Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Rằng hay thì thật là hay!

Lâm Vũ| 04/07/2015 06:22

(HNM) - Sau nhiều năm chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, đề xuất thì cuối cùng Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (VTF) đã hình thành sau khi Chính phủ phê duyệt.


"Đòn bẩy" quan trọng để bứt phá

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ VH,TT&DL về một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt Nam, trong đó có việc thành lập VTF. Đây được xem là một trong ba giải pháp cùng với miễn visa và đào tạo nguồn nhân lực để tạo đà cho du lịch phát triển trong thời kỳ mới. Dự kiến, VTF sẽ có kinh phí 2.000-2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập. Trong hai năm đầu, nguồn thu chủ yếu trích từ tiền lưu trú mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000-20.000 đồng/khách/đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Từ năm thứ ba, sẽ áp dụng đối với tất cả khách sử dụng dịch vụ lưu trú và tất cả các loại hình cơ sở lưu trú, bao gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, Quỹ còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

Du lịch Việt Nam hiện đang đối mặt với khó khăn do lượng khách quốc tế sụt giảm. Ảnh: Khải Hòa


Trong bối cảnh ngành du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, còn công tác xúc tiến du lịch bị đánh giá manh mún, thiếu chuyên nghiệp do thiếu kinh phí từ nhiều năm qua thì việc thành lập VTF để hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực… được đánh giá là một trong những "đòn bẩy" quan trọng để du lịch bứt phá. Ông Vũ Chính Đông, Phó Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội đánh giá, hiện nay Nhà nước đã có quỹ dành cho xúc tiến du lịch từ ngân sách, nhưng kinh phí rất hạn hẹp, khiêm tốn. Vậy nên, việc các doanh nghiệp (DN) đóng góp, chia sẻ khó khăn với Nhà nước là điều cần thiết để giúp cho công tác xúc tiến quảng bá ngày càng tốt hơn, khuếch trương hình ảnh du lịch quốc gia. Việc quảng bá hình ảnh du lịch sẽ mang lợi ích chung cho cả đất nước, trong đó có DN.

Không ít băn khoăn

Hầu hết các DN, chuyên gia du lịch đều công nhận việc thành lập VTF là cần thiết, tuy nhiên cách thức thu quỹ và vận hành như thế nào lại khiến nhiều người băn khoăn, đặc biệt là đối với đề xuất thu chủ yếu từ tiền lưu trú mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000-20.000 đồng/khách/đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Không ít người cho rằng, quy định này là bất hợp lý trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế, đồng thời đã phải chịu nhiều khoản phí và thuế.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Thăng Long GTC, đơn vị sở hữu một số khách sạn lớn trên địa bàn Hà Nội cho rằng, cách thức thu quỹ trước mắt chỉ nhằm vào khách quốc tế lưu trú trong khách sạn 3 sao trở lên sẽ tạo ra sự khác biệt trong cách đối xử giữa khách quốc tế và nội địa cũng như thiếu sự công bằng giữa hình thức kinh doanh khách sạn 3 sao trở lên với những đơn vị lữ hành, kinh doanh lưu trú khác. "Tôi không đánh giá 1 đô la là nhiều hay ít, mà cho rằng việc áp dụng quy định này thì cái "mất" sẽ lớn hơn cái "được". Cái "được" là có được khoảng 1 đô la/đêm/ khách quốc tế, tuy nhiên cái "mất" là hình ảnh, uy tín của khách sạn cũng như của du lịch Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Theo tôi, chúng ta có thể nghiên cứu hướng điều chỉnh bằng thuế hoặc phí để có sự đại trà hơn và không có sự phân biệt đối xử quá rõ giữa các loại hình kinh doanh khác nhau" - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Dũng, nếu quy định này thành hiện thực thì sẽ có nhiều DN lựa chọn giải pháp "chịu thiệt" để đóng khoản phí này, chứ không thu của khách hay đối tác để giữ uy tín.

Tuy nhiên, điều khiến hầu hết các DN và chuyên gia lấn cấn hơn cả là VTF sẽ hoạt động như thế nào để bảo đảm minh bạch và hiệu quả. Ông Nguyễn Thái Dũng băn khoăn: "Khi chúng ta có nguồn thu rồi, nhưng nếu Quỹ sử dụng không hiệu quả thì sẽ dẫn đến sự lãng phí công sức của DN, của du khách và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của du lịch Việt Nam. Tôi cho rằng nên duy trì quỹ này trong một khoảng thời gian nhất định, không nên kéo dài quá bởi thực tế mỗi DN và khách du lịch cũng đã đóng góp thông qua các khoản thuế rồi".

Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: "VTF của một quốc gia cần có đề án rất cụ thể về cách thức thành lập và sử dụng quỹ. Trong đó, cần có sự đóng góp ý kiến từ cơ quan quản lý, chuyên gia du lịch cũng như bản thân DN - những người có trách nhiệm đóng quỹ và hưởng lợi ích từ quỹ này". Ngoài ra, VTF là quỹ của quốc gia, do vậy đơn vị quản lý và vận hành đương nhiên phải do cơ quan quản lý nhà nước đảm trách, nhưng cần có sự tham gia giám sát của cơ quan khác. "Tôi nghĩ khi triển khai một cách bài bản, cụ thể, rõ ràng thì cũng không khó khăn gì trong việc lập ra VTF cũng như triển khai công tác xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam" - ông Phùng Quang Thắng góp ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Rằng hay thì thật là hay!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.