Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn đà suy giảm khách du lịch: Đòi hỏi cấp bách

Lâm Vũ| 30/05/2015 06:37

(HNM) - Liên tiếp trong 11 tháng, lượng khách quốc tế vào Việt Nam suy giảm so với cùng kỳ những năm trước đó.

du khách quốc tế thăm Cồn Long (Bến Tre). Ảnh: Bảo Lâm


Suy giảm liên tiếp

Nếu như năm 2010, tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam đạt tới 34,8% thì đến năm 2011 chỉ là 19,1%, sang năm 2012 tụt xuống 13,9%, năm 2013 là 10,6% và năm 2014 chỉ còn 4%. Điều đáng nói, trong 4 tháng đầu năm 2015 lượng khách không những không tăng mà còn giảm 12,8%. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nếu như không có các biện pháp cấp bách để chặn đứng đà suy giảm này thì Việt Nam sẽ tụt hậu rất xa so với khu vực. Bởi lẽ, ngay tại Thái Lan, đất nước đang có diễn biến chính trị phức tạp nhưng lượng khách du lịch vẫn tăng trưởng 20% trong 4 tháng đầu năm. "Nếu như tháng 5 và tháng 6, tốc độ tăng trưởng xuống thấp hơn nữa thì rất nguy hiểm vì có thể kéo mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm giảm theo", ông Vũ Thế Bình đánh giá.

Với thị trường nội địa, theo thống kê, mức tăng là 10%/năm nhưng chưa thật sự ổn định. Bởi lẽ lễ hội ở nước ta diễn ra triền miên từ đầu năm đến nay, dẫn đến sự ngộ nhận khách tới dự lễ hội ở nhiều địa phương là khách du lịch. Ông Vũ Thế Bình cho biết: "Thực ra khách đi du lịch là khách có chi tiêu, đi theo kế hoạch của họ chứ không phải đi theo sự kích động của thị trường hay mang tính phong trào. Cần phải tách hai loại khách này thì mới đánh giá đúng mức tăng trưởng thật".

Trong khi khách quốc tế đến Việt Nam giảm thì lượng khách trong nước du lịch nước ngoài ngày càng tăng. Ví dụ, năm 2014, lượng khách Việt Nam sang Lào gấp 6,66 lần số khách Lào vào Việt Nam. Người Việt Nam sang Thái Lan gấp 2,26 lần lượng khách Thái Lan đến Việt Nam. Điều này có nghĩa du lịch Việt Nam đã thua trên sân nhà, nhiều người Việt Nam đã "quay lưng" với du lịch nội địa. Theo phân tích của VISTA, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Về khách quan là sự bất ổn ở khu vực Biển Đông và một số vùng trên thế giới như Nga, Ukraine; kinh tế thế giới có biến động, đặc biệt đồng USD tăng cao; euro, yên giảm sâu khiến nhu cầu du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới giảm. Bên cạnh đó, một số chính sách mới của Việt Nam cũng gây khó cho việc thu hút khách du lịch như chế độ visa mới, siết lại du lịch tàu biển... Nguyên nhân chủ quan là công tác xúc tiến du lịch của nước ta thiếu chuyên nghiệp do có quá nhiều cơ quan tham gia, làm mờ nhạt hình ảnh du lịch Việt Nam.

Miễn visa, giải pháp quan trọng

VISTA đề xuất một số giải pháp cấp bách, trong đó, quan trọng nhất là đổi mới chính sách thị thực nhập cảnh. Việt Nam cần tiếp tục có chính sách miễn visa cho một số thị trường trọng điểm, trước mắt là cho các thị trường hàng đầu gồm Anh, Đức, Australia, Pháp để kích thích thị trường. Sự thông thoáng trong việc cấp visa được cả thế giới khẳng định là biện pháp quan trọng nhất nhằm thu hút khách du lịch. Hiện tại, Singapore miễn thị thực đơn phương cho công dân 158 quốc gia, với Philippines là 157, Malaysia là 155, Lào là 40 và Campuchia là 19 quốc gia. Trong khi đó, con số này với Việt Nam chỉ là 16 quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours cho biết, theo phản ánh của các hãng đối tác, thủ tục cấp visa của Việt Nam khá phiền phức, lệ phí lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. "Ngoài 45 USD lệ phí cứng thì còn nhiều khoản chi khác, nhiều khi du khách mất tới 100 USD mới nhận được visa" - bà Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định. Đồng quan điểm trên, ông Trần Khang Thụy, đại diện lữ hành Exotisimo cũng cho rằng, các quy định thị thực hiện nay và hệ thống xử lý visa của Việt Nam phức tạp nhất Đông Nam Á. Nhiều quốc gia khác cũng có những yêu cầu về thị thực nhưng họ có một hệ thống xử lý visa rất hiệu quả và thân thiện với khách hàng. Đối với Lào và Campuchia, khi đến cửa khẩu và thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền mặt là có được thị thực. Indonesia thu lệ phí visa khi họ đóng dấu vào hộ chiếu. Myanmar hiện nay cũng có một hệ thống E-visa (visa điện tử) mới chạy trực tuyến, việc thanh toán được thực hiện bằng thẻ tín dụng, rất nhanh chóng và dễ dàng.

Để thu hút du khách, VISTA kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách giảm thuế đất cho các khách sạn, resort, giải quyết việc tính tiền điện nước cho các khách sạn như đối với các doanh nghiệp công nghiệp chứ không tính bằng với khu bán hàng, vui chơi giải trí buổi tối như hiện nay. VISTA cũng đề nghị triển khai một số biện pháp như đã từng áp dụng vào năm 2009, đó là miễn VAT cho doanh nghiệp du lịch, lùi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí visa cho khách quốc tế để chặn đứng đà suy giảm khách quốc tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn đà suy giảm khách du lịch: Đòi hỏi cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.