Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm nét Hà Nội

Vũ Hoa| 03/10/2015 07:13

(HNM) - Phát biểu tại lễ công bố quyết định thành lập Sở Du lịch Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Thành phố mong muốn đến năm 2020, du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...


Vậy ngành Du lịch Hà Nội sẽ làm gì để đạt được mục tiêu trên? Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết:

-Trong những năm qua, du lịch thành phố đã khẳng định vai trò là một ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Giai đoạn 2010-2015, mặc dù kinh tế nói chung lâm vào tình trạng suy thoái, nhưng ngành Du lịch Thủ đô có những bước phát triển đáng khích lệ. Cụ thể, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân hằng năm trên 10%; năm 2014 đạt 15,4 triệu lượt khách nội địa, 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 2 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng khoảng 40% của cả nước. Trong 9 tháng năm 2015, mặc dù lượng khách du lịch cả nước giảm nhưng lượng khách đến Hà Nội vẫn tăng. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.229.544 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 12.780.000 lượt, tăng 6,5%. Bên cạnh đó, Thủ đô liên tiếp được các tổ chức có uy tín trên thế giới đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố vẫn mong muốn ngành phát huy nhiều hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trên các phương diện nguồn lực, tài nguyên, tiềm năng, giá trị lịch sử văn hóa…

Sở Du lịch Hà Nội mới được thành lập nên còn non trẻ. Song, chúng tôi sẽ phát huy cao nhất trí tuệ của cán bộ, công nhân viên toàn ngành, nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách, khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khách du lịch quốc tế tìm hiểu và tham quan nhà cổ 87 Mã Mây. Ảnh: Nguyệt Ánh


- Hà Nội có tới 5.000 di tích (chiếm 40% tổng số di tích của cả nước), trong đó có rất nhiều di tích có giá trị. Nhưng, du lịch lịch sử văn hóa thường không được yêu thích bằng các loại hình du lịch khác. Vậy trong thời gian tới, Hà Nội sẽ làm gì để thu hút du khách đến với loại hình du lịch này?

- Hà Nội có nhiều tài nguyên du lịch, song thế mạnh lớn nhất là các di tích lịch sử, văn hóa. Chính vì vậy, sản phẩm chủ lực của du lịch Hà Nội vẫn là du lịch văn hóa. Cụ thể, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ định hình các gói sản phẩm du lịch quanh khu vực Hồ Tây và khu Phố cổ. Hiện nay cảnh quan thiên nhiên quanh hồ đã được cải tạo, nơi đây cũng có nhiều di tích nổi tiếng, đặc biệt, số lượng người nước ngoài sinh sống khá đông nên Hồ Tây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đầu tư cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội…; xây dựng đề án phát huy không gian lễ hội Gióng… Chúng tôi tin tưởng rằng, những việc làm cụ thể trên sẽ dần tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa mang đậm nét Hà Nội.

- Vừa qua, các món ăn của người Hà Nội như: Phở, bún thang, nem rán... liên tiếp được các trang web, các tổ chức uy tín trên thế giới vinh danh và được du khách nước ngoài say mê. Vậy Hà Nội có ý định phát triển loại hình du lịch ẩm thực?

- Trong xu thế phát triển đa dạng của du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai hỗ trợ, phục vụ nhu cầu ăn uống mà đã trở thành mục đích chính cho chuyến đi của không ít du khách. Những năm qua, ẩm thực Hà Nội đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành khai thác, xây dựng thành những tour, tuyến chuyên biệt như tổ chức tour đến những cơ sở chế biến thực phẩm, đưa khách đến các lễ hội ẩm thực dân gian tham quan thi nấu cơm, nấu cỗ, giã giò...; tổ chức cho khách đi chợ mua thực phẩm, học cách chế biến các món bún thang, bún ốc, phở, bánh tôm Hồ Tây, các loại chè... và thậm chí học cách thưởng thức món ăn đặc trưng của Hà Nội. Nhận thức rõ vai trò của ẩm thực trong hoạt động du lịch Thủ đô, ngay từ năm 2001, Hà Nội đã quy hoạch phố ẩm thực trên phố Tống Duy Tân và Cấm Chỉ để phục vụ du khách. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang xúc tiến triển khai xây dựng tuyến phố ẩm thực nằm trong không gian đi bộ mở rộng tại khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội và hoạt động mở đầu cho chương trình này là việc phố ẩm thực Hàng Buồm chính thức đi vào hoạt động. Trong những năm tới, du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác quảng bá, xúc tiến văn hóa ẩm thực Hà Nội tại các sự kiện văn hóa, du lịch ở trong và ngoài nước; xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp thiết kế tour khai thác hiệu quả truyền thống nghệ thuật ẩm thực Thủ đô...

- Gần đây, tình trạng "chặt chém" du khách xuất hiện trở lại, gây bức xúc trong dư luận. Với cương vị người đứng đầu ngành Du lịch Thủ đô, ông sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này tái diễn?

- Theo tôi, những vụ "chặt chém" nêu trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua hoàn toàn xuất phát từ các cá nhân đơn lẻ. Tuy là số ít, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Thủ đô. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, chính vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng này cần sự vào cuộc của nhiều ngành liên quan, song, trách nhiệm của ngành Du lịch vẫn lớn nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các ban, ngành xử lý nghiêm những vi phạm xảy ra. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về đường dây nóng để hỗ trợ du khách khi cần thiết.

- Cảm ơn ông và chúc Sở Du lịch Hà Nội gặt hái được nhiều thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm nét Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.