Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nạn “chặt chém” làm nản lòng du khách

Lâm Vũ| 05/01/2015 06:45

(HNM) - Dịp Tết Dương lịch năm nay, phần lớn người lao động đã có một kỳ nghỉ dài tới 4 ngày, rất thuận lợi để thu xếp một chuyến nghỉ dưỡng lý tưởng. Hơn nữa, khoảng cách giữa Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cách nhau khá xa (gần 2 tháng) nên nhu cầu đi du lịch tăng mạnh hơn những năm trước.


Giá tour ổn định, lượng khách tăng nhẹ

Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours Nguyễn Công Hoan cho biết, dịp này, tổng lượng khách của công ty đạt khoảng 1.000 người, trong đó khách đi tour trong nước là 300. Nếu như những năm trước khách chủ yếu tập trung các tuyến gần như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia thì năm nay, tỷ lệ các tuyến này giảm chỉ còn khoảng 50% thay vào đó là các tuyến xa như các điểm đến Đông Nam Á mới gồm Philippines, Bali (Indonesia), Myanmar và đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn có một số tuyến vắng khách như Trung Quốc… do những khó khăn về thủ tục visa. Tại Vietrantour, các chương trình tour được lựa chọn nhiều nhất là Hàn Quốc, Thái Lan, Dubai, Australia, vùng Kyushu - Nhật Bản, tour Sa Pa đường cao tốc mới, tour vòng cung Đông bắc, vòng cung Tây bắc…

Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước dịp Tết Dương lịch 2015. Ảnh: Bá Hoạt



Do tổng lượng khách không tăng bao nhiêu và nhu cầu đa dạng nên giá tour dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay khá dễ chịu, nhiều tour vẫn duy trì mức giá như bình thường. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt cho biết, so với mức giá thường ngày, tour Tết Dương lịch năm nay tăng chỉ khoảng 5 - 10%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (tăng 20%). Trong khi đó, nhiều dịch vụ như ăn uống, vận chuyển, phòng khách sạn… cấu thành giá một tour du lịch gần đây đã giảm nhẹ theo đà giá xăng dầu. Giá thuê xe dài ngày cho các tour miền Bắc cũng giảm, như tour 5 ngày cho một xe 45 chỗ hiện còn 10 - 12 triệu đồng, so với 15 triệu đồng trước đây. Thậm chí, có một số nơi giá phòng, dịch vụ ăn uống giảm 10 - 15%.

Ngày đầu năm mới 2015, động Phong Nha và Tiên Sơn thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã đón gần 1.000 lượt khách, trong đó có hơn 300 khách quốc tế, tăng gấp ba lần so với ngày đầu năm 2014. Trong 4 ngày Tết có 35.000 du khách đến thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), trong đó có khoảng 9.000 khách quốc tế. Trong dịp này, các khu du lịch, resort đều tổ chức lễ hội, dạ tiệc chào năm mới phục vụ khách. Các cơ sở lưu trú đạt mức sử dụng bình quân từ 60% đến 80% công suất phòng, nhiều cơ sở đạt công suất 100%. Tương tự, khách đến Đà Nẵng dịp Tết Dương lịch cũng tăng mạnh và riêng điểm đến Sa Pa đã đón 5 vạn lượt khách…

Bên cạnh những nơi đông khách, vẫn còn không ít điểm đến vắng khách, điển hình là Nha Trang. Tuyến tham quan biển đảo trên vịnh Nha Trang ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ đón khoảng 1.300 lượt khách. Trong khi đó, tại Tháp Bà Ponagar - một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Nha Trang, ngày 1-1 mới đạt hơn 1.000 lượt, giảm khoảng 30%. Theo tổng hợp của Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, nhóm khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, công suất phòng bình quân đạt trên 65%, riêng đối với nhóm các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống chỉ đạt gần 50% công suất.

Điều thú vị là trong khi các gia đình ở Hà Nội tổ chức đi du lịch ở các tỉnh thì ngược lại, người dân các tỉnh lại đổ về các tụ điểm vui chơi giải trí của Hà Nội như Vincom, Times City, Công viên Thủ Lệ… Không ít du khách chọn cho mình cách đón Tết rất giản dị đó là đạp xe dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Trong 4 ngày nghỉ lễ, ước tính số lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt khoảng 47.000 lượt, khách nội địa khoảng 200.000 lượt.

Nạn "chặt chém" vẫn còn

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa (Lào Cai), lượng khách du lịch đến Sa Pa ước đạt khoảng 5 vạn lượt người, tăng khoảng 15 đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Gần 3.000 phòng nghỉ của 200 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện đã kín khách từ trước đó cả tháng. Lượng khách lên Sa Pa tăng do kỳ nghỉ kéo dài và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã thông tuyến, rút ngắn được thời gian đi lại. Trong 4 ngày nghỉ, các khách sạn và nhà nghỉ tại đây đã cháy phòng. Giá phòng khách sạn 3 sao ngày thường khoảng 750.000 đồng nay đã tăng lên hơn 1 triệu đồng. Không ít khách không đặt trước phòng nghỉ đã phải vào các bản cách thị trấn hàng chục ki lô mét để ngủ nhà sàn. Các dịch vụ khác cũng tăng giá mạnh, như thuê xe máy ngày thường 70-80.000 đồng/xe, nay đã tăng lên 100.000 đồng, thậm chí 200.000 đồng. Xe du lịch 4-7 chỗ đưa khách vào tham quan các bản Cát Cát, Lao Chải… cách trung tâm thị trấn 8-12km giá 500.000 đồng/lượt trong 2 giờ. Dịch vụ ăn uống cũng tăng giá vô tội vạ với mức tăng 30-50%.

Tại TP Vũng Tàu, tình trạng "chặt chém" khách cũng xảy ra. Các khách sạn gần biển giá phòng tăng 600.000 - 800.000 đồng, trong khi khách sạn nằm trong hẻm, cách biển xa một chút cũng có giá trung bình 400.000 - 600.000 đồng/phòng, tăng gấp đôi so với ngày thường. Ngoài lưu trú, hàng loạt dịch vụ khác cũng tăng theo như gửi xe, ăn uống, thuê ghế, dù, áo bơi...

Tại Hà Nội, từ gần chục năm nay, hiện tượng kinh doanh kiểu "chộp giật" tuy có xảy ra nhưng không nhiều, đặc biệt dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay hiện tượng này hầu như không xảy ra. Có được điều này là nhờ Sở VH-TT&DL Hà Nội có nhiều hình thức quản lý chặt chẽ, như gửi công văn đến tất cả các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn yêu cầu không tăng giá, những cơ sở vi phạm sẽ bị phạt nặng và nêu tên trên trang web của Sở. Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL để dẹp nạn "chặt chém", cần thường xuyên giáo dục ý thức cho cộng đồng trong việc làm du lịch. Bên cạnh đó, cần áp chế tài mạnh nhằm răn đe những nơi làm ăn không nghiêm chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn “chặt chém” làm nản lòng du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.