Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Việt Nam năm 2016: Cơ hội và thách thức

Lâm Vũ| 01/01/2016 06:47

(HNM) - Năm 2016, Cộng đồng kinh tế, chính trị, an ninh ASEAN được hình thành, mở ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành Du lịch. Chúng ta nên tận dụng cơ hội cũng như đối mặt với thách thức từ sự kiện này như thế nào?

- Năm 2016, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế, chính trị, an ninh ASEAN và thỏa thuận MRA-TP có hiệu lực, xu hướng đi du lịch cũng như dịch chuyển nguồn nhân lực của các nước ASEAN sẽ như thế nào?

- Cơ hội mở ra là các thủ tục rào cản trong việc đi lại giữa 10 nước ASEAN sẽ được gỡ bỏ giúp khách có thể tự do đi lại. Vì vậy, luồng khách từ các thị trường đi du lịch lẫn nhau sẽ gia tăng. Đây là cơ hội cho ngành Du lịch phát triển, nhưng cũng là thách thức khả năng đáp ứng của ngành, bởi các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... có lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ nhân lực du lịch của Việt Nam dù đã trưởng thành, nhưng không nỗ lực để nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng, thái độ phục vụ... thì sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ. Chính vì vậy, ngành Du lịch phải có những chiến lược rõ ràng, tăng cường đào tạo lao động theo hướng chuyên nghiệp; đồng thời các doanh nghiệp phải chủ động tổ chức đào tạo để nhân viên của mình đáp ứng được yêu cầu làm việc trong tình hình mới và người lao động cũng phải tự nâng cao trình độ để tránh mất việc làm.

Du khách quốc tế tham quan Hà Nội. Ảnh: Linh Ngọc


- Vậy, chúng ta phải làm gì để cạnh tranh với các nước trong khu vực có ngành Du lịch phát triển?

- Việt Nam phải làm rất nhiều việc, trong đó phải có sự phối hợp tốt hơn giữa Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để phát triển du lịch một cách đồng bộ về thủ tục cho du khách, thái độ của nhân viên ở cửa khẩu, cơ sở dịch vụ liên quan đến du lịch… bởi những yếu tố này chúng ta đang yếu hơn các nước bạn. Đặc biệt là đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực dịch vụ cũng như công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Thái Lan, Singapore, Malaysia... mỗi năm dành hàng trăm triệu USD cho xúc tiến quảng bá, nhưng chúng ta chỉ có 1-2 triệu USD mà lại được thực hiện phân tán, rất kém hiệu quả.

- Đối với thị trường khách tôn giáo đến từ Ấn Độ, Malaysia… mà du lịch Việt Nam đang hướng tới thì cần phải chuẩn bị như thế nào để phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách, thưa ông?

- Gần đây, chúng ta bắt đầu quan tâm đến thị trường Ấn Độ, bởi đây là thị trường lớn và triển vọng trong tương lai. Song, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam còn hạn chế, các khách sạn 3-5 sao hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của họ về ẩm thực. Với thị trường Malaysia cũng vậy. Tuy nhiên, nếu những dòng khách này đến Việt Nam tăng đột biến, thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác, vì chúng ta đang thiếu những nhà hàng dành cho dòng khách tôn giáo…

- Trong xu hướng chung của thế giới, du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển. Theo ông, Việt Nam phải đa dạng hóa loại hình du lịch này như thế nào?

- Các loại hình du lịch trải nghiệm đòi hỏi sự sáng tạo của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch. Tôi cho rằng, gần đây những điểm đến mới nổi cũng đã đáp ứng được phần nào yêu cầu này. Chúng ta đã có nhiều sáng kiến: Trở thành ngư dân hay nông dân để trồng rau trên những cánh đồng, hoặc tát nước bắt cá ở Đồng bằng sông Cửu Long, đi hái quả ở vùng núi... Hiện tại, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đang nghiên cứu các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc... nhằm phát hiện ra những thứ đặc biệt, riêng có của các địa phương, từ đó có thể đưa ra một số dịch vụ du lịch trải nghiệm, có thể làm hài lòng du khách.

- Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam năm 2016: Cơ hội và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.