Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội tới cùng thách thức

Quỳnh Phạm| 05/05/2015 06:54

(HNM) - Những thông tin tuyển sinh mới nhất cho biết, năm 2015, cả nước có khoảng 284 cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Ngay trong năm 2015, toàn ngành cần tới 90 nghìn nhân lực có trình độ đại học (ĐH) trở lên nhưng trong thực tế mới chỉ có chưa đến 22 nghìn người...


Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên thấp

PGS.TS Trần Đức Thanh, khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Một trong những định hướng được đặc biệt quan tâm của ngành du lịch là tập trung phát triển nguồn nhân lực bậc cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và cao cấp của khách du lịch cũng như xu thế phát triển của ngành. Cụ thể, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 xác định rõ ngay từ năm 2015 phải có ít nhất 90 nghìn lao động du lịch có trình độ ĐH trở lên. Trong khi đó, hiện nay mới chỉ có khoảng 3,2% số lao động toàn ngành có trình độ ĐH và trên ĐH, tức là chưa đến 20 nghìn người. Nói cách khác, hiện có gần 70 nghìn lao động trong ngành cần được trang bị trình độ ĐH và sau ĐH.

Công tác đào tạo nhân lực du lịch phải hướng tới trình độ kỹ năng của khu vực và quốc tế. Ảnh: Sơn Hà



Ở địa bàn Hà Nội hiện có không ít cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành như các trường: ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Kinh tế quốc dân, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Phương Đông, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thăng Long… Tuy nhiên, với khối lượng đào tạo như hiện nay (hằng năm đang cung cấp trên 1.000 cử nhân ĐH tốt nghiệp các ngành liên quan đến du lịch) các trường chưa thể đáp ứng được nhu cầu mà Chiến lược phát triển nhân lực ngành du lịch đã đề ra.

Ngoài sự thiếu hụt về số lượng, chất lượng đầu ra của ngành đào tạo này cũng còn nhiều điều đáng nói. Những điểm yếu của sinh viên (SV) ra trường được các nhà tuyển dụng liệt kê là kém về ngoại ngữ, thiếu hiểu biết về nền tảng pháp luật, yếu trong tác phong, phương pháp và kỹ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, đào tạo du lịch là đào tạo nghề nên rất cần các cơ sở thực hành. Các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo lại thường rất đắt tiền và nhanh chóng thay đổi khiến các cơ sở đào tạo khó theo kịp. Do vậy, hiện đang phổ biến tình trạng "tay không bắt giặc" trong đào tạo du lịch. Một số cơ sở chạy theo lợi nhuận nên chưa quan tâm thích đáng đến chất lượng, cơ sở vật chất và địa điểm chưa ổn định, còn phải thuê mướn…

Theo thông tin từ ông Đoàn Mạnh Cương (Vụ Đào tạo - Bộ VH, TT&DL), mục tiêu của ngành du lịchgiai đoạn 2011-2015 là đạt 620 nghìn nhân lực trực tiếp và 1,5 triệu nhân lực gián tiếp. Trong đó, 70-80% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước được đào tạo chuyên môn; 60-70% cán bộ quản lý ở doanh nghiệp và giám sát được bồi dưỡng chuyên sâu; 80% cơ sở đào tạo du lịch đáp ứng yêu cầu xã hội với 80-90% giáo viên được đào tạo và chuẩn hóa.

Thay đổi để hội nhập

Về những thách thức mà ngành đào tạo du lịch đang phải đối mặt, khó khăn lớn cản trở sự phát triển của ngành đào tạo du lịch chính là cơ chế, một trong số đó là vấn đề mã ngành. Hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có mã ngành riêng cho các ngành du lịch. Nghề hướng dẫn viên không có mã ngành đào tạo riêng mà nằm trong các ngành: Việt Nam học, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… Cũng theo PGS. TS Trần Đức Thanh, việc đưa chương trình đào tạo hướng dẫn du lịch vào mã ngành Việt Nam học không chỉ làm cho chất lượng sản phẩm đầu ra (kiến thức sinh viên) không đáp ứng được yêu cầu của ngành Việt Nam học mà còn không đáp ứng đúng yêu cầu của ngành du lịch. Kết quả cũng không khả quan hơn nhiều đối với mã ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành...

Để hội nhập quốc tế thành công, nhân lực ngành du lịch Việt Nam cần sẵn sàng tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, trước hết là trong khu vực ASEAN. Họ phải được đào tạo với kỹ năng, trình độ chuyên nghiệp, có thể di chuyển và tìm được việc làm trong khu vực. Để làm được điều này, công tác đào tạo du lịch ở nước ta phải hướng tới tiêu chuẩn trình độ kỹ năng của khu vực, quốc tế và được thừa nhận rộng rãi.

Các chuyên gia đào tạo du lịch nói nhiều về một điểm yếu của các cơ sở đào tạo, đó là các trường thường chưa có một hay một vài xu hướng chuyên môn thế mạnh để tạo nên bản sắc, vị thế của trường, của khoa mình. Thực trạng này đang có chiều hướng được cải thiện song còn chậm và chưa hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đã có một vài đơn vị đã bắt đầu xác định hướng đi khá rõ, như khoa Du lịch của ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng hướng đi chiến lược cần tập trung là phát triển đào tạo sau ĐH cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cụ thể là nhanh chóng điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo thạc sĩ nghiên cứu, mở thêm chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng, hoàn thành đề án mở đào tạo tiến sĩ du lịch. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội triển khai đào tạo ngành văn hóa du lịch. Khoa Du lịch Viện ĐH Mở Hà Nội có thế mạnh là đầu ra có trình độ ngoại ngữ tốt. Bộ môn du lịch, ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh liên ngành để kết hợp nghiên cứu và đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội tới cùng thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.