Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi thế chưa được phát huy

Lâm Vũ| 26/06/2015 06:43

(HNM) - Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010 nhưng cho tới nay Hoàng thành Thăng Long, nơi chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử to lớn được cả thế giới ghi nhận, vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa thu hút đông đảo khách du lịch.

Khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Bảo Lâm



Lượng khách tham quan khiêm tốn

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long bao gồm: Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu trung tâm Thành cổ Hà Nội, là bộ phận quan trọng nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Toàn bộ khu di sản là trung tâm của Cấm thành, nơi ở và làm việc của vua và hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử thăng trầm của kinh đô Thăng Long. Đây cũng chính là tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1954-1975). Đồng thời, đây còn là khu di tích khảo cổ học độc đáo, phát lộ hàng nghìn di vật hấp dẫn có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cao, giúp du khách tìm hiểu văn hóa truyền thống và bề dày lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Trên thế giới, hiếm có một khu di tích khảo cổ học rộng lớn và có nhiều tầng lớp văn hóa đan xen, chồng xếp lên nhau như Hoàng thành Thăng Long.

Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu, được ghi nhận ở những đặc điểm vô cùng độc đáo với sự giao thoa các giá trị văn hóa, nhân văn và kiến trúc đô thị suốt hàng nghìn năm lịch sử. Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng những di tích và dấu tích còn nằm sâu trong lòng đất đã chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khu di sản nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội, thuận tiện cho việc kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác như Lăng Bác, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu phố cổ Hà Nội, Tháp Rùa, quần thể danh thắng Hồ Tây, làng cổ Đông Ngạc... Không gian khu di sản rộng rãi, thoáng mát, cảnh quan đẹp, thích hợp với những tour, tuyến du lịch hướng đến văn hóa truyền thống, tìm hiểu lịch sử cũng như thưởng ngoạn cảnh quan, trải nghiệm đời sống hoàng cung.

Với diện tích hơn 18,3ha, khu di sản có đủ khả năng để đón tiếp một lượng khách du lịch lớn. Cụ thể, theo khảo sát của các chuyên gia Pháp, Khu Thành cổ có thể tiếp đón 5.000 người/ngày, ở khu khảo cổ là 1.500 người/ngày. Kể từ khi mở cửa lần đầu tiên vào năm 2004, Khu di tích Thành cổ Hà Nội đã thu hút được một lượng khách tham quan đáng kể, 200.000 lượt/tháng. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng đã thu hút 300.000 lượt người/tháng. Theo thống kê, trong năm 2013, khu di sản đã đón khoảng 120.000 lượt khách tham quan, năm 2014 là hơn 160.000 lượt. Khách trong nước chủ yếu là người cao tuổi và sinh viên. Số lượng khách quốc tế tuy ổn định (chiếm khoảng 20% tổng số khách) nhưng vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng của khu di sản.

Thiếu sản phẩm đặc trưng

Nhận xét về Hoàng thành Thăng Long, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist cho biết, là doanh nghiệp quan tâm đến dịch vụ gia tăng, nhưng dịch vụ tại Hoàng thành quá ít và nghèo nàn. Còn ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours cho biết: "Thực sự là Hoàng thành Thăng Long chưa gây được ấn tượng mạnh. Khách du lịch chỉ biết về Hoàng thành qua lời thuyết minh viên chứ nhìn bằng cách trực quan thì rất khó cảm nhận, tưởng tượng. So với điểm đến khác thì Huế rõ ràng dễ hình dung hơn Hoàng thành. Mặt khác, việc thuyết minh vẫn chưa sâu, khách muốn tìm hiểu thêm thông tin thì không được đáp ứng". Theo ông Nguyễn Công Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, công tác nghiên cứu về những giá trị của di tích hiện mới đang ở giai đoạn đầu, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch nên các doanh nghiệp không mặn mà kết nối tour tham quan. Sản phẩm phục vụ khách cũng chưa có nhiều, mới ở dạng sơ khai. Hầu hết các điểm khách đến tham quan là những vị trí khảo cổ, hiện vật sẵn có, thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Cũng theo ông Nguyễn Công Trường, việc chưa nhất thể hóa quản lý khu di sản là một rào cản cho việc kết nối toàn bộ tuyến tham quan, phục vụ du khách. Công tác lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị khu di tích cũng chưa hoàn thành nên chưa có sự đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã và đang cố gắng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch như Lễ hội Xuân, triển lãm hoa, cây cảnh nghệ thuật; trưng bày hiện vật, cổ vật quý... nhưng những hoạt động mang tính biểu tượng hoàng cung chưa được khai thác để tạo nét hấp dẫn riêng. Công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu di sản chưa thường xuyên, chưa có chiến lược quảng bá tập thể, tập trung xây dựng thương hiệu. Thực tế, so với các điểm đến khác như Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... thì Hoàng thành Thăng Long ít được biết đến hơn.

Theo ông Lê Minh Tú, Phó Giám đốc Lạc Hồng Travel, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thuyết minh, tạo sức hấp dẫn cho khách đến tham quan thì một trong những giải pháp để thu hút khách du lịch là tuyên truyền quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả trong và ngoài nước để khách du lịch biết đến Hoàng thành Thăng Long. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong khi chưa phục dựng được Điện Kính Thiên thì cần khẩn trương phục dựng các lễ hội truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long như: Lễ hội đèn Quảng Chiếu, lễ lên ngôi vua, lễ phong quan, lễ mừng thọ, mừng chiến thắng... để Hoàng thành trở nên sống động và thu hút khách du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi thế chưa được phát huy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.