Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều “hạt sạn” ở phố đi bộ

Phương Nga| 28/11/2015 06:40

(HNM) - Từ khi đưa vào sử dụng, 6 tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội đã thật sự mang đến cho người dân, khách du lịch một điểm vui chơi, khám phá nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ở đây vẫn có những

Vé xe chặt chém, hàng rong làm phiền

20h tối thứ bảy, phố cổ trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Dường như, du khách đến với Thủ đô đều đổ về đây. Họ thong dong bước đi trên những tuyến phố, thưởng thức không khí rộn ràng của ngày cuối tuần vui vẻ.

Du khách vô tư hút shisha tại tuyến phố đi bộ.


Tuy nhiên, không phải tất cả du khách đến đây đều hài lòng. Vừa chạy xe máy đến đầu tuyến phố, anh Lê Anh đã được rất nhiều người vây lại chào mời gửi xe. Lần đầu tiên đến khu vực phố cổ, muốn hỏi thăm đến phố Đào Duy Từ để gặp người bạn, anh Lê Anh tấp lại ven đường hỏi thăm. Người chỉ đường cho anh cũng là người mời gửi xe nhanh nhảu: "Đây rồi, chỉ cần gửi xe ở đây đi bộ một tí là đến nơi thôi". Anh Lê Anh vào gửi xe, khi người trông xe tính giá 30 nghìn đồng. Anh Lê Anh thắc mắc vì giá gửi xe như vậy quá đắt. Người này đáp: "Đi khắp phố cổ, chỗ nào cũng thế thôi. Ngày cuối tuần, đều có giá 30 nghìn đồng". Đành chấp nhận cái giá "cắt cổ", tuy nhiên, đi được một đoạn, hỏi thăm tiếp, anh mới biết còn khá xa mới đến nơi cần tìm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vé gửi xe tại các điểm trông xe gần hồ Hoàn Kiếm có giá "mềm" hơn rất nhiều so với các điểm bên trong phố đi bộ. Tại đây, giá vé được ghi cụ thể là 3 nghìn đồng/xe đạp và 5 nghìn đồng/xe máy. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bức xúc là đến khi trả tiền thì thường bị thu 10 nghìn đồng/xe máy. Nhiều người thắc mắc về giá niêm yết và giá thực phải trả chỉ nhận được câu trả lời: "Ở đây là rẻ nhất rồi, không thích mời đi chỗ khác gửi". Chị Nguyễn Thanh Vân, một người gửi xe tại khu vực hồ Hoàn Kiếm nói: "Tôi biết giá gửi xe ở đây như vậy là "mềm" so với trong phố. Nhưng giá như họ cứ ghi ở bảng niêm yết là 10 nghìn đồng/xe, chúng tôi sẵn sàng trả. Cảm giác của tôi cứ như bị lừa gạt!".

Được biết, để phục vụ nhu cầu gửi xe máy của du khách, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Công ty cổ phần Đồng Xuân quản lý 25 điểm và Công ty Khai thác điểm đỗ quản lý 1 điểm trông giữ phương tiện, với tổng diện tích trên 2.000m2. Tuy nhiên, mỗi điểm trông xe được cấp phép có diện tích rất nhỏ (trừ điểm gầm cầu Chương Dương có diện tích 800m2), không đáp ứng nhu cầu của khách gửi xe vào giờ cao điểm. Vì vậy, một số hộ dân đã sử dụng những khoảng trống trên hè trước cửa nhà để trông xe với giá cao.

Ngoài dịch vụ trông xe, hàng rong cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người đến phố cổ. Ở các tuyến phố đi bộ, khách thích thú vây quanh các ca sĩ đường phố say sưa trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Đang mải mê trong không khí bình yên giữa lòng Thủ đô, anh Phạm Trọng Dũng ở TP Hồ Chí Minh bị rất nhiều gánh hàng rong quây lại. "Lúc đầu là một cô mời bánh. Vì tui không muốn ăn nên không có mua, nhưng cô này nài ghê quá nên tui cũng vui vẻ mua một ít. Được một lát, tui liên tục bị làm phiền vì những người bán hàng rong sau đó. Tui biết họ cũng phải làm công việc của họ, nhưng thật sự không có hài lòng vì điều này", anh Dũng than thở. Không chỉ khách du lịch trong nước, nhiều người nước ngoài đến phố cổ là mục tiêu của gánh hàng rong. Họ thường cố tình lăn lóc, nài nỉ du khách mua hàng bằng được. Nhiều người mua giúp với vẻ không hài lòng. Nhiều khách nhất định không mua và bỏ đi với thái độ khó chịu.

