Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo đảo khỉ Cần Giờ

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 06/02/2016 07:32

(HNM) - Cách trung tâm TP Hồ Chí Minh không xa có một đảo khỉ với hơn 1.500 con khỉ sinh sống và đặc biệt là khỉ sống ở đây rất gần gũi với con người. Đảo khỉ Cần Giờ cũng đang được đầu tư khang trang hơn nhằm phục vụ người dân đến du lịch.


Hồi sinh từ vùng đất "chết"

Đảo khỉ có diện tích 2.014ha, thuộc Tiểu khu 17 nằm trong quần thể rừng phòng hộ Cần Giờ. Trong chiến tranh chống Mỹ, cả khu vực này bị tàn phá hoàn toàn bởi chất độc dioxin. Đến năm 1978, đơn vị quản lý vùng đất "chết" này tiến hành vừa trồng vừa tái sinh hệ thống rừng ngập mặn, nhằm khôi phục hệ sinh thái bản địa. Dần dần, vùng đất này có sức sống trở lại.

Khỉ Cần Giờ sống trong môi trường tự nhiên nhưng rất gần gũi với con người.


Ông Đặng Văn Đức - người được bà con ở đây xem là "cha đẻ" khu đảo khỉ - cho biết: Năm 1987, khu rừng này do Công ty Lâm Viên (trực thuộc huyện Cần Giờ) quản lý. Tuy nhiên, thời điểm ấy chưa phát hiện một loài động vật nào sinh sống ở đây, ngoại trừ một số loài thủy sinh. "Đến năm 1990, trong một lần đi khảo sát rừng, tình cờ tôi phát hiện được phân khỉ. Mừng quá, tôi lập tức quay về báo cáo lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho rằng không thể có loài động vật nào sống được giữa vùng đất vừa bị dioxin tàn phá. Việc có khỉ sinh sống thì lại càng hoang tưởng", ông Đức kể.

Đến năm 1992, cũng trong một chuyến đi rừng, ông Đức đã tận mắt được nhìn thấy khỉ trên cây từ xa. "Tuy nhiên, khi thấy bóng dáng con người, khỉ liền bỏ chạy mất tăm. Do vậy, mặc dù tận mắt thấy khỉ nhưng tôi không có cách nào để chứng minh với lãnh đạo rằng khu rừng này có khỉ", ông Đặng Văn Đức chia sẻ. Những ngày sau đó, nhiều lần ông Đức phải "vũ trang" như bộ đội để tìm cách "dụ" khỉ về. Mãi đến ba năm sau, tức năm 1995, ông Đức mới dụ được khỉ về đây. Lúc ấy, cả khu rừng chỉ có 250 con khỉ, gồm 3 bầy, được ông Đức đặt tên: Bầy Khe Dinh, bầy Khe Đôi Lớn và bầy Khe Đôi Bé. Điều bất ngờ không ai mong muốn xảy ra là chỉ một tháng sau, cả ba bầy khỉ đều bỏ đi hết. Cả đoàn của ông Đức liền tỏa nhau đi tìm, nhưng tìm hoài không thấy. May mắn, cũng đúng một tháng sau, chúng lại tự động quay về. "Khi quan sát bầy khỉ quay về, chúng tôi mới biết là nó đi sinh nở. Cũng từ đây, chúng tôi mới tin rằng khỉ đã ở lại vùng đất tưởng chừng không thể hồi sinh nổi", ông Đức nói.

Điểm đến hấp dẫn

Nếu những ai chưa từng đến TP Hồ Chí Minh, hoặc ở thành phố này không lâu, chưa có dịp đi nhiều sẽ rất khó hình dung cách trung tâm đô thị sầm uất bậc nhất cả nước không xa lại có một vùng đất hoang vu như khu "Đảo khỉ - Cần Giờ". Nơi đây hiện có khoảng 1.500 con khỉ gần như hoàn toàn sống trong môi trường tự nhiên hứa hẹn sẽ là một trong những điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn trong dịp Tết này. Khỉ ở đây được thỏa thích nô đùa, hòa mình trong rừng cây thiên nhiên. Điều đặc biệt, chúng rất hiếu động và sống gần gũi với con người.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Huy Hoàng, nhân viên khu Căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ (quản lý đảo khỉ) cho biết, khỉ ở đây khá lém lỉnh, chúng thấy du khách nào mang vật lạ liền lấy bằng được, sau đó chờ "nạn nhân" mua thức ăn để "trao đổi". Đặc biệt, khỉ ở đây thấy nước ngọt thì "mê" lắm. Cả khu rừng Sác này toàn nước mặn, nước ngọt cho khỉ uống rất hiếm.

Nhiều người vẫn nghĩ khỉ chỉ có thể ăn được lá và trái cây. Tuy nhiên, khỉ Cần Giờ lại có thể tự mò cua, bắt tép để ăn. Rừng phòng hộ Cần Giờ vốn là hệ sinh thái rừng ngập mặn, các loài thực vật chính tại đây chủ yếu là đước, mắm, vẹt... Chính vì vậy, trái cây thuộc loài cây ăn quả rất hiếm. Để tìm thức ăn cho mình, ngoài việc ăn lá cây, khỉ ở khu "đảo khỉ" Cần Giờ còn biết mò cua, còng (dã tràng), tôm, tép để ăn thay thế trái cây. Còn về nước uống, do sống trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nên nước ngọt rất hiếm. "Nhờ nhiều năm thuần dưỡng và chăm sóc chúng nên tôi để ý, để có nguồn nước ngọt uống, sáng sớm từng con khỉ tranh thủ liếm sương trên lá cây đọng lại", ông Đặng Văn Đức cho biết.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch tại huyện Cần Giờ. Cụ thể, UBND thành phố vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ từ 600ha lên 1.080ha. Theo quy hoạch này, đảo khỉ sẽ là một trong những địa điểm du lịch chủ đạo tại đây.

Ông Đặng Văn Đức cho biết, khỉ Cần Giờ thuộc loài khỉ Đòn Vong (đuôi dài). Theo ông Đức, có thể chúng còn sót lại một vài con sau chiến tranh, sau đó sinh sôi nảy nở và đây là loài khỉ bản địa. Thời đỉnh cao, cả khu "đảo khỉ" lên tới khoảng 3.000 con. Mỗi năm sau mùa sinh trưởng, số lượng khỉ tăng lên khoảng 10%. Tuổi đời của chúng trung bình khoảng 30-40 năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo đảo khỉ Cần Giờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.