Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc: Liên kết vùng lỏng lẻo

Lâm Vũ| 06/09/2014 07:55

(HNM) -Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần. Chuyến khảo sát diễn ra trong 6 ngày cho thấy tiềm năng du lịch tâm linh của vùng này rất lớn nhưng việc khai thác chưa đạt hiệu quả.


Nguồn tài nguyên du lịch tâm linh phong phú

Chúng tôi đến Hải Dương vào một ngày cuối tháng 8, với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về Côn Sơn - Kiếp Bạc. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương Khổng Quốc Tuân nói: Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi địa linh nhân kiệt, hội tụ nhiều danh nhân của các thời đại và là nguồn tài nguyên du lịch tâm linh đúng nghĩa. Ở vùng này có chùa Côn Sơn, một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Chùa đã qua trùng tu, mở rộng vào năm 1304, từng là quần thể kiến trúc lộng lẫy nguy nga với 83 gian.

Cách chùa Côn Sơn không xa là di tích Kiếp Bạc, nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập phủ đệ, quân doanh, tạo phòng tuyến chiến lược trấn giữ vùng Đông Bắc. Dân địa phương lập đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Vương. Ở khu di tích Kiếp Bạc còn có nhiều di tích khác như: Sinh Từ, Viên Lăng, Dược Sơn, Cồn Kiếm...

Tiềm năng về du lịch tâm linh chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Trọng Hải



Vốn quý ở Hải Dương được nối dài nhờ tiềm năng của "láng giềng" Quảng Ninh, nơi có hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa các loại. Nói về du lịch tâm linh và tính liên kết vùng trong chiến lược phát triển giữa hai địa phương này, có thể và cần tính tới di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử cũng như khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại huyện Đông Triều. Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ninh cho biết, Trung tâm Phật giáo Yên Tử nằm ở phía đông thành phố Uông Bí, cách Thủ đô Hà Nội 115km. Đây là quần thể di tích lịch sử danh thắng đặc biệt, trải dài gần 20km trong tổng thể đồi núi, có đỉnh cao tới 1.068m, cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng. Yên Tử thực sự nổi tiếng khi vua Trần Nhân Tông đến đây vào tháng 4 năm 1236. Gắn với quá trình phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể công trình kiến trúc gồm 11 chùa và hàng trăm lăng tẩm, am, tháp, bia, tượng.

Quảng Ninh còn có khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần, quần thể di tích lăng mộ, đền, chùa của triều Trần tại huyện Đông Triều. Hiện nay, quần thể này có 14 công trình được quy hoạch trên diện tích 2.206ha. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn nhiều tài nguyên nhân văn độc đáo có giá trị nổi trội như: đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn (thành phố Hạ Long), chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí)…

Liên kết vùng, bài toán chưa có lời giải

Trong những ngày theo đoàn khảo sát, điều gây ngạc nhiên với nhiều người là hệ thống di tích tại vùng duyên hải Đông Bắc, tuy rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nhưng chưa thu hút được lượng khách tương xứng tiềm năng, có vẻ chưa sẵn sàng hướng về du lịch. Tại Kiếp Bạc, việc hướng dẫn khách chưa làm thỏa mãn người tham quan, biển giới thiệu di tích rất ít và thông tin được cung cấp khá sơ sài. Theo bà Hoàng Thị Kim Vân (Công ty cổ phần Thương mại du lịch Sen Rừng), đội ngũ thuyết minh viên ở đây chưa được đào tạo bài bản, thường chỉ giới thiệu sơ qua về lịch sử hình thành, thời điểm được trùng tu chứ chưa thể hiện đầy đủ giá trị của điểm đến. Bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Giám đốc chi nhánh Hà Nội (Công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt) cũng bày tỏ sự không hài lòng: "Khi đưa khách vào chùa, tiếng thuyết minh viên qua micro quá lớn đã phá hỏng không gian đặc trưng của Phật giáo".

Ở Yên Tử, phong cảnh thiên nhiên rất hoàn hảo. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những cột ăng ten chi chít ở đây đã phá vỡ cảnh quan xung quanh, khách tham quan rất vất vả mới có thể tìm cho mình một chỗ đứng để ngắm cảnh. Các mặt hàng lưu niệm ở đây rất đơn điệu. Đã cất công lên tới chùa Đồng, nơi cao nhất của Yên Tử, ai cũng muốn mang về một thứ gì đó để làm kỷ niệm, nhưng chỉ có một số sản phẩm khánh, vòng đá từ nơi khác mang tới. Ở Yên Tử, đường lên có những đoạn rất khó đi nhưng không có lan can bảo vệ khách, cũng không có trạm y tế. Không ít khách tham quan tự hỏi, chẳng may mình bị trượt chân thì sẽ ra sao? Bà Vũ Thị Thanh Hà - Giám đốc Easy Tour cho rằng Yên Tử nên làm một vài chòi quan sát, có thể không cần mái để khách có chỗ đứng an toàn, thưởng ngoạn phong cảnh, chụp ảnh. Yên Tử cũng nên chuẩn hóa nội dung hướng dẫn khách tham quan. Cụ thể, nên kết hợp với các nhà văn hóa, nhà sử học để thể hiện các đặc điểm, giá trị nổi bật của điểm đến.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Bởi vậy, những thiếu sót mang tính riêng lẻ ở từng điểm đến chưa quan trọng bằng mối liên kết lỏng lẻo giữa các thành tố trong vùng duyên hải Đông Bắc. Ông Trịnh Đăng Thanh cho biết thêm: Khu vực Yên Tử, Đông Triều (Quảng Ninh) chưa thực sự gắn kết với Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương hay xa hơn là đền Trần ở Nam Định. Khách du lịch thường chỉ đến một điểm và đi - về trong ngày nên hiệu quả chưa cao. Quảng Ninh đón 5,75 triệu lượt khách trong 8 tháng của năm 2014, gần một nửa trong số đó là khách hành hương nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 3.502 tỷ đồng.

Để du lịch phát triển thì không thể từng địa phương đứng ra quảng cáo điểm đến của mình, mà cần tạo mối liên kết chặt chẽ nhằm phát huy, bổ sung thế mạnh. Sự liên kết chặt chẽ giúp nối dài và tăng chất lượng tour, tuyến, khiến du khách có nhu cầu đi dài ngày hơn, tiêu nhiều hơn. Các nhà quản lý đều nhận thức được điều đó, song việc thực hiện vẫn chưa đem lại hiệu quả. Đó là một thực tế mà ngành du lịch các tỉnh vùng duyên hải Đông Bắc cần khắc phục trong thời gian tới nếu muốn thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển xứng với tiềm năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc: Liên kết vùng lỏng lẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.