Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch ẩm thực: Bao giờ thế mạnh được khai thác?

Lâm Vũ| 31/03/2015 07:03

(HNM) - Chịu nhiều ảnh hưởng từ tập quán cư dân cũng như các điều kiện tự nhiên khác nhau, mỗi miền Bắc, Trung, Nam có những món ăn mang đậm dấu ấn địa phương, tạo nên một nền văn hóa ẩm thực độc đáo và phong phú. Ẩm thực Việt mang tính vùng miền rõ nét.


Tiềm năng chưa được khai thác

Từ rất lâu, nhiều món ăn Việt Nam đã được báo chí nước ngoài xếp vào danh sách những món ăn ngon nhất thế giới. Năm 2006, trang web du lịch MSN của Mỹ đã bình chọn Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố có đồ ăn ngon và đáng thưởng thức nhất thế giới. Riêng hai món phở và gỏi cuốn của Việt Nam đã được CNN chọn là top 50 món ngon nhất thế giới. Ông Christian Le Squer - một trong số ít các đầu bếp được nhận 3 sao Michelin nhận xét: "Ẩm thực của Việt Nam rất nhiều tiềm năng và xứng tầm thế giới nhờ sử dụng nhiều loại hương liệu và thảo dược tươi ngon. Đặc biệt, các bạn có rất nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn nhỏ với các đầu bếp có tay nghề chất lượng cao".

Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Ảnh: Thái Hiền



Mặc dù văn hóa ẩm thực được đánh giá là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, song ngành du lịch Việt Nam gần như chưa làm gì đáng kể để khai thác thế mạnh này. Khảo sát các chương trình tour dành cho khách nước ngoài cho thấy, phần lớn các công ty lữ hành khi chào tour thường chỉ nhấn mạnh đến các điểm du lịch chứ không giới thiệu các món ăn. Cho tới hiện tại, chưa có cơ quan, tổ chức nào quan tâm, đứng ra liên kết để quảng bá cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam nên du khách nước ngoài chỉ biết đến ẩm thực của Việt Nam qua lời kể của bạn bè, người thân.

Thời gian vừa qua, một số công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng như: Fiditour, Saigontourist, Sofitel Metropol, Highway 4... cũng đã tổ chức một số tour du lịch ẩm thực cho khách nước ngoài. Ghi nhận rõ nhất từ các hoạt động trên chính là sự hào hứng và thích thú của du khách khi trải nghiệm dòng sản phẩm này. Nhưng, việc tổ chức những tour du lịch này mới dừng lại ở mức tự phát của từng đơn vị. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp "ngại" khi đi vào kinh doanh loại hình tour du lịch ẩm thực vì phải đầu tư công sức vào việc tiếp thị.

Hiện nay, việc quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam chưa được các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chú trọng. Các hoạt động liên quan tới việc quảng bá văn hóa ẩm thực chưa được tiến hành một cách có hệ thống, mang tính đặc thù riêng mà chỉ thường được lồng ghép trong các hoạt động xúc tiến du lịch nói chung thông qua việc giới thiệu một số món ăn trong các hoạt động tuần lễ văn hóa du lịch, hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

Vẫn coi nhẹ thế mạnh ẩm thực

Theo bà Phí Thị Thu Khuyên, đại diện truyền thông Vietrantour, nguyên nhân khiến du lịch ẩm thực kém phát triển là do thế mạnh này đang bị coi nhẹ. Các quốc gia thường khai thác du lịch ẩm thực thông qua việc sử dụng các hình thức như: Trình diễn quá trình chế biến trực tiếp, có sự trải nghiệm của khách hàng; tổ chức chế biến và phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn; trình chiếu các phim phóng sự, băng hình và sử dụng các hình ảnh tĩnh về văn hóa ẩm thực. Trong khi Nhật Bản có hẳn bảo tàng mì ramen hay Hàn Quốc có bảo tàng kim chi cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm này cho du khách thì Việt Nam có rất ít các điểm cung cấp dịch vụ trên và không có các điều kiện, tư liệu văn hóa ẩm thực để trình diễn cho du khách. "Ví dụ, những nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ thì đầu bếp hầu hết chỉ biết nấu món ăn Tây, Tàu. Các quán vỉa hè mang phong vị địa phương thì món ăn tuy đặc sắc nhưng lại khó bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này dẫn đến các công ty du lịch dù rất muốn đưa vào khai thác loại hình tour này nhưng chưa thể phát triển", bà Phí Thị Thu Khuyên cho biết.

Nhìn vào những nơi thành công về du lịch nhờ ẩm thực như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc... sẽ thấy sự đầu tư thích đáng của nhà quản lý đối với ẩm thực. Hằng năm, Hồng Kông tổ chức và tham gia hàng trăm sự kiện ẩm thực cả trong và ngoài nước nhằm mục đích quảng bá Hồng Kông là trung tâm du lịch với tập hợp đa dạng văn hóa ẩm thực Đông - Tây, các website về ẩm thực được thể hiện bằng 15 thứ tiếng và liên tục được cập nhật thông tin. Còn tại Hàn Quốc, theo bà Lê Thị Thu Trang, đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, hiểu được tầm quan trọng của ẩm thực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Korean Food Foundation, tạm dịch là Quỹ phát triển ẩm thực Hàn Quốc - là nơi chuyên nghiên cứu và truyền bá ẩm thực Hàn Quốc tới thế giới. Tại các thành phố của đất nước này cũng có các bảo tàng kim chi nhằm giới thiệu, giáo dục cho người dân cũng như du khách về tác dụng và sự đa dạng, tinh tế của món ăn này. Các tour du lịch cũng kết hợp các trải nghiệm tự làm kim chi cho du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dã ngoại Lửa Việt cho rằng, đã đến lúc ẩm thực cần được coi là thế mạnh lớn nhất của du lịch nước nhà và Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu, chọn lọc các món ăn tiêu biểu với đầy đủ thông tin về đặc điểm, nguồn gốc, xuất xứ, sự hình thành và phát triển, quy trình chế biến, cách thức tiêu dùng sản phẩm, ý nghĩa của món ăn và xây dựng các điểm cung cấp dịch vụ trình diễn văn hóa ẩm thực, trải nghiệm ẩm thực nhằm quảng bá mạnh mẽ và khai thác triệt để thế mạnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch ẩm thực: Bao giờ thế mạnh được khai thác?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.