Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp mới - thị trường mới

Vũ Hoa| 29/12/2014 06:20

(HNM) - Năm 2014, du lịch Việt Nam gặp khó khăn nhất định, khiến lượng khách từ một số thị trường truyền thống đến Việt Nam bị suy giảm. Trước tình hình này, ngành du lịch Việt Nam có những định hướng gì? Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về vấn đề trên.

- Năm 2014, du lịch Việt Nam đón nhận tin không vui từ hai thị trường quan trọng là Nga và Trung Quốc. Ông có thể đánh giá cụ thể về vấn đề này?

- Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, truyền thông đưa tin sai lệch về tình hình Việt Nam… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Do vậy, lượng khách Trung Quốc và từ khu vực nói tiếng Trung đến Việt Nam có sự suy giảm, khách du lịch từ một số thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng theo.

Cần có một hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú mang tính riêng có để thu hút khách du lịch. Ảnh: Bá Hoạt


Tổng cục Du lịch đã triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm. Chúng tôi đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa bàn du lịch trọng điểm để nắm bắt tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục; gửi thư đến cơ quan du lịch quốc gia một số nước để thông báo tình hình Biển Đông không ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch diễn ra trên đất liền và đảo ven bờ; chỉ đạo ngành du lịch các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và các doanh nghiệp du lịch, yêu cầu không có hành vi phân biệt đối xử đối với doanh nhân và khách du lịch Trung Quốc, có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã có các cuộc tiếp xúc nhằm thông báo tình hình, quan điểm của Nhà nước Việt Nam về vấn đề xảy ra tại Biển Đông, khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc và đề nghị các khách du lịch chuyển thông điệp hòa bình, hợp tác hữu nghị tới nhân dân Trung Quốc.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch và sự triển khai, thực hiện quyết liệt của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã đón 7.874.312 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 4% so với năm 2014; có 38,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 10%, tổng thu từ khách du lịch đạt 230.000 tỷ đồng, tăng 15%. Riêng lượng khách du lịch Trung Quốc đạt 1.947.236 lượt, tăng 2,1% so với năm 2013.

- Tình trạng suy giảm của nền kinh tế Nga gần đây đã gây những tác động tiêu cực như thế nào đến du lịch Việt Nam, thưa ông?

- Trong nửa cuối năm 2014, kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn, đồng ruble mất giá nghiêm trọng. Chi phí đi du lịch quốc tế được quy đổi sang đồng tiền khác, dẫn đến giá tour dành cho khách Nga tăng cao. Một bộ phận khách du lịch Nga đã quyết định tạm dừng hoặc hủy bỏ kế hoạch du lịch nước ngoài trong thời gian trước mắt; số khác suy xét kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định du lịch. Hệ quả là khách Nga đi du lịch nước ngoài suy giảm, các điểm đến của khách Nga trên thế giới đều bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. Một số công ty du lịch cho biết, tổng số khách Nga đến Việt Nam trong 11 tháng của năm 2014 chưa giảm, nhưng lượng khách mua tour cho những tháng sắp tới rất ít, tình trạng khách Nga hủy tour ngày càng nhiều. Lượng khách Nga giảm mạnh đã khiến hàng loạt dịch vụ du lịch gặp khó khăn.

- Ngành du lịch Việt Nam sẽ làm gì để vượt qua khó khăn?

