Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao chịu lép vế?

Lâm Vũ| 19/11/2015 06:23

(HNM) - Sử dụng trang thiết bị Việt Nam trong các cơ sở lưu trú du lịch mang lại lợi ích cho cả hai phía - nhà sản xuất và bên sử dụng, nhưng tại các cơ sở lưu trú trên cả nước hiện nay, đặc biệt là các khách sạn cao cấp, vị thế của hàng Việt Nam còn rất khiêm tốn.


"Khách sang" ngoảnh mặt

Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, nếu như năm 1990 Việt Nam có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch với 16.700 buồng thì đến tháng 6-2015, con số trên là 18.600 (tăng 53 lần) với 355.000 buồng (tăng 21 lần), trong đó có hơn 700 khách sạn 3-5 sao. Sự bùng nổ về số lượng cơ sở lưu trú đồng nghĩa với tăng nhu cầu mua sắm trang thiết bị lắp đặt tại những cơ sở này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam hầu như không tận dụng được cơ hội này. Đến nay, dù chưa có kết quả khảo sát chính thức nhưng theo nhận định của các chuyên gia du lịch, hàng hóa Việt Nam hầu hết chỉ được sử dụng trong các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống.


Khách sạn Marriott Hà Nội, một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc khách sạn 3 sao Eastin Easy GTC Hanoi cho biết, khách sạn có sử dụng hàng Việt Nam như chăn, ga, gối, đệm, giường; bàn ghế của Xuân Hòa, đồ mỹ phẩm đặt phòng của Việt Phúc. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu vẫn chiếm tới 50%. Đó là những mặt hàng mà các nhà sản xuất trong nước không sản xuất được hoặc chất lượng chưa được khẳng định trong ngành khách sạn như: Máy xay sinh tố, bếp từ, máy pha cà phê, các loại vật dụng cho đồ buffet, đồ dùng inox cho nhà hàng; những sản phẩm nhập khẩu có chất lượng tốt hơn hàng nội nhưng giá cả lại ngang nhau như bát, đĩa, li, cốc...

Tại resort 5 sao Pullman Da Nang Beach Resort cũng có một số mặt hàng Việt Nam như đồ thủ công mỹ nghệ, văn phòng phẩm, đặc biệt là chăn, ga, gối, đệm của Hanvico. Tuy nhiên, với các mặt hàng nội thất hoặc những sản phẩm cần tính thời trang, sự tinh tế và chất lượng cao cấp thì resort vẫn lựa chọn hàng nhập khẩu từ Malaysia, Singapore…

Bà Thạch Ngọc Mai Khanh, Phó phòng Kinh doanh Hanvico chia sẻ, thương hiệu Hanvico đã được nhiều tập đoàn khách sạn 4-5 sao thế giới như Accor Group (Metropole Plaza Hanoi, Sofitel Plaza Hanoi...), IHG Group (Inter Continental Asiana Saigon, Inter Continental Plaza Hanoi...)... chấp nhận nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm vào các cơ sở lưu trú. Nguyên nhân chủ yếu là các khách sạn từ 1 đến 3 sao chưa chú trọng đến các tiêu chuẩn chất lượng, thường chọn những sản phẩm giá rẻ nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu, khi đi vào kinh doanh thì mới thay đổi theo kiểu cuốn chiếu. Trong khi đó, các dự án lớn có nguồn vốn đầu tư nước ngoài thường có xu hướng sử dụng các thương hiệu quốc tế trong giai đoạn xây dựng ban đầu. "Ngoài ra, các khách sạn cao cấp rất sợ thay đổi nhà cung cấp vì nếu chọn lựa không chuẩn thì rất dễ ảnh hưởng đến uy tín của khách sạn. Bộ phận thu mua của khách sạn thường trung thành với những nhà cung cấp uy tín, chỉ khi nào khách sạn yêu cầu giảm chi thì họ mới tìm nhà cung cấp khác", bà Thạch Ngọc Mai Khanh chia sẻ.

Điều đáng quan tâm là hàng Việt Nam khó chen chân vào các khách sạn lớn ngay cả khi đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và giá thành. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện Công ty Minh Long, sản phẩm trong nước thường rẻ hơn, sản lượng cung nhiều và đáp ứng nhanh hơn sản phẩm ngoại nhập vì không tốn chi phí và thời gian vận chuyển, nhưng vẫn rất khó được các khách sạn chấp nhận. Điều này xuất phát từ tâm lý "chuộng ngoại", người Việt Nam thường đánh giá các sản phẩm nhập ngoại cao hơn sản phẩm trong nước dù kiểu dáng và chất lượng như nhau.

Cần sự thay đổi về chất

Ông Nguyễn Viết Định, đại diện Pullman Da Nang Beach Resort cho rằng, nhìn chung, hàng Việt Nam thiếu sự đa dạng, từ mẫu mã, kiểu dáng đến màu sắc; chế độ hậu mãi rất kém nên khó đáp ứng yêu cầu của những khu resort cao cấp… Với những cơ sở lưu trú cao cấp, nhất là các khách sạn, resort 5 sao, giá cả không phải là vấn đề lớn nhất. Họ sẵn sàng chi tiền đầu tư một lần để sắm những trang thiết bị, sản phẩm cao cấp phục vụ khách hàng bởi đối tượng khách mà họ hướng đến đều là những khách hàng sang trọng, không ngại chi tiền. "Khi sử dụng hàng ngoại, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng, chế độ bảo trì, chăm sóc khách hàng cũng như hậu mãi. Điều này thì phía cung ứng hàng Việt Nam hầu như chưa làm được", ông Nguyễn Viết Định cho biết.

Đại diện một khách sạn lớn ở Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang thực hiện chính sách mở cửa thông thương với thế giới, sản phẩm của nước ngoài vào thị trường Việt Nam rất nhiều. Để có được một chỗ đứng trong các cơ sở lưu trú, nhà sản xuất trong nước phải nhanh chóng cải tiến sản phẩm, làm sao đạt tới tiêu chí tốt về chất lượng, đẹp, đa dạng về mẫu mã và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo.

Ở một khía cạnh khác, theo bà Thạch Ngọc Mai Khanh, để khuyến khích các khách sạn sử dụng hàng Việt Nam, chúng ta cần có những buổi tọa đàm giữa các nhà sản xuất với khách sạn để giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm trong nước. Cần có chính sách khuyến khích phía lữ hành ưu tiên đưa khách tới các khách sạn có dùng hàng Việt Nam; tổ chức hội chợ chuyên về sản phẩm dành cho khách sạn… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng cần có các chiến dịch tuyên truyền tới từng khách sạn, thay đổi phương thức tiếp cận, chào hàng, chẳng hạn như cho khách sạn dùng thử hàng nội để họ có thể đưa ra so sánh, thấy được ưu điểm của việc dùng hàng Việt Nam. "Nếu các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả thấp hơn hoặc bằng thì chắc chắn các khách sạn sẽ sử dụng sản phẩm trong nước", bà Nguyễn Hồng Minh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao chịu lép vế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.