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh thức đại ngàn

Sa Chi| 13/12/2013 06:40

(HNM) - Chỉ còn hơn mười ngày nữa, Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 với chủ đề

Du khách nước ngoài tại Tây Nguyên.



Sức hút từ đại ngàn

Bây giờ, nhắc đến vùng đất đỏ Tây Nguyên, người ta không chỉ nhớ về không gian văn hóa cồng chiêng, kho tàng văn hóa dân gian với những sử thi, trường ca Đam San, kiến trúc nhà rông, các ca khúc rực lửa hay hương vị nồng nàn của "vương quốc café"... Sức hút của đại ngàn Tây Nguyên còn đến từ vẻ đẹp của những bản làng ẩn mình trong màu xanh ngút ngàn núi rừng, là hệ thống hồ đập, thác nước hùng vĩ, hay chỉ đơn giản là nắng, gió và vẻ đẹp hoang sơ của dã quỳ - biểu tượng cho sức sống Tây Nguyên (loài hoa đặc trưng có mặt ở 5 tỉnh Tây Nguyên và được chọn là logo của Năm Du lịch quốc gia 2014). Theo ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên không chỉ có một đỉnh cao mà là cả vùng cao nguyên trải dài qua 5 tỉnh: Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và Đắk Lắk; đó là: Cao nguyên Lâm Viên, cao khoảng 1.500m so với mực nước biển; cao nguyên Kon Tum, cao 500m; cao nguyên Kon Hà Nừng, Pleiku cao khoảng 800m... Tất cả các cao nguyên được bao bọc bởi những dãy núi cao, tạo cho chúng dáng vẻ vừa hoang sơ vừa kỳ vĩ. Và ẩn trong sự hoang sơ, kỳ vĩ đó là tiềm năng đa dạng của hệ sinh thái rừng nguyên sinh chưa được khám phá, là sức hấp dẫn phong phú của hoa, lá, động thực vật tại các vườn quốc gia nổi tiếng: Chư Prong (Gia Lai), Yok Don, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng), Chư Mom Ray (Kon Tum).

Bên cạnh những điểm nhấn mời gọi từ núi rừng, sự hấp dẫn của du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ không thể tỏa sáng nếu thiếu đi nét văn hóa dân tộc đặc trưng: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - một "Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại đã được UNESCO công nhận, hay các pho sử thi truyền miệng, các lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho… "Chính những giá trị văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và đặc sắc đó đã tạo ra sự khác biệt riêng có của vùng đất Tây Nguyên để chúng tôi tự tin xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền" - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến TM-ĐT&DL Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương nhấn mạnh.

Liên kết để phát triển

Nắng, gió, hoa, cà phê, rừng xanh, thác nước hùng vĩ và những nét văn hóa đặc trưng của 45 dân tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên chắc chắn sẽ hút du khách đến tìm hiểu, khám phá nếu các địa phương xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo, liên kết chặt chẽ giữa các điểm đến của cả 5 tỉnh. Những điểm đến, như Biển Hồ, Thủy điện Yaly (Gia Lai), khu du lịch Tà Ðùng, thác khói hùng vĩ
Ðraysap (Ðắk Nông), khu du lịch sinh thái làng Cù Lần, thung lũng Vàng (Lâm Ðồng)... cho thấy đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Ngành du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên cũng đã nỗ lực biến tiềm năng ấy thành nguồn lợi, đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Với thiên đường hoa Ðà Lạt, du lịch tỉnh Lâm Đồng trong thời điểm kinh tế khó khăn vẫn đạt bước tiến ổn định, đến hết tháng 10 năm nay, Lâm Đồng đã đón hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 3,2% so cùng kỳ, doanh thu ước đạt 5.230 tỷ đồng. Du lịch Đắk Lắk cũng đã đón 182.500 lượt khách trong 6 tháng của năm 2013, doanh thu đạt 174 tỷ đồng. Du lịch Kon Tum tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng lượng khách đến thời gian gần đây cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, cũng giống như chương trình du lịch "Con đường di sản" miền Trung, do vẫn thiếu liên kết nên lợi ích từ khai thác du lịch "con đường xanh Tây Nguyên" không đồng đều. Các điểm nhấn hút khách tập trung chủ yếu tại các thị trường truyền thống, còn những điểm đến mới vẫn ở tình cảnh mời gọi đầu tư... Theo bà Mai Hoan Niê Kđăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Lắk, chỉ cần một phần ba trong tổng số khách du lịch đến Ðà Lạt hằng năm ghé qua Ðắk Lắk thì du lịch ở đây đã phát triển hơn rất nhiều. Ðặc biệt là tỉnh Ðắk Nông, nơi mà ngành du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, sản phẩm hầu như chưa có gì càng rất cần đến sự liên kết, chia sẻ, hợp tác du lịch với 4 tỉnh còn lại. Lý do của sự thiếu liên kết hiện nay nằm ở mức độ quan tâm tới ngành du lịch ở mỗi tỉnh khác nhau. Ðơn cử, trên quãng đường gần 200km dọc theo quốc lộ 27, từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến với Đà Lạt (Lâm Đồng), có một số điểm đến kết nối du lịch hai tỉnh rất tốt nhưng lại chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng để liên kết hai bên cùng có lợi, như: Tại hồ Lắk, cùng với trải nghiệm thú vị trên lưng voi là chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ mênh mông của hồ trên núi bằng những chiếc thuyền độc mộc; ngắm vẻ hùng vĩ của thác Dray Nur, ngọn thác lớn và đẹp nhất Tây Nguyên...

Vì vậy, Năm Du lịch quốc gia 2014 được kỳ vọng là sợi dây xâu chuỗi các tuyến, điểm du lịch của 5 tỉnh với nhau. Theo đó, nhiều tuyến du lịch kết nối mới sẽ được triển khai, như tuyến Ðà Lạt theo quốc lộ 27 sang Buôn Ma Thuột hòa vào quốc lộ 14 đi qua Pleiku (Gia Lai) để sang cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum)... Không chỉ mở ra cơ hội mới cho các đơn vị làm du lịch, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2014 còn mang đến nhiều lợi ích chung cho toàn vùng Tây Nguyên. Sự kiện này sẽ tạo cú huých, đánh thức tiềm năng du lịch đại ngàn Tây Nguyên, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trên nhiều phương diện: Chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực du lịch; kết nối các giá trị di sản, văn hóa; phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch mới…

Năm Du lịch quốc gia 2014 sẽ chính thức khai mạc vào cuối tháng 12-2013 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) với chủ đề xuyên suốt là: "Đại ngàn Tây Nguyên". Biểu trưng (logo): Hoa dã quỳ - loài hoa biểu tượng cho sức sống Tây Nguyên. Có khoảng 45 sự kiện chính thức do Bộ VH,TT&DL cùng các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum tổ chức. Theo đó có 9 chương trình du lịch đặc trưng, 17 sự kiện tiêu biểu, trong đó 13 sự kiện diễn ra tại Đà Lạt, 4 sự kiện diễn ra tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Năm du lịch sẽ được khởi đầu bằng sự kiện Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (27-12-2013), chính thức mở màn bằng Festival Hoa Đà Lạt 2014 (Tết dương lịch) và Tuần lễ Văn hóa khai mạc Năm Du lịch quốc gia. Tiếp đến là các sự kiện được trải đều trong suốt 12 tháng của năm 2014.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức đại ngàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.