Theo ông Nguyễn Song Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, hiện nay, vào mỗi tối cuối tuần, trong giờ hoạt động của tuyến phố đi bộ thường có khoảng 7 đến 10 xe đẩy hàng tạp hóa, hàng hoa quả dầm và ngô chiên bu bám tại các điểm tập trung đông người để mời chào bán hàng gây mất trật tự. Thời gian qua, Công ty cổ phần Đồng Xuân đã phối hợp với ngành Y tế, Công an phường Hàng Đào xử lý 16 trường hợp, tiêu hủy 2,1kg thịt, 3,5kg hoa quả dầm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với UBND, Công an phường Hàng Buồm xử lý 6 trường hợp hàng rong, phạt 2,5 triệu đồng.

Ông Tùng cho biết: Việc kiểm soát hàng rong là rất khó. Do địa bàn tuyến phố đi bộ mở rộng nằm trong khu dân cư, nhiều ngõ ngách nên một số đối tượng bán hàng rong, chủ yếu là người lao động ngoại tỉnh thường ẩn nấp chờ khi không có lực lượng bảo vệ là xông ra bán hàng. Để giải quyết tình trạng trên, công ty sẽ thay đổi phương thức quản lý: 6 tổ, mỗi tổ quản lý một tuyến phố đi bộ trong khu vực phố đi bộ mở rộng. Nhiệm vụ của các tổ gắn trách nhiệm cụ thể theo địa bàn được phân công. Công ty sẽ tăng cường kiểm tra các chốt, cương quyết không cho các xe đẩy hàng rong vào trong tuyến phố. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ tạm giữ phương tiện và chuyển cơ quan chức năng của phường xử lý.

Xe máy "tấn công",shisha nhả khói


Vừa tản bộ vừa ngắm không khí sôi động của phố cổ, những du khách Hàn Quốc giật mình khi có tiếng xe máy lao lại từ phía sau. Họ trố mắt ngạc nhiên không hiểu vì sao tuyến phố đi bộ lại có xe đi vào. Tương tự như vậy, tại nơi các ca sĩ đường phố biểu diễn thường có rất đông người tụ tập ở lòng đường. Đang say sưa nghe hát, nhiều người vội vã dẹp vào lề đường vì có xe máy chạy qua. Cũng có người lịch sự xuống xe, tắt máy dắt qua đám đông. Những chiếc xe máy đi vào phố cổ là của người dân sống trong khu vực này. Mặc dù được gửi miễn phí ở điểm gửi xe nhưng vì quá xa nhà, lại bất tiện nên họ phải đi xe máy vào trong phố đi bộ.

Tại khu vực phố cổ, hình ảnh những nhóm thanh niên tụ tập hút shisha - một loại thuốc lào Ả rập khiến nhiều người có ấn tượng không tốt. Các tuyến phố đi bộ, có rất nhiều tấm biển trà chanh shisha, cà phê shisha. Khói shisha bốc lên nồng nặc. Thanh niên tụ tập bên bàn shisha chuyển cho nhau một ống hút tập thể rồi lần lượt rít những hơi dài. Họ ngửa cổ nhả khói, tóc lắc lư, nhún nhảy theo những điệu nhạc sôi động.

Theo ông Nguyễn Song Tùng, mỗi tối cuối tuần có khoảng 30 cửa hàng có bán mặt hàng này. Các bình hút shisha có giá từ khoảng 150 đến 250 nghìn đồng/bình cho 4-5 người hút. Việc bày bán shisha trên phố cổ là công khai nhưng khiến du khách mất cảm tình. Chị Nguyễn Thị Thu Hương ở Khánh Hòa cho biết: "Phố cổ là nơi mà từ kiến trúc, âm nhạc, ẩm thực đều rất truyền thống, đậm chất văn hóa. Hình ảnh những bạn trẻ ngồi hút shisha rồi hò hét làm tôi thấy ghê ghê. Nó không phù hợp chút nào với không gian phố cổ". Về vấn đề này, ông Tùng phân trần: "Chúng tôi cũng thấy bày bán shisha là không phù hợp, lại ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh. Tuy nhiên, đây không phải mặt hàng cấm. Rất mong các cơ quan nhà nước ban hành quy định về mặt hàng này để công ty có cơ sở tuyên truyền, vận động bà con không kinh doanh, sử dụng shisha nữa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều “hạt sạn” ở phố đi bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.