Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch Thủ đô: Khai thác thế mạnh ẩm thực

Lâm Vũ| 19/06/2016 07:46

(HNM) - Các món ăn Việt Nam rất hấp dẫn và phong phú, đặc biệt là các món ăn gắn liền với Hà Nội như phở, bún chả, bún thang, nem rán, chả cá...

Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

- Gần đây, trang Telegraph của Anh đã xếp Hà Nội ở vị trí số 1 trong 16 thành phố có ẩm thực ngon và phong phú nhất thế giới, với các món ấn tượng như bún chả, cà phê trứng... Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Theo quan điểm của tôi, các món ăn Việt Nam rất hấp dẫn và phong phú, đặc biệt là các món ăn gắn liền với Hà Nội như phở, bún chả, bún thang, nem rán, chả cá... Những món ăn này đã tạo được dấu ấn riêng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến công du tại Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành thời gian thưởng thức các món ăn được cho là tinh hoa của ẩm thực Hà Nội, như bún chả và cốm Mễ Trì.

Phở gia truyền Bát Đàn nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Sự tôn vinh của thế giới tạo cơ hội và cả thách thức đối với việc phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Nói thách thức là bởi từ trước tới nay, ở nước ta, du lịch ẩm thực chưa được đầu tư một cách toàn diện. Hơn nữa, có thể nói, về mặt “kỹ thuật”, Việt Nam chưa có thương hiệu ẩm thực cho riêng mình. Tuy vậy, tôi cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm ẩm thực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.

- Ông cảm nhận thế nào về ẩm thực Hà Nội? Phải chăng nó tinh tế, cầu kỳ nhưng cũng rất bình dị?

- Ẩm thực Hà Nội là tập hợp tinh túy của những gì bình dị nhất. Những yếu tố có trong các món ăn đặc trưng của Hà Nội, cả cầu kỳ và đơn giản, kết hợp với nhau một cách hài hòa đã mang đến những rung cảm thú vị cho người thưởng thức. Từ bao đời nay, ông cha ta đã sử dụng các loại gia vị như hành, tỏi, ớt và rau thơm vào các món ăn rất phù hợp. Thêm vào đó là sự kỹ càng trong việc lựa chọn nguyên liệu cho các món ăn. Tất cả giúp tạo nên nét riêng, sự tinh tế của ẩm thực Hà Nội, của những món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến bạn bè quốc tế đang ngày một quan tâm nhiều hơn đến ẩm thực của thành phố chúng ta.

- Hà Nội đã chú trọng khai thác thế mạnh của ẩm thực để phục vụ phát triển du lịch hay chưa? Và nếu có thì việc này được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Những năm gần đây, loại hình du lịch ẩm thực đã được Hà Nội quan tâm. Ngày càng có nhiều khu phố ẩm thực, như Tống Duy Tân, Cấm Chỉ; các nhà hàng phục vụ khách du lịch nằm trong khu phố cổ như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ… Các khách sạn cao cấp của Hà Nội đều có nhà hàng Châu Á luôn phục vụ những món ăn tiêu biểu của Thủ đô. Các công ty lữ hành quốc tế chú trọng việc đưa khách đến các nhà hàng đặc sản Hà Nội, thậm chí tạo điều kiện cho du khách học nấu ăn cùng với các đầu bếp uy tín.

- Ông đánh giá thế nào về gợi ý của Philip Kotler, người được coi là cha đẻ của ngành marketing hiện đại, rằng “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”, nhất là đối với Hà Nội?

- Khách du lịch thường biết đến Việt Nam như một quốc gia có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và truyền thống văn hóa lâu đời, đó chắc chắn là một lợi thế của du lịch nước nhà. Nếu triển khai thành công ý tưởng “bếp ăn của thế giới” thì lợi thế đó sẽ được nâng lên, làm tăng tính hấp dẫn và mang đến cho du khách quốc tế một cái nhìn mới mẻ về Việt Nam. Philip Kotler đã sử dụng khái niệm “bếp ăn” thay vì “nhà hàng” hay “quán ăn”, có lẽ bởi ông hiểu rằng chính những căn bếp mới là linh hồn của nền ẩm thực Việt.

Tôi không nghĩ ý tưởng của Philip Kotler có gì đó mơ hồ, mà là rất phù hợp với điều kiện thực tế. Từ gợi ý này, chúng ta có thể đầu tư để nâng tầm lợi thế, tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh. Nhiệm vụ của ngành Du lịch là biến ý tưởng đó thành sản phẩm du lịch ẩm thực cụ thể và trao vào tay du khách.

- Dự thảo Nghị quyết về “Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đã chỉ rõ Hà Nội cần có kế hoạch, dự án, đề án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực. Vậy ông có thể cho biết những định hướng của Hà Nội để đưa ẩm thực trở thành sản phẩm đặc sắc của du lịch Thủ đô.

- Sở Du lịch Hà Nội đang tập trung tổ chức một số sự kiện như Liên hoan Ẩm thực đường phố (dự kiến tổ chức hằng tuần tại khu vực Hồ Tây), Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam (sự kiện thường niên, tổ chức vào tháng 10). Trong khuôn khổ những sự kiện đó, ngành Du lịch sẽ tổ chức giới thiệu nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của Hà Nội; tổ chức các buổi giao lưu trình diễn, chế biến món ăn đặc trưng của Hà Nội, của các địa phương và quốc gia khác.

Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục lựa chọn những món ngon, đặc sắc của ẩm thực Thủ đô, gắn với các nhà hàng cụ thể và đưa vào các chương trình hợp tác xúc tiến du lịch quốc tế, các chương trình giao lưu văn hóa như Tuần Văn hóa Hà Nội tại các nước... nhằm nâng cao hiệu quả giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô nói chung và du lịch ẩm thực nói riêng.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Thủ đô: Khai thác thế mạnh ẩm thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.