- Nguyên nhân của tình hình suy giảm lượng khách du lịch Nga cơ bản đến từ những vấn đề nội tại của nước Nga, nhưng, để bảo vệ thị trường, duy trì hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch Nga, Chính phủ, nhân dân Việt Nam luôn thân thiện, sẵn sàng sát cánh với những người bạn Nga thân thiết, du lịch Việt Nam đã tập trung triển khai một số biện pháp. Cụ thể: Gặp gỡ, tiếp nhận thông tin, đề xuất của một số doanh nghiệp du lịch lớn đón khách Nga; làm việc với cơ quan quản lý du lịch tại các trung tâm đón khách Nga để bàn giải pháp chặn đà suy giảm… Một số đề xuất đã được đưa ra, chẳng hạn như doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đón khách Nga cam kết giảm giá 15 - 30%, đơn giản hóa thủ tục cấp visa cho khách Nga, tăng thời gian miễn visa cho khách Nga vào Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, nghiên cứu phương án cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách Nga trong năm 2015 như chính sách áp dụng với các doanh nghiệp có hàng hóa khuyến khích xuất khẩu, nghiên cứu phương thức trao đổi ngang giá trị theo đồng tiền ruble trên cơ sở Hiệp định liên minh thuế quan Á - Âu - Nga, Kazakhstan, Belarus và Việt Nam.

- Được biết, gần đây, Tổng cục Du lịch đã xúc tiến nhiều thị trường khác như Tây Âu, Đông Bắc Á, ASEAN và đặc biệt là thị trường Ấn Độ. Sự chuyển hướng này có ý nghĩa gì trong tình hình hiện nay?

- Đúng là gần đây Tổng cục Du lịch liên tục đón các đoàn famtrip, presstrip từ những quốc gia nói trên, tổ chức nhiều hội thảo và lập đề án nghiên cứu thị trường. Trong các thị trường nêu trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến Ấn Độ. Bởi lẽ, với 1,27 tỷ dân, theo Bộ Du lịch Ấn Độ, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 50 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Những năm gần đây, có tới 2,5 triệu người Ấn Độ sang các nước ASEAN. Vì thế, đây là thị trường du khách hàng đầu thế giới, không thể bỏ qua. Ấn Độ là một thị trường tiềm năng do đất nước này có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam trong nhiều năm qua, dân số đông và có nhiều phân khúc du khách, cả cao cấp lẫn bình dân. Mặt khác, Ấn Độ và Việt Nam có khá nhiều nét gần gũi về văn hóa nên có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác du lịch. Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam lại chiếm con số quá khiêm tốn. Khách Ấn Độ tới Việt Nam chủ yếu là khách công vụ, thương gia và các nhà đầu tư, khách đến du lịch và nghỉ dưỡng còn rất ít. Trong thời gian tới, để thúc đẩy thị trường Ấn Độ, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành triển khai các chương trình quảng cáo, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, điểm đến của Việt Nam với khách Ấn Độ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành tiếp thị sản phẩm du lịch tới du khách Ấn Độ, nghiên cứu phương án tổ chức khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm, khu vui chơi giải trí... phù hợp với thị hiếu của du khách Ấn Độ. Một số hoạt động xúc tiến, quảng bá cụ thể dự kiến sẽ triển khai tại thị trường Ấn Độ như tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế và tổ chức các chương trình phát động thị trường; đón các đoàn khảo sát là các doanh nghiệp lữ hành, báo chí của Ấn Độ sang Việt Nam khảo sát, xây dựng sản phẩm và truyền thông về du lịch Việt Nam… cũng như nghiên cứu, đề xuất với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air mở các đường bay thẳng từ Việt Nam đi các thành phố lớn của Ấn Độ…

- Ông có thể đưa ra nhận định về du lịch Việt Nam trong thời gian tới?

- Hy vọng với sự quyết tâm thực hiện kịp thời và có hiệu quả các giải pháp nêu trên, cùng với sự chuyển biến tích cực từ nước Nga anh em, khách du lịch Nga tiếp tục lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch ưa thích hàng đầu. Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đón lượng khách du lịch Nga ổn định trong năm 2015 so với năm 2014, phấn đấu đạt 1 triệu lượt khách Nga trước năm 2020. Năm 2015, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5-9 triệu lượt khách quốc tế, 41,5 triệu lượt khách nội địa. Chúng tôi tin rằng với sự chuyển hướng đúng đắn và giải pháp hiệu quả trên, mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mới - thị trường mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.