Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia hội chợ du lịch quốc tế: Còn thiếu “nhạc trưởng”

Lâm Vũ| 23/04/2016 07:21

(HNM) - Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế không chỉ góp phần vào việc thu hút khách nước ngoài mà còn nâng cao nhận biết về hình ảnh du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.


Đã có tiến bộ

Tại cuộc tọa đàm "Nâng cao hiệu quả tham gia các hội chợ du lịch quốc tế", do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2016 mới đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch - Đinh Ngọc Đức cho rằng, những năm vừa qua, việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Tại Hội chợ ITB - Berlin (Đức), diễn ra vào tháng 3-2016, Tổng cục Du lịch đã đứng ra chủ trì gian hàng và trả chi phí thuê mặt bằng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam huy động doanh nghiệp xây dựng gian hàng. Kết quả là Việt Nam đã có một gian hàng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với diện tích 200m2, quy tụ 28 doanh nghiệp trong khuôn viên dành riêng. Ngoài hoạt động chính, các đơn vị tham gia còn có nhiều hoạt động bên lề như họp báo, tiệc cocktail, tiếp các đối tác lớn. Sự phản hồi của doanh nghiệp và các đối tác sau hội chợ này là khá tốt, hình ảnh du lịch Việt Nam được phản ánh rõ nét, các hoạt động tại hội chợ phong phú và rõ điểm nhấn hơn.

Quang cảnh Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2016. Ảnh: Mạnh Hùng


Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc lữ hành Pioneer Asia Holidays, công tác tổ chức tiền hội chợ của ngành Du lịch còn một số vấn đề. Cụ thể, các cuộc họp của doanh nghiệp trước hội chợ thường được tổ chức muộn, tại cuộc họp không có hình ảnh cụ thể về thiết kế gian hàng của doanh nghiệp. "Khi họp doanh nghiệp, chúng tôi muốn biết gian hàng đó như thế nào và hình ảnh Việt Nam tại hội chợ cần được tập trung thể hiện ra sao. Song, trong cuộc họp trước Hội chợ ITB - Berlin vừa rồi, chỉ có mặt bằng sơ đồ sơ sài chứ không có thiết kế 3D về hình ảnh hội chợ. Thế nên, khi đến hội chợ, trong số gần 30 doanh nghiệp tham gia chỉ có 10 doanh nghiệp được ra mặt tiền, số còn lại ở phía trong và kết quả là không có khách. Một số doanh nghiệp đã rất bức xúc, cho rằng không có sự minh bạch trong việc bốc thăm gian hàng" - ông Lê Anh Tuấn cho biết. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc APT Travel nói thêm rằng khâu đưa danh sách khách hàng cho các thành viên tham gia hội chợ thường được thực hiện quá muộn, hoặc không có.

Thực tế cho thấy việc tham gia hội chợ quốc tế hiện nay còn thiếu "nhạc trưởng". Hiện tại, có nhiều cơ quan có quyền chủ trì công tác tổ chức tham gia hội chợ, như Tổng cục Du lịch, Bộ VH,TT&DL, Sở Du lịch (hoặc Sở VH,TT&DL), các hiệp hội nhưng chủ đề hội chợ thì thường na ná nhau, gây lãng phí. Một số vấn đề khác: Không ít đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài không hợp tác với các doanh nghiệp du lịch; hệ thống khách sạn ở Việt Nam không hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, đồng nghĩa với việc các công ty lữ hành đi quảng bá không công cho các khách sạn.

Đổi mới từ khâu tổ chức

Một số doanh nghiệp cho rằng, khi tham gia hội chợ, phần thiết kế gian hàng rất quan trọng, đòi hỏi phải có kinh phí lớn. Tuy nhiên, kinh phí của Tổng cục Du lịch tương đối hạn hẹp, nguồn kinh phí của hầu hết doanh nghiệp cũng ở tình trạng tương tự bởi 80% doanh nghiệp du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Chính vì vậy, ngành Du lịch nên có cơ chế cho phép sử dụng lãi suất ngân hàng từ phần ký quỹ của doanh nghiệp để hỗ trợ việc tham gia hội chợ quốc tế.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc lữ hành Hanoitourist cho rằng, hiện nay, trên thế giới có tới mấy chục hội chợ du lịch, muốn tham gia hiệu quả thì cần nghiên cứu xem những hội chợ nào phù hợp với Việt Nam. "Theo tôi, khi họp đoàn, chúng ta phải thông báo kịch bản, các chương trình sẽ triển khai như giới thiệu sản phẩm, họp báo... Công tác tổ chức đoàn cũng nên có quy chuẩn, từ chuẩn bị giấy mời, visa, ăn ở, đi lại… để tạo ra sự minh bạch, chuẩn bị chu đáo, tiết kiệm. Kết thúc hội chợ, cần phải họp đoàn để tổng kết những việc đã làm được và chưa làm được, từ đó rút kinh nghiệm cho những lần tham gia sau" - ông Lưu Đức Kế nêu ý kiến.

Bà Lê Nguyễn Mai Hoa, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Tourism Hanoi kiến nghị: Ngoài những hội chợ quốc tế lớn như ITB - Berlin, JATA (Nhật Bản)... Việt Nam cần tận dụng một số hội chợ nhỏ để tăng cường thu hút khách Châu Âu. Bên cạnh đó, nên mở rộng thêm diện tham gia cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội tham gia thường niên bởi với thị trường nhỏ, cần tham gia ít nhất 3 năm liên tục thì mới rõ hiệu quả, nếu "tham gia rải rác" thì chẳng khác nào "ném đá ao bèo". Ngoài ra, sau hội chợ, cần tổ chức các đoàn khảo sát thị trường bởi đây mới là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi kỳ tham gia hội chợ. Nếu ngân sách tổ chức khảo sát thị trường của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch hay các hiệp hội hạn chế thì có thể kêu gọi xã hội hóa.

Tổng cục Du lịch hiện đang quản lý các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và được Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động này. "Về lâu dài, để Tổng cục Du lịch làm công việc này là không phù hợp bởi cơ quan này chỉ là đơn vị quản lý hành chính. Vì thế, theo tôi, Chính phủ nên tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch để việc tham gia các hội chợ quốc tế được chuyên nghiệp hóa" - ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.

Ông Vũ Thế Bình cũng cho biết, trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thành lập những nhóm inbound không cố định ở từng thị trường, từ đó xây dựng chiến lược cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tránh lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia hội chợ du lịch quốc tế: Còn thiếu “nhạc trưởng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.