Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điểm đến thú vị

Lâm Vũ| 06/02/2016 07:35

(HNM) - Tết Nguyên đán không chỉ là dịp các thành viên trong gia đình sum họp mà còn là cơ hội để mọi người đi du lịch, nghỉ ngơi sau một năm lao động. Tận dụng kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 9 ngày, nhiều gia đình đã lên kế hoạch thực hiện các chuyến du Xuân an toàn, lành mạnh, ý nghĩa.


Hấp dẫn du lịch miền Bắc...

Theo ông Lương Duy Ngân, Tổng Giám đốc Lữ hành New Star Tour, các tỉnh miền núi Tây Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai... là một lựa chọn hợp lý cho chuyến du lịch trong dịp tết Nguyên đán, đặc biệt đối với những bạn trẻ yêu thiên nhiên và ưa khám phá những điểm đến mới lạ. Sau những ngày đông lạnh lẽo, mùa Xuân là thời điểm hoa đào, hoa lê, hoa mận bung nở trắng đất trời Tây Bắc, chính vì vậy đây là dịp tốt để chứng kiến sức sống mãnh liệt của con người, cảnh vật thiên nhiên. Còn ngay tại Hà Nội, điểm đến được nhiều người yêu thiên nhiên và muốn tìm về quá khứ yêu thích là Vườn quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm. Hai điểm đến hấp dẫn này chỉ cách trung tâm Thủ đô chừng 60km và có thể đi trong ngày bằng ô tô hoặc xe máy.

Bảo tàng Dân tộc học sẽ tổ chức nhiều chương trình đặc sắc phục vụ người dân Thủ đô vui Xuân, đón Tết. Ảnh: Nhật Nam


Ngoài ra, Hà Nội cũng là nơi nổi danh trong cả nước với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc... và theo các chuyên gia du lịch, trẻ nhỏ rất thích được đi thăm những ngôi làng này. Đến các làng nghề, những người thợ thủ công sẽ trực tiếp thực hiện các công đoạn sản xuất sản phẩm, giới thiệu lịch sử làng nghề, quy trình sản xuất, thậm chí hướng dẫn du khách làm đồ gốm hay dệt lụa.

Bà Lê Thị Tuyết Hoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên đường Bảo Sơn cho biết, điểm vui chơi này sẽ mở cửa ngay từ 12h00 ngày 8-2 (tức ngày mùng 1 tết Nguyên đán). Đặc biệt từ ngày 11 đến 13-2, nơi đây sẽ diễn ra lễ hội hoa anh đào. Tại lễ hội, những nét văn hóa đặc sắc của đất nước Nhật Bản sẽ được tái hiện thông qua không gian và các trò chơi, hoạt động đầy sáng tạo. Ngoài ra còn có các khu trưng bày, triển lãm với khoảng 100 gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch, văn hóa, ẩm thực tiêu biểu của Nhật Bản và Việt Nam... hứa hẹn sẽ là điểm nhấn du lịch cuốn hút của Thủ đô. Một điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách khi tới Thủ đô không thể bỏ qua trong dịp Xuân đó là lễ khai hội Chùa Hương diễn ra vào mùng 6 Tết - một xuân hội độc đáo kéo dài đến hết mùa Xuân...

... Ấm áp du lịch phía Nam

Miền Trung với Huế - Đà Nẵng - Hội An là ba điểm đến liền kề và đẹp nổi tiếng. Tại Huế, điểm du lịch không thể bỏ qua là Đại Nội hay các điểm du lịch cổ kính như chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, Khải Định. Đà Nẵng đêm giao thừa năm nay có một điểm mới, đó là lần đầu tiên Cầu Rồng sẽ phun nước, phun lửa theo nhạc với 3 kịch bản âm thanh kết hợp với hiệu ứng ánh sáng có chủ đề: Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, Huyền diệu Sông Hàn và Nơi Rồng về khai hoa. Thành phố di sản Hội An dịp này có rất nhiều hoạt động hấp dẫn như hội đèn lồng; các trò chơi dân gian và trải nghiệm "tập làm và thả hoa đăng", "thử tài dán đèn lồng" rất phù hợp với không khí đầu Xuân năm mới.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Lửa Việt cho rằng, một điểm đến đáng dừng chân ở miền Trung dịp này là Phú Yên với ghềnh Đá Đĩa, biển Tuy Hòa, hải đăng Đại Lãnh - nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở đất liền Việt Nam. Phú Yên cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước không thu phí tham quan. Dịp tết Nguyên đán cũng là thời điểm hoa cà phê nở rộ nên đến Tây Nguyên cũng là một lựa chọn khó có thể bỏ qua. Những gia đình có người già, trẻ nhỏ và ưa thích biển thì nên đi "tránh rét" tại các thành phố biển đầy nắng như Nha Trang, Phan Thiết...

Là một thành phố sôi động bậc nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh xứng đáng là một điểm đến đáng được du khách ghé thăm nếu muốn tận hưởng bầu không khí Tết phương Nam ấm áp, độc đáo. Dịp Tết này, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều hoạt động như: hội hoa Xuân Tao Đàn từ ngày 3-2 đến 14-2 (25 tháng Chạp đến mùng 7 Tết); Đường hoa Tết tại phố đi bộ Nguyễn Huệ khai mạc tối 5-2 (27 Tết) và kéo dài 8 ngày... Tuy là một thành phố hiện đại, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn có những khu phố đặc biệt mang đậm không khí Tết truyền thống như phố Ông Đồ tại Cung Văn hóa Lao động Quận 1, chợ hoa Hồ Thị Kỷ, khu chợ hàng mã Quận 5...

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tour, với những du khách muốn khám phá Tết xa thì có thể về miền Tây, đây cũng là một lựa chọn thú vị. Những nơi du khách có thể ghé thăm là Khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre) khám phá cuộc sống dân dã miệt vườn của người dân địa phương, hay tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang), len lỏi qua những cánh đồng sen bằng chiếc Tắc ráng ngắm chim, cò làm tổ. Và cuối cùng là về với cực Nam của Tổ quốc khám phá rừng U Minh, thưởng thức những món đặc sản như cua biển, cá thòi lòi...

Vui Xuân Bính Thân

(HNM) - Từ 20h đến thời khắc giao thừa ngày 7-2 (Ba mươi Tết), sân khấu trung tâm ở tất cả các địa điểm tổ chức bắn pháo hoa sẽ đồng loạt sáng đèn biểu diễn phục vụ nhân dân. Tại sân khấu khu vực tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ biểu diễn các làn điệu chèo đặc sắc về mùa xuân; sân khấu trung tâm quận Cầu Giấy là địa điểm Đoàn Quan họ Bắc Ninh giới thiệu những làn điệu quan họ đặc trưng vùng Kinh Bắc với chủ đề “Duyên xuân trên quê hương”; sân khấu tại tượng đài vua Quang Trung trong Công viên Văn hóa Đống Đa là điểm biểu diễn chương trình xiếc và tạp kỹ của Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội...

Nhà hát Tuổi trẻ diễn chùm hài kịch “Tình yêu cười” với các tiểu phẩm “Qua sông”, “Đám cưới”, “Đêm tân hôn”, “Chim trắng mồ côi”, “Soi gương” vào tối 14-2 (tức mùng 7 Tết) tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

“Hội Xuân” với các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian của người Việt và các hoạt động tái hiện gian hàng Tết, tranh Tết, trang phục đón Tết, không gian thờ ngày Tết… còn mở cửa tại Hoàng thành Thăng Long (19 Hoàng Diệu, Hà Nội) đến hết tháng 2.

Triển lãm “Nét xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” với 200 tài liệu, hiện vật cổ, tư liệu, phim ảnh về 5 dòng tranh dân gian Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) đến hết ngày 16-2 (tức mùng 9 Tết).

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở chương trình “Vui Xuân Bính Thân 2016” vào ngày 13 và 14-2 (tức mùng 6 và mùng 7 Tết) tại sân bảo tàng (Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội).

Từ ngày 10 đến 15-2 (tức mùng 3 đến mùng 8 Tết) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ có chương trình “Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân” với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực truyền thống, tái hiện một số lễ hội đặc sắc chào đón năm mới của đồng bào các dân tộc cả nước.

Công viên Hồ Tây (614 Lạc Long Quân, Hà Nội) tổ chức chương trình “Tết yêu - Mừng Xuân Bính Thân và Valentine 2016” từ ngày 8 đến 18-2 (tức mùng 1 đến mùng 10 Tết), với các hoạt động: Lì xì lộc xuân, trò chơi dân gian nhảy sạp, đi cà kheo, nhảy bao bố, chợ quê ngày Tết, biểu diễn nghệ thuật dân ca, ảo thuật, nhảy K-pop…

Thu Hiền - Thụy Du

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm đến thú vị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.