Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết “đồng sàng dị mộng”?

Lâm Vũ| 12/10/2014 06:19

(HNM) - Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 diễn ra từ ngày 9 đến 12-10 là dịp để

Quy mô và những điểm mới

Thủ đô Hà Nội với lịch sử nghìn năm là nơi tập trung nhiều làng nghề, trong đó nhiều làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời nhất cả nước. Minh chứng rõ nhất là khu phố cổ 36 phố phường mà ở đó mỗi tên phố thường bắt đầu bằng chữ "Hàng", chỉ một ngành nghề thủ công nhất định. Đây chính là những phường nghề có nguồn gốc từ các làng nghề thủ công truyền thống ở nhiều địa phương lên kinh thành Thăng Long lập nghiệp.

Du khách quốc tế tham quan làng lụa Vạn Phúc, một trong số ít làng nghề của Hà Nội “sống được” nhờ phát triển du lịch. Ảnh: Linh Ngọc


Sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội ôm trọn mảnh đất trăm nghề Hà Tây, trở thành nơi có số lượng làng nghề, phố nghề lớn nhất Việt Nam, với hơn 1.350 làng nghề, trong đó có 224 làng nghề truyền thống và 47/53 nhóm nghề trên cả nước. Hà Nội thực sự là nơi hội tụ, giao lưu, kết tinh và lan tỏa những tinh hoa của làng nghề tới mọi miền đất nước. Cùng với sự phát triển đi lên của thành phố, vai trò của làng nghề truyền thống Hà Nội ngày nay không đơn thuần là nơi cung cấp những sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm thủ công truyền thống xuất khẩu mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 với sự tham gia của 366 gian hàng đã khẳng định sự lớn mạnh cũng như vai trò mới đó của các làng nghề Thủ đô. Liên hoan còn là nơi gặp gỡ của các đơn vị lữ hành nhằm tìm ra những điểm mạnh, lạ, độc đáo để liên kết khai thác phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Điểm đặc biệt của liên hoan là du khách không chỉ tham quan hoạt động thao diễn tay nghề các nghệ nhân phố nghề, làng nghề truyền thống mà còn có cơ hội được thử nghiệm, trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào một số công đoạn làm nghề. Bên cạnh đó, ngay trong những ngày diễn ra liên hoan, nhiều công ty du lịch còn tổ chức các tour trong ngày, xuất phát từ khu vực tổ chức liên hoan tới các làng nghề truyền thống của Hà Nội nhằm giúp du khách có những trải nghiệm thực tế hơn.

Cần sự bắt tay hiệu quả

Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại các tuyến điểm du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội thời gian qua vẫn cho thấy sự liên kết giữa "ba nhà" chưa theo xu hướng bền chặt, nên việc hợp tác cùng phát triển chưa đạt hiệu quả, dù tiềm năng rất lớn.

Lụa Vạn Phúc - làng nghề có tuổi đời hơn 1.000 năm, nổi tiếng bởi sự mượt mà hiếm có, hoa văn sang trọng. Giữ nghề truyền thống của cha ông, ngày nay người thợ nơi đây đã khéo léo kết hợp giữa công nghệ hiện đại để thiết kế hoa văn cùng với công đoạn dệt, nhuộm, pha sợi truyền thống tạo ra những tấm lụa mượt mà như: Vân, sa, quế, lụa... đủ màu sắc, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhờ gìn giữ được nhiều công đoạn sản xuất thủ công, truyền thống nên từ lâu làng lụa Vạn Phúc đã trở thành điểm nhấn cuốn hút du khách trên bản đồ du lịch Hà Nội và cả nước. Hằng năm, hàng vạn lượt khách nội địa và quốc tế đã đến tham quan, mua sắm tại làng nghề truyền thống này. Hiện làng Vạn Phúc còn 270 hộ giữ nghề dệt lụa, mỗi năm sản xuất khoảng 2,5- 3 triệu mét lụa, với trên 150 cửa hàng kinh doanh sản phẩm lụa.

6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ sản xuất và kinh doanh lụa đạt 30,8 tỷ đồng. Những con số trên đã cho thấy Vạn Phúc là làng nghề truyền thống làm du lịch khá thành công.

Tuy nhiên, những làng nghề "sống được" nhờ du lịch như Vạn Phúc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở Hà Nội, rất nhiều làng nghề khác, dù đã được gắn biển "điểm du lịch làng nghề" như mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, khảm trai Chuyên Mỹ... nhưng hầu như không có khách du lịch. Và ngay cả làng Bát Tràng và Vạn Phúc dù đã được các công ty lữ hành đưa vào hành trình tour, nhưng cũng chỉ khai thác được những giá trị "bề nổi". Khách du lịch đến làng nghề mới chỉ tham quan, mua sắm mà chưa chọn làng nghề làm một tour du lịch trải nghiệm, nên tính bền vững phát triển du lịch chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Kim, chủ cơ sở tranh gốm mỹ thuật Lê Anh Vũ (Bát Tràng) cho biết, hiện tượng một số người dân nhập gốm sứ từ các nơi khác về bán cũng đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của làng nghề Bát Tràng. Chính vì lẽ đó, lượng khách nước ngoài đến Bát Tràng hiện nay có phần giảm so với trước.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội thì sở dĩ du lịch làng nghề chưa phát triển là do cơ sở hạ tầng của nhiều làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Ông Dũng phân tích: "Đường vào rất nhiều làng nghề, hai ô tô con tránh nhau còn khó trong khi để tổ chức tour thì hệ thống đường phải đáp ứng yêu cầu cho xe 40, 50 chỗ. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng chưa được lưu tâm, ở nhiều làng nghề, nguyên liệu dùng để sản xuất như da trâu, vải vụn... được chất đống từ đầu làng đến ngõ xóm, gây ô nhiễm không khí rất cao, khách du lịch vì thế cũng "ngại" quay trở lại tham quan hoặc trải nghiệm cuộc sống với người dân làng nghề". Ngoài cơ sở hạ tầng còn bất cập thì sự phối hợp giữa địa phương có làng nghề với các công ty du lịch trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch còn khá mờ nhạt. Người dân tại các làng nghề chưa có kỹ năng làm du lịch, chưa ý thức hết được giá trị của du lịch đem lại cho cuộc sống của mình.

Du lịch và làng nghề vốn có mối quan hệ tương hỗ. Làng nghề tạo điểm đến hấp dẫn cho du lịch và du lịch là một đầu ra quan trọng cho làng nghề phát triển. Để du lịch và làng nghề cùng phát triển, rất cần sự hợp tác, tìm hiểu và liên kết chặt chẽ giữa công ty du lịch, nhà quản lý và các làng nghề. Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 đã góp một phần thiết thực vào việc giải quyết vấn đề trên. Hy vọng khi cái "bắt tay" giữa làng nghề, công ty du lịch, nhà quản lý chặt hơn, thực tế hơn thì du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết “đồng sàng dị mộng